“Tôi lấy đầu mình để khẳng định đó không phải cây vàng tâm”
Ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) dám lấy đầu ra để khẳng định 100% cây trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải vàng tâm.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường và cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh.
100% không phải cây vàng tâm
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản chính thức trả lời 21 câu hỏi của các phóng viên đưa ra tại cuộc họp báo trước đó liên quan đến vấn đề chặt cây.
Văn bản này khẳng định, cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm – loại cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Trao đổi nhanh với chúng tôi, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) tái khẳng định: “Tôi xin nói lại với báo chí rằng, tôi có đủ bằng chứng về hình ảnh của hoa, thân, lá của cây vàng tâm.
Chuyện đó là không thể chối cãi được. Kể cả những cây trồng mới trong đêm vẫn là cây mỡ thôi!”.
Cây mới thay thế lần hai trên đường Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Dân Việt)
Trước lời khẳng định của Sở Xây dựng về “danh tính” của cây này, ông Cường nói thêm, những người nghiên cứu lâm nghiệp lâu năm chắc chắn nhìn cây là biết được mỡ hay vàng tâm.
Hơn nữa, trong buổi tọa đàm vài ngày trước tổ chức ở Hà Nội, các nhà khoa học cũng đã đưa ra bằng chứng, kết luận của mình cho báo chí đó là cây mỡ.
Mặt khác, những người nghiên cứu ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên gia về giống cây như GS. TS Lê Đình Khả cũng khẳng định từ xưa đến nay, cả Viện chưa bao giờ nghiên cứu để gieo trồng giống vàng tâm.
“Vậy thì tôi hỏi lấy đâu ra giống cây vàng tâm mà trồng bây giờ? Lấy đâu ra cả trăm cây mà trồng thay thế các tuyến phố Hà Nội như vậy?
Đánh trên rừng à? Rừng bây giờ hầu như không còn cây này, cả đời tôi đi rừng, nghiên cứu và trồng rừng nhưng chưa bao giờ thấy cây vàng tâm to như cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh.
Video đang HOT
Tôi chẳng phải đánh cược. Tôi là người trồng rừng, nghiên cứu bao nhiêu năm và tôi lấy cái đầu của mình ra để bảo lãnh cho chuyện này. Tôi khẳng định 100% đó là cây mỡ”, ông Cường nhấn mạnh.
Những ngày vừa qua, ông Cường cũng là một trong những người cất công đến đường Nguyễn Chí Thanh – tuyến đường trồng cây được cho là vàng tâm để thu thập bằng chứng.
“Tôi để cho các nhà khoa học lên tiếng. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Thử hỏi, nếu Sở Xây dựng khẳng định đó là vàng tâm, vậy có thể đọc tên khoa học của nó không và chỉ cho chúng tôi chỗ đánh cây trồng?”, ông Cường quả quyết.
“Tôi không tin có một cây vàng tâm xanh tươi ở Hà Nội”
Còn thông tin hiện nay có một số cây vàng tâm đã được trồng xanh tốt trên đường phố Hà Nội, chuyên gia lâm nghiệp này khẳng định: “Tôi không tin có một cây vàng tâm xanh tươi ở Hà Nội”.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Đặng Văn Hà, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (ĐH Lâm nghiệp) cũng lắc đầu không nghĩ cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở Hà Nội.
Ông dẫn chứng: “Cây vàng tâm là gỗ quý hiếm trong sách đỏ cần được bảo tồn, chỉ có trong tự nhiên và ở một số vùng cao có khí hậu mát.
Rất khó để đánh cây này trên rừng về được, hơn nữa cũng chẳng trồng được vì đây là loại cây lâu năm.
Nếu ai nói ở Hà Nội có cây vàng tâm xanh tốt thì chỉ tôi, tôi sẽ xuống để xem. Tôi rất tò mò vì chưa bao giờ tôi thấy cây đó ở thành phố.
Môi trường sống ở Hà Nội rất khó để cây vàng tâm phát triển đặc biệt là vào mùa hè nhiệt độ rất cao”.
Tán của một cây mỡ trồng từ năm 2009 ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Dân Việt).
Về phát ngôn của Sở Xây dựng khẳng định cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm, ông cho biết nhiều người đã từng tiếp xúc với cây này rồi là có thể biết được.
“Bản thân các nhà khoa học đầu ngành chuyên nghiên cứu về họ cây này cũng đã khẳng định trên báo và tôi nghĩ họ nói không sai.
Quan điểm của thành phố thì tôi không bình luận thêm, sẽ chờ kết quả của hội đồng các nhà khoa học đến “giám định”", TS Hà chia sẻ.
Câu trả lời của Sở Xây dựng về “danh tính” cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh:
Phóng viên Báo Người đưa tin: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lý không?
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Cây cao trung bình 25 – 30 m, đường kính thân cây 70 – 80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu.
Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 – 17cm, rộng 1,5 – 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành.
Cuống hoa dài 1 – 2 cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ
Chuyện mua gom cây vàng tâm hài hước ở Yên Bái
Người dân ở hai xã Tân Thịnh, Đại Lịch, huyện Văn Chấn vừa bán được mấy trăm cây mỡ với giá cao ngất ngưởng. Họ chả biết người ta mua để trồng cây cảnh hay làm gì mà đắt thế.
Vừa rồi xem trên tivi thấy nói rằng những cây mỡ đó mang về trồng ở đường phố Hà Nội nói là "vàng tâm". Mỡ vàng tâm, có mà vàng mắt mới nhìn mỡ ra vàng tâm. Đúng là chuyện hài hước chưa từng nghe thấy bao giờ...
Trước khi xuống huyện Trạm Tấu, tôi điện cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn Vũ Đình Trường để kiểm tra thông tin, anh bảo tôi: "Đúng là vừa rồi có người tới Văn Chấn mua cây mỡ, bác tới xã Tân Thịnh tìm gặp Trạm trưởng Kiểm lâm khu vực Hoàng Văn Đức, anh ấy sẽ dẫn tới từng gia đình bán cây. Cây mỡ là cây vườn rừng chả cấm mua bán, họ tới mua thì tốt cho bà con quá...".
Hoàng Văn Đức đợi tôi ở ngã ba Mỵ, gặp tôi anh dẫn đi ngay vào gia đình anh Lại Thế Vượng, thôn 13, xã Tân Thịnh. Nghe tôi hỏi chuyện mua bán cây mỡ về trồng ở Hà Nội, anh Vượng lo âu: "Ấy, bác đừng viết để em đi tù nhé". Tôi bảo: "Ai dám bỏ tù chú! Cây trong vườn đồi của gia đình, người ta đến mua thấy có lời thì bán, chứ có phải chuyện mua bán quốc cấm gì...".
Hố đào các gốc mỡ chi chít trong vườn rừng nhà anh Nguyễn Văn Bằng.
Nghe thế anh Vượng mới yên tâm hăm hở dẫn tôi lên đồi. Đồi nhà anh nằm ngay cạnh đường, trồng xen mỡ trong nương chè. Anh bảo: "Hôm 10/3 có một người tên là Khương, chả biết anh ấy ở đâu vào đây đặt tiền mua mỡ, họ bảo là mỡ vàng tâm, với giá 300 ngàn đồng kể cả công đánh gốc, bốc lên xe. Đồi nhà em đây bác xem có rất nhiều mỡ không. Gia đình từ lâu cũng muốn tỉa thưa bán, bán cho các xưởng làm ván bóc cũng chỉ được 40-50 ngàn đồng một cây. Nay có người đến trả 300 ngàn thì sướng quá. Thế là em thuê người đánh gốc, mua gom của 3 nhà nữa được 50 cây vừa đủ một chuyến xe..."
Tôi hỏi Vượng: "Việc mua bán có hợp đồng, hóa đơn không?"
Vượng cười cười: "Làm gì có hóa đơn, hợp đồng. Họ đặt tiền trước em mới đánh. Đánh ra họ không lấy thì có mà chết à? Nhà em có 30 cây còn em mua của các hộ khác mỗi cây 80 ngàn, thuê đánh hết 100 ngàn. Đánh cấp tập trong hai ngày, ngày 12/3 thì bốc lên xe cho họ, bị loại gần 30 cây cong, vẹo và quá to. Em chả biết họ mua mỡ về làm gì, trồng cây cảnh hay sao mà mua đắt thế. Hôm rồi xem ti vi mới biết họ mua về trồng trên đường phố. Em đang đợi họ tới mua đấy, mãi chưa thấy đến".
Anh Vượng bên cây mỡ bị thải loại.
- Nhà anh có bao nhiêu cây mà đòi bán? Tôi hỏi tiếp.
Vượng cười tít mắt khoát tay chỉ lên mấy quả đồi phía bên kia cánh đồng: "Dân ở đây có hàng vạn cây, chưa kể lâm trường Ngòi Lao, có mà trồng 3 Hà Nội không hết...". Nói rồi anh chỉ vào gốc cây mỡ non, sâu bò lổm ngổm: "Dưng mà sao họ lại mua mỡ để trồng ở đường phố nhỉ? Cây này sâu nhiều lắm nhá, một năm chúng ăn trụi lá mấy lần, nhìn cây bị sâu ăn nom khiếp lắm".
Đại Lịch là xã vùng sâu vùng xa của Văn Chấn, kể từ hôm 10/3 đến nay dân xôn xao chuyện có người đến đây mua cây mỡ 5-6 tuổi về trồng với giá 150 ngàn đồng một cây, công đánh gốc 150-200 ngàn đồng. Chuyện lạ chưa từng thấy, người dân ở đây chỉ trồng cây to bằng ngón tay cao độ 25-30 cm, nay có người đến hỏi mua cây cao 5-6 m, vanh gốc (chu vi) 40-50 cm, đánh bầu to gần bằng cái thúng để mang về trồng.
Ông Tạ Quang Đoàn, thôn 6, mỉm cười: "Tôi nguyên là cán bộ kiểm lâm về hưu cách nay hơn chục năm, thấy người ta vào đây mua cây mỡ vàng tâm. Các cụ ở đây cũng gọi là cây mỡ vàng tâm, vì lõi nó màu vàng, nhưng không phải là vàng tâm. Vàng tâm mọc trong rừng, sinh trưởng rất chậm, gỗ tốt hơn cây mỡ nhiều. Thằng cháu họ tôi tên là Nguyễn Văn Bằng ở ngoài kia có một đồi mỡ. Người ta đến trả 150 ngàn đồng một cây, rồi thuê người ở đâu tới đánh bầu vận chuyển ra gần đường để bốc lên xe.
Tôi hỏi thì họ bảo: Mua về để trồng trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Lạ quá, đường cao tốc trồng cây này làm gì nhỉ? Hôm rồi xem ti vi mới hay họ mang về trồng trên đường phố Hà Nội. Thằng con trai tôi học lâm sinh và tôi xem xong cứ cười mãi, cây mỡ có tán đâu mà trồng cây bóng mát ở thành phố?
Sâu mỡ nhìn mà thấy rùng mình trên thân một cây mỡ.
Cây mỡ rễ cọc, nay bị chặt rễ cọc rồi mà cây lại cao, gỗ mềm chịu sao nổi gió bão? Ở đây cả rừng cây, cây nọ dựa vào cây kia có trận bão bị quật gãy đổ hàng loạt, nay mang về thành phố thì chịu sao nổi bão, gãy đổ như chơi..."
Nói rồi ông Đoàn cùng ông Hà Công Tắc là cán bộ địa chính, lâm nghiệp xã Đại Lịch dẫn tôi ra đồi mỡ nhà Nguyễn Văn Bằng, ông Đoàn bảo: "May quá, thằng Bằng đang định tỉa cây bán cho các cơ sở làm ván bóc, nay có người trả 150 ngàn đồng cây, nó bán luôn...".
Ông Tắc cho biết: "Tôi đã ký giấy thẩm tra cho cháu Bằng và ông Trần Xuân Lượng về nguồn gốc để xã ký đóng dấu xác nhận cho chủ vườn rừng làm thủ tục vận chuyển được hai chuyến, tổng số 100 cây. Còn nghe bà con nói họ mua ở Đại Lịch chừng 150 cây rồi, một số cây không đạt tiêu chuẩn bà con cắt cây, bỏ lại gốc đầy ngoài đường kia".
Theo Nông Nghiệp Việt Nam
Dự án đường sắt trên cao không yêu cầu chặt cây xanh "Tôi có tham gia Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao, hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và...