Tôi đi học yoga
Ý nghĩ phải tìm cho mình một “môn phái” nào đó để theo đuổi cứ ngọ nguậy mãi trong suy nghĩ của tôi khi mỗi ngày làm việc mà người cứ uể oải, tâm trí thì rối bời, bất an.
Lại thêm mỗi khi tụ tập tán gẫu, bạn bè cứ khoe đang tập cái nọ, cái kia. Nghe mãi, tôi đâm hoảng. Hóa ra, quanh tôi, nam phụ lão ấu, già trẻ lớn bé, sang giàu hay bình dân… tất tật đều có tinh thần thể thao cả. Chỉ mỗi tôi là loay hoay, lần lữa, ngại khó.
Một anh bạn tuốt ngoài Nha Trang nghe tôi than vãn bèn phán: “Hay là em đi học yoga đi. Không sợ ra nắng, ra mưa. Nghe nói chủ yếu tập thở thôi”. Tôi đã chọn yoga đơn giản chỉ vì những tiêu chuẩn hết sức phù hợp với căn bệnh…. lười biếng kinh niên của mình như thế!?
Ngày đầu nhập môn
Video đang HOT
Để tăng thêm độ quyết tâm theo đuổi một “tinh thần thể thao” – đang là mốt chung của nhiều người – và cũng để… không còn đường rút lui, tôi chọn một trung tâm luyện yoga có tiếng ở trung tâm quận 3 (TP.HCM) với mức học phí khá là đáng kể. Bước chân vào biệt thự yên tĩnh, cây cối mát rượi, hồ bơi xanh ngắt, không khí yên lặng tuyệt đối, ai nấy đều đi nhẹ, nói khẽ, không gian thì ngan ngát mùi hương hoa Lavender, tôi thầm kêu lên: “Trời! Đi tập thể thao mà sao giống đi nghỉ dưỡng quá vậy nè. Biết vậy mình có tinh thần thể thao từ… kiếp trước!”.
Đón tôi là Dr. Shiva, một thầy giáo từ Ấn Độ qua. Trong lớp có chừng 4, 5 học viên với đủ mọi màu da. Shiva dặn tôi, ngày đầu nhập môn cứ làm theo mọi người và đừng gắng sức quá. Thế rồi Shiva bắt đầu bảo mọi người hãy cùng nhau thở. Tôi nghĩ, nếu chỉ là thở thì có gì đâu là khó nè. Nào, cứ làm theo lời thầy, nhón chân đưa tay lên, hít đầy hơi vào bụng; khuỵu gối đưa tay xuống, thở ra bằng mũi… Nào, nhón chân, đưa tay lên, hít vào thật sâu qua cơ hoành, xuống cơ bụng; khụy gối đưa tay xuống, thở ra bằng miệng… Nào, thở và thở, không nghĩ suy gì hết. Nghe thì giản đơn như vậy, nhưng chỉ độ năm, mười phút là bao nhiêu mồ hôi mẹ, mồ hôi con của mọi người thi nhau túa ra ròng ròng. Và rồi tôi đâm hoảng khi các học viên quanh tôi, nhịp nhàng làm những động tác mà tôi nghĩ chỉ có diễn viên múa ba lê, diễn viên xiếc hay các sư phụ Ấn Độ trong phim mới làm được. Những động tác gập người, xoãi chân sang hai bên thành một đường thẳng, uốn ngược người ra sau, đứng bất động và giữ thăng bằng trên một chân… vẫn chưa là gì khi các học viên chuyển sang trồng cây chuối hoặc đứng ngược lên bằng vai. Tôi bối rối thật sự vì nghĩ biết đến bao giờ mình mới tu luyện đến mức “xuống núi” được đây. Nhanh lắm cũng phải một năm, trong khi học phí mỗi tháng được tính bằng… tiền đô (!). Như Ý, cô giáo lớp Power Yoga Beginner trấn an tôi bằng một loạt hình của bản thân với body rất chuẩn qua những động tác tưởng chừng như… “không tưởng” và lời nhắn: Từ từ rồi cơm cũng nhừ thành cháo mà! Bạn bè thì cứ trông chờ tôi tu luyện thành tài để “biểu diễn” trồng cây chuối, hoặc “thâm hậu” hơn thì ngồi bằng… hai tay, hai chân vắt lên gáy. Dân ngoại đạo luôn ngưỡng mộ yoga bằng những hình ảnh lung linh, huyền bí như thế đó.
Và rồi trong quá trình tập luyện, tôi mới ngộ ra rằng yoga nào chỉ có thở giản đơn như suy nghĩ ban đầu của tôi. Tuần lễ đầu tiên hầu như lớp nào tôi cũng… thử một tí. Như Ashtanga của Dr. Shiva bao gồm một chuỗi chào mặt trời gồm 12 động tác liên hoàn vươn vai, gập người, khuỵu gối, bắc cầu… kết hợp với hít và thở nhằm đem năng lượng mặt trời cho cơ thể và trí óc. Shiva còn mời tôi tham gia lớp Dynamic, mà theo anh thì những động tác năng động, nặng đô kết hợp hít thở kiểu Vjjayi sẽ giúp đánh thức ngọn lửa trong cơ thể, giảm cholesterol trong máu. Trong khi đó, Iyengar lại là một thể loại tĩnh khác dựa trên sự liên kết của toàn bộ cơ thể với sự trợ lực của bục gỗ và dây đai. Tôi cũng thử luôn lớp Aquagym, một dạng yoga thể dục nhịp điệu dưới nước. Tưởng chừng là nhẹ nhàng hóa ra cảm giác mát mẻ của làn nước lại khiến cơ thể tôi phải tăng nhiệt và đốt cháy năng lượng nhiều hơn. Chưa kể lực cản của nước khiến cho các động tác trở nên nặng nề hơn và… mồ hôi cũng túa ra cay xé mắt. Nhưng nhìn vóc dáng săn chắc và điệu bộ nhanh nhẹn, hoạt bát của cô Vy thì các học viên lại lấy hết sức bình sinh để cố mà theo đuổi.
Cũng một dạng yoga năng động khác là Taebo – thể dục quyền Anh kết hợp với âm nhạc. Các quyền cước di chuyển nhanh giúp săn chắc cánh tay, chân và eo. Hoặc với Abdo Pilates, người tập chỉ sử dụng hơi thở và sự tưởng tượng, mỗi động tác đều tập trung chủ yếu vào trung tâm cơ thể của mình. Chỉ có 2 lớp Tai Chi (dạng Thái cực quyền) và Qi Gong (Khí công) của ông thầy người Pháp Etienne là tôi theo không nổi. Nhìn thầy bình thản nhắm mắt, hít thở nhẹ nhàng, huơ tay đi một bài quyền y như múa là tôi tự thấy mình chưa đủ độ tĩnh tâm để theo đuổi môn phái này. Mặc cho Etienne luôn kiên nhẫn, độ lượng nhìn tôi đi bài quyền cứ như gà mắc tóc, tôi đành hẹn thầy… sang đông đến xuân thầy nhé!
Nỗi lo tẩu hỏa nhập ma
Nghe qua các môn phái thì tưởng chừng rắc rối như vậy nhưng tựu trung thì yoga cũng có những động tác nền cơ bản. Tỷ như, tư thế Bhojanasana, thế rắn hổ mang, thế chào dài, thế cây cung… Rồi nào là thế đầu sát gối, thế con thỏ, thế đầu bò, thế con châu chấu, thế cây nến, thế con cá,… tùy theo từng cấp độ học. Nhìn những động tác cúi gập người đầu sát chân, hay xoạc chân nghiêng theo chiều ngang để tay bên này nắm lấy chân bên kia, hoặc ưỡn ngược người ra sau theo thế bắc cầu… tưởng khó là vậy nhưng nếu biết cách thì sẽ trở nên rất nhẹ nhàng. Cô Như Ý, cho biết mỗi khi gập người, di chuyển cơ thể thấy vùng cơ nào căng cứng lên thì hãy tập trung điều khiển hơi thở mình đến đó. Chỉ cần như vậy thì cơ thể sẽ mềm ra như ý mình muốn.
Lớp học mà tôi thích nhất là Sivananda Yoga. Swami Sivananda, một trong những người thầy yoga vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Không giống như Ashtanga Vinyasa Yoga, Shivananda huấn luyện nhấn mạnh vào sự thư giãn (Relaxation) và điều khiển hơi thở (Breathing Control). Các giảng viên của bộ môn này đều buộc phải tốt nghiệp khóa huấn luyện “Shivananda Yoga Teacher Training Course” với từng trình độ và năng lực tuổi tác khác nhau. Cô Trâm chào đón tôi bằng bài tập hít thở chuyên sâu. Chỉ qua độ vài buổi tập là tôi đã kinh qua biết bao nhiêu bài tập thở. Nào là thở như… chó hộc; nào là vận hơi thở qua cơ hoành xuống bụng để bụng căng ra như quả bóng, rồi ép hơi thở từ từ qua cơ hoành, qua mũi ra ngoài. Nào là bịt một cánh mũi hít vào, vận hơi thở lên não giữ hơi thở, bịt cánh mũi này lại thở qua cánh mũi kia.
Thường thì mỗi bài tập thở như vậy kéo dài khoảng 20 phút. Chỉ 20 phút thở nhưng đủ để mồ hôi túa ra như tắm và cơ bụng mỏi nhừ. Nhưng cái hay là chỉ cần nhắm mắt hít vào giữ hơi thở độ chừng 30 giây thì trạng thái người tập trở nên cân bằng ngay lập tức. Cô Trâm bảo mỗi cách thở đem lại một công dụng khác nhau, như khi vận hơi thở lên đầu nhằm bơm ô-xy cho não, hoặc thở kiểu chó hộc nhằm mát-xa cho cơ quan nội tạng. Cái khác của yoga so với các bộ môn thể thao khác có lẽ ở chỗ tĩnh tâm cảm nhận và làm chủ hơi thở của bản thân mình.
Hiện nay yoga đang là bộ môn “hot”, có nhiều người, nhiều giới theo đuổi. Gõ công cụ tìm kiếm trên mạng sẽ thấy vô vàn địa chỉ luyện tập yoga trên đất Sài Gòn với vô vàn mức giá khác nhau tương ứng với những cơ sở vật chất kèm theo. Nơi cao cấp với nhiều loại giá cho coupons hay membership, chí ít phải cả trăm đô cho vé tháng, hoặc mười mấy đô cho vé ngày. Tuy nhiên, tiền nào thì của đó. Với mỗi vé như vậy, người tập có thể sử dụng miễn phí hồ bơi, shauna hoặc steam với đầy đủ dụng cụ, hóa mỹ phẩm kèm theo. Những phút giây ngồi thư giãn lại thấy nhân viên đem mời những tách trà thảo dược đem từ Pháp sang thoang thoảng hương thơm. Có nơi thì thu hút học viên bằng cách chọn những khóa học riêng biệt theo những ngày giờ cố định trong tuần và các giảng viên có thâm niên, tiếng tăm. Hiện nay, các trung tâm thể dục thể thao hoặc nhà văn hóa đều có những lớp dạy yoga với mức học phí khá mềm.
Người yêu thích yoga còn có thể học theo ti vi, băng đĩa. Tại các trung tâm tin học thường có hẳn bộ Office Yoga – một chương trình phần mềm dành cho dân văn phòng với những hình ảnh minh họa. Quả là tha hồ cho dân ta lựa chọn. Thế nhưng, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo nếu tập yoga sai có thể ảnh hưởng đến tiềm thức, hệ thần kinh dẫn đến ám ảnh, trầm cảm, bởi lẽ bộ môn yoga là con đường tập luyện của phần nội, mặt tĩnh của con người.
Theo VNE