Toát mồ hôi theo chân anh “công nhân ảnh” chuyên chụp “lá vàng rơi” phục vụ chị em ở phố cổ Hà Nội: Phải có kỹ năng đặc biệt mới tồn tại được với nghề
Nhận mình là “công nhân ảnh”, anh Thương cho rằng khả năng giao tiếp, truyền cảm hứng và kiên nhẫn là những thứ giúp anh trụ lại với nghề. Suốt nhiều năm nay, cứ mỗi độ thu về với Hà Nội là anh Thương lại tất bật, ngày làm 10 tiếng không hết việc.
Mùa thu đã đến trên khắp các con phố Hà Nội. Đường phố ngập trong sắc vàng của mùa lá rụng. Cứ vào khoảng thời gian này, trên con phố Phan Đình Phùng “huyền thoại” lại ngập trong sắc vàng, người yêu cái đẹp lại nô nức kéo nhau đến đây để lưu lại những hình ảnh mà mỗi năm chỉ có một lần.
Hàng trăm người với các kiểu trang phục, tạo dáng khác nhau làm cho con phố Hoàng Diệu nhộn nhịp như một dịp lễ, đặc biệt là vào ngày nắng. Nhiều gia đình đã dành thời gian tìm những bộ đồ ưng ý để gia đình có được một bộ ảnh đáng nhớ.
Clip: Mục sở thị một buổi chụp ảnh “lá vàng rơi” cho các chị em của anh thợ ảnh
Được các chị em yêu thích nhất vẫn là áo dài trắng truyền thống thướt tha với xe đạp cổ và một giỏ hoa cúc hoặc hoa loa kèn trắng.
Để có một bức ảnh “để đời”, nhiều chị em đã chuẩn bị rất kĩ từ khâu chọn thợ ảnh cho tới việc tạo dáng. Có thể nói đi chụp ảnh với lá vàng không hề là điều đơn giản.
Anh Bùi Thiên Thương, một thợ ảnh đã có nhiều năm kinh nghiệm chụp ảnh áo dài cho các chị em là một gương mặt “đắt sô” mỗi mùa Hà Nội lá vàng rơi. Anh chia sẻ: “Nghề này không phải sáng tạo nghệ thuật mà rất đặc thù, nó đòi hỏi ở người thợ ảnh phải có những kĩ năng đặc biệt mới tồn tại được lâu dài với nghề. Đó là khả năng giao tiếp, truyền cảm hứng, kiên nhẫn và tận tâm với sản phẩm”.
Khó khăn đầu tiên đó là khâu tạo dáng. “Các chị em chụp ảnh áo dài với lá vàng rơi chủ yếu là người không chuyên nghiệp, vì thế nhiều người không biết diễn, rất cứng khi đứng trước ống kính. Vì thế người chụp phải biết những tư thế chụp đa dạng để thị phạm cho mẫu”.
Từng thao tác cơ thể được anh Thương nghiên cứu kỹ kết hợp với hình thể của từng mẫu mà linh hoạt kết hợp: “Mình làm nghề thì luôn muốn khách hàng phải có được những bức hình đẹp nhất. Với mình thì là nghề kiếm tiền, nhưng với khách thì là kỉ niệm suốt cuộc đời nên ai cũng muốn đẹp”. Anh Thương không chỉ tạo dáng, mà còn thị phạm cả từng khuôn mồm cho mẫu.
Anh Thương cẩn thận tới từng chiếc lá, từng tà áo. “Phải hiểu tâm lý phụ nữ, hiểu nét đẹp nét xấu của cơ thể phụ nữ thì mới có thể chụp cho các chị em được. Không có phụ nữ xấu, mà chỉ là có thần thái hay không mà thôi”.
“Chiếc lá vàng nhẹ rơi cung đàn” là một trong những ý tưởng chụp được ưa thích của anh Thương. Các tư thế, hoạt cảnh lúc chụp được anh tìm tòi và đúc kết sau nhiều năm kinh nghiệm làm nghề.
Anh tâm sự: “Có nhiều trường hợp khách hàng khó tính, đưa cho mình một bộ hình mẫu rất đẹp rồi bảo mình chụp như thế. Đây là trường hợp rất khó cho thợ ảnh vì mỗi người có một sắc vóc khác nhau, có người mặt tròn thì không thể chụp chính diện, có người mặt gầy lại không thể chụp chéo góc…”.
“Nhiều lúc chạy sô cả ngày rất mệt, hay khách không diễn theo ý tưởng của mình được cũng khó chịu lắm chứ nhưng mình làm nghề thì phải luôn tươi cười, giao tiếp thật vui vẻ để mẫu được thoải mái mới có được ảnh đẹp”. Một buổi làm việc của anh sẽ trả cho khách có lúc tới vài nghìn ảnh.
Bệnh nghề nghiệp là điều không thể tránh khi phải đeo máy ảnh, ba lô, chân máy nặng trong thời gian dài. Một ngày cao điểm làm việc của anh Thương lên tới 10 tiếng liên tục. Anh thường xuyên bị đau họng khi phải hướng dẫn các tư thế cho mẫu ở khoảng cách xa bằng cách nói to.
“Tuy nói là nghề công nhân ảnh nhưng cũng có lúc gặp mẫu đẹp, diễn tốt mình cũng thấy thăng hoa chứ, có lúc bắt mẫu chụp tới xin thôi thì mới thôi” – Anh Thương cười nói.
Đằng sau mỗi tấm ảnh đẹp là tinh thần làm việc hết mình của người thợ. Với thái độ làm việc hết mình, anh Thương cho biết cứ đến mùa này là chạy sô không ngừng nghỉ. Đó cũng là niềm vui khi một người thợ làm nghề quanh năm như mình được khách hàng biết đến.
Phim truyền hình VTV: Từ số 0 tới "Vũ trụ phim ảnh" quốc dân
Những năm 90 của thế kỷ trước, khán giả đã chứng kiến kỷ nguyên vàng của những bộ phim truyền hình Việt Nam. Đơn vị đầu tiên sản xuất ra các bộ phim truyền hình khi ấy là Công ty Nghe nhìn Việt Nam hay Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC), Đài THVN.
Chúng ta đã từng có một thế hệ truyền hình "vàng" với các bộ phim gần như là kinh điển của truyền hình Việt như Người Hà Nội, Những người sống quanh tôi, Người thổi tù và hàng tổng, Chuyện nhà Mộc, Mùa lá rụng.., những bộ phim mà chỉ cần nhắc đến khán giả đã thấy thân thương và gần như thuộc nằm lòng.
Ở thời kỳ đó, thói quen xem phim truyền hình gần như trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam. Dù đang đi đâu hay làm gì thì cũng muốn nhanh chóng về, nấu cơm và đến giờ là cả nhà cùng ngồi trước màn hình ti vi. Nhiều khi nấu cơm để cháy vì mê phim quá, ra chợ thì lúc nào cũng nghe các bà, các mẹ bàn tán... Nhiều khán giả xem phim ngày ấy đều chung một cảm giác, đó là "Không thể hoãn sự sung sướng lại được"... Nhưng để có được những điều đó, tất cả những con người tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, Đài THVN đã bắt đầu từ con số 0.
Câu chuyện ở điểm hẹn Quán thanh xuân là bức tranh ký ức được vẽ nên bởi những người đã gắn bó cả cuộc đời cùng với các bộ phim dành cho khán giả truyền hình. Đó là NSND Khải Hưng - người đặt nền móng cho phim truyền hình Việt Nam. Nói về thời điểm bắt đầu từ con số 0 để sản xuất các bộ phim truyền hình, NSND Khải Hưng kể về quá trình thực hiện bộ phim đầu tiên -Người thành phố, ê-kíp chỉ có 3 người với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
"Năm 1982, tôi tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Khi ấy Tổng Giám đốc của Đài THVN có gọi tôi lên và nói - Tôi đã cho anh tiền đi học thì anh phải trả lại tôi bằng một bộ phim chiếu Tết. Với tôi, đó là hạnh phúc không ngờ và tôi nhận lời ngay. Tôi đi tìm kịch bản và đó chính là Người thành phố", NSND Khải Hưng nhớ lại.
"Thực ra, kể về Người thành phố thì không có nhiều điều để nói nhưng có một điểm nhấn mà tôi không quên, đó là quá trình tìm ra sự khác nhau giữa thế nào là phim điện ảnh và thế nào là phim truyền hình" - vị đạo diễn nổi tiếng tâm sự - "Thời đó, chúng tôi học điện ảnh nên khi dàn dựng bộ phim đầu tiên trên truyền hình, tôi làm nó theo kiểu điện ảnh...".
Đạo diễn Khải Hưng còn nhớ, khi quay cảnh đêm trong Người thành phố, vì Đài truyền hình không có đèn chiếu sáng nên phải mượn đèn từ xưởng phim truyện. Cảnh ấy quay ở đường Bảo Khánh, ê-kíp đợi người dân đi ngủ rồi mới quay, vào 12h đêm. Phải mất 2 đêm để đoàn làm phim hoàn thành xong cảnh quay. Nhưng quan trọng hơn, họ học được bài học nếu quay cảnh đêm thì cứ để nguyên như vậy, còn chiếu đèn vào sẽ thành bối cảnh ban ngày. Cũng chính vì lẽ đó, thời xưa làm phim có 2 tập cũng phải mất vài tháng thay vì chỉ vài ngày như hiện tại.
"30 năm về trước, tivi ở ta toàn là tivi đen trắng, do đó khán giả cũng không biết là phim gì, chỉ biết đó là bộ phim được chiếu lên. Đến khi bộ phim Lời nguyền dòng sông đoạt giải Vàng Liên hoan Phim Truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993, tôi rất bất ngờ khi trở về thì cổng Đài mở và tổ chức cuộc họp báo. Lúc ấy giới truyền thông mới biết rằng làm phim theo kiểu điện ảnh nhưng phát trên truyền hình và sau này người ta gọi đó là phim truyền hình", NSND Khải Hưng kể.
"Công việc làm phim thời điểm ấy hoàn toàn bằng tâm huyết và đam mê, miễn sao được đóng, được làm phim là hạnh phúc" - NSND, đạo diễn Trọng Trinh trải lòng về những ngày đầu - "Ngày ấy làm phim chỉ có một máy, công kềnh to như một chiếc va ly con, nặng trịch, hạn chế ánh sáng. Như tôi da đen thì đánh bao nhiêu đèn vào cũng không lên được. Cơ quan cũng chỉ có vài chiếc ô tô nên chở đoàn này xong phải quay lại đón đoàn khác, diễn viên chen chúc nhau trên chiếc xe ấy, kèm đủ các loại đạo cụ, phục trang...."
"Phim đầu tay của tôi là M ưa dầm ngõ nhỏ. Có cảnh anh Bùi Bài Bình đang đạp xe, tự nhiên thấy người lớn và trẻ con trong làng chạy ùa ra xem, lại phải quay lại. Hồi ấy làm gì có bộ đàm như bây giờ, chỉ có loa mồm thôi, cứ cuộn giấy vào rồi hét um lên. Nhưng càng làm thế lại càng náo loạn, mọi người nhào ra xem, quay đi quay lại..."
"Làm phim thiếu thốn nhưng chúng tôi cực kỳ tự hào khi mỗi tới cuối tuần lại được hỏi hôm nay Văn nghệ Chủ nhật chiếu phim gì, thế là hạnh phúc lắm rồi. Những năm tháng đi qua là điều không thể nào quên, đó là chặng đường đầy cảm xúc với hỉ, nộ, ái, ố... và cảm thấy thật hạnh phúc".
Bên cạnh những dự án phim nổi tiếng một thời, chương trình Văn nghệ Chủ nhật phát sóng trên VTV3 cũng là một kỷ niệm, một dấu ấn trong thời thanh xuân của đạo diễn Khải Hưng. Ông bảo khi ấy mình đang khao khát làm phim nên nhận lời. Nhiệm vụ của ông là phải đảm bảo mỗi tuần có một phim lên sóng.
"Khi lãnh đạo Đài THVN trao đổi, tôi nhận ngay. Hôm ấy là Chủ nhật, tôi về nhà và đánh máy ra một dự án gồm Tiết mục thư giãn, Nhân vật tác phẩm, Phim truyện. Nó được anh Hồ Anh Dũng đặt tên là Văn nghệ Chủ nhật", NSND Khải Hưng nhớ lại sự ra đời của chương trình.
NSND chia sẻ: "Lúc ấy, tôi có trong tay 2 bộ phim, Mẹ chồng tôi quay từ năm ngoái chưa phát sóng. Và tôi đang làm hậu kỳ phim Người tình của cha. Tôi nghĩ mình sẽ chiến đấu được 3 tuần. Tôi nghĩ 3 tuần dài nhưng vụt cái là hết. Khi đang chiếu Người tình của cha, tôi nghĩ có khi đứt sóng.
Ai làm truyền hình nghe từ đứt sóng thì sợ lắm, chắc chắn bị kỷ luật, sự nghiệp tiêu tan. Khi tôi đang hết sức hoang mang, anh Đoàn Trúc Quỳnh mang đến một kịch bản. Tôi đọc ngay và mời anh ta ở lại. Chúng tôi ký hợp đồng và tôi làm luôn. Kịch bản tên Bản giao hưởng đêm mưa. Ròng rã hai đêm mưa để hoàn thành phim với đội ngũ gồm 5 người. Sau đó tôi nghĩ mình đã hoàn thành một phần sứ mạng của Văn nghệ Chủ nhật những ngày đầu tiên".
Khi Văn nghệ Chủ nhật ra đời thì truyền thông đưa tin nhiều, Khải Hưng nhận được rất nhiều lời mời cộng tác của Xưởng phim truyện. Một kho kịch bản cũ của bạn bè gửi tới, bắt đầu ông lọc lựa chia ra các mũi triển khai. Lúc ấy rất nhiều người muốn về đầu quân cho Trung tâm sản xuất phim. NSND Khải Hưng bộc bạch: "Thời điểm đó mới cảm thấy đủ lông đủ cánh để chiến đầu dài hơi".
Diễn viên Quốc Tuấn được khán giả truyền hình biết đến qua nhiều vai diễn ấn tượng trong các phim như Người thổi tù và hàng tổng, 12A và 4H, Những người sống quanh tôi... Đặc biệt, vai diễn trưởng thôn Lê Trung Kiên trong bộ phim về đề tài nông thôn Người thổi tù và hàng tổng được nhiều khán giả đánh giá là vai diễn ghi dấu ấn đậm nét nhất của nam diễn viên này.
Quốc Tuấn dù sinh ra ở Hà Nội, nhưng anh nhận mình có đến 80% mang dáng dấp của người nông thôn, vì thế khi đóng các vai diễn trong phim về đề tài nông thôn anh cảm thấy không có gì khó khăn.
"Tôi may là được đạo diễn cho vào khá nhiều vai nông thôn", anh nói.
Nhớ lại vai diễn ghi dấu ấn trong Người thổi tù và hàng tổng, Quốc Tuấn có một kỷ niệm và một tai nạn làm anh rất sợ, đó là cảnh hai dòng họ đánh nhau để tranh nhau chức trưởng thôn. Sau đó hai họ bầu ra một ông ất ơ làm trưởng thôn, thế là lúc mọi người đi tìm ông trưởng thôn mới thì không thấy đâu cả. Mọi người tóa đi tìm thì thấy ông ấy đang tắm... truồng dưới ao.
"Mọi người xuống bắt ông ấy lên để nhận chức trưởng thôn, nhưng lúc ấy vì đang tắm truồng nên ông ấy không thể lên được. Ông này mới vẫy mọi người cứ về đi thì sẽ lên, nhưng mọi người không về. Thế là tôi phải vặt luôn lá khoai ngứa che "chỗ ấy" rồi bước lên. Lúc diễn thì hồ hởi lắm, đến khi về nhà thì mới báo hại vì lá khoai ngứa nó "hành" cho gần chết luôn, phải bôi thuốc", Quốc Tuấn chia sẻ lại kỷ niệm.
NSND Minh Hằng cho biết chị có nhiều kỷ niệm với bộ phim Người Hà Nội, đóng cùng diễn viên Quyền Linh. Chị vào vai bà vợ người dân tộc, theo chồng lên thành phố.
"Mỗi cảnh phim, tôi bị một trận đòn vùi dập. Có cảnh Quyền Linh cầm thanh mía vụt vào người, khiến tôi tối tăm mặt mũi. Khi quay xong, bạn ấy xoa vào lưng nói xin lỗi chị. Về nhà, tôi ốm mấy ngày đấy".
Minh Hằng kể thời ấy, chị còn làm thêm nghề lồng tiếng phim truyện nhựa, phim truyền hình, phim nước ngoài. Ê-kíp lồng tiếng gồm NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh... Chị tiết lộ thu nhập từ việc lồng tiếng khá cao.
"Hôm nay tôi bật mí cho khán giả biết rằng những diễn viên lồng tiếng như tôi có thu nhập rất ổn. Tôi đã mua được 1 căn nhà bởi tiền lồng tiếng" - chị nói.
Đáp lời Minh Hằng, NSND Hoàng Dũng dí dỏm: "Có thể Minh Hằng chẳng tiêu gì nên mua được nhà. Tôi tiêu nhiều nên không mua được nhà".
Là người đầu tàu của ê-kíp lồng tiếng ngày xưa, NSND Hoàng Dũng trải lòng: "Ngày xưa lồng tiếng rất khổ. Độ xa gần đều phụ thuộc vào di chuyển chân. Giờ thì kỹ thuật tốt hơn nhiều.
Trong phòng lồng tiếng của Trung tâm nghe nhìn Việt Nam hồi ấy, tôi và anh Quốc Trọng tạm gọi là bầu sô. Thông thường, tôi hẹn anh Tuấn lên lúc 1h, xong hẹn chị Hằng đến khoảng 2h, anh Hưng, chị Quỳnh khoảng 3-4h. Nhưng có hôm mất điện, lúc mọi người đến đủ, phòng có đến 30 người. Đó là kỷ niệm rất khó quên".
NSND Nguyễn Hải với các vai phản diện là gương mặt được nhiều khán giả vừa yêu vừa ghét. Nhiều năm về trước, NSND Khải Hưng có mời Nguyễn Hải vào một vai chính trong phim truyền hình Chuyện làng Nhô, dài 4 tập.
"Nhận vai chính toát mồ hơi vì chả biết diễn thế nào" - Nguyễn Hải nói - "Sau khi bộ phim lên sóng thì người đâu tiên phản hồi cho tôi chính là cụ thân sinh".
"Cụ thân sinh gửi lời nhắn qua một người rằng bao nhiêu vai tốt không diễn, đi diễn thằng mất dạy. Bảo nó đừng vác mặt về quê nữa. Nhưng một năm sau tôi về, cụ không nói gì nữa, cụ lờ đi, vẫn cho tôi ăn Tết".
"Không biết khán giả ở đây có thông cảm cho khuôn mặt của tôi không. Tôi chưa bao giờ nhận mình đẹp trai. Quả thật từ đó trở đi, đạo diễn cứ nhìn mặt tôi là tôi biết ngay thế nào cũng là vai khốn nạn.
Trong cuộc sống này, vai thiện vai ác, mặt tốt mặt xấu là hai mặt vấn đề. Có lúc cái tốt bùng lên, có lúc cái xấu bùng lên. Mong rằng khán giả từng theo dõi phim của tôi, hãy chia sẻ thông cảm và dang rộng vòng tay bao dung cho tôi", anh tâm sự.
Đó là những cái tên như Tuổi thanh xuân, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Về nhà đi con... Đó cũng là những hy vọng mới cho sự hồi sinh của những bộ phim quốc dân sau một thời gian dài có chút ảm đạm, để thu hút người xem với từng tập, và để đến mỗi giờ phim chiếu thì từng nhà, từng người lại trở về với chiếc ti vi hay theo dõi qua một ứng dụng trực tuyến nào đó.
"Tôi là người bảo thủ. Tôi học điện ảnh nên làm phim theo kiểu điện ảnh, cho tới bộ phim cuối cùng. Nhưng bắt tay vào làm Sinh tử, tôi thấy những đứa em, đứa con, đứa cháu mình đã trưởng thành thực sự. Nắm bắt những công nghệ của thế giới vào làm phim. Các bạn có tâm huyết và yêu nghề lắm. Tôi học được ở bọn trẻ rất nhiều" - NSND Khải Hưng chia sẻ về việc hợp tác với thế hệ mới của VFC.
"Là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng VFC, giờ tôi tự hào vì nó đã cao lắm, cao nhiều tầng và nó khiến mình mãn nguyện".
Thuộc thế hệ sau này của VFC nhưng NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng có hành trình kéo dài tới 30 năm gắn bó với phim truyền hình. Anh có cách nhìn khác về phim truyền hình, cũng như hướng đi cho những sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Điều đó được thể hiện trong chính các tác phẩm do VFC sản xuất trong những năm gần đây.
"So với thế hệ trước, chúng tôi đứng từ xa ngưỡng mộ. Khi chúng tôi còn đang học, các cô chú ở đây đã rất giỏi, là những cây đa cây đề. Nhìn anh Hoàng Dũng, chị Minh Hằng lúc ấy mình thần tượng lắm. Cho nên, chúng tôi cũng có sự tính toán. Mình không giỏi làm phim về nông thôn, phim chiến tranh. Mình sinh ra ở thành phố, đô thị, nên mình chọn chủ đề nào gần gũi nhất, về tuổi trẻ, sinh viên. Có lẽ vì thế mà đã tạo nên sự đa dạng cho phim truyền hình", đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho hay.
"Đến giờ, phim truyền hình vẫn đang tìm kiếm sự thay đổi để thành công. So với cha anh đi trước chúng tôi tìm tới sự tươi trẻ, mới mẻ nên có những gương mặt trẻ trong phim..." - anh nói tiếp - "Chúng tôi tự hào rằng Văn nghệ Chủ nhật đã trở thành cầu nối để những tác phẩm như 12A và 4H, Chuyện nhà Mộc, Xin hãy tin em... đến với công chúng và tới hôm nay vẫn được khán giả nhắc đến".
Vài năm gần đây, khán giả Việt có thêm một cụm từ mới - "Vũ trụ phim ảnh VTV". Đó là khi xuất hiện nhiều bộ phim truyền hình chất lượng, ý nghĩa cùng dàn diễn viên tài năng, ngày càng được nhiều người yêu thích. Có người sẽ đặt câu hỏi liệu vũ trụ phim ảnh ấy có thể ngang tầm với những "Vũ trụ mở rộng DC" hay "Vũ trụ Marvel" hay không? Ở thời điểm hiện tại, câu trả lời có lẽ là chưa, nhưng một điều chắc chắn rằng phim truyền hình Việt đang có những đổi thay mỗi giờ, mỗi ngày, từ cách làm đến phương thức tiếp cận hơn nữa khán giả của mình.
Bỏ 2 triệu thuê thợ chụp ảnh ngày cưới, cô dâu "khóc thét" khi nhận thành quả cháy sáng đến mờ mịt, biểu cảm thất thần khó tả Nhận file ảnh đám cưới, cô dâu đi từ choáng váng đến mệt mỏi bởi chất lượng ảnh không hề như mình kỳ vọng. Khi bày tỏ nhận xét với thợ ảnh, cô dâu lại càng chán nản hơn với câu trả lời: "Nếu biết em chú trọng vấn đề ảnh quá thì anh đã không nhận". Chụp ảnh ngày cưới là công...