Tòa xử xuyên trưa, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nói có lỗi với mẹ già 91 tuổi vốn trải nhiều đau khổ
Gần 12 giờ rưỡi, phiên tòa sơ thẩm xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và 7 bị cáo kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án, trước khi vào nghị án, tòa cho các bị cáo nói lời sau cùng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong lời nói sau cùng đã cho biết, sự việc xảy ra ông rất đau xót. “Tôi có phần lỗi, lỗi là vì điều kiện công việc nên thực thi trách nhiệm chưa đủ sát sao, quyết liệt”, bị cáo Hiến nói đồng thời gửi lời xin lỗi Đảng, Nhân dân, xin lỗi các đồng đội đang phục vụ trong Quân đội nhân dân, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ Hải quân qua các thời kỳ.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại tòa (ảnh Thông tấn Quân sự)
“Tôi có lỗi với gia đình, với mẹ già 91 tuổi đang sống ở quê, vốn đã trải qua nhiều đau khổ (quê ông Hiến ở Ninh Bình, mẹ ông góa chồng từ khi ông lên 5 tuổi, anh trai ông Hiến hy sinh). Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện để có bản án thấu tình, đạt lý vừa đảm bảo răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh nhưng nhân văn. Tại phiên tòa, ngoài tôi còn có các bị cáo trước đây là cấp dưới. Họ thực hiện hành vi không vì mục đích cá nhân nên tôi đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt nhất có thể”, bị cáo Hiến nói.
Trước khi dừng lời, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho biết, ông từng đại biểu Quốc hội, tham gia làm luật, ông thấy phiên tòa đã diễn ra văn minh, gọn gàng, dứt khoát, có tính chất quân sự, đúng với tinh thần của cải cách tư pháp.
Cảnh phiên tòa (ảnh Thông tấn Quân sự).
Bị cáo Bùi Như Thiềm trong lời nói sau cùng cho biết, bản án tòa chưa tuyên nhưng ông đã phải chịu bản án trước dư luân xã hội và gia đình cách đây 2 năm.
“Tôi rất xấu hổ, vì là sỹ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân lại ra tòa với tư cách là bị cáo trong vụ án. Điều đó đã ảnh hưởng tới Quân chủng Hải quân. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến các vị lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động tại Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng”, bị cáo Thiềm nói.
Theo bị cáo Thiềm, với tuổi tác như hiện nay chẳng còn cơ hội nhiều để làm lại, nhưng sẽ giáo dục cho thế hệ con cháu về việc làm kinh tế, tránh bị sai sót. Bị cáo Thiềm nói thêm, ông bị bệnh đã lâu năm, đến nay sức khỏe rất kém, mong sự khoan hồng của pháp luật để có điều kiện chữa bệnh.
Video đang HOT
Bị cáo Bùi Văn Nga cho biết, bị cáo đã thành khẩn khai báo, luật sư đã bào chữa, bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo việc sống chết không biết thế nào. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để ra bản án hợp lý.
Bị cáo Đoàn Mạnh Thảo nói, bị cáo sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông, bố mẹ tham gia kháng chiến, ông ngoại đã hy sinh. Bị cáo thừa nhận vi phạm nên mới phải ra tòa ngày hôm nay. Bị cáo thấy ăn năn hối tiếc với những việc đã xảy ra.
Bị cáo Thảo cho biết, khi về hưu ông có rất nhiều bệnh nên kính mong cơ quan Hội đồng xét xử xem xét cho được hưởng án thấp nhất như vị luật sư bào chữa đã đề nghị. Đồng thời xin cho các bị cáo khác như bị cáo Hiến, Nga, Thiềm.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn, nói sau 37 năm công tác, phục vụ trong quân đội luôn chấp hành và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Khi vụ án khởi tố ông đã khai báo đúng sự thật, không quanh co, không dấu giếm gì. Bị cáo nói mình không có tội, mong tòa xét xử công tâm, khách quan.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hoan đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho hưởng mức án thấp nhất để sớm trở về với hai con nhỏ. Bị cáo thực hiện hành vi vì thiếu hiểu biết, vì cả nể nên mới dẫn tới hậu quả ngày hôm nay.
Bị cáo Phạm Văn Diệt trong lời nói sau cùng đã mong tòa có phán quyết phù hợp để được sớm trở về với gia đình. Bị cáo Diệt đã nghẹn ngào khi nói bản thân chỉ là người làm thuê. Bị cáo cũng nói về hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con nhỏ, một người con lại có bệnh bẩm sinh.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc) là bị cáo cuối cùng nói lời sau cùng. Bị cáo Hệ đã nói vòng vo sang vấn đề khác. Bị cáo cho biết, những nội dung xung quanh vụ án này bị cáo đã khai báo mấy ngày qua tại tòa.
Theo thông báo của Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân, đến 15 giờ 30 tòa sẽ tuyên án.
Quân chủng Hải quân đề nghị giảm nhẹ đặc biệt cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến
Trước đó, tham dự phiên tòa với tư cách bị hại đại diện Quân chủng Hải quân đồng tình với bản luận tội của viện kiểm sát. Đại diện đơn vị giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX tuyên Công ty Hải Thành nộp lại số tiền hơn 930 tỷ về cho Quân chủng Hải quân sau khi UBND TP.HCM cho phép quân chủng giữ lại để xây dựng, củng cố doanh trại.
Đối với các bị cáo trong vụ án, Quân chủng Hải quân đề nghị xử lý nghiêm Đinh Ngọc Hệ và các bị cáo có hành vi lừa đảo và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo là cán bộ của quân chủng.
Riêng với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đại diện quân chủng tha thiết mong muốn HĐXX giảm nhẹ đặc biệt cho bị cáo do có rất nhiều công lao đóng góp trong bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Vì sao LS cho rằng áp dụng luật mới gây bất lợi cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến?
Theo Viện Kiểm sát, việc áp dụng Bộ luật hình sự 2015 để xử lý hành vi của ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có lợi cho bị cáo, tuy nhiên luật sư (LS) lại phân tích và đưa ra quan điểm ngược lại.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hầu tòa (ảnh Thông tấn Quân sự).
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc", Út, Út Hệ) và đồng phạm, LS Hoàng Văn Hướng (Đoàn LS thành phố Hà Nội) trong bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương về việc áp dụng Bộ luật hình sự để áp dụng đối với hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Hiến.
Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Hiến xảy ra trước 0 giờ ngày 01/01/2018, trong khi đó Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Vì vậy, cần phải đối chiếu các quy định có lợi cho các bị can để áp dụng pháp luật khi truy tố, xét xử.
So sánh quy định của Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thấy Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định định lượng cụ thể trong từng khung tăng nặng của điều luật. Nghĩa là áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi hơn bị cáo.
Từ phân tích trên, cáo trạng đã kết luận, căn cứ Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b Khoản 1, điểm h Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017, ông Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.
Vì sao các CCB xin cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến không phải là tình tiết giảm nhẹ?
Cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến nói chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế
Theo LS Hướng, nội dung nêu trên đã gây bất lợi cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến. LS phân tích: Tinh thần của các nội dung quy phạm nêu trên, căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của hình phạt, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mới, bỏ đi tình tiết tăng nặng cũ (nếu luật mới đã bỏ đi) để xác định áp dụng pháp luật có lợi cho bị can, bị cáo. Do vậy, lý do bản cáo trạng đưa ra để áp dụng pháp luật cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hình sự.
LS Hoàng Văn Hướng đã dẫn Điều 285 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999) để so sánh với Điều 360 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 2015).
Bản cáo trạng đang truy tố ông Nguyễn Văn Hiến theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức khởi điểm hình phạt là 7 năm tù so với khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 khởi điểm là 3 năm tù, nghĩa là áp dụng luật mới hình phạt dành cho bị cáo sẽ nặng hơn.
"Do đó, chúng tôi trân trọng đề nghị áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 theo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật vào thời điểm xảy ra vụ án và nguyên tắc có lợi cho ông Nguyễn Văn Hiến", LS Hướng nêu quan điểm.
Tiếp sau đó LS phân tích về truy tố, có phải hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất ở đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) hay không; Về hậu quả Gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng; Về vai trò của ông Nguyễn Văn Hiến trong vụ án; Đánh giá về mức độ và ý thức chủ quan của ông Nguyễn Văn Hiến.
LS cũng phân tích về thời điểm ông Nguyễn Văn Hiến để xảy ra sai phạm cũng là thời điểm ông phải tham gia chỉ đạo, giải quyết các vấn đề chuyên môn quân sự phức tạp và quan trọng. LS cũng nêu nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của ông Nguyễn Văn Hiến, những thành tích và cống hiến của ông trong quá trình công tác trong Quân đội. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị từ 3-4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa chiều qua (20/5), sau khi các LS bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Hội đồng xét xử đã cho bị cáo này lên bục để bổ sung. Bị cáo Hệ đã nói cảm ơn Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử. Bị cáo cho biết đã có lời khai rõ ràng và thấy không có tội.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã nói: Nhìn các anh ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quan đứng đây (ra tòa), cảm thấy rất đau lòng, bởi có những sơ suất. Bị cáo Hệ cho biết, khi đàm phán liên doanh, ông Bùi Như Thiềm và các cán bộ ở Quân chủng Hải quân đã rất kỹ càng và không thể để cho một đơn vị gian dối.
Do không đi vào phần nội dung nên bị cáo Hệ đã bị Hội đồng xét xử ngắt và yêu cầu nói thẳng vào nội dung chính mà bị cáo đang bị truy tố.
Bị cáo Hệ xin nói thêm nhưng vẫn là phần không liên quan tới bị cáo. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét về trường hợp của bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu gọi Đinh Ngọc Hệ bằng cậu), vì Hoan có bố từng là bộ đội ở biên giới phía Bắc, sau này ông về và nằm bệnh viện rồi qua đời.
Bị cáo Hệ cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho trường hợp bị cáo Phạm Văn Diệt, vì có con bị bệnh bẩm sinh, Phạm Văn Diệt còn phải nuôi bên nội, bên ngoại.
Cả ba bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan cùng bị Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân đề nghị mức án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 20 năm tù; Phạm Văn Diệt 15 năm tù; Vũ Thị Hoan từ 7-9 năm tù.
Cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị 3-4 năm tù Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị VKS đề nghị xử phạt từ 3-4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sáng 20-5, sau hai ngày làm việc, phiên tòa xét xử đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm...