Tòa bác đề nghị hoãn xử “siêu lừa” 4.000 tỷ
Nhận định các lý do để đề nghị hoãn phiên tòa do phía luật sư đại diện cho các bị cáo đưa ra là thiếu căn cứ, HĐXX đã bác bỏ và cho phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ – Vietinbank Chi nhánh TPHCM) cùng 22 đồng phạm lừa đảo hơn 4.000 tỷ đồng sáng nay (6/1) “ nóng” lên khi HĐXX bác đề nghị hoãn phiên tòa của các luật sư.
Các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do, chưa sao chụp được hồ sơ vụ án và cần triệu tập thêm người tham gia tố tụng, đồng thời xác nhận Ngân hàng Nam Việt mới biết mình là người bị hại mới được hơn 20 ngày không đủ điều kiện tinh thần tham gia phiên tòa.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng quyết định triệu tập 15 đơn vị, cá nhân tham gia tố tụng là dựa trên cơ sở của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời cho rằng, Ngân hàng Nam Việt nói mình không phải là bị hại trong vụ việc là thiếu chính xác.
Video đang HOT
Theo HĐXX, tại biên bản làm việc ngày 24/4/2012, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt trình bày bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Như vậy không thể nói mới biết mình là người bị hại.
Ngoài ra, việc sao chụp hồ sơ không đầy đủ là trách nhiệm của các luật sư.
Trong phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Huyền Như cho biết đã có chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã sinh con gái được 21 tháng tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh. Tháng 9/2011, Huyền Như bị bắt khi đang mang thai 4 tháng.
Sáng nay tại phiên tòa xét xử, nhiều người bất ngờ trước khi nhìn thấy Huyền Như trong “bộ cánh” màu hồng khá bắt mắt. Huyền Như khá trắng trẻo, mập mạp hơn so với thời điểm bị cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam.
Tại phiên tòa, Huyền Như và 22 bị cáo tỏ ra bình thản, khai nhận lý lịch khá rành rọt. Tất cả đều thừa nhận đã có gia đình và đang giữ chức vụ lớn trong các ngân hàng, công ty…
Bị cáo Huyền Như nổi bật với chiếc áo màu hồng tại phiên xử.
Theo cáo trạng, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM, đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, An Giang.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng chi trả. Lợi dụng việc đang nắm chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp… Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện kể hoạch lừa đảo, Như giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền. Sau đó, thuê người làm giả 8 con dấu đứng tên các đơn vị gồm: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang…
Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, bằng chiêu thức huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao, cũng như sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của ngân hàng và một số cá nhân đơn vị, Huyền Như khiến nhiều con “mồi” sập bẫy.
Như đã chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân, trả nợ gốc, nợ lãi…
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo đầu vụ.
Theo Khampha