Tòa án Tối cao Mỹ liệu có ra tay định đoạt bầu cử?
Chiến dịch của Trump đang thực hiện một loạt nỗ lực pháp lý thách thức kết quả bầu cử, nhưng Tòa án Tối cao có thể ngại ngần can thiệp.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng nhờ đến Tòa án Tối cao Mỹ giải quyết tranh chấp về kiểm phiếu, chiến dịch tranh cử của ông yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin và mở các vụ kiện ở Michigan và Pennsylvania, ba bang chiến trường quan trọng cho con đường chiến thắng của Tổng thống.
Nhân viên bầu cử ở Detroit nghỉ ngơi sau khi thức xuyên đêm kiểm phiếu hôm 4/11. Ảnh: AFP.
Các hãng truyền thông Mỹ đã xác định Biden chiến thắng tại Michigan và Wisconsin, trong khi cuộc đua tại Pennsylvania chưa ngã ngũ.
Tối 4/11, chiến dịch tranh cử của Trump đệ đơn kiện ở chiến trường thứ tư – Georgia, khi vị thế dẫn trước của Tổng thống bị thu hẹp.
Các động thái của Trump làm dấy lên khả năng cuộc bầu cử cuối cùng được quyết định bởi một phán quyết của Tòa án Tối cao về cách các bang kiểm phiếu, giống như năm 2000.
Chiến dịch của Trump đánh vào một khía cạnh độc đáo của cuộc bầu cử năm 2020, đó làhàng chục triệu cử tri bỏ phiếu qua thư vì Covid-19. Đại dịch buộc các bang phải thúc đẩy bỏ phiếu qua thư và thay đổi quy tắc về cách chúng được thu thập, xác minh và kiểm đếm, bao gồm việc kéo dài thời gian chấp nhận phiếu bầu do Bưu điện Mỹ bị quá tải.
Đảng Cộng hòa lập luận rằng một số thay đổi được quyết định hoặc thực hiện không đúng đắn hay theo cách có lợi cho đảng Dân chủ.
Tại Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Trump cho biết họ sẽ tham gia một vụ kiện sẵn có của đảng Cộng hòa về việc bang này gia hạn thời hạn nhận phiếu bầu qua thư. Nếu thành công, họ có khả năng loại bỏ hàng chục nghìn phiếu bầu đến tay giới chức sau ngày 3/11.
Tòa án Tối cao Pennsylvania đã phán quyết rằng việc gia hạn nhận phiếu qua thư là hợp pháp. Tuần trước, Tòa án Tối cao Mỹ từ chối can thiệp vụ này. Tuy nhiên, họ vẫn để ngỏ cánh cửa cho thách thức pháp lý hậu bầu cử.
Chiến dịch của Trump cũng cho biết họ đang kiện để yêu cầu tạm dừng kiểm phiếu ở Pennsylvania, cáo buộc phe Dân chủ có những hành động “mờ ám” trong quá trình này. Ở thành phố Philadelphia thuộc bang này, quá trình kiểm phiếu được phát trực tiếp, mọi người đều có thể theo dõi từ xa.
Họ còn kiện về những thay đổi quy trình nhận dạng cử tri, được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đại dịch, nói rằng nó vi phạm quy tắc bầu cử.
Ở Michigan, chiến dịch tranh cử của Trump đã kiện để yêu cầu dừng kiểm phiếu, nói rằng họ không được “quyền tiếp cận có ý nghĩa.”
Ở Georgia, chiến dịch muốn các hạt “tách riêng tất cả lá phiếu đến muộn với lá phiếu hợp pháp đã đến tay giới chức trước hạn chót 19h Ngày bầu cử”, phó giám đốc chiến dịch của Trump Justin Clark cho biết.
Phiếu bầu Mỹ được kiểm đếm như thế nào. Video: Vox.
Năm 2000, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ được định đoạt bằng một bang duy nhất là Florida.
Khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa ở Florida, nhiều hãng truyền thông tuyên bố Gore đã thắng bang này một cách dễ dàng. Nhưng khi thêm nhiều phiếu bầu được kiểm vào đêm đó, họ rút lại tuyên bố khi số phiếu của Bush tăng lên. Đến sáng, Bush dẫn trước Gore vài nghìn phiếu.
Chiến dịch của Gore đã yêu cầu các quan chức tại 4 trong số các hạt lớn nhất của Florida kiểm lại phiếu bằng tay. Những lá phiếu được bỏ theo hình thức cử tri đục vào lỗ bên cạnh tên ứng viên. Ba tuần sau Ngày bầu cử, Florida tuyên bố Bush đã thắng với cách biệt 537 phiếu.
Gore nghi ngờ về con số đó và Tòa án Tối cao Florida đã ra lệnh kiểm lại hàng nghìn lá phiếu đã bị máy đếm từ chối vì chúng không được đục lỗ hoàn toàn, vẫn còn mẩu giấy nhỏ dính vào lá phiếu.
Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh dừng việc kiểm phiếu này vào ngày 12/12, 6 ngày trước khi cử tri đoàn họp. Tòa ra phán quyết rằng hiến pháp đã bị vi phạm bởi các hạt sử dụng các tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Nhờ vậy, Bush được xác định giành chiến thắng ở Flordia và thắng chung cuộc.
Giới chuyên gia cho rằng những vụ kiện như vậy chỉ có kết quả thực tế nếu tập trung vào một vấn đề thực sự và cách biệt phiếu bầu rất thấp.
Nếu cách biệt giữa hai ứng viên là khoảng 2-3%, tương đương 100.000 phiếu bầu ở Pennsylvania, thì “rất khó để kiện tụng”, Derek Muller, giáo sư luật tại Đại học Iowa, nói.
Tuy nhiên, “nếu chiến thắng chung cuộc phụ thuộc vào một bang riêng lẻ, tôi cho rằng sẽ có những vụ kiện tụng nghiêm trọng”, Muller nói.
Nếu một chiến dịch hoặc ứng viên khởi kiện về quy định của bang, trước tiên họ phải kiện lên tòa án cấp bang trước khi đưa ra tòa án liên bang và Tòa án Tối cao.
Bằng cách dựa vào vụ kiện liên quan đến gia hạn chấp nhận phiếu bầu ở Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Trump nâng cao cơ hội tiếp cận Tòa án Tối cao.
Nhưng Tòa án Tối cao vốn thận trọng trong việc can thiệp vào những quy định do các bang quyết định. Họ nhận thức rằng họ đã có nguy cơ làm lung lay tư cách cơ quan độc lập của mình khi trao chiến thắng năm 2000 cho Bush.
Hơn nữa, một vụ kiện lên Tòa án Tối cao sẽ khiến khuynh hướng chính trị của 6 thẩm phán bảo thủ và ba thẩm phán tự do của tòa trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là Amy Coney Barrett, người mới trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao vào tháng trước. Trump cho biết ông đã gấp rút thúc đẩy phê duyệt Barrett để bà có thể xét xử bất kỳ vụ kiện nào về bầu cử.
“Tòa án Tối cao cảm thấy họ cần phải can thiệp hồi năm 2000, nhưng chưa chắc họ cảm thấy như vậy ngày nay”, Muller nói.
Ba yếu tố giúp Biden dựng lại 'bức tường xanh'
Bốn năm trước, Trump đắc cử nhờ chiến thắng ở ba bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Nhưng bốn năm sau, hai trong ba bang chiến trường này gọi tên Biden.
Còn quá sớm để tuyên bố ai sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhưng rõ ràng lợi thế đang nghiêng về ứng viên Dân chủ Joe Biden, khi ông đang tiến rất sát tới con số 270 phiếu đại cử tri.
Hãng tin AP xác định Biden hiện giành được 264 phiếu đại cử tri, sau khi bất ngờ giành chiến thắng ở Michigan và Wisconsin, hai trong ba bang chiến trường quan trọng vùng Trung Tây cùng với Pennsylvania. Đây là "bức tường xanh" của đảng Dân chủ mà bà Hillary Clinton đã để đối thủ Donald Trump đánh sập bốn năm trước.
Sau khi để mất Michigan và Wisconsin vào tay Biden, con đường tới chiến thắng của Trump ngày càng hẹp, khi ông buộc phải thắng tất cả 5 bang còn lại gồm Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Nevada và Alaska, để có thể "lật ngược thế cờ".
Bức vẽ Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên Dân chủ Joe Biden của Jeremy Enecio. Ảnh: Politico.
Việc kiểm phiếu ở Pennsylvania vẫn tiếp tục, với lợi thế dẫn đầu tính tới tối 4/11 nghiêng về Trump, với cách biệt khoảng 190.000 phiếu phổ thông. Tuy nhiên, khi gần một triệu phiếu chưa được kiểm và tỷ lệ phiếu ủng hộ Dân chủ ở hai thành phố Philadelphia, Pittsburgh dự kiến khá lớn, Tổng thống Mỹ chưa thể nắm chắc phần thắng ở bang này.
Nếu Biden lật ngược thế cờ và chiến thắng nốt bang Pennsylvania, "bức tường xanh" của đảng Dân chủ từng bị sụp đổ năm 2016 sẽ được Biden dựng lại thành công. Và điều nhiều người quan tâm lúc này có lẽ là Biden đã làm thế nào để từng bước giành lại các bang quan trọng vùng Trung Tây này từ tay Trump.
Tim Alberta, nhà phân tích của Politico, nhận định có ba lý do đang và sẽ làm nên chiến thắng của Biden ở các bang Trung Tây. Đầu tiên, ứng viên Dân chủ đã khiến Trump mất đi ủng hộ từ nhóm cử tri lao động da trắng.
Trong cuộc bầu cử năm nay, dường như không địa điểm nào ở Mỹ nhận được nhiều quan tâm hơn Scranton, bang Pennsylvania. Đây là thành phố mà Biden sinh ra và gắn liền với hình ảnh của ông: một người đàn ông xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo với phương tiện đi lại chủ yếu là xe lửa.
Thành phố Scranton, và khu vực lân cận hạt Lackawanna, vốn được xem là thành trì của đảng Dân chủ, có dân số chủ yếu là lao động da trắng. Đó là lý do cả hai chiến dịch của Trump và Biden thường xuyên dừng chân ở khu vực này, tìm cách thu hút cử tri và đầu tư nhiều quảng cáo vận động tranh cử.
Năm 2016, Trump không chiến thắng ở hạt này, nhưng đã rút ngắn đáng kể khoảng cách thắng lợi của đảng Dân chủ xuống còn 3 điểm phần trăm, từ 27 điểm năm 2012. Khi mới bắt đầu chiến dịch, ứng viên đảng Cộng hòa tự tin sẽ thể hiện tốt để giành được hạt Lackawanna năm nay.
Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra khi Biden thắng ở hạt Lackawanna với cách biệt 8 điểm phần trăm so với Trump. Nhiều người có thể cho rằng chiến thắng này là nhờ lợi thế sân nhà, nhưng cách giải thích này sẽ không phù hợp nếu nghiên cứu những gì diễn ra ở hạt Macomb, bang Michigan.
Macomb cũng là một địa điểm quan trọng mang tính biểu tượng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Là quê hương của cựu tổng thống Ronald Reagan, thành viên nổi tiếng của đảng Dân chủ, Macomb đã dần chuyển sang cánh hữu trong ba cuộc bầu cử gần đây. Ứng viên Dân chủ giành chiến thắng tại hạt này với cách biệt gần 9 điểm phần trăm năm 2008, nhưng giảm dần xuống 4 điểm năm 2012 và cuối cùng rơi vào tay Trump năm 2016 với cách biệt tới 12 điểm.
Điều này khiến đảng Cộng hòa lạc quan rằng năm nay họ có thể chiến thắng với cách biệt lớn hơn ở hạt này, nhưng những gì xảy ra lại trái ngược. Trump chỉ giành chiến thắng hạt Macomb với cách biệt 8 điểm phần trăm, giảm 4 điểm so với 4 năm trước.
Kết quả ở hai hạt Lackawanna và Macomb cho thấy nỗ lực giành ủng hộ của nhóm cử tri lao động da trắng của Tổng thống Trump đã thất bại.
Ứng viên Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 4/11. Ảnh: NYTimes.
Yếu tố thứ hai tạo nên lợi thế của Biden ở vùng Trung Tây là ông đã phá vỡ được nền tảng ủng hộ của Trump ở các khu vực ngoại ô bảo thủ.
Các vùng ngoại ô Milwaukee ở bang Wisconsin, gồm Waukesha, Ozaukee và Washington, được xem khu vực bảo thủ nhất của nước Mỹ. Ba nơi này luôn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong mọi cuộc bầu cử từ năm 1968 với cách biệt chiến thắng lên tới hai con số. Cử tri ở đây hầu hết là người giàu có, có học thức cao và là người da trắng.
Năm 2016, Trump đã chiến thắng áp đảo cả ba khu vực với cách biệt 40 điểm phần trăm ở Washington, 27 điểm ở Waukesha và 19 điểm ở Ozaukee. Chưa từng có ứng viên Dân chủ nào giành được quá 40% ủng hộ ở các khu vực bảo thủ này. Bốn năm sau, Biden đã thu hẹp khoảng cách ở cả ba nơi, lần lượt là 38 điểm, 21 điểm và 12 điểm. Đặc biệt, Biden còn giành được 43% ủng hộ ở Ozaukee.
Thực tế tương tự cũng diễn ra ở Michigan. Hạt Livingston từ lâu được xem là "thành trì" đảng Cộng hòa. Bốn năm trước, Tổng thống Trump giành chiến thắng ở hạt siêu bảo thủ này với cách biệt 30 điểm phần trăm và chiến dịch của ông kỳ vọng lặp lại kịch bản này năm nay.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cách biệt mà Trump tạo ra năm nay chỉ 22,5 điểm. Kết quả này một lần nữa cho thấy nỗ lực bảo vệ thành trì ủng hộ của Trump đã thất bại.
Việc Biden thu hút được lượng lớn cử tri da màu ở vùng Trung Tây chính là yếu tố thứ ba giúp Biden xây dựng "bức tường xanh".
Bốn năm trước, ứng viên Hillary Clinton thất bại trước Trump một phần do bà đã "bỏ quên" cử tri da màu. Ba bang Trung Tây Pennsylvania, Wisconsin và Michigan là nơi tập trung khá đông đảo cử tri da màu của Mỹ.
Hạt Milwaukee, nơi có thành phố Milwaukee, là nơi có tỷ lệ người da màu lớn nhất ở bang Wisconsin. Năm 2012, cựu tổng thống Barack Obama giành được khoảng 328.000 phiếu phổ thông tại đây, nhưng 4 năm sau, bà Hillary chỉ giành được 289.000 phiếu. Năm nay, nhờ chiến dịch vận động tích cực hướng tới cử tri da màu, Biden đã giành được hơn 317.000 phiếu tại hạt Milwaukee.
Câu chuyện tương tự xảy ra ở Detroit, thành phố với hơn 80% người da màu, thuộc hạt Wayne, bang Michigan. Năm nay, Biden giành được 568.000 phiếu ở đây, vượt qua con số 520.000 của ứng viên Hillary Clinton cách đây bốn năm.
Philadelphia, thuộc hạt cùng tên ở bang Pennsylvania, cũng là một thành phố với đa số là người da màu. Biden đã giành được 458.000 phiếu và có khả năng đạt tới 600.000 phiếu khi quá trình kiểm phiếu của bang hoàn tất. Năm 2016, bà Clinton từng giành được 584.000 phiếu ở hạt này.
Các số liệu tuy chưa đầy đủ, nhưng đã phần nào cho thấy Biden đang làm rất tốt với chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay. Bằng cách cải thiện thành tích so với ứng viên Hillary cách đây bốn năm, con đường tới Nhà Trắng đã rộng mở hơn rất nhiều với ứng viên đảng Dân chủ.
Người ủng hộ Trump vây kín văn phòng kiểm phiếu ở Arizona Những người ủng hộ Trump tập trung trước văn phòng Ủy ban Kiểm phiếu Hạt Maricopa tối 4/11 và hô vang "kiểm phiếu đi", một số mang theo vũ khí. Video: Guardian.