Tổ trưởng dân phố giỏi ngăn bạo lực gia đình
“Điều quan trọng nhất khi làm việc và hoà giải những vụ bạo lực gia đình là phải xử lý có lý, có tình. Thậm chí, phải nắm vững kỹ năng mới có thể nói chuyện với những người gây bạo lực” – ông Trần Văn Hiền – tư vấn viên kiêm tổ trưởng dân phố số 3, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự.
Càng làm càng say
Ông Trần Văn Hiền vốn là một quân nhân về hưu. Ông tâm sự: “Nói thật, lúc đầu mình ngại làm tổ trưởng lắm, nhưng mình là đảng viên, được giao nhiệm vụ thì phải làm. Công việc tuy bận rộn, có chút lích kích nhưng càng làm càng say. Giờ được gần dân, được bà con tin yêu, có gì cũng gọi tới tâm sự, mình thấy rất vui” – ông Hiền cho biết.
Đến nay, ông Hiền mới làm chưa được một nhiệm kỳ, nhưng ông đã quá quen với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ngoài những nhiệm vụ chính trị được giao, ông Hiền còn tham gia tổ hoà giải bạo lực gia đình (BLGĐ).
Phường Xuân Tảo trước đây là vùng nông thôn, bà con làm nông nghiệp nên văn hoá làng xã vẫn ăn sâu vào tiềm thức. Do vậy, một bộ phận bà con vẫn chưa ý thức chấp hành pháp luật, tình trạng BLGĐ vẫn xảy ra hàng ngày, lúc âm ỉ, lúc bùng phát thành những vụ cãi nhau, xô xát.
Ông Trần Văn Hiền (giữa) tham gia dự thi Tổ trưởng thân thiện và giành giải nhất. Anh:Thuỳ Anh
Trong quá trình làm công tác hoà giải BLGĐ, kỷ niệm mà ông Hiền nhớ nhất chính là vào Tết năm 2014, khi vừa nhậm chức được 1 tuần thì ông phải lóc cóc đi giảng hoà vào lúc giữa đêm.
“Hôm đó đã 22 giờ 30 ngày 29 Tết, gia đình mình đang nấu bánh chưng thì nghe hàng xóm báo có vợ chồng trong tổ dân phố cãi nhau, thế là mình vứt cả nồi bánh đang nấu để sang giảng hoà” – ông Hiền nhớ lại.
Video đang HOT
Cụ thể, ông chồng đi uống rượu về say, vợ nói thì mắng vợ rồi tát vợ, thậm chí còn đập hết cả bát đũa trong nhà. Thấy căng thẳng quá, ông Hiền vận động mãi rồi kéo thêm cả tổ hoà giải sang khuyên răn. Phải sau 3-4 tiếng hòa giải, vợ chồng họ mới dừng cãi nhau.
Gần đây nhất, ngày 8.7, một vụ BLGĐ cũng đã xảy ra ở tổ dân phố của ông Hiền. Vợ chồng trẻ mới cưới được 8 tháng chưa có con, nhưng vì nghi ngờ vợ bồ bịch mà anh chồng về nhà bạo hành vợ. Không chỉ mắng mỏ, hành hạ về mặt tinh thần, anh ta còn ra tay đánh vợ. Sau khi chị vợ gọi điện báo công an thì ông tiếp nhận và qua thực hiện hoà giải. Lúc đầu, anh chồng cũng ngoan cố, tìm đủ lý do biện minh nhưng bằng kỹ năng của mình ông Hiền đã giải thích để anh ta nhận ra hành vi đánh vợ là sai trái, cần bị lên án. Sau đó, ông cùng tổ hoà giải tiếp tục tư vấn để anh thay đổi nhận thức và giám sát kỹ vụ việc để có thể tư vấn, hoà giải kịp thời.
Thuộc lòng kỹ năng hoà giải
Tháng 6 vừa qua ông Trần Văn Hiền là 1 trong 60 tổ trưởng dân phố giỏi của thành phố Hà Nội tham gia Hội thi Tổ trưởng dân phố thân thiện. Lần đầu tiên tiết mục dự thi về “Chuyện phố tôi” do chính ông Hiền tự biên tự diễn đã giành giải nhất cuộc thi.
Tổ hoà giải của của Tổ dân phố số 3 (Xuân Tảo) được thành lập với 5 thành viên thuộc tổ chức, đoàn thể như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ… Hầu hết các hội viên đều đã được tham gia tập huấn về nhiều kỹ năng cơ bản trong công tác hoà giải nói chung và hoà giải BLGĐ nói riêng.
Theo ông Hiền, một hai năm trở lại đây phường Xuân Tảo rồi Phòng văn hoá cũng có tổ chức mở những lớp tập huấn về kỹ năng hoà giải cho cán bộ tổ dân phố. Ngoài những kiến thức chung như luật pháp, các tổ trưởng dân phố còn nắm được kỹ năng thuyết phục, kỹ năng phân tích, hoà giải…
“Nhiều lần hoà giải cho các gia đình xảy ra BLGĐ, tôi thấy người gây bạo lực đa phần là các ông chồng. Họ thường có tâm lý đổ lỗi và không chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực. Thậm chí có người còn bày đủ lý do như vợ ngoại tình, vợ lăng nhăng, vợ không đảm đang… để tìm kiếm sự ủng hộ của người khác nhằm xoá bỏ tội lỗi của mình gây ra” – ông Hiền phân tích.
Để hoà giải thành công, theo ông Hiền, trước hết cần xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây bạo lực. Sau đó, khi tiến hành hoà giải cũng cần chú ý đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nghiêm khắc lên án hành vi gây ra bạo lực, không xoa dịu làm nhẹ đi vấn đề.
“Một kinh nghiệm khác nữa trong việc xử lý các vụ việc BLGĐ mà tôi thấy trong quá trình làm việc, đó chính là cần phải tôn trọng người gây ra bạo lực khi hòa giải, không dè bỉu, lên án họ. Bản thân họ là con người nên cũng cần được tôn trọng nhân phẩm, không thể gọi họ là thằng này, thằng kia. Quan điểm của tôi là nam giới gây bạo lực cũng cần được hỗ trợ, giúp đỡ để thay đổi. Chỉ khi họ nhận thấy cái sai của hành vi mình gây ra thì mới dừng được hành vi bạo lực” – ông Hiền tiết lộ thêm./.
Theo Danviet
Nhảy Zumba để phòng chống bạo lực gia đình
Quần áo ám mùi thịt cá, bàn tay còn vương nhựa rau, chân đi ủng, các nữ tiểu thương ở chợ Bãi Đá (Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn nhiệt tình nhảy theo điệu Zumba sôi động. Đây là hoạt động giúp chị em giải phóng năng lượng, thoát khỏi buồn đau và tự tin hơn để phòng chống bạo lực gia đình.
Giải tỏa uất ức, căng thẳng
Nụ cười tỏa sáng trên gương mặt, chị Minh - một phụ nữ bán hoa quả tại chợ Bãi Đá cho biết, chị chưa từng nghĩ một ngày mình có thể nhảy một cách vui vẻ như vậy.
Chị em tiểu thương chợ Bãi Đá hăng say học nhảy. Ảnh: CSAGA.
Chị cho biết, cuộc sống của chị rất vất vả. Dậy sớm, thức khuya để chạy chợ, đảm đang làm vợ, làm mẹ, nhưng chị từng bị chồng giết hụt tới 3 lần. Chồng đánh chửi thường xuyên và diễn ra trong nhiều năm, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng với suy nghĩ để gia đình được toàn vẹn, bảo vệ các con mình.
Chia sẻ về trường hợp của chị Minh, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, bà đã mất nhiều thời gian mới tiếp cận và nhận được sự tin cậy của chị Minh, nghe chị chia sẻ về nỗi đớn đau của mình.
"Chị ấy kể, lấy nhau sau 5 năm chồng bắt đầu đánh chửi vợ như cơm bữa với những lý do hết sức vớ vẩn như: Đi chợ về muộn; chưa có nước sôi... Người chị ấy hiếm hoi lắm mới có ngày không bầm dập. Nhưng, hai lần bị đánh gần đây khiến chị nhớ nhất. Đó là cách đây hai năm, chị bị chồng đánh đến rạn xương đầu, phải đi viện cấp cứu. Vết thương ấy đến giờ vẫn còn di chứng, hàng ngày chị ấy vẫn phải uống thuốc. Lần khác, chị bị chồng chèn gối lên đầu rồi (không biết là dùng dao hay kéo) định đâm, anh bộ đội chạy vào can thì bị đâm vào tay phải khâu 5 mũi. Khi anh ta có bồ, anh ta còn dẫn về nhà để bắt vợ phục vụ cơm nước và không được tỏ vẻ vô lễ với bồ của chồng" - bà Vân Anh nói.
Để trợ giúp chị Minh, bà Vân Anh đã đến gặp chủ tịch hội phụ nữ xã, công an xã, chính quyền... để tìm giải pháp. Xã đã phải họp bàn 3 cuộc để tìm cách giải cứu chị Minh khỏi bạo lực. Thậm chí, công an còn vẽ cả sơ đồ nhà chị Minh với các cửa thoát, lối vào khẩn cấp để khi chồng đánh, chị Minh biết đường tháo chạy, tìm hỗ trợ. Nhà chị Minh cũng được đặt trong tình trạng bảo vệ. Cảnh sát và một người bạn thân của chồng chị Minh đã gặp gỡ và cảnh báo anh ta. Anh ta cũng đã viết cam kết không đánh vợ.
"Tôi rất thích được học nhảy. Khi nhảy, tôi cảm thấy mình được giải tỏa uất ức, cuộc sống đỡ căng thẳng hơn" - chị Minh chia sẻ.
"Tiến quân" vào nội đô
Dạy nhảy cho phụ nữ bán hàng ở chợ Bãi Đá là chương trình do CSAGA thực hiện. Điều này gây ngạc nhiên vì nhiều người cho rằng, nhảy nhót phải dành cho phụ nữ thư dãn, ở môi trường đẹp đẽ. Đằng này ở chợ ồn ào, phụ nữ ăn mặc giản dị, bận rộn, ám mùi cá thịt mà nhảy Zumba không phù hợp.
Chia sẻ về điều này, bà Vân Anh cho biết, nhảy là cơ hội để giải phóng cơ thể, rất cần thiết cho chị em, nhất là những phụ nữ bị bạo hành, căng thẳng, mệt mỏi. "Việc vận động cơ thể đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình rất quan trọng. Bởi phải giải phóng được thân thể mới có thể giải phóng được cái đầu. Khi giải phóng được thân thể, các cơ mềm ra sẽ hỗ trợ rất lớn việc mở mang đầu óc..." - bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, sau chợ Bãi Đá, CSAGA sẽ nhân rộng mô hình này tại các chợ vùng xứ Đoài (Sơn Tây) và "tiến quân" vào nội đô. Bà hy vọng sẽ tạo ra phong trào giải trí lành mạnh cho chị em tiểu thương vốn làm việc căng thẳng, không có thời gian tham gia giải trí, hoạt động nâng cao sức khỏe và xả stress. Và cùng với việc học nhảy, chị em sẽ được học về kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, sống tự tin, vui vẻ, tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình.
Là giáo viên dạy nhảy cho chị em tiểu thương, chị Vũ Thị Thùy Linh hy vọng, thông qua hoạt động nhảy múa, chị em sẽ khỏe mạnh hơn, tin yêu bản thân hơn, hướng tới những điều tích cực.
Chợ Bãi Đá từng có rất nhiều chị em bị bạo lực gia đình. Sau hơn 1 năm, với nhiều chương trình tác động, tình trạng bạo lực đã giảm bớt. Tuy nhiên, một số người bắt đầu chuyển từ bạo lực thể xác sang bạo lực tinh thần với những thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ nam giới tại khu vực chợ Bãi Đá để thay đổi nhận thức của họ về bạo lực gia đình, giúp họ thực sự biến chuyển về hành vi". Bà Nguyễn Vân Anh
Theo Danviet
Bị cấm tảo hôn, nộp phạt xong... lại cưới 11% phụ nữ ở Việt Nam kết hôn trước tuổi luật pháp cho phép, đa phần đều rơi vào trẻ em ở miền núi. Nhiều dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn lên tới 60%. Kết hôn sớm, các em không chỉ đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe, bạo lực gia đình, học vấn thấp, đời sống đói nghèo.. Tảo...