Tố Nga xúc động tại đêm nhạc tôn vinh cống hiến, NSND Quang Vinh hé lộ lý do ‘thương’ đàn em
‘Nếu nhạc sĩ An Thuyên đặt nền móng cho tôi thì Quang Vinh là người hỗ trợ, rất thương tôi’, NSƯT Tố Nga chia sẻ.
Tối 30/9, chương trình Con đường âm nhạc đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội tôn vinh những nỗ lực cống hiến của NSƯT Tố Nga trong hơn 30 năm sự nghiệp.
Con đường âm nhạc do Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam thực hiện và được phát sóng trực tiếp trên VTV1. Lấy chủ đề Nhớ thương Ví Giặm, chương trình tập trung khắc họa dấu ấn riêng biệt của Tố Nga qua những ca khúc lấy cảm hứng từ dân ca miền Trung. Tố Nga xây dựng thương hiệu trên những ca khúc mang âm hưởng Ví Giặm.
Chương trình chia làm 3 chương, trong đó chương 1 và chương 3 là những bài hát, những câu chuyện xoay quanh Ví Giặm, với những ca khúc âm hưởng dân ca Ví Giặm đã gắn bó và làm nên tên tuổi Tố Nga.
Ca sĩ Tố Nga.
Mở màn chương trình, Tố Nga tha thướt trong chiếc áo dài xanh nước biển, ngọt ngào hát Nhớ thương Ví Giặm - ca khúc chủ để chương trình trên nền sân khấu tái hiện làng chài miền biển và ngay lập tức nhận những tràng vỗ tay vang dội. Ngồi dưới hàng ghế khán giả, NSƯT Tố Uyên khen ngợi: ” Hát tốt lắm, xúc động lắm“.
Tố Nga chia sẻ: “Khi bắt đầu cất câu hát đầu tiên, tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện từ tấm bé của mình bên bữa cơm gia đình, gió Lào cát trắng. Những điều đó nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi yêu hát từ tấm bé dù gia đình không ai theo nghệ thuật, trốn mẹ đi xem những đêm nhạc có những nghệ sĩ tên tuổi như Trung Đức, Thu Hiền về biểu diễn và mơ ước mình lớn lên được đứng trên sân khấu”.
Ngay sau đó Tố Nga “rủ” khán giả Về Hà Tĩnh mình ơi bằng giọt hát rất tình, tha thiết. Ở hai đầu nỗi nhớ, Điệu Ví Giặm là em, Mơ quê tiếp tục thấm vào lòng người nghe bằng tiếng hát mộc mạc không màu mè nhưng sâu sắc.
Tố Nga luôn biết ơn cố nhạc sĩ An Thuyên.
Đặc biệt với Con đường âm nhạc, Tố Nga dành nhiều chia sẻ về nhạc sĩ An Thuyên, người đã định hướng chị theo dòng nhạc dân ca. “Tố Nga có chuỗi hoạt động hơn 30 năm với dòng nhạc âm hưởng dân ca. Tố Nga mang ơn nhạc sĩ An Thuyên vì đã hướng dẫn Nga đi theo con đường hát dân ca”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Để tưởng nhớ người thầy, Tố Nga đã hát lại Hà Tĩnh mình thương – ca khúc nổi tiếng của An Thuyên và gắn với dấu ấn của Tố Nga, giúp Tố Nga đoạt Huy chương vàng hội diễn và được trao danh hiệu NSƯT. Trước khi gặp thầy An Thuyên Tố Nga hát nhạc nhẹ và khi được thầy An Thuyên định hướng, chị đã thăng hoa trở thành một NSƯT về dòng dân ca.
Video đang HOT
Tố Nga thăng hoa trong đêm nhạc.
Chương 2 của đêm nhạc là những bài hát về tình mẹ, về những nỗi niềm của đời sống như một lời kể nhẹ nhàng về một Tố Nga trong cuộc sống, luôn tìm niềm vui và chỗ dựa ở gia đình, con cái. Hà Nội đã thành quê hương thứ hai của chị vì thế Tố Nga chọn Mùa Xuân làng lúa làng hoa, Hoài cảm… để ca ngợi mảnh đất này.
“Hà Nội không sinh ra Nga nhưng chứng kiến những thăng trầm cuộc sống, những khổ đau và hoan ca. Hà Nội chính là nơi Nga nhớ nhất khi đi xa” – Tố Nga tâm sự. Hà Nội cũng cho Tố Nga những người thân như ruột thịt trong đó có NSƯT Phạm Phương Thảo. Chọn sáng tác Thương ơi lòng mẹ của người em thân thiết, Tố Nga làm người nghe xúc động bởi giọng hát quá truyền cảm, nặng tình.
Tố Nga và màn biểu diễn chung cùng NSND Quang Vinh.
Điểm nhấn của Con đường âm nhạc tháng 9 là màn song ca rất tình của Tố Nga và đàn anh – NSND Quang Vinh với màn hỗ trợ của các giọng ca trẻ kết hợp rap đầy trẻ trung ấn tượng cho một ca khúc đậm màu sắc dân ca Đưa anh về Hà Tĩnh.
NSND Quang Vinh diện sơ mi, quần tây trắng, gẩy guitar rất thanh niên trong khi Tố Nga e ấp, dịu dàng như cô gái mới lớn đang chờ cưới hỏi. Khi được MC Mỹ Vân hỏi điều gì khiến NSND Quang Vinh dành tình cảm đặc biệt cho Tố Nga, hai lần đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của Tố Nga năm 2022 và Con đường âm nhạc 2023, NSND Quang Vinh hóm hỉnh trả lời:
“Đặc biệt là không bình thường. Tố Nga xứng đáng được tôi dành cho tình cảm đặc biệt. Tố Nga cũng nhận được những tình cảm đặc biệt từ công chúng thì không có lý do gì một người gần gũi như tôi không quý, không thương”.
Tố Nga cũng chia sẻ: “Nếu nhạc sĩ An Thuyên đặt nền móng cho tôi thì Quang Vinh là người hỗ trợ, rất thương tôi”.
Kết thúc chương trình, Tố Nga hạnh phúc cho biết, chị vô cùng sung sướng khi được hát trong tiết thu Hà Nội và có rất nhiều bạn bè, người hâm mộ từ các vùng miền, từ nước ngoài về xem chị biểu diễn.
Ca sĩ Quang Hào 'kể chuyện' hành trình 20 năm ca hát
Tròn 20 năm đến con đường ca hát, ca sĩ Quang Hào đã có những thành công trong sự nghiệp biểu diễn cũng như quản lý.
Ca sĩ Quang Hào thăng hoa trong 'Con đường âm nhạc - Lời sóng hát'. Ảnh: NVCC.
Tròn 20 năm đến con đường ca hát, ca sĩ Quang Hào (Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng) đã có những thành công trong sự nghiệp biểu diễn cũng như quản lý. Mới đây, anh đã "kể chuyện" về hành trình đó cho khán giả trong liveshow "Con đường âm nhạc" với chủ đề "Sóng biển hát" trên Truyền hình Việt Nam.
Bỏ cơ hội trở thành "sao"
Sinh năm 1980 tại Quảng Nam, ngay từ khi còn bé, Quang Hào đã thích nghe cải lương và mong muốn đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Để nuôi dưỡng niềm đam mê, anh kiên trì, bền bỉ luyện tập, học hỏi, trau dồi kiến thức để phát triển một cách toàn diện.
Tài năng âm nhạc của anh đã được minh chứng qua các giải thưởng, như: Giải Nhất Giọng hát hay Quảng Nam 2003, Giải Nhì Sao Mai năm 2005, Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009...
Lứa thi Sao Mai cùng Quang Hào giờ đây có nhiều người nổi tiếng, như: Tân Nhàn, Ngọc Anh, Phương Linh... Còn anh, đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, là giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội thì bất ngờ rời xa Thủ đô để đến với Đà Nẵng khi nhận được lời mời của lãnh đạo thành phố cách đây hơn 10 năm trước.
Chia sẻ về điều này, Quang Hào tỏ ra không hề hối tiếc: "Tôi cứ nghĩ khi thành phố quê hương cần thì sao mình có thể chối từ. Đà Nẵng là môi trường khác xa với Hà Nội, nơi này không nhiều ngôi sao, không có nhiều khán giả thường xuyên bỏ tiền đi xem nhạc như Hà Nội. Nhưng dù ở đâu đi chăng nữa với tôi thì "nghệ thuật không được rẻ" và người nghệ sĩ phải lao động một cách nghiêm túc, miệt mài".
Ca sĩ Quang Hào cùng thầy giáo của mình - NSƯT Dương Minh Đức. Ảnh: NVCC.
Thời kỳ học tập tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Quang Hào may mắn được NSND Quý Dương, NSƯT Mạnh Trung, NSƯT Dương Minh Đức... truyền "ngọn lửa" đam mê, tâm huyết. NSƯT Dương Minh Đức từng xúc động khi nói về người học trò của mình: "Quang Hào là một trường hợp khá đặc biệt.
Xuất phát điểm không phải thật sự xuất sắc nhưng do sự phấn đấu nỗ lực vươn lên Quang Hào càng ngày càng phát triển và khẳng định tài năng của mình. Không những thành công trên vai trò một ca sĩ với những giải thưởng được ghi nhận, Hào còn có khả năng quản lý tài ba. Việc quản lý với một người nghệ sĩ là điều rất khó. Tôi từng chứng kiến nhiều nghệ sĩ rất tài năng trên sân khấu nhưng trên lĩnh vực quản lý lại thất bại".
Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên là người thầy đặc biệt của anh. "Thầy An Thuyên trên cương vị Hiệu trưởng đã đặc cách tuyển tôi vào học rồi tạo điều kiện cho tôi ở lại làm giảng viên tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tuy không giảng dạy trực tiếp nhưng tôi học được ở thầy tư duy, hướng tiếp cận với âm nhạc - đó là điều quan trọng với người nghệ sĩ. Khi tôi quyết định về Đà Nẵng công tác, thầy luôn tin tưởng, ủng hộ và động viên tôi. Trong công tác quản lý, tôi học tập ở thầy rất nhiều", Quang Hào chia sẻ.
Thích những thử thách khó
Là người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật, ca sĩ Quang Hào thừa nhận có những áp lực. Theo anh, trên vai trò ca sĩ thì việc quan trọng là lên sân khấu "phiêu" với cảm xúc để truyền tải tâm tư, tình cảm của mình cũng như thông điệp của ca khúc đến với khán giả.
Còn vai trò quản lý thì khác, khó khăn hơn nhiều, nhất là khi anh em nghệ sĩ là những người có cá tính mạnh. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết dung hòa những cá tính đó để đóng góp cho sự phát triển chung của nhà hát.
"Tôi luôn cảm thấy may mắn khi làm quản lý ở môi trường nghệ thuật bởi ở đó tôi vẫn được sống với đam mê ca hát của mình, hằng ngày được nghe tiếng nhạc, tiếng hát, được tiếp xúc, làm việc với đội ngũ ca sĩ. Việc từng là ca sĩ có nhiều lợi thế cho tôi khi sang làm công tác quản lý. Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ sau để họ có thể tự tin bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp", anh trải lòng.
Một trong những áp lực nữa mà ca sĩ Quang Hào gặp phải, đó là Nhà hát Trưng Vương là đơn vị tự chủ tài chính, bởi thế người lãnh đạo phải lo "cơm áo gạo tiền" cho 70 cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ. Nhưng anh cũng vui mừng cho biết, Trưng Vương là Nhà hát lớn của thành phố Đà Nẵng - điểm đến của du lịch - nên việc khai thác chương trình mới tiếp cận khán giả không quá khó.
"Thực tế cho thấy, nhà hát của chúng tôi vẫn "sáng đèn" nhiều đêm trong tháng là bởi chúng tôi nghiên cứu để nắm bắt được thị yếu của khán giả. Làm nghệ thuật thời nay nói dễ cũng là rất dễ, mà nói khó cũng là rất khó. Điều quan trọng với tôi lúc này là phải năng động, sáng tạo khi tổ chức, thực hiện nhiều chương trình thu hút khán giả đến với nhà hát, từ đó tăng thêm thu nhập cho anh em", anh cho biết.
Ca sĩ Quang Hào tự nhận mình thích thử thách bản thân bằng những việc khó. Hiện nay, ngoài công tác quản lý, anh còn thích làm nhiều công việc khác như biên tập và dàn dựng chương trình và gần đây là làm tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong những sự kiện lớn và quan trọng của Đà Nẵng.
"Mỗi giai đoạn con người ta sẽ có những sở thích và đam mê khác nhau, cá nhân tôi luôn thích khám phá điều mới mẻ, lĩnh vực mà mình chưa từng thử sức. Những điều đó có thể là áp lực nhưng cũng chính là động lực và cơ hội để tôi được khám phá chính bản thân mình và biết cách vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, giúp tôi trưởng thành hơn về nhận thức, nghiệp vụ để thấy yêu cuộc đời, yêu con đường hoạt động nghệ thuật hơn", anh bộc bạch.
Phút thảnh thơi của ca sĩ Quang Hào. Ảnh: NVCC.
Bay bổng trong "Sóng biển hát"
Gần đây, Quang Hào tạm gác công việc quản lý để ra Hà Nội suốt một tuần tập luyện cho liveshow "Con đường âm nhạc" với chủ đề "Sóng biển hát" theo lời mời của Truyền hình Việt Nam. Anh luôn trân trọng và tự hào khi được là ca sĩ trong "Con đường âm nhạc", nhất là năm nay đánh dấu mốc tròn 20 năm bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp.
"Tôi nghĩ con đường âm nhạc của tôi như con sóng giữa biển khơi, có lúc dữ dội, có lúc êm đềm giống như cuộc đời mình vậy. Điểm đặc biệt là tôi có sự di chuyển tới những vùng đất mới, không gian mới với sự tiếp cận văn hóa mới. Âm nhạc, môi trường sống và làm việc của tôi có nhiều thay đổi theo những chặng đường khác nhau, hơi gập ghềnh nhưng rất thú vị", anh nói.
Trong chương trình "Sóng biển hát", Quang Hào đã biến hóa thực sự ấn tượng với những ca khúc ở nhiều dòng nhạc khác nhau, thăng hoa trên sân khấu để mang đến cho khán giả một đêm nhạc nhiều cảm xúc.
Những ca khúc trong chương trình đều gắn với kỷ niệm không thể nào quên của anh. Hai ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên là "Biển và em", "Về miền Trung", anh thể hiện như một lời tri ân đến người thầy quá cố. "Dạ cổ hoài lang" gắn với tuổi thơ của anh. Trong khi đó "Hồn đá" giúp anh giành Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp còn "Mái đình làng biển" đã mang đến cho anh thành công trong cuộc thi Sao Mai.
Anh đã mời thêm ca sĩ Lê Anh Dũng và Ngọc Ký để cùng thể hiện ca khúc "Tre Việt Nam" để nhớ về một thời 3 anh em thường xuyên ca hát trong các sân khấu ở Thủ đô. Ngoài ra, anh còn thể hiện ca khúc "Mênh mang Sơn Trà" do chính anh sáng tác để thể hiện nỗi lòng với quê hương.
Ca sĩ Quang Hào (ngoài cùng bên trái) cùng ca sĩ Ngọc Ký và Lê Anh Dũng trong 'Con đường âm nhạc - Lời sóng hát'. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ về công việc sáng tác, Quang Hào cho biết, chính cảm xúc từ con người, mảnh đất Đà Nẵng đã thôi thúc những nốt nhạc trong anh được bay lên. Khi trở thành tác giả, anh có thể tự do, bay bổng với những ca từ, giai điệu mà không bị bó buộc vào bất cứ điều gì.
"Công việc sáng tác luôn mang đến những thú vị. Đó cũng là cách tôi giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên đây là công việc cần có cảm xúc thật nên không thể sản xuất đại trà được. Trong ca từ, tôi luôn chắt lọc sao cho giàu ý văn học nhất, gợi nhất nhưng vẫn đủ ý nhất. Tôi rất vui khi nhiều ca khúc của mình đã được người dân địa phương đón nhận, yêu thích. "Mênh mang Sơn Trà" là một ca khúc như vậy", anh chia sẻ.
Bên cạnh công việc, Quang Hào yêu thích chơi thể thao, nhất là đạp xe. Anh đã khám phá thành phố Đà Nẵng rồi chinh phục đèo Hải Vân về với huyện A Lưới (Quảng Trị)... Những lúc đạp xe, anh thấy được sống hòa hợp với thiên nhiên và là mạch ngầm để "nảy mầm" những cảm xúc...
Có thể nói, "Lời sóng hát" không chỉ đánh dấu cột mốc 20 năm ca hát mà còn là động lực để ca sĩ Quang Hào tiếp tục cho những dự án của riêng mình cũng như tiếp lửa để anh cùng tập thể Nhà hát Trưng Vương bứt phá trên con đường chinh phục khán giả.
Khi cảm xúc lâng lâng trong "Con đường âm nhạc" vẫn còn vương vấn thì Quang Hào đã bắt tay thực hiện show riêng vào tháng 11 tại Nhà hát Trưng Vương.
"Cuộc đời của người nghệ sĩ là phải lao động, sáng tạo. Dù trên cương vị quản lý nhưng tôi vẫn không quên ca hát, tổ chức đêm nhạc. Tôi làm điều đó có thể không chỉ cho tôi mà còn truyền cảm hứng tới mọi người cùng phấn đấu nỗ lực hơn nữa", anh bày tỏ.
Ngô Khiêm
NSND Tạ Minh Tâm, Đan Trường... trình diễn tại đêm nhạc kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định TPHCM Nhiều nghệ sĩ như NSND Trọng Hữu, Tạ Minh Tâm, ca sĩ Đan Trường, Uyên Linh... trình diễn tại đêm nhạc kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định TPHCM. Tối 2-7, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM và Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật...