Tổ chức khí hậu quốc tế sửa cách ghi Đài Loan thuộc Trung Quốc
Ngày 28-9, Đài Loan bày tỏ hài lòng và cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã nhảy vào hỗ trợ sau khi một tổ chức quốc tế đồng ý bỏ đi cách gọi các thành phố Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Lãnh đạo Cơ quan ngoại giao Đại Loan Ngô Chiêu Tiếp – Ảnh: CNA
Cuối tuần trước, các quan chức Đài Loan đã bày tỏ giận dữ sau khi Công ước Thị trưởng toàn cầu về khí hậu và năng lượng (GCoM) – một tổ chức quốc tế được thành lập ở Bỉ – bắt đầu liệt kê trên trang web của họ 6 thành phố ở Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Ngày 28-9, lãnh đạo Cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết việc “gọi tên sai trái” 6 thành phố trên cuối cùng đã được sửa, theo Hãng tin CNA của Đài Loan. Còn báo South China Morning Post bình luận đây là một “chiến thắng hiếm hoi” của Đài Loan trong việc bảo vệ tên gọi chính thức của họ.
Trước đó, trên trang web của GCoM, những thành phố này – gồm Đài Bắc, Tân Bắc, Đào Viên, Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng – được liệt kê ở phần phân loại quốc gia là Trung Quốc.
Các thị trưởng của 6 thành phố này đã cùng viết một lá thư gửi tới GCoM, kêu gọi họ ngay lập tức thay đổi cách phân loại các thành phố quay trở lại hình thức tên gốc đã đăng ký trước đây.
Họ cảnh báo nếu GCoM từ chối sửa cách ghi, cả 6 thành phố này sẽ rút khỏi nhóm để “bảo vệ các quyền lợi của chúng tôi”. “Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc và những gì họ làm là một hành động làm mất thể diện chúng tôi” – tuyên bố chung của các thị trưởng trên ghi.
Sau phản đối của phía Đài Loan, GCoM đã xếp 6 thành phố của Đài Loan thuộc “Chinese Taipei” (Đài Bắc Trung Hoa) – Ảnh: CNA
Phía GCoM sau đó hồi đáp rằng đó là “lỗi kỹ thuật” và đã nhanh chóng sửa cách phân loại 6 thành phố trên thành thuộc “Chinese Taipei” (Đài Bắc Trung Hoa) – tên chính thức được Đài Loan sử dụng khi tham gia một số tổ chức quốc tế để tránh vấp sự phản đối của Bắc Kinh khi tham gia.
Trong tuyên bố ngày 28-9, ông Ngô Chiêu Tiếp cho biết ông “rất vui” vì các thị trưởng đã cùng đoàn kết về vấn đề trên dù họ có sự khác biệt về đảng phái chính trị. Theo Hãng tin Reuters, ngoài bày tỏ hài lòng, ông Ngô nói rằng Liên minh châu Âu (EU) “đã giúp chúng tôi trong nỗ lực này” nhưng không nêu chi tiết.
Không có quốc gia thành viên EU nào hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và Bắc Kinh gần đây đã tăng cường sức ép lên hòn đảo này, gồm các cuộc tập trận quân sự liên tục.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã cảnh báo bất kỳ sự ủng hộ nào đối với chuyện đòi độc lập cho Đài Loan đều thất bại và rằng “bất kỳ thế lực nào cũng không thể ngăn thống nhất Trung Quốc”.
Đài Loan diễn tập mô phỏng chống đổ bộ
Binh sĩ phòng vệ Đài Loan diễn tập trên thiết bị mô phỏng kịch bản chống lực lượng đại lục đổ bộ để kiểm tra năng lực phòng thủ.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm qua bắt đầu đợt diễn tập trên máy tính, mô phỏng tình huống ngăn chặn chiến dịch đổ bộ của quân đội Trung Quốc đại lục (PLA). Hoạt động này diễn ra ngày 14-18/9 và là một phần của diễn tập thường niên Hán Quang. Các khoa mục bắn đạn thật trên thao trường của đợt diễn tập Hán Quang đã được lực lượng phòng vệ Đài Loan tiến hành hồi tháng 7.
Cuộc diễn tập trên máy tính nhằm kiểm tra khả năng áp dụng chiến lược phòng thủ phù hợp và hiệp đồng giữa các lực lượng khác nhau của chỉ huy lực lượng phòng vệ Đài Loan trong kịch bản hòn đảo bị tấn công, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết trong thông cáo.
Phi công Đài Loan tham gia giai đoạn bắn đạn thật trong diễn tập thường niên Hán Quang hồi tháng 7. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Quan chức Viện Mỹ tại Đài Loan, cơ quan ngoại giao của Washington tại hòn đảo, được mời tới chứng kiến cuộc diễn tập, một nguồn tin trong lực lượng phòng vệ cho biết. Lực lượng phòng vệ Đài Loan lên kế hoạch tổ chức diễn tập trên máy tính sớm hơn, song phải hoãn lại do Covid-19.
"Trước đây, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cử sĩ quan và chuyên gia quân sự tới quan sát cuộc diễn tập trên máy tính và đưa ra lời khuyên sau mỗi tình huống mô phỏng các cuộc tấn công của PLA", nguồn tin trong lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết. "Năm nay do đại dịch Covid-19, Mỹ không thể cử đoàn quan sát tới".
Cuộc diễn tập được tổ chức tại cơ sở huấn luyện của lực lượng phòng vệ Đài Loan ở thành phố Đài Bắc, sử dụng Hệ thống Mô phỏng Cấp Chiến khu Hỗn hợp (JTLS) để tiến hành các tình huống giả định.
JTLS được thiết kế để tạo ra môi trường mô phỏng như thật để các chỉ huy có thể hoạt động như trong tình huống thực tế, giúp họ trau dồi kỹ năng ra quyết định và tìm cách đối phó những cuộc tấn công. Nguồn tin trong lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết dữ liệu ghi lại trong cuộc diễn tập sẽ được gửi cho các chuyên gia Mỹ để phân tích và phản hồi.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan diễn tập phòng thủ tại Đài Trung, ngày 2/7. Video: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan gần đây trở nên căng thẳng, sau khi Trung Quốc đại lục và hòn đảo tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự. PLA hôm 9-10/9 triển khai hơn 30 tiêm kích cùng tàu trinh sát hoạt động ở khu vực phía tây nam đảo Đài Loan, sau khi hòn đảo thử một số loại tên lửa. Giới chức Đài Loan sau đó tổ chức họp báo và chỉ trích "các hành động khiêu khích" của Bắc Kinh.
Trương Triết Bình, phó lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan, nói các hành động của Bắc Kinh "đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực" và "gây nguy hiểm cho hàng không quốc tế".
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Không quân Trung Quốc hồi tháng 6 nhiều lần điều tiêm kích, oanh tạc cơ và vận tải cơ áp sát Đài Loan sau khi hòn đảo thử tên lửa được cho là mẫu Thiên Cung 3 với tầm bắn 200 km.
Vị trí eo biển Đài Loan nằm giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đồ họa: Google.
Trump sắp hành động với TikTok Chính quyền Trump đang nghiên cứu mối đe dọa an ninh quốc gia từ các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và sẽ hành động trong vài tuần tới. "Một vài quan chức chính quyền đang xem xét rủi ro về an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và những ứng dụng khác có khả năng làm lộ an ninh quốc...