Tình yêu không có tội
Tôi, một phụ nữ đã trải qua nhiều giông tố trên con đường gìn giữ hạnh phúc và đã có lúc suýt trở thành “ người đến trước” xin có vài lời chia sẻ với các chị em trong cuộc.
Tôi đã theo dõi những ý kiến, tâm tình của kẻ trước, người sau trong một “cuộc chiến” tình yêu – hôn nhân. Nực cười thay cho cái lý luận “cũ người, mới ta” của hai chiến tuyến, cái mà người đến trước cho rằng là thứ vứt đi, thì đối với kẻ đến sau, thứ ấy hãy còn… ngon lành lắm lắm!
Tôi, một phụ nữ đã trải qua nhiều giông tố trên con đường gìn giữ hạnh phúc và đã có lúc suýt trở thành “người đến trước” xin có vài lời chia sẻ với các chị em trong cuộc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa – Ảnh: Phùng Huy
Trước nhất, xin các chị em đừng lớn tiếng hơn thua nhau làm gì nữa, vì đây là một cuộc chiến bất phân thắng bại. Điều cần làm, theo tôi là mỗi người hãy tự nhìn lại mình. Mình đã làm gì để dần biến mái ấm của mình thành “mái lạnh” biến những yêu thương, những niềm vui khi được chăm sóc chồng và những người thân của chồng thành một trách nhiệm nặng nề? Mình đã làm gì để kẻ thứ ba có cơ hội chen vào ngôi nhà thân thuộc của mình? Trước kia, chẳng phải vợ chồng đến với nhau vì tình yêu đó sao? Vậy thì, theo thời gian, tình yêu ấy phai nhạt dần là do đâu? Có phải chỉ một mình người đàn ông gây nên nông nỗi? Nếu thế, hãy nhẹ nhàng bước ra khỏi cuộc đời anh ta, để anh ta chọn một hướng đi riêng, theo cách của anh ta trong khi mình vẫn giữ được giá trị của mình. Còn nếu bản thân người phụ nữ đã có lúc hời hợt, vô tình thì hãy xem lại mình. Nếu còn cơ hội cứu vãn để tiếp tục được sở hữu ngôi nhà của mình thì hãy làm, còn không thì hãy nhẹ nhàng quay gót, xem như một bài học kinh nghiệm. Không nên tiếc rẻ những điều đã không còn thuộc về mình, vì đã có lúc mình không biết quý trọng chúng. Cuộc sống là phải luôn hướng về phía trước.
Video đang HOT
Những người đến sau xem ra cũng nhiều loại khác nhau. Có người đến sau để mưu cầu một hạnh phúc chân chính thực sự, mà trong vai trò là người đến trước, họ chưa có cơ hội tận hưởng. Tôi hoàn toàn nhất trí với bạn Đ.K.N. trong bài viết Rộng lượng với những mảnh vỡ – con người không phải là đồ vật mà giá trị sử dụng mang dấu trừ theo thời gian. Vậy thì cớ gì phải tranh nhau bình phẩm là còn… ngon lành hay đã hết đát?
Trái lại, cũng có người tự nguyện làm người đến sau chỉ vì muốn thỏa mãn sự thích thú… tầm thường của mình và sẵn sàng núp dưới bóng một người đàn ông quyền lực, thành đạt, yêu vợ thương con… như bạn MTX trong bài viết Hãy yêu chính mình. Vậy mà bạn còn lên tiếng “dạy đời” các bà vợ chân chính. Bạn thử nghĩ xem bạn nhận được gì trong “mối tình ảo” đó? Chỉ là những thứ vụn vặt trong khi bạn lại đánh mất một thứ rất lớn: đánh mất nhân cách của mình! Cứ thử nghĩ xem: một phụ nữ có học, có công việc, có chồng con đề huề mà sẵn sàng biến mình thành con thiêu thân để bay vào lửa như bạn thì thật dại dột. Bạn yêu bản thân mình đến mức sẵn sàng đánh mất giá trị của nó bởi những thứ phù phiếm hay sao? Cứ tưởng tượng chồng bạn, các con bạn sẽ nghĩ gì khi biết bạn là người như thế? Còn nữa: bạn khờ khạo đến mức tưởng rằng người đàn ông ấy cũng khờ khạo như mình. Bạn tưởng rằng ông ấy tin vào cái gọi là tình yêu của bạn ư? Không có chuyện ấy đâu, bạn ạ. Mất một ít tiền vặt và một chút giả vờ để được… giải trí vui vẻ nhằm giảm bớt stress trong công việc thì ông nào mà không làm? Và, nếu một mai chuyện đổ bể ra, ông ấy sẽ dễ dàng được vợ con tha thứ, còn bạn, liệu có còn con đường cho bạn quay về không?
Tóm lại, ngôi nhà và những tài sản trong ngôi nhà ấy chỉ là những thứ vật chất tầm thường, chỉ có trái tim của người đàn ông và một mái ấm đúng nghĩa mới thật sự có giá trị đối với một tình yêu chân chính, một nền tảng gia đình vững chắc. Bạn không cần phải đóng chặt cửa để giữ người đàn ông của mình hãy để anh ấy tự do bước ra khỏi cửa và tự động quay về vì thấy không ở đâu vui bằng nhà mình. Bạn có thể là người đến sau, nhưng đến là để tái tạo niềm vui và hạnh phúc của một mái ấm đã sụp đổ, chứ không phải rình rập, tìm cơ hội xen vào chỉ vì ngôi nhà ấy có một cây cột đã lung lay. Lại càng đừng nên tham lam những thứ không phải là của mình. Niềm hạnh phúc chân chính không thể xuất phát từ nỗi đau của người khác, lại không thể có được từ sự giành giật, toan tính hơn thua. Tình yêu vốn rất thiêng liêng, đẹp đẽ và không có tội. Xin ai đó đừng nhân danh tình yêu mà vô tình (hay cố ý) biến nó thành thứ vật chất sở hữu tầm thường, làm vẩn đục ý nghĩa cao cả của tình yêu. Dẫu là người thứ… n trong cuộc đời của người đàn ông mà vẫn tìm thấy hạnh phúc ngập tràn thì thật là một điều tuyệt vời, phải không các bạn?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khóc trong đêm tân hôn vì bệnh di truyền
Cố gắng "gìn giữ" cho nàng đến tận ngày cưới, trong đêm tân hôn, Quốc bàng hoàng nhận ra cô dâu 27 tuổi của mình có cơ quan sinh dục chưa trưởng thành.
Ảnh minh họa
Không ít cô gái, chàng trai đã bàng hoàng vỡ mộng ngay trong đêm đầu tiên là vợ chồng của nhau. Nguyễn Thị Hương, 25 tuổi, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là một trong số đó.
"Hơn một năm làm vợ, em vẫn là con gái. Cuộc sống vợ chồng tẻ ngắt chẳng khác nào bạn bè. Anh ấy không phải là đàn ông. Trước ngày cưới, em luôn cảm phục anh ấy vì đã yêu và giữ gìn cho em đến tận ngày cưới nhưng nào ngờ...", cô tức tưởi khóc.
Trịnh Văn Quốc (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thị xã Phủ Lý, Hà Nam) sau bốn năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về quê đã khấp khởi mừng vì người anh yêu vẫn thuỷ chung chờ đợi. Không muốn nàng phải chờ đợi thêm hay đánh giá thấp mình, anh xin cưới và "bấm bụng" chờ đến đêm tân hôn. Nhưng mọi chuyện không đẹp như ý nghĩ ban đầu. Đêm tân hôn, Quốc chết điếng khi nhận ra rằng nàng dâu 27 tuổi nhưng "cô nhỏ" trinh nguyên đến độ chưa trưởng thành.
Trần Lệ Thu (phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng gặp phải tình huống trớ trêu không kém. Sau khi kết hôn chưa đầy hai tháng, cô bắt đầu thấy sức khoẻ của mình suy kiệt. Thấy Thu gầy guộc và yếu ớt, mẹ cô đã đưa con đến Tổ chức Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) để kiểm tra sức khoẻ. Qua xét nghiệm tế bào cổ tử cung, bác sĩ đã cho biết tin dữ: Thu có dấu hiệu ung thư sớm cổ tử cung. Vậy là vừa cưới chồng, cô đã biết mình có thể mất khả năng làm mẹ.
Thu thổ lộ qua làn nước mắt: "Em ân hận vì đã không đi khám sức khoẻ sớm hơn. Anh ấy là người mà em hết sức yêu thương và muốn gắn bó cả đời. Em muốn sinh cho anh ấy những đứa con khoẻ mạnh kháu khỉnh nhưng không ngờ đã kéo anh ấy phải chịu chung nỗi khổ với em. Nếu biết trước điều bất hạnh này em sẽ không để anh ấy phải khổ vì mình".
Trong khi đó, theo các chuyên gia về y tế, chỉ cần một cuộc thăm khám nhỏ cho cả hai người trước hôn nhân là tất cả những điều "kín đáo" đó sẽ lộ diện. Hai người vẫn có thể tiến tới hôn nhân nhưng đã được chuẩn bị kỹ về mặt tinh thần.
Hiện nay, việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân ở Việt Nam mới dừng ở mức độ khuyến khích trong khi ở các nước tiên tiến, đây là quy định bắt buộc của cả nam và nữ trước khi kết hôn. Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn chỉ là cuộc trao đổi ý kiến, giải đáp thắc mắc diễn ra giữa bác sĩ chuyên khoa và người có nhu cầu. Nội dung tư vấn bao gồm các rối loạn chức năng sinh dục, biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản, bệnh di truyền, bệnh nội tạng (tim, gan, phổi...), bệnh cơ quan sinh dục, bệnh tâm thần.
Thao tác chuyên môn gồm có hai phần chính. Một là xem xét bệnh sử đôi bên, các tiền căn về rối loạn tâm thần, viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền, kém phát triển trí tuệ, bệnh tim, gan, thận, tình trạng kinh nguyệt/xuất tinh, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình, tình trạng sinh đẻ (với người đã từng lập gia đình)... Hai là kiểm tra sức khỏe như chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp, test tâm thần kinh, thăm khám hiện trạng bệnh lý đang theo dõi điều trị, thăm khám cơ quan sinh dục ngoài và trong, với bạn gái trẻ chưa có gia đình thì thăm khám qua đường hậu môn nếu cần thiết để biết tình trạng tử cung siêu âm, chụp nhũ ảnh, xét nghiệm máu, nước tiểu nếu cần.
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc tổ chức LIGHT, cũng khẳng định: "Tư vấn di truyền không cản trở sự kết hôn mà chỉ đưa ra những phương hướng giúp phòng tránh các rủi ro sinh con có khuyết tật di truyền, hoặc hướng dẫn cách nuôi tối ưu với những trẻ có bệnh về chuyển hóa. Bên cạnh đó, khi khám và tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân, các bạn trẻ cũng được kiểm tra và biết trước tình trạng của mình đối với một số bệnh như viêm gan B, C... Trên cơ sở đó, họ có thể tiêm phòng trước khi kết hôn, tránh tình trạng lây nhiễm cho vợ hoặc chồng và đặc biệt tránh lây truyền cho con trong quá trình mang thai".
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Gia Đình