Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng
Mưa lũ đi qua, nhiều cánh đồng bãi bồi dọc sông Trà Khúc thuộc địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Minh và Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) lại bị sạt lở, làm mất hàng trăm mét đất nông nghiệp và đe dọa trực tiếp đến nhà ở của hàng chục hộ dân. Sạt lở bờ sông đã trở thành mối lo thường trực với người dân nơi đây.
Sống ven sông Trà Khúc gần một đời, ông Nguyễn Thành Long (59 tuổi), ở thôn Minh Long, xã Tịnh Minh chứng kiến không ít lần sạt lở bờ sông, nhưng sạt lở như năm nay, theo ông là chưa từng có. Quy luật bên lở bên bồi mà những người có kinh nghiệm trong làng từng khẳng định, nay dường như cũng không còn đúng.
Dẫn chúng tôi theo bờ sông, đoạn qua xóm 6, nhìn những bụi tre vừa bị nước lũ đánh sụt xuống sông, ông Long cho biết: “Ở gần sông thì chuyện sạt lở, bên lở bên bồi vào mùa mưa lũ là bình thường. Nhưng năm nay lạ lắm, nhìn cái bờ tre đây là thấy. Mấy bụi tre già giờ đã bị bật gốc, cuốn hết xuống sông”.
Những bụi tre trồng để giữ đất bị nước lũ đánh bật gốc, sụt lún xuống sông.
Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Thanh Hồng, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh chỉ cách khoảng 5m là đến mép sông Trà Khúc. Hai bụi tre mà ông trồng dọc sông để chống xói lở đã bị cuốn trôi, bật gốc, chuồng trại chăn nuôi của gia đình vừa qua cũng bị kéo sập xuống sông.
Ông Hồng cho biết: “Ngày trước, đất từ mép sông đi vào rộng hàng trăm mét nhưng năm nay chỉ còn lại 5-10m. Chỉ cần một đợt lũ nhỏ, chắc chắn sạt lở dọc bờ sông nơi đây không chỉ dừng lại đó. Nếu không xây dựng bờ kè trong thời gian tới, thì đất đai màu mỡ dọc bờ sông sẽ bị cuốn trôi hết”.
Chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông, ông Phan Văn Hùng buồn bã cho biết: “Chúng tôi không biết làm cách nào để ngăn lại, cứ lở mãi như thế, vài năm nữa, đất canh tác ven sông là kế sinh nhai của gia đình tôi và nhiều người dân khác sẽ không còn bao nhiêu”.
Đáng ngại hơn, tình trạng sạt lở nghiêm trọng như vậy cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến trạm bơm của HTXNN xã Tịnh Minh. Theo quan sát, phần sạt lở chỉ còn cách chân trạm bơm chưa đầy 2m và việc nước sông dâng cao, xoáy sâu liên tục vừa qua đã gây nứt nhiều đoạn. Nếu không sớm có phương án khắc phục, khả năng sẽ làm sập luôn trạm bơm xuống sông.
Video đang HOT
Mặc dù được xây dựng kè mỏ hàn để giảm tốc độ dòng chảy nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra ngay dưới kẻ mỏ hàn.
Theo tìm hiểu, năm 2017, tại thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 4 mỏ hàn để bảo vệ bờ sông khỏi xói lở, tuy nhiên, đợt mưa lũ lớn vừa qua đã tạo ra dòng xoáy gây sạt lở bờ sông ngay dưới khu vực được xây dựng, dòng chảy sông Trà Khúc đang có diễn biến phức tạp.
Khu vực sạt lở bờ sông Trà Khúc đoạn qua thôn Minh Long dài khoảng 400m, nhiều đoạn ăn sâu đến 30m đất, tạo “hàm ếch” rất lớn. Ông Long chia sẻ: “Có khoảng 15 hộ dân ven sông ảnh hưởng trực tiếp và 30 hộ dân khác có nguy cơ bị sạt lở bờ sông đe dọa”.
Theo UBND xã Tịnh Minh, sạt lở dọc sông Trà Khúc qua địa bàn xã kéo dài hơn 500m. Thống kê sơ bộ, gần 7ha đất vườn và đất bãi bồi của người dân đã trở thành lòng sông. Nếu tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục, con đường liên xóm sẽ bị xóa sổ. Hiện mép sông đã ở sát chân đường.
Tại bờ bắc sông Trà, đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cũng sạt lở hơn 500m đe dọa đến nhà ở của 10 hộ dân ở thôn Thọ Lộc Tây. Theo người dân, sạt lở bờ sông Trà qua thôn Thọ Lộc Tây diễn ra từ nhiều năm nay. Từ xưa người dân trồng một hàng tre dài giữ đất nhưng sạt lở đã xóa sổ “lá chắn” cuối cùng này.
Nhiều điểm sạt lở lấy đi phần lớn diện tích đất hoa màu của người dân.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi Bùi Đức Thái, cho biết, năm 2020 là năm sạt lở lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Thống kê sơ bộ, hiện trên toàn tỉnh có 169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 148km; mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5-10m, có những nơi lên đến hơn 30m; phần lớn tập trung ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu…
Các điểm sạt lở đã được kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở. Một số điểm đã được đầu tư xây dựng kè kiên cố, một số điểm như bờ bắc sông Vệ và các nhánh sông Vệ đang được làm hồ sơ để thi công. Tuy nhiên, cũng có những khu vực sạt lở hiện chưa có kinh phí xây dựng kè.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở đất là do sự thay đổi dòng chảy của sông. Bên cạnh đó, đất bên bờ sông là đất pha cát nên rất dễ bị ảnh hưởng sạt lở, mà khi đã sạt lở lại rất khó khắc phục. Thêm một nguyên nhân nữa là hiện nay tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều nên hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra nhanh và ngày càng nghiêm trọng.
Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì những bãi đất bồi màu mỡ dọc các sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu… sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, ông Thái chia sẻ.
Sóc Trăng: Sạt lở bờ sông trong đêm tối, nhiều hộ dân phải sơ tán
Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 1/8, tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có 3 hộ phải di dời.
Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú). (Ảnh Chanh Đa/TTXVN)
Ngày 2/8, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng phối hợp với lãnh đạo huyện Long Phú đã đến kiểm tra hiện trường vụ sạt lở, làm ảnh hưởng nhiều hộ dân tại 2 xã Song Phụng và xã Phú Hữu.
Tại hiện trường, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Long Phú và ngành chức năng đã chỉ đạo địa phương huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân gia cố đoạn đường bị sạt lở và vận động người dân bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn.
Theo các hộ dân, khoảng 20 giờ 40 phút, ngày 1/8, tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có 3 hộ phải di dời sang nơi khác.
Đoạn sạt lở trên có chiều dài khoảng 40m, lấn sâu vào đất liền hơn 10m và làm sụp lún đoạn đường bêtông với độ sâu từ 3-5m.
Trước đó, đoạn đường này đã được cấm biển báo có nguy cơ sạt lở. Hiện nay, các hộ dân bị ảnh hưởng đã khẩn trương phá dỡ hàng rào, công trình phụ và di dời đồ đạc để tránh tiếp tục bị sạt lở.
Sạt lở gây thiệt hại nặng cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại xã Song Phụng (huyện Long Phú). (Ảnh Chanh Đa/TTXVN)
Còn tại ấp Phú Hữu (xã Phú Hữu), sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến tài sản và cuộc sống của ông Nguyễn Văn Hoàng.
Đoạn sạt lở dài gần 20m, ăn sâu vào phần đất trước nhà khiến căn nhà của gia đình hộ dân này bị đe dọa nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã đến hiện trường ghi nhận vụ sạt lở; đồng thời, khẩn trương tiến hành việc gia cố để sạt lở không lây ra trên diện rộng.
Theo ông Vương Tấn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Phú, cho biết dù mới bước vào mùa mưa nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng ngày càng lớn về tài sản đời sống dân sinh. Về lâu dài, huyện kiến nghị cấp tỉnh và các Bộ, ngành sớm bố trí vốn để địa phương xây dựng bờ kè chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ngoài điểm sạt lở trên, thời gian qua trên địa bàn huyện Long Phú và các địa phương ven sông, ven biển đã xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển khác làm nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực lo âu và ảnh hưởng đến việc lưu thông qua lại của nhiều người dân.
Trong những tháng qua, khi bước vào những tháng mùa mưa, nhiều vụ sạt lở xảy ra liên tiếp trên địa bàn các huyện Kế Sách, gây thiệt hại lớn về tài sản, sản xuất của người dân trên địa bàn.
Dù địa phương luôn thực hiện việc gia cố các công trình bờ bao, xây dựng các công trình bờ kè ven sông, kể cả ven biển để hạn chế sự tác động, tuy nhiên, về lâu dài, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các bộ ngành Trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương, trong đó có Sóc Trăng đẩy nhanh thực hiện các công trình trọng điểm về phòng, chống sạt lở tại các khu vực tập trung đông dân cư, giáp sông, bờ biển cũng như hỗ trợ các địa phương bố trí hợp lý việc di dời các hộ dân, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Báo động hồ, đập mất an toàn: Hiểm họa treo trên đầu Nếu đập bị vỡ, lượng nước đổ về sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản người dân sống vùng hạ du và ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số công trình công cộng khác Hồ chứa nước Dạ Lam ở xã Thái Thủy có vị trí trọng yếu tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Hồ được xây dựng từ năm...