Tinh thần rệu rã của binh sĩ Afghanistan khi đối đầu Taliban
Trước khi kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban đã chiếm giữ mọi thành phố lớn ở Afghanistan – từ Kandahar ở phía nam đến Mazar-i-Sharif ở phía bắc, Herat ở phía tây đến Jalalabad ở phía đông.
Các binh sĩ Afghanistan tại tỉnh Laghman (Ảnh: Reuters).
Tinh thần rệu rã, thiếu ý chí chiến đấu
Chỉ mới hôm 14/8, trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã ca ngợi các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan, nói rằng họ có “tinh thần bảo vệ người dân và đất nước rất mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, đà tiến của Taliban và sự thiếu phản kháng của nhiều đơn vị quân đội Afghanistan thật sự gây sốc với Mỹ và cả thế giới. Một số đơn vị quân đội tháo chạy khi quân Taliban đến. Nhiều đơn vị khác đạt được thỏa thuận với Taliban để đầu hàng, giao nộp vũ khí và thiết bị quân sự cho nhóm phiến quân này.
Trong một số trường hợp, các quan chức Mỹ cho biết, các thống đốc tỉnh đã yêu cầu lực lượng an ninh đầu hàng hoặc chạy trốn, có thể nhằm tránh đổ máu thêm vì họ tin rằng thất bại là điều khó tránh khỏi.
Dù không đánh giáp lá cà, các lực lượng quân chính phủ Afghanistan dường như vẫn tan rã. Một quan chức Mỹ cho biết: “Một khi tinh thần rệu rã, nó sẽ lan truyền rất nhanh và điều đó ít nhất cũng là một phần nguyên nhân gây thất bại”.
Video đang HOT
Các sĩ quan Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tham nhũng tràn lan trong các bộ phận lãnh đạo quân sự và chính trị của Afghanistan, sẽ làm suy yếu quyết tâm của những người lính trên tiền tuyến, vốn bị nợ lương, thiếu ăn. Trên thực tế, một số người trong số họ đã bị bỏ rơi trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm ở các tiền đồn biệt lập, nơi họ dễ dàng bị Taliban tấn công.
Trong nhiều năm qua, hàng trăm binh sĩ Afghanistan thiệt mạng mỗi tháng. Nhưng các binh sĩ vẫn phải chiến đấu mà không có bất kỳ đảm bảo nào về việc sẽ di tản bằng đường không hay chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp như trong quân đội phương Tây. Và dần dà, quyết tâm của họ đã hoàn toàn “bốc hơi”.
“Bạn có nên dành cả cuộc đời mình cho những nhà lãnh đạo không trả lương đúng hạn và chỉ chăm chăm lo cho tương lai của chính họ hay không?” một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Một số chuyên gia của nhóm Taliban cũng có nhận định tương tự. Một chỉ huy Taliban ở tỉnh miền Trung Ghazni cho biết, lực lượng quân chính phủ bắt đầu sụp đổ ngay sau khi lực lượng Mỹ rút quân “vì họ không có bất kỳ ý thức hệ nào ngoại trừ việc chạy trốn người Mỹ”.
“Lý do duy nhất cho sự thất thủ bất ngờ này chính là cam kết của chúng tôi (Taliban) và việc Mỹ rút quân”, chỉ huy trên nói.
Trợ giúp của Mỹ “tan thành mây khói”
Cuộc tấn công như vũ bão cùng chiến thắng của nhóm phiến quân Taliban trên khắp Afghanistan phản ánh thất bại của Mỹ trong 2 thập niên nỗ lực tái thiết tại chiến trường quốc gia Nam Á này.
Mỹ và các đồng minh đã chi gần 100 tỷ USD để phát triển, trang bị và huấn luyện cho quân đội, không quân, lực lượng biệt kích và cảnh sát của Afghanistan, nhưng kết quả đổi lại cho Nhà Trắng thật sự quá thất vọng. Taliban chỉ mất hơn một tháng để xóa sạch mọi nỗ lực trong hai thập niên qua của Mỹ.
Kết cục của Afghanistan làm lộ rõ thất bại của Mỹ trong chiến lược xây dựng một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp, tinh nhuệ cùng với lực lượng lãnh đạo được đào tạo bài bản, năng động, vũ khí công nghệ cao và hỗ trợ hậu cần liên tục.
Theo báo cáo, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 binh sĩ. Nhưng thực tế, con số chưa bao giờ cao như vậy.
Khi Taliban tấn công mạnh mẽ, chính phủ nước này phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các đơn vị lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được điều động từ tỉnh này sang tỉnh khác. Trong khi đó, tỷ lệ đào ngũ vốn đã cao trong quân đội chính quy cũng tăng vọt.
Khi các lực lượng quân chính phủ bắt đầu tan rã, các dân quân địa phương được tuyển mộ vội vàng, hầu hết là những người trung thành với các thủ lĩnh khu vực nổi tiếng như Thống chế Abdul Rashid Dostum ở tỉnh phía bắc Faryab hay Ismail Khan ở Herat.
Các nước phương Tây từ lâu đã cảnh giác với lực lượng dân quân như vậy. Mặc dù chính sách tuyển quân này phù hợp hơn với thực tế của nền chính trị Afghanistan truyền thống, nơi các mối quan hệ cá nhân, địa phương hoặc sắc tộc vượt trội hơn lòng trung thành với chính phủ, nhưng họ sau đó cũng chỉ lao vào việc lấy tiền của nhà nước, lạm dụng và cuối cùng không hiệu quả.
Trên thực tế là, Thống chế Dostum đã chạy sang Uzbekistan khi Taliban tấn công trong khi Ismail Khan đã đầu hàng quân nổi dậy.
Các huấn luyện viên quân đội Mỹ từng làm việc với lực lượng Afghanistan đã nỗ lực truyền tải bài học cơ bản về tổ chức quân sự rằng: công tác hậu cần, bảo trì thiết bị và đảm bảo các đơn vị nhận được sự hỗ trợ thích hợp là chìa khóa thành công trên chiến trường.
Nhưng sự thất bại triền miên trong việc hỗ trợ hậu cần và nhân lực cho nhiều đơn vị của chính phủ Afghanistan có nghĩa là “ngay cả khi họ muốn chiến đấu, họ cũng hết khả năng chiến đấu”.
Các lực lượng Afghanistan đã liên tục rời đi sau khi những lời cầu xin cung cấp và tiếp viện không được đáp lại, do không đủ năng lực hoặc đơn giản là hệ thống không đủ khả năng cung cấp.
Afghanistan áp đặt lệnh giới nghiêm tại địa phương có đụng độ vũ trang
Ngày 17/7, tờ Times of India cho biết lệnh giới nghiêm đã được thực thi tại thành phố Kandahar của Afghanistan để kiềm chế bạo lực leo thang do các cuộc đụng độ giữa lực lượng Afghanistan và các tay súng Taliban.
Các hạn chế về di chuyển sẽ được áp dụng từ 21h đến 5h sáng hôm sau.
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét các tay súng Taliban tại Alishing, tỉnh Laghman, ngày 12/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, Hội đồng An ninh quân sự Kandahar khuyến cáo rằng người dân đang ở tại các khu vực khác của Afghanistan không nên quay trở lại thành phố cho đến khi có thông báo mới.
Lệnh giới nghiêm được ban bố ít giờ sau khi Sediq Karzai, một chỉ huy lực lượng đặc biệt Kandahar, bị giết trong cuộc đụng độ với Taliban tại thị trấn Spin Boldak giáp giới Pakistan.
Trong những ngày gần đây, Kandahar chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng do các tay súng Taliban thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm chiếm đóng tỉnh này. Quân đội Afghanistan đã đẩy mạnh các chiến dịch ngăn chặn Taliban.
Lực lượng Taliban đã phát động một cuộc tấn công trên khắp Afghanistan kể từ đầu tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh các lực lượng quân sự nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến trình rút quân khỏi quốc gia này. Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công. Giới chức Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nước láng giềng Afghanistan để hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Afghanistan. Các nước Nam và Trung Á khác cũng có các cuộc tiếp xúc để thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Cùng ngày, tờ Times of India cho biết một hội nghị 3 ngày về hòa bình ở Afghanistan do Pakistan đăng cai đã bị hoãn lại. Hội nghị ban đầu dự kiến diễn ra trong các ngày 17 - 19/7 tại Islamabad và có sự tham dự của một số lãnh đạo cấp cao của Afghanistan. Đại diện Taliban không được mời.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết: "Hội nghị Hòa bình Afghanistan dự kiến tổ chức tại Islamabad từ ngày 17 - 19/7 đã bị hoãn lại cho đến sau lễ Eid Al-Adha. Thời gian mới tổ chức hội nghị nói trên sẽ được thông báo sau". Năm nay lễ Eid Al-Adha vào ngày 21/7.
Tương lai bất định của Afghanistan Những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong chưa đầy 24 giờ qua, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani quyết định rời đất nước và chính quyền chuyển tiếp tạm thời nắm quyền..., vốn là "kịch bản" đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều nó đến sớm hơn so với tính toán. Lực lượng Taliban...