Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) siết chặt phòng dịch khi xuất hiện biến thể Omicron
Tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 sau khi một ổ dịch mới bùng phát ở đây và trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Thị trấn Đại Lãng, thuộc thành phố Đông Hoản của tỉnh Quảng Đông đã phải phong tỏa sau ghi nhận 8 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Mọi người không được phép ra vào thị trấn, dịch vụ xe buýt ngừng hoạt động. Một bệnh viện ở đây cũng bắt đầu phong tỏa, không bệnh nhân nào được ra viện.
Thủ phủ Quảng Châu cũng áp đặt các hạn chế đi lại ở một quận ngoại ô và bắt đầu tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi một nhân viên phi hành đoàn của một chuyến bay chở hàng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chính quyền thành phố thông báo đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thế Omicron sau khi kết thúc thời gian cách ly hồi đầu tháng này, làm dấy lên quan ngại về khả năng biến thể siêu lây nhiễm này có thể đã bám rễ trong cộng đồng.
Tối 16/12, cơ quan y tế địa phương cho biết một phụ nữ 70 tuổi sống cùng căn hộ với bệnh nhân trên cũng đã có xét nghiệm dương tính. Hiện chưa rõ ca này nhiễm biến thể Omicron hay liên quan đến một ổ dịch khác.
Những diễn biến mới tại tỉnh Quảng Đông cho thấy thách thức ngày càng lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt vì kiên trì với chiến lược quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng (zero COVID). Trong hai tháng qua, nhà chức trách đã phải vận lộn chống lại các ổ dịch Delta không ngừng gia tăng, và biến thể Omicron nhiều khả năng sẽ đặt ra một phép thử nữa cho chiến lược phong tỏa, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm hàng loạt của nước này.
ADB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á do biến thể Omicron
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và số ca nhiễm mới gia tăng trên toàn cầu cho thấy đại dịch COVID-19 khó có thể kết thúc trong "một sớm, một chiều".
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong bản báo cáo bổ sung về Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 13/12, ADB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này có thể đạt mức 7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo đưa ra vào tháng 9. Mốc tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi kinh tế đáng kể so với mức giảm 0,1% trong năm 2020. Bên cạnh đó, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực châu Á trong năm 2022 từ mức 5,4% xuống còn 5,3%.
Tuyên bố của ADB nêu rõ kinh tế châu Á có thể duy trì sự phục hồi mạnh mẽ như dự kiến trong tháng 9, song sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan cao, là "lời nhắc nhở nghiêm khắc" về nguy cơ bùng phát thêm các đợt dịch bệnh mới trong tương lai.
Theo ADB, Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực, có thể tăng trưởng chậm hơn, ở mức 8% trong năm 2021 và 5,3% vào năm 2022, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa (bắt đầu từ 1/4/2021) giảm xuống còn 9,7%. Ngoài ra, ADB cũng hạ triển vọng kinh tế của Đông Nam Á xuống còn 3% trong năm 2021, trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng chậm hơn ở Malaysia và Việt Nam.
ADB cho rằng làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 có thể đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại của một số nước và các hạn chế đi lại cũng kéo lùi tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Tuy nhiên, lạm phát trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được, với dự báo được điều chỉnh giảm xuống còn 2,1% trong năm 2021 và giữ nguyên mức 2,7% trong năm 2022. Điều này cho phép các nước tiến hành thêm các nỗ lực hỗ trợ phục hồi cũng như chính sách tiền tệ.
Vaccine cúm mùa không còn tác dụng với các chủng virus lưu hành rộng rãi Ngày 16/12, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết một trong những loại virus cúm đang lưu hành rộng rãi đã biến đổi và các loại vaccine cúm hiện tại không đạt hiệu quả cao chống những loại virus này. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có thể không tác dụng phòng bệnh, song những vaccine này vẫn giúp ngăn ngừa bệnh...