Tình mẫu tử của mẹ con
Phút gần nhau ngắn ngủi giữa mẹ con Nghĩa tại phiên tòa phúc thẩm
Nhìn khuôn mặt thư sinh với cặp kính cận dày cộp của Nguyễn Đức Nghĩa, ít ai có thể hình dung đó chính là hung thủ gây ra trọng án giết người yêu cũ, phi tang xác nạn nhân gây chấn động dư luận.
Sự ngỗ ngược của hung thủ
Sự tàn bạo của Nghĩa khiến cộng đồng xã hội cực lực lên án, đòi hỏi pháp luật phải có một bản án nghiêm khắc. Chính vì vậy, khi Nghĩa bị phiên sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên tử hình về tội giết người đã được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Cũng tại phiên toà này, Nghĩa cho rằng mình có chết hàng trăm nghìn lần cũng không hết tội. Thậm chí, bị cáo tuyên bố không kháng án với bất cứ lý do nào. Vậy nhưng, ít ngày sau đó, Nghĩa đã bất ngờ kháng cáo khi cho rằng hắn không giết người man rợ mà chỉ phạm tội “che giấu man rợ”.
Tại phiên Toà phúc thẩm ngày 11/11, bị cáo Nghĩa một lần nữa phủ nhận những cáo buộc của cấp sơ thẩm khi quy kết hắn tội giết người với tình tiết tăng nặng “phạm tội giết người man rợ”. Hung thủ này giải thích rằng, việc hắn chặt xác nạn nhân ra nhiều khúc được thực hiện sau khi nạn nhân đã chết nên hắn chỉ phạm tội “che giấu man rợ”.
Khi Thẩm phán Trần Đình Dần – Chủ toạ phiên tòa – đặt câu hỏi: “Vậy bị cáo hiểu thế nào mới là man rợ?”. Hắn lấp lửng: “Bị cáo nghĩ nếu giết người man rợ là phải thực hiện các hành vi tàn bạo khi nạn nhân còn sống. Bị cáo chặt chị Linh ra nhiều khúc khi nạn nhân đã chết thì không thể quy kết là giết người man rợ được”.
Trước thái độ quanh co của bị cáo, đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên toà đã trích dẫn Từ điển tiếng Việt và khẳng định hành vi của hắn là man rợ, mất hết tính người, bị dư luận cực lực lên án. “Nếu chứng kiến một ai đó có hành động giết người như thế, bị cáo có thấy ghê rợn không?”- Đại diện VKS hỏi. Bị cáo Nghĩa im lặng.
Khi Thẩm phán Trần Đình Dần xét hỏi: “Động cơ nào khiến bị cáo ra tay sát hại nạn nhân”, Nghĩa tỏ ra rất ngang ngược, từ chối trả lời vì nội dung này hắn đã khai tại phiên tòa sơ thẩm. Trước thái độ của sát thủ, Thẩm phán Dần giải thích, bị cáo phải có trách nhiệm khai báo tại phiên toà phúc thẩm. Có như vậy, HĐXX mới có căn cứ để xem xét khi lượng hình.
Dù phạm phải tội ác ghê rợn nhưng nhưng trong lòng bà Chuân, Nguyễn Đức Nghĩa vẫn là đứa con bé bỏng, cần che chở.
Từ đó, Nghĩa mới ngoan ngoãn khai nhận toàn bộ diễn biến vụ việc khi hắn ra tay sát hại nạn nhân Linh. Nghĩa cho rằng, việc hắn giết chị Linh là vì ghen tức khi thấy nạn nhân vừa quan hệ tình cảm với mình xong đã nói chuyện điện thoại với người con trai khác. Tuy nhiên, HĐXX đã bác ngay luận điểm này của Nghĩa.
Theo lập luận của thẩm phán Trần Đình Dần, bị cáo sát hại chị Linh là nhằm mục đích cướp tài sản. Việc bị cáo nại ra lý do ghen tức để sát hại nạn nhân là nguỵ biện nhằm giảm nhẹ tội. Thẩm phán Dần lấy dẫn chứng, tại CQĐT bị cáo khai nhận là mời chị Linh đến nhà người quen chơi, kèm theo lời nhắn nạn nhân mang theo máy tính cá nhân để chơi game.
Rõ ràng, bị cáo đã có chuẩn bị từ trước nhằm mục đích cướp tài sản. Bằng chứng là ngay sau khi sát hại nạn nhân, bị cáo đã mang máy tính của chị Linh đi bán lấy 5 triệu đồng. Trước dẫn chứng của HĐXX, Nghĩa ngỗ ngược cãi: “Nếu muốn cướp tài sản, bị cáo thiếu gì cách, thiếu gì cơ hội, đâu cần phải dụ chị Linh đến nhà”.
“Chồng chết, con chết, tôi sống sao đây”?
Có mặt tại phiên toà phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Ba (bố nạn nhân Linh) luôn trầm ngâm, gương mặt biến đổi theo từng chi tiết khi Nghĩa diễn tả lại hành động sát hại con gái. Đôi lúc, ông quay mặt đi, lén lấy chiếc khăn lau ước mắt.
Ở một góc khác, bà Phạm Thị Chuân – Mẹ của Nghĩa ngồi lặng lẽ, co ro ở hàng ghế cuối. Thỉnh thoảng, bà Chuân lại khóc nấc lên khi nghe thấy những lời định tội của HĐXX về hành vi tàn độc của Nghĩa. Trò chuyện với chúng tôi, bà Chuân cho biết khi hay tin Nghĩa là hung thủ sát hại chị Linh, vợ chồng bà đã đến gia đình nạn nhân xin tha thứ, nhưng đều bị ông Ba khước từ.
Ngày 8/11, bà mang 50 triệu đồng mang đến cơ quan thi hành án nộp gửi cho gia đình nạn nhân, coi đó như một niềm an ủi nhỏ nhoi với vong linh người đã khuất. Tấm lòng của bà Chuân phần nào đó đã được đền đáp khi trong phần luận tội, đại diện VKS đã chấp thuận, khẳng định là một căn cứ giảm nhẹ cho bị cáo khi HĐXX lượng hình.
Video đang HOT
Tham dự phiên toà, nhiều người có cảm giác “lạnh khắp sống lưng” khi nghe Nghĩa tả lại từng chi tiết sát hại chị Linh. Từng chi tiết, từng cử chỉ diễn tả của bị cáo lạnh lùng, vô cảm. Nghĩa trả lời rành rọt về hành vi phạm tội của mình một cách bình thản.
Chỉ đến khi phần tranh luận nhằm gỡ tội cho bị cáo, luật sư Ngô Ngọc Thủy nhắc đến thảm kịch gia đình – ông Hùng (bố của Nghĩa) mới mất vì tai nạn giao thông. Lúc này, Nghĩa mới khuỵu xuống, người run bần bật, hai tay ôm mặt nức nở. Ở hàng ghế cuối, bà Chuân cũng òa khóc.
Được tòa cho nói lời cuối cùng trước khi vào nghị án, Nghĩa nức nở: “Tôi xin lỗi gia đình chú Ba vì đã gây ra nỗi đau quá lớn! Lúc ở trong trại, nghe tin bố mất, tôi khát khao được sống, được quay về với gia đình thắp cho bố một nén hương tạ lỗi. Tôi mong HĐXX và gia đình chú Ba khoan hồng, cho tôi cơ hội được sống”. Nghe con trai khẩn khiết, bà Chuân oà khóc: “Chồng chết, con chết thì tôi sống làm sao được đây thưa quý tòa. Xin quý tòa cho con tôi được sống”.
Bà Chuân năn nỉ ông Ba tha tội cho con
Đau khổ đến tột cùng, bà Chuân lại gần ông Ba cầu xin ông độ lượng, khoan hồng, cho Nghĩa cơ hội sống.
Trước sự khẩn thiết của bà Chuân, ông Ba bỏ sang ngồi hàng ghế khác. Thấy mẹ khóc lóc, Nghĩa quay lại phía mẹ xẵng giọng: “Chẳng phải xin làm gì, người ta không cho thì thôi. Con chết cũng chẳng sao, mẹ ở lại nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé”. Nghĩa hỏi mẹ: “Bố mất hôm nào?”. Khi được bà Chuân thông báo ông Hùng bị tai nạn khoảng một tuần, Nghĩa nói thời gian qua đêm nào hắn cũng mơ thấy bố.
Ông Ba – bố nạn nhân không thể tha thứ cho Nguyễn Đức Nghĩa
Trước hành vi tàn ác của Nguyễn Đức Nghĩa, HĐXX phiên phúc thẩm đã bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình về tội giết người. Có lẽ đã đoán được cái kết như thế nên Nghĩa tỏ ra khá bình thản và không có phản ứng nào đáng kể, trong khi những người có mặt tại phiên tòa vỗ tay tán đồng với quyết định của HĐXX phúc thẩm. Sau khi tuyên án, Nghĩa nhanh chóng được các cán bộ Công an đưa thẳng ra xe đặc chủng về trại giam trong tiếng khóc não nề với theo của bà Chuân.
Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, ở Kiến An, Hải Phòng) và nạn nhân Nguyễn Phương Linh (SN 1984, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả hai đều là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội và yêu nhau từ năm 2005, đến cuối năm 2006 thì chia tay. Sau đó, Nghĩa có người yêu mới là Hoàng Thị Yến. Nhân dịp nghỉ lễ 30/4/2010, Yến đã gửi nhà nhờ Nghĩa trông giúp để cô về quê. Ngày 3/5, Nghĩa điện thoại cho Linh đến nhà của Yến để “tâm sự”. Tại đây, hắn đã ra tay sát hại nạn nhân, sau đó dùng dao cắt bỏ đầu và 10 đầu ngón tay cho vào túi nilon vứt tại một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh, phần thân được Nghĩa mang lên tầng thượng giấu vào phòng xử lý rác của khu chung cư.
Theo Giadinh
Cuộc đối thoại đẫm lệ của Nghĩa và mẹ
Khóc quay lại nhìn mẹ và khóc
Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ án xác chết không đầu đã diễn ra và kết thúc với y án tử hình cho Nghĩa. Đây là điều không khiến dư luận bất ngờ. Song nhiều người đến dự phiên toà đã không cầm nổi nước mắt khi bà Nguyễn Thị Chuân - mẹ của Nghĩa gào khóc thảm thiết cầu xin sự khoan hồng cho đứa con tội đồ của mình khi người chồng vừa bất ngờ tử nạn.
Mặc dù không được tiếp xúc quá gần tại phiên toà nhưng bà Chuân cũng xán lại ở một khoảng cách vừa đủ để nói chuyện với con mình. Trong phiên toà đông người, phải khó khăn lắm PV mới ghi lại cuộc trao đổi giữa Nguyễn Đức Nghĩa và bà Chuân.
Vừa nghe luật sư Ngô Ngọc Thuỷ nói ông Nguyễn Đức Hùng trong lúc đi vay tiền của người thân để khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội của con trai gây ra đã qua đời trong một tai nạn giao thông, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa đã khóc nấc lên. Phía cuối phòng xét xử, mẹ và chị Nghĩa cũng ôm mặt khóc tức tưởi.
Trước HĐXX, bị cáo Nghĩa thừa nhận hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản của mình, nhưng mục đích và động cơ thì không phải vậy. Trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Nghĩa xin tạ tội với gia đình ông Ba (bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh), gia đình, bạn bè thân thích. " Khi nhận được tin người cha của tôi không còn trên đời, tôi khao khát được sống để chuộc lại lỗi lầm của mình. Nếu có thể, tôi mong HĐXX mở cho tôi 1 con đường sống" - Nghĩa nói trong nước mắt.
Trong khi chờ HĐXX nghị án, mẹ con bị cáo Nghĩa đã có cuộc đối thoại đẫm nước mắt. Cố gắng len chân giữa đám đông người trong phòng xét xử, PV kịp thời ghi lại cuộc nói chuyện đầy nước mắt này:
Bà Chuân trong nước mắt nghẹn ngào
Cách nhau 3 hàng ghế, nhìn trực diện mặt con trai, xung quanh là đám đông người vây quanh, mẹ bị cáo Nghĩa thì thào: " Xin Toà tha tội chết cho con tôi. Chồng tôi đã chết. Con tôi chết, thì tôi chẳng thiết sống trên đời này nữa. Con ơi là con! (Mẹ Nghĩa khóc lóc thảm thiết, quỳ gối với tay về phía con trai...). Bị cáo Nghĩa ngoái đầu quay nhìn mẹ một cách trìu mến: " Mẹ đừng khóc", Nghĩa nói nhỏ đủ cho mẹ mình nghe tiếng.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Nếu con không còn, mẹ không sống được đâu. Giờ mẹ mất hết phương hướng, chân tay run rẩy.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ cố gắng lên.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Ông Ba ơi, ông cứu giúp con tôi với (khóc).
Bị cáo Nghĩa: Mẹ bình tĩnh.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Bảo tôi bình tĩnh làm sao được?
Nghĩa nhìn mẹ đang khóc một hồi lâu, thấy trên đầu mẹ có dán 2 miếng băng dính chéo vào nhau hình dấu nhân, liền lên tiếng: Đầu mẹ bị làm sao thế?
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Mẹ bị ngã cùng với bố con.
Bị cáo Nghĩa: Bố "đi" (chết) thế nào?
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Bố bị xe ô tô cán chết ở Hải Dương. Bố "đi" đến nay được 11 ngày rồi. Mẹ bị ngã vỡ đầu và người bị xây xát nhiều lắm con ạ.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ đi khám bệnh đi. Mẹ cố gắng lên nhé. Giờ mẹ vẫn còn chị Hạnh.
Nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt khắc khổ, bà Chuân nhìn con hồi lâu mà không thể nói chuyện tiếp được vì cổ họng bị nghẹn ứ lại.
Bị cáo Nghĩa: Đêm con không ngủ được (khóc theo mẹ) . Sang tuần mẹ lên thăm con cũng được.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Tai mẹ như điếc rồi, chẳng nghe được đâu.
Bị cáo Nghĩa: Con vẫn khoẻ.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Con gầy lắm rồi.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ đi bằng gì đến đây?
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Mẹ đi cùng các anh chị người nhà mình. Tất cả ở ngoài kia, họ không cho vào đây. Mẹ sẽ làm đơn xin ân xá cứu con.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ khoẻ không?
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Con cố mà sống để mẹ còn sống được.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ đừng kháng cáo, đằng nào con cũng chết rồi.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Sao mặt con lắm mụn thế?
Bị cáo Nghĩa: Đêm con không ngủ được. Mẹ khoẻ hãy lên thăm con.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Mẹ đưa bố về quê, mộ nằm cạnh mộ ông bà nhà mình. Thứ Bảy bố mất, Chủ nhật đưa về quê, thứ Hai, gia đình đưa ra đồng. Mẹ hết đường hy vọng. Mẹ không sống được đâu. Giờ bố mất, mẹ bơ vơ. Con đừng tiêu cực nhé. Phải sống. Sống được ngày nào, mẹ con ta được gặp nhau ngày đấy. Bố mất rồi, vì mẹ mà sống nhé. Con mà chết, mẹ không sống được đâu. Nhà ta tan cửa nát nhà rồi con ạ! ở trong đó cố ăn vào con nhé, mẹ trông con gầy đi nhiều lắm (vừa nói vừa khóc).
Bị cáo Nghĩa: Mấy đêm rồi con không ngủ được và thường mơ thấy bố.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Hồi tháng 8 bố bị ốm nặng, mẹ cũng thấy trong người bứt rứt, không ngủ được. Nay bố "đi" rồi, mẹ lại mơ thấy bố. Ngày nào bên xứ (nhà Nghĩa theo đạo Thiên chúa giáo ) cũng đến cầu nguyện cho bố. Con nhớ cầu nguyện cho bố nhé.
Bị cáo Nghĩa: Mẹ đừng trách gia đình bác Ba nữa. Con nghĩ phiên toà này không được đâu.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Còn 7 ngày để viết đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước, con nhớ viết nghe chưa.
Bị cáo Nghĩa nhìn mẹ chằm chằm bằng ánh mắt buồn: Mẹ đừng khóc nhiều, phải giữ gìn sức khoẻ.
- Mẹ bị cáo Nghĩa: Khổ quá, làm sao cầm được nước mắt. Mẹ khóc hết nước mắt rồi. Con ơi!
Đến đây, cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con bị cáo Nghĩa bị dừng lại vì các thành viên HĐXX bước vào phòng xét xử để tuyên án.
Và điều gì đến đã đến. Vị chủ toạ phiên toà dõng dạc tuyên bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa lĩnh án tử hình (tổng hợp hình phạt 2 tội Giết người và Cướp tài sản). Nghe Toà tuyên án, mẹ Nghĩa gào khóc thảm thiết. Chị của Nghĩa cũng vừa khóc nấc, vừa dìu mẹ...
Theo Đời sống pháp luật
Nhát dao vô hình của Nguyễn Đức Nghĩa Nguyễn Đức Nghĩa đã gây cho các bậc phụ huynh những nỗi đau không thể xoa dịu Đến ngày ra tòa phúc thẩm để nhận án tử hình, Nguyễn Đức Nghĩa đã gây ra nỗi đau cho nhiều người. Nhưng đau đớn nhất là các bậc phụ huynh. Trước tiên, nỗi đau Nguyễn Đức Nghĩa gây ra là cho gia đình nạn nhân...