Tình hình Hoa Đông: Trung Quốc muốn hòa Mỹ thách thức Nhật?
Những động thái mới nhất như xuống nước với Mỹ, đưa tàu cảnh sát biển xâm phạm Senkaku/Điếu Ngư… đang dần bộc lộ mục đích thực sự của Trung Quốc trong chuỗi hành động từ khi vùng nhận diện phòng không được đơn phương thiết lập (23/11) cho đến nay.
Trung Quốc đang tự cho mình ở thế Tam Quốc?
Động thái mới nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung – Mỹ: sau một loạt những căng thẳng giữa hai bên thời gian qua, Trung Quốc bắt đầu có những hành động mang tính đấu dịu, xuống nước trước đối phương.
Đầu tháng 12/2013, tại Biển Đông xuất hiện một biến cố lớn, đánh dấu việc hai cường quốc này bắt đầu có những hành động đối đầu trực tiếp, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc tàu đổ bộ của Trung Quốc lao ra chặn đầu tuần dương hạm của Mỹ, buộc tàu Mỹ phải bẻ lái gấp để tránh va chạm.
Ngay sau đó, phản ứng qua kênh quốc phòng và ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng cáo buộc hành động này của Trung Quốc là thiếu trách nhiệm, làm phức tạp tình hình Biển Đông, không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định cần có một kênh thông tin giữa hai quốc gia tương tự như một đường dây nóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho hành động của Trung Quốc tại Biển Đông hồi đầu tháng 12/2013 là thiếu trách nhiệm.
Video đang HOT
Còn thái độ của Trung Quốc về phản ứng của ông Chuck Hagel? Rất ngạc nhiên khi cường quốc châu Á lại có màn cư xử nhẹ nhàng, khác hẳn với phong cách trước đây. Quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hiện kênh thông tin liên lạc giữa hai quốc gia đang hoạt động một cách “trơn tru.”
Sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát đi tín hiệu nhằm xoa dịu căng thẳng thì trong buổi họp báo ngày 20/12, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên cùng nhau hướng đến một mục tiêu là duy trì quan hệ quân sự ổn định để đảm bảo lợi ích cho hai bên.
Trước đó, hôm 16/12, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề ra chiến lược ngoại giao năm 2014, trong đó có chính sách “thiết lập quan hệ kiểu mới với Mỹ”. Như vậy, có thể khẳng định ngoại giao kiểu mới đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ cân nhắc hơn những hoạt động đối đầu để tiến tới những sự đồng thuận đôi bên cùng có lợi. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn hòa với Mỹ.
Tuy nhiên, vì sao quốc gia này cần phải “hòa” Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh thừa hiểu chiến lược chuyển trục mà Washington đang thực thi là nhằm vào ai?
Một động thái đáng chú ý khác, thay vì tiếp tục “hòa” Nhật để có một khu vực ổn định, không có nguy cơ và tất cả đều có thể chung sống hòa bình, thì Trung Quốc tiếp tục gây rối.
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng biên đội tàu hộ tống, trong đó có con tàu đổ bộ đã chặn USS Cowpens của Mỹ
Trưa 22/12 (giờ Nhật Bản), tại khu vực vùng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc tỉnh tỉnh Okinawa, Nhật Bản, 4 tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã cùng lúc xâm nhập vào khu vực này, bất chấp sự cảnh báo của lực lượng an ninh biển Nhật Bản.
Hậu thuẫn cho hành động này, dàn hỏa lực miệng của những tướng tá diều hâu, và một số tờ báo của Trung Quốc đã có những bài viết về một cuộc chiến tranh với Nhật Bản, hay đưa ra tính cần thiết phải có cuộc chiến này.
Như vậy là “hòa” Mỹ, nhưng lại muốn diệt “Nhật”. Thực tế, tương quan sức mạnh hiện tại, trong khu vực Biển Đông và Hoa Đông, chỉ có quân đội Nhật Bản đủ sức đương đầu với quân đội Trung Quốc. Nếu trong trường hợp xảy ra chiến tranh, sự hậu thuẫn của nước Mỹ hoàn toàn có thể khiến cán cân sức mạnh bị lệch về phía bất lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc đang tự xem mình như đang ở thời Tam Quốc, khi phải “hòa Ngô chống Ngụy”. Thay vì để Mỹ có tư tưởng “phù Nhật diệt Hoa”, rất có thể, chính sách ngoại giao kiểu mới sẽ khiến hai cường quốc có nhiều thỏa thuận về quyền lợi hơn, cũng từ đó mà Trung Quốc kê cao gối chỉ lo triệt tiêu Nhật Bản.
Mục đích của chuỗi hành động ADIZ?
Xuyên suốt chuỗi hành động mà Trung Quốc thể hiện từ khi thành lập vùng nhận diện phòng không từ 23/11/2013 trên vùng biển Hoa Đông, bao gồm cả không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến nay, có thể thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn có mục đích và thi hành một cách bài bản.
Máy bay J-10 và máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc
Bắt đầu từ không phận Senkaku/Điếu Ngư, ngay trong ngày 23/11, khi một chiếc tiêm kích J-10 và một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc làm nhiệm vụ tuần tra cái gọi là vùng ADIZ, ngay lập tức, hai máy bay này đã bị hai tiêm kích của không quân Nhật Bản hộ tống ra khỏi không phận mà Nhật từng tuyên bố chủ quyền.
Nhưng cũng từ đó, bỏ qua các yếu tố chính trị, ngoại giao, chỉ xét riêng quân sự, Trung Quốc có thể đo định được khả năng tác chiến của máy bay cảnh báo sớm của mình, của tiêm kích J-10, một trong những máy bay chủ lực, và cũng dò xét được khả năng bao quát của radar Nhật Bản.
Động thái tiếp theo, Trung Quốc đưa tàu cảnh sát biển vào Senkaku/Điếu Ngư ngày 22/12. Lần này khác hẳn với những lần dạo chơi trước. Dựa vào hoạt động của tàu cảnh sát biển, Trung Quốc cũng có thể vạch ra được khả năng huy động tác chiến của hải quân Nhật Bản. Kết hợp với những thông tin từ không phận, có thể Trung Quốc sẽ vạch ra được một bức tranh tác chiến trên không trên biển để đối phó với Nhật Bản trên chiến trường Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản có biết được ý đồ của Trung Quốc? Chắc chắn họ biết, bởi lẽ Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2014. Và theo đánh gia của Đài Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã ở thế “cưỡi lên lưng hổ”, việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự cũng là để nhằm “đối chọi” với Trung Quốc.
Máy bay F-15J được cho là hiện đại nhất Nhật Bản. Nhật đang chi mạnh để tăng cường sức mạnh quốc phòng
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã đưa thông tin về việc quốc gia này sẽ hạ gục Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng 40 năm tới. Trong khi đó, hồi đầu tháng 12/2013, Nhật Bản đã đưa ra kịch bản cho cuộc chiến với Trung Quốc cũng trên chiến trường Hoa Đông từ 10 tới 15 năm nữa.
Có thể nói, hành động tăng chi tiêu quốc phòng của ông Abe mang tính chất bắt buộc. Đồng thời, cũng mở ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.
Xuyên suốt thời điểm thành lập ADIZ đến nay, có thể thấy, Trung Quốc đang muốn mở ra một năm 2014 với nhiều những toan tính, kế hoạch thâm sâu hơn, tất cả chỉ để phục vụ giấc mơ Đại Trung Hoa.
Theo Đất việt