Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á
Tính đến ngày 20/3, Indonesia đã ghi nhận 369 ca mắc COVID-19, trong đó có 215 ca tại Jakarta và 32 ca tử vong trong đó có 18 ca tại khu vực thủ đô Jakarta.
Khẩu trang là vật dụng cần thiết của người dân Thái Lan ra khỏi nhà để phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm tại nhiều nước tăng nhanh do các hoạt động tôn giáo và vui chơi giải trí.
Số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh
Tính đến ngày 20/3, Indonesia đã ghi nhận 369 ca mắc COVID-19, trong đó có 215 ca tại Jakarta và 32 ca tử vong trong đó có 18 ca tại khu vực thủ đô Jakarta.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cho tới nay, số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được ghi nhận ở Thái Lan đã lên tới 411 ca sau khi có thêm 89 ca nhiễm mới trong ngày 20/3.
Theo thống kê, 80% các ca nhiễm là ở Bangkok, với hầu hết các bệnh nhân ở độ tuổi 30-39. Ít nhất 80% các ca nhiễm được ghi nhận trong những ngày qua là do tham dự các trận đấu quyền Thái và đến những địa điểm giải trí.
Khoảng 5.000 người đã có mặt tại trận đấu ở Bangkok hôm 6/3, nơi có nhiều người được ghi nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng nhà chức trách y tế mới chỉ xác định được 55 người. Bộ Y tế Thái Lan ước tính ít nhất 500 người tham dự có nguy cơ.
Malaysia đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 sau một nghi lễ tôn giáo thu hút sự tham dự của hơn 16.000 tín đồ Hồi giáo từ nhiều nước Đông Nam Á, buộc giới chức Malaysia ra lệnh phong tỏa toàn quốc.
Video đang HOT
Tính đến 13h ngày 21/3 (theo giờ Việt Nam), Malaysia đã ghi nhận 1.030 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 – cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, Indonesia đang có tỷ lệ tử vong cao nhất Đông Nam Á với 32 ca tử vong trong tổng số 369 người bị nhiễm mắc COVID-19.
Tại Philippines đã ghi nhận 230 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 19 ca tử vong, trong đó ca tử vong mới nhất được ghi nhận vào sáng 21/3 tại Manila.
Áp dụng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa tạm thời
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 21/3, Bộ Giao thông Philippines đã thông báo “lệnh cấm đi lại tạm thời với các công dân nước ngoài” nhập cảnh vào Philippines bắt đầu từ đêm 22/3 và hủy bỏ các chuyến bay nội địa lẫn các chuyến bay quốc tế. Những du khách Philippines định xuất cảnh cũng tạm thời bị cấm không được rời khỏi đất nước.
Trước đó, ngày 16/3, Chính phủ Philippines đã áp đặt lệnh “cách ly cộng đồng tăng cường” trong 30 ngày với đảo chính Luzon, trong đó có thủ đô Manila, nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân để kiềm chế sự lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm này.
Chính phủ Philippines đã tạm dừng các công việc, hoạt động giao thông trên diện rộng, đóng cửa các trường học và áp đặt những quy định hạn chế di chuyển. Ngoài ra, cảnh sát cũng được triển khai ở các đường phố, trụ sở các công ty nhằm ngăn chặn người dân ra ngoài đường và đến nơi làm việc.
Hạ viện Indonesia đã quyết định hoãn họp trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh tại thủ đô Jakarta, địa điểm đóng trụ sở của Hạ viện và đang là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong cuộc họp trực tuyến ngày 20/3, Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani tuyên bố cơ quan này đã nhất trí kéo dài kỳ nghỉ và hoãn triệu tập phiên họp toàn thể tới ngày 29/3.
Bà Puan cũng cho biết nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, kỳ nghỉ của Hạ viện có thể kéo dài thêm. Kỳ nghỉ của Hạ viện Indonesia bắt đầu từ ngày 28/2 và ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 22/3.
Tuy nhiên, Chủ tịch Puan cũng kêu gọi thành viên các ủy ban của Hạ viện chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề liên quan đến công việc của Nhóm Phản ứng nhanh chống COVID-19 của Indonesia chủ động hỗ trợ chính phủ ứng phó với đại dịch. Hiện cơ quan này đang tập trung giám sát các nỗ lực phòng chống COVID-19 của chính phủ và nghiên cứu, đánh giá các tác động của đại dịch, nhất là các tác động kinh tế – xã hội.
Còn tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang vận động người dân ở trong nhà để giúp giảm bớt sự lây lan của dịch COVID-19, giữa lúc có nhiều ý kiến kêu gọi nhà chức trách áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm đối phó với dịch bệnh.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đề nghị có sự hợp tác, đặc biệt là từ những người sinh sống ở thủ đô Bangkok và những tỉnh lân cận, hạn chế ra khỏi nhà.
Về những ý kiến đề nghị phong tỏa, người phát ngôn này nói rằng các biện pháp phải được chuẩn bị sẵn sàng trước, đồng thời cũng phải cân nhắc tới những người sống dựa vào thu nhập hàng ngày.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda cho biết các tỉnh còn lại của Thái Lan dự kiến sẽ ra lệnh tạm đóng cửa tất cả các địa điểm giải trí trong 14 ngày nhằm củng cố những nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Ngoài thủ đô Bangkok, hiện có 5 tỉnh đã ra lệnh trên, gồm Chiang Mai, Nakhon Ratchasima, Chon Buri, Nonthaburi và Phitsanulok.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 20/3 đã có cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận về sự cần thiết duy trì hợp tác chặt chẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong một tuyên bố trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Retno cho biết hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước, cả song phương và trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm ứng phó với COVID-19.
Về phần mình, Ngoại trưởng Malaysia cho biết cuộc họp trực tuyến kéo dài 45 phút với Ngoại trưởng Retno bàn về nhiều vấn đề, trong đó có việc hoãn chuyến thăm chính thức của tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin tới Indonesia, ban đầu dự kiến vào cuối tháng Ba này.
Trong bài đăng trên trang Facebook của mình, Ngoại trưởng Hishammuddin cho biết đã cùng người đồng cấp Indonesia thảo luận về Hội nghị cấp cao ASEAN vốn dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào tháng tới.
Tuy nhiên, phần lớn nội dung cuộc họp trực tuyến tập trung vào vấn đề COVID-19, trong đó hai ngoại trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý các công dân bị kẹt lại ở nước ngoài do lệnh hạn chế đi lại của các nước.
Ngoài ra, hai ngoại trưởng cũng thảo luận về việc người dân hai nước tập trung cầu nguyện và các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại các sự kiện này./.
(TTXVN/Vietnam )
Tổng thống Indonesia tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 20/10 đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 kéo dài 5 năm, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nền dân chủ lớn thứ 3 thế giới sau nhiệm kỳ đầu tiên với dấu ấn là chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Indonesa Joko Widodo ngày 20/10 đã tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: dailynews-india.com)
Trong nhiệm kỳ thứ 2 cũng là nhiệm kỳ cuối cùng, ông Widodo - một cựu nhân viên bán hàng nội thất không thuộc giới tinh túy trong quân đội hay chính trị - đã cam kết thu hút thêm đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và tập trung vào cải thiện nguồn nhân lực của quốc gia.
Tổng thống Widodo tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội trong bối cảnh an ninh thắt chặt, với hơn 30.000 nhân viên an ninh được triển khai ở thủ đô Jakarta sau các vụ biểu tình mới đây của sinh viên và việc Bộ trưởng An ninh nước này bị một phiến quân Hồi giáo tình nghi đâm trọng thương hồi đầu tháng này.
PV
Theo baoquocte/Reuters
Hợp tác Nga-Việt 2019: 200 tăng T-90 và Mi-35 cho Việt Nam? Theo giới phân tích, Lục quân Việt Nam cần có khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và có thể mua sắm trực thăng Mi-35 của Nga. Năm 2019 sắp kết thúc. Việc hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Việt Nam và Nga có hiệu quả đến đâu? Hãng thông tấn Nga Sputnik đã có loạt bài viết tổng...