Tịnh Biên nâng chất phát triển du lịch
Với phong cảnh non nước hữu tình cùng những huyền thoại linh thiêng vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên đang sở hữu tiềm năng lớn về du lịch (DL).
Hiện nay, huyện miền núi này đang tích cực nâng chất cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ du khách.
Phong cảnh non nước hữu tình trên núi Cấm
Nằm trong xu thế nâng chất hoạt động DL của tỉnh, huyện Tịnh Biên đang cho thấy nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển DL, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết: “Hiện nay, huyện đang thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 948, vốn được xem là “mạch máu” giao thông chủ yếu của địa phương dẫn vào Khu DL núi Cấm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Mỗi năm, huyện Tịnh Biên đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt, quan trọng trong việc tạo ra “sức bật” mới cho hoạt động DL tại địa phương”.
Thời gian qua, Tịnh Biên đang tập trung nhiều nguồn lực nhằm đa dạng hóa các hoạt động DL tâm linh trên núi Cấm. Với khí hậu mát mẻ, rừng cây trập trùng cùng nhiều chùa, vồ, hang, điện, động và điểm xuyết là mặt nước trong vắt của hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long đã tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, làm say đắm du khách. Đặc biệt, tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận kỷ lục Guinness là “Tượng phật cao nhất trên đỉnh núi ở Châu Á” kết hợp với tháp Xá Lợi Phật, chùa Vạn Linh đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo du khách muốn tìm cảm giác an nhiên, tự tại giữa làn sương mờ bảng lảng.
Để phát triển các hoạt động DL trên núi Cấm, UBND huyện Tịnh Biên đã nỗ lực xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường; chấn chỉnh hoạt động của lực lượng “ xe ôm” trên núi; đảm bảo trật tự mua bán, kinh doanh không chèo kéo du khách; tháo dỡ các lều, quán gây mất mỹ quan trong Khu DL núi Cấm… Nhờ đó, các hoạt động DL đã đi vào nền nếp, tạo được thiện cảm đối với du khách mỗi khi đặt chân đến “nóc nhà miền Tây”. Đồng thời, UBND huyện Tịnh Biên đã thực hiện công trình nâng cấp đường đi bộ quanh bờ và gia cố mái ta-luy hồ Thủy Liêm trên núi Cấm, với kinh phí đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh. Khi công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo thêm vẻ mỹ quan tại khu trung tâm hành hương trên núi Cấm, phục vụ tốt nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa.
Video đang HOT
Du khách nước ngoài rất thích thú khi đến rừng tràm Trà Sư
Năm 2019, rừng tràm Trà Sư đã được Tập đoàn Sao Mai đầu tư nâng chất các loại hình DL sinh thái. Đây là tín hiệu tích cực trong việc đánh thức tiềm năng của “thiên đường xanh ngập nước”, nhằm thu hút những du khách đam mê khám phá và muốn tận hưởng phút giây thư giãn giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, mang đậm dấu ấn của thời mở đất. Đến với rừng tràm Trà Sư vào thời điểm này, du khách sẽ được ngắm nhìn những đàn chim tung cánh giữa tán tràm đang phủ trắng bông và thưởng thức món ăn dân dã đồng quê, qua đó sẽ giúp du khách cảm nhận và hiểu rõ hơn về những nét đặc thù của khu rừng ngập nước đặc thù nằm phía Tây của con sông Hậu.
Song song với việc cải tạo cảnh quan môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm DL mới và đặc trưng, UBND huyện Tịnh Biên còn tập trung nâng chất nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này. “Mục tiêu của chúng tôi là phải đào tạo những con người đủ năng lực để làm DL. Đây là việc làm cần thiết, có tác dụng lâu dài trong việc tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với nơi này. Bên cạnh đó, với việc đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí sẽ đóng vai trò then chốt để tăng nguồn thu từ DL. Chúng tôi mong muốn rằng, du khách khi đến với Tịnh Biên sẽ có thể ở lại đây lâu hơn và có nơi để vui chơi, giải trí chứ không đơn giản chỉ cúng viếng chùa chiền hay ăn vài món đặc sản rồi rời khỏi Tịnh Biên. Khi thực hiện được mục tiêu trên thì DL mới từ tiềm năng trở thành thế mạnh của địa phương” – ông Nguyễn Thành Huân khẳng định.
Năm 2018, lượng khách đến tham quan các điểm DL của huyện hơn 3,2 triệu lượt với doanh thu hơn 329 tỷ đồng, tăng gần 6,4% so cùng kỳ, trong đó có 16.350 khách nước ngoài. Hiện nay, huyện Tịnh Biên đang vận dụng mọi nguồn lực phát triển DL tâm linh, tập trung vào cụm di tích chùa Phật Thới Sơn, đình Thới Sơn, chùa Phước Điền và đã tổ chức khánh thành nhà trưng bày hiện vật liên quan đến Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên với kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng.
THANH TIẾN
Theo baoangiang.com.vn
Phát triển du lịch mùa nước nổi
Khi con nước ngoài sông Hậu, sông Tiền chuyển dần sang màu đỏ của phù sa cũng là lúc các hoạt động du lịch (DL) mùa nước nổi tại An Giang sôi động hẳn lên.
Đến với An Giang vào thời điểm con nước tràn đồng, du khách sẽ được tận hưởng loại hình DL sinh thái rất đặc thù, mang đậm chất văn hóa của sông nước miền Tây Nam Bộ.
Những năm qua, ngành DL An Giang có bước phát triển đột phá với những sản phẩm và dịch vụ DL mới, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong xu thế đó, huyện Châu Thành đang từng bước tận dụng nguồn lực cộng đồng nhằm phát triển DL gắn với việc quảng bá sâu rộng về vùng đất, con người nơi đây mà trọng tâm là Dinh Sơn Trung và các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Dinh Sơn Trung (xã Vĩnh An, Châu Thành) là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khẩn hoang, lập ấp ở vùng Láng Linh xưa và cuộc đấu tranh chống Pháp của Đức Quản cơ Trần Văn Thành cùng lực lượng nghĩa quân tại căn cứ Bảy Thưa. Trước năm 2000, di tích này chỉ là một ngôi nhà sàn, sau đó được xây mới, trùng tu từ sự đóng góp tự nguyện của các tín đồ và người dân trong, ngoài tỉnh. Hiện nay, Dinh Sơn Trung được xây dựng khang trang, rộng rãi, thoáng mát với khu chánh điện, nhà ăn, khu Đông Lang, Tây Lang nhằm phục vụ khách nghỉ ngơi, thư giãn, bãi đỗ xe và hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ.
Du khách thích thú khi trải nghiệm mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư
Khu vực xung quanh Dinh Sơn Trung có cảnh quan đẹp đặc trưng của sông nước miền Tây, nhất là khi mùa nước nổi tràn về. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi, đồng ruộng và kênh, rạch phong phú nên UBND huyện Châu Thành đang từng bước phát triển mô hình DL nông nghiệp, trải nghiệm mùa nước nổi. Với các hoạt động tái hiện cuộc mưu sinh của người dân như: dỡ chài, giăng lưới, bắt cá, đua xuồng trên kênh... hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống độc đáo mùa nước nổi ở miền Tây.
Những năm qua, tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ DL nông nghiệp phù hợp với thị hiếu của du khách. Chính vì thế, Dinh Sơn Trung hoàn toàn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích DL về nguồn hay muốn một lần được trải nghiệm cảm giác bình yên, thư thả nơi miền sông nước. Ngoài Dinh Sơn Trung, du khách có thể tiếp cận các tour DL mùa nước nổi độc đáo khác tại An Giang, như: tắm bùn phù sa ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), săn cá bông lau trên sông Vàm Nao, trải nghiệm lòng hồ Tân Trung (Phú Tân), tham quan búng Bình Thiên (An Phú), tham quan làng bè thủy sản xã Đa Phước (An Phú)... Những cảnh đẹp, món ăn, sản vật mùa nước nổi cùng sự thân thiện, nhiệt tình của người dân sẽ làm hài lòng du khách phương xa.
Trải nghiệm mùa nước nổi là đặc sản du lịch của tỉnh An Giang
Trong các điểm DL nói trên, Khu DL rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh Biên) luôn hấp dẫn du khách bởi nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu. Du khách đến đây để trải nghiệm sự yên bình, nên thơ và ngắm nhìn những đàn chim tung cánh giữa rừng tràm bạt ngàn, ghi dấu một thời mở cõi đất phương Nam. Bởi nét đặc trưng về sinh thái, rừng tràm Trà Sư đã thu hút hơn 92.000 lượt du khách (trong đó có khoảng 14.000 lượt khách quốc tế) đến đây hàng năm. Với những món ăn dân dã, như: cá lóc nướng trui, canh chua cá linh bông điên điển, cá kho tộ... nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong, ngoài nước.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, phát triển DL mùa nước nổi phải gắn liền với tổ chức lồng ghép tour tham quan, tìm hiểu đời sống của các dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer trên mảnh đất An Giang, nhằm giới thiệu những nét văn hóa lịch sử, nhân văn, các ngành nghề truyền thống, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm DL phong phú, đa dạng và đặc trưng để thu hút du khách. Nếu được đầu tư, phát triển hợp lý thì DL mùa nước nổi sẽ là "đặc sản" của ngành DL tỉnh nhà bên cạnh thế mạnh DL tâm linh vốn đã được du khách gần xa biết đến.
Dù thời gian trải nghiệm DL mùa nước nổi chỉ kéo dài vài tháng trong năm nhưng sẽ tạo được dấu ấn trong lòng du khách. Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành để loại hình DL sinh thái này phát huy được tiềm năng trở thành thế mạnh của tỉnh trong tương lai.
MINH QUÂN
Theo baoangiang.com.vn
Núi Két Núi Két có tên chữ là Anh Vũ Sơn, người hành hương thì gọi là núi Ông Két; là một ngọn núi nhỏ trong Bảy Núi, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (cách Đồn Biên phòng Nhơn Hưng khoảng 2km). Núi Két. Ảnh: Chiến Khu Ngọn núi này có hình khối tròn, cao 225m, dài và rộng hơn 1.100m,...