Tình báo Ukraine: Nga tăng cường phòng thủ Crimea trước lo ngại Kiev vượt ‘lằn ranh đỏ’
Quân đội Nga được cho là đang củng cố hệ thống phòng thủ ở Crimea trong bối cảnh có thông tin cho rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đang cởi mở hơn với việc nước này giành lại Crimea.
Cầu Crimea trên bán đảo cùng tên bị tấn công hôm 8/10/2022. Ảnh: NPR
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào ngày 16/3, ông Vadym Skibitskyi, đại diện Tổng cục Tình báo chủ chốt (MID) của Lực lượng Vũ trang Ukraine, tuyên bố tình báo quân sự trong khu vực phát hiện các lực lượng trên bán đảo Crimea vẫn trong tình trạng liên tục sẵn sàng chiến đấu, trong khi ở một số nơi lực lượng Nga đang đào chiến hào trên các bãi biển, nơi mà họ tin rằng một chiến dịch đổ bộ của hải quân có thể diễn ra.
“Tổng cục Tình báo chủ chốt liên tục giám sát mọi thứ liên quan đến hoạt động của nhóm quân sự ở Crimea. Họ đang thực sự chuẩn bị cho các hành động phòng thủ trên bán đảo”, ông Skibitsky nói.
“Cơ sở hạ tầng được duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu”, quan chức trên nói thêm. “Đây là những thành phần hàng không và mặt đất mạnh mẽ nằm trên lãnh thổ Crimea. Có máy bay chiến đấu, với khoảng 90 chiếc, và khoảng 60 trực thăng chiến đấu, được bố trí tại Crimea.”
Trước đó, ngày 15/3, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng cho biết họ đã khảo sát hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng Nga đang tiếp tục xây dựng các công sự phòng thủ ở miền Nam Ukraine, dọc theo biên giới Crimea.
“Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các lực lượng Nga đã tăng số lượng hàng rào và hào dọc theo các con đường ở tỉnh Kherson dẫn vào Crimea trong vài tháng qua”, báo cáo của ISW viết.
Tuyên bố của ông Skibitskyi được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Ukraine nói rằng các quan chức tại một số nước đồng minh phương Tây của Ukraine đang nóng lòng với ý tưởng Ukraine vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin để giành lại Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Đầu tuần này, Tamila Tasheva, đại diện Crimea do Ukraine bổ nhiệm, nói với tờ Daily Beast rằng ông tin nỗ lực giành lại bán đảo sẽ không gây ra những vấn đề (nghiêm trọng) như một số người nghĩ tới, trong bối cảnh năng lực tiến hành một cuộc chiến tấn công của Nga ở Ukraine đã bắt đầu giảm bớt hơn một năm sau cuộc xung đột.
“Chúng tôi đã nghe từ các nhà lãnh đạo phương Tây là… nếu chúng tôi quay trở lại Crimea thì sẽ có một sự leo thang không thể tránh khỏi, thậm chí có thể kích động một cuộc xung đột hạt nhân”, ông Tasheva nói. “Nhưng quan điểm (của họ) đã thay đổi kể từ khi chúng tôi giải thích ngày càng rõ hơn Crimea là gì, ý nghĩa của nó đối với Nga và cách mọi thứ được kết nối xung quanh Crimea.”
Các hoạt động quân sự cũng bắt đầu leo thang trong khu vực. Hôm 1/3, giới chức quân đội Nga tuyên bố các lực lượng Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “quy mô lớn” của Ukraine ở Crimea. Ông Alexander Bogomaz, thống đốc vùng Bryansk của Nga, đăng trên kênh Telegram của mình vào đầu tuần này rằng quân đội Ukraine đã tấn công quận Klimovsky và “những kẻ phá hoại đã bắn vào một chiếc ô tô đang di chuyển”.
Hồi tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Blinken từng nói rằng nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine chính là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Putin và có thể khiến Nga phản ứng mạnh hơn.
Cụ thể, hôm 15/2, khi được hỏi về quan điểm của Mỹ đối với việc hỗ trợ Ukraine giành lại bán đảo Crimea, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Washington “không khuyến khích” Kiev làm như vậy.
Ông Blinken cho biết thêm rằng trọng tâm chính của Mỹ là hỗ trợ Ukraine ở mặt trận miền Đông, còn vấn đề giành lại Crimea là quyết định riêng của Kiev. Theo Ngoại trưởng Mỹ, nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine có thể vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Putin và khiến nước này phản ứng mạnh hơn.
Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đánh giá, việc để mất Crimea, nơi có căn cứ hải quân quan trọng ở Sevastopol, vào tay Ukraine sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ thực sự” đối với Nga và có khả năng dẫn đến nguy cơ leo thang chiến tranh.
Theo ông Gates, việc Ukraine giành lại Crimea sẽ là “một cuộc chiến đặc biệt khó khăn” bởi vì Tổng thống Nga Vladimir Putin rất coi trọng nó.
Những vụ tấn công bí ẩn nhằm vào hai cây cầu chiến lược đối với Nga
Một cây cầu ở Melitopol (vùng Zaporizhzhia, Ukraine) có tầm quan trọng chiến lược với Nga lại vừa bị phá hủy một phần trong một cuộc tấn công bí ẩn. Vụ việc xảy ra sau khi cầu Crimea bị đánh bom không lâu.
Hình ảnh của cây cầu cho thấy nhịp cầu bị sập một phần. Ảnh: Telegraph
Theo tờ The Telegraph ngày 13/12, vụ tấn công vào cây cầu bắc qua sông Molochna bên ngoài thành phố Melitopol ở phía Nam Ukraine đã làm hư hại cấu trúc cầu, khiến các thiết bị quân sự hạng nặng không thể đi qua được.
Đây là cây cầu nối thành phố Melitopol do Nga kiểm soát và làng Kostyantynivka. Video ghi hình ảnh tại hiện trường vụ tấn công cho thấy cầu không có dấu hiệu bị hư hỏng do tên lửa, cho thấy có thể vụ việc do một lực lượng đặc biệt thực hiện.
Ông Ivan Fedorov, Thị trưởng lưu vong của Melitopol, cho biết: "Đây là một trong những cây cầu quan trọng về mặt chiến lược, giống như cầu Crimea". Ông nói rằng quân Nga dùng cây cầu này để vận chuyển thiết bị quân sự từ hướng Đông.
Ông Vladimir Rogov, một quan chức ở vùng Zaporizhzhia, cáo buộc "những kẻ khủng bố" Ukraine gây ra cuộc tấn công. Ông cho biết vụ tấn công được thực hiện bằng thuốc nổ.
Video hiện trường cây cầu sau khi bị tấn công
Hình ảnh của cây cầu cho thấy nhịp cầu bị sập một phần, có thể là do các trụ cầu đã bị đặt thuốc nổ.
Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh các lực lượng của Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công ở thành phố Melitopol, có thể cắt đứt đường nối giữa Crimea và quân đội Nga ở miền Đông Ukraine.
Nắm giữ Melitopol có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm duy trì cây cầu trên đất liền nối Nga và bán đảo Crimea đã sáp nhập năm 2014.
Trước đó, ngày 8/10, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cho biết cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với phần lục địa của Nga đã bị hư hỏng do một vụ đánh bom bằng xe tải. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6h sáng theo giờ địa phương đã khiến một đoạn cầu dành cho xe ô tô bị sập. Vụ việc cũng gây ra hỏa hoạn trên một đoàn tàu chở hàng ở đoạn cầu đường sắt chạy song song, khiến 7 bồn nhiên liệu bốc cháy.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vụ tấn công do Ukraine thực hiện là "hành vi khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng cực kì quan trọng của nước Nga".
Ông Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cảnh báo vụ nổ cây cầu ở Crimea chỉ là khởi đầu.
Cầu Crimea là tâm điểm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Phía Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có kế hoạch phá hủy cầu này. Trước đó, vào tháng 8, ông Podoliak đã cảnh báo rằng cây cầu lớn nhất châu Âu nên bị phá hủy vì cho rằng đây là công trình xây dựng bất hợp pháp và là cửa ngõ chính để cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội Nga ở Crimea. Tổng thống Zelensky và các thành viên khác trong chính quyền của ông cũng cảnh báo Ukraine sẽ sử dụng vũ lực để giành lại Crimea.
Cầu Crimea là cây cầu đường sắt và đường bộ lưỡng dụng nối Bán đảo Crimea và vùng Krasnodar ở Nga, có tổng chiều dài 19 km và phần vượt biển dài 7,5 km.
Vào năm 2018, một phần cầu trên đường cao tốc đã hoàn thành. Đích thân ông Putin đã lái một chiếc xe tải lớn qua cầu để dự lễ thông xe. Cuối năm 2019, phần đường sắt của cầu cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, ông Putin cũng đã đến dự lễ khai trương và đi chuyến tàu đầu tiên qua cầu.
Vì vậy, cầu Crimea là công trình mang tính bước ngoặt đối với nước Nga, có ý nghĩa chính trị và biểu tượng quan trọng.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay, cây cầu cũng là một tuyến đường quan trọng để quân đội Nga vận chuyển hàng tiếp tế tới khu vực Kherson, nơi có ý nghĩa chiến lược to lớn. Các chuyên gia cho biết ông Putin và một số quan chức Nga đã đưa ra cảnh báo rằng việc Ukraine tấn công cầu Crimea "tương đương với hành động tự sát" nên việc Nga đáp trả quyết liệt là điều dễ hiểu.
Từ trước tới nay, Ukraine hầu như không thừa nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm trong các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Nga.
Nhà báo Nga bị kết án lao động cải tạo vì đưa 'tin giả' về quân đội Nhà báo tự do người Nga, Andrei Novashov, đã bị kết án lao động cải tạo 8 tháng vào thứ Hai (6/3) sau khi bị kết tội cố ý phát tán thông tin sai lệch về quân đội Nga. Siberia.Realities, một dự án địa phương của đài phát thanh Mỹ Radio Free Europe, cho biết một tòa án ở vùng Kemerovo thuộc Siberia...