Tình bạn khăng khít ở ‘quốc gia cô đơn’, từng chuộng ăn thịt chó
Người bạn này đã trở thành thành viên được chiều chuộng trong các gia đình ở Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và là nơi bộ phận lớn dân số sống cô đơn.
O Hanna, một huấn luyện viên tại Dogkingabout, một “trung tâm chăm sóc chó toàn diện” ở Seoul. Ảnh: CNN
Người bạn đã khuất nằm trong chiếc chăn cotton, xung quanh là hoa hồng trắng và hoa cẩm tú cầu, tượng thiên thần, nến và hương thắp sáng. Một màn hình gắn trên tường hiển thị ảnh người mất. Bà Kim Seon-ae, 71 tuổi, khóc nức nở khi tạm biệt, bà vuốt ve đầu và mặt người bạn mình. Bên cạnh, những người phục vụ tang lễ trẻ tuổi mặc đồng phục chuẩn bị cho lễ hỏa táng.
Nghi lễ phức tạp và đầy cảm xúc này dành cho một chú chó xù trắng tên là Dalkong, đang nằm trong một chiếc giỏ mây với đôi mắt vẫn mở.
Bà Kim, người đã sống với Dalkong trong 13 năm cho đến khi chú qua đời vì bệnh tim, cho biết. “Chúng tôi là gia đình. Thằng bé giống như một virus truyền hạnh phúc cho tôi”.
Kim Seon-ae và con gái bà là Kim Su-hyeon tạm biệt chú chó Dalkong tại Pet Forest, một nhà tang lễ dành cho thú cưng ở Gwangju, ngoại ô Seoul.
Cách đây không quá lâu, Hàn Quốc thường xuyên trở thành tiêu đề trên toàn cầu, và khiến các nhóm bảo vệ quyền động vật tức giận, vì truyền thống nuôi chó để lấy thịt.
Nhưng trong những năm gần đây, người dân ở đây đã quan tâm nhiều đến thú cưng, đặc biệt là chó. Họ đang ngày càng thân thiết với người bạn đồng hành “gâu gâu” trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hàn Quốc chọn sống độc thân, không con hoặc cả hai. Hơn 2/5 tổng số hộ gia đình trên cả nước hiện chỉ có một người.
Đại dịch COVID-19 cũng đã tác động nhiều đến việc đón vật nuôi về nhà, khi rất nhiều người Hàn Quốc nhận nuôi chó mèo từ các trại cứu hộ và đường phố.
Hiện tại, cứ bốn gia đình ở Hàn Quốc thì có một gia đình nuôi thú cưng, tăng từ 17,4% vào năm 2010, theo ước tính của chính phủ. Hầu hết thú cưng là chó. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc vẫn còn thấp so với Mỹ, nơi có khoảng 62% hộ gia đình nuôi thú cưng, theo một cuộc khảo sát năm ngoái của Trung tâm nghiên cứu Pew.
“Trong thời đại ngờ vực và cô đơn này, loài chó cho bạn thấy tình yêu vô điều kiện là gì”, Kim Su-hyeon, 41 tuổi, con gái của bà Kim, người đã nuôi hai chú chó nhưng không có kế hoạch sinh con, cho biết. “Một đứa trẻ có thể cãi lại và nổi loạn, nhưng chó thì luôn theo bạn như thể bạn là trung tâm của vũ trụ”.
Kim Kyeong-sook, 63 tuổi, người có chú chó dachshund 18 tuổi tên Kangyi, được hỏa táng cùng ngày với Dalkong, đồng ý về điều đó. “Khi tôi rời khỏi nhà, nó tiễn tôi ra cửa. Khi tôi trở về, nó luôn ở đó, rối rít như thể tôi vừa trở về nhà sau khi đi chinh chiến ở nước ngoài”.
Sự bùng nổ của các dịch vụ chăm sóc thú cưng cũng đã thay đổi cảnh quan đô thị của đất nước. Các bệnh viện và cửa hàng phục vụ thú cưng trở nên phổ biến, trong khi các phòng khám sinh nở biến mất dần, vì tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã trở thành thấp nhất thế giới. Trong các công viên và khu phố, xe đẩy trẻ em thường dùng để chở chó. Các trung tâm mua sắm trực tuyến cho biết họ bán nhiều xe đẩy cho chó hơn là cho trẻ sơ sinh.
Về mặt chính trị, chủ đề chó đã dẫn đến một trường hợp hiếm hoi về sự hợp tác lưỡng đảng ở một quốc gia ngày càng phân cực. Vào tháng 1, các nhà lập pháp đã thông qua một đạo luật cấm việc nhân giống và giết mổ chó để làm thực phẩm cho con người, điều đã tồn tại hàng thế kỷ ở Hàn Quốc.
Park Young-seon, bên trái, con gái bà, Sim Na-jeong, và chú chó jindo Liam, tại Mireuksa, một ngôi chùa Phật giáo ở miền trung Hàn Quốc. Ảnh: CNN
Video đang HOT
Bây giờ, chó là thành viên gia đình được dành sự ưu ái đặc biệt trong chi tiêu. Sim Na-jeong cho biết cô mặc một chiếc áo khoác cũ giá 38 đô la nhưng đã mua những chiếc áo khoác trị giá 150 đô la cho Liam, một chú chó jindo mà cô nhận nuôi từ trại cứu hộ 4 năm trước.
“Với tôi, Liam giống như một đứa trẻ vậy”, cô Sim, 34 tuổi nói, “Tôi yêu nó như mẹ tôi yêu tôi. Tôi ăn đồ ăn cũ trong tủ lạnh, giữ lại phần ức gà tươi nhất cho Liam”. Sim không có kế hoạch kết hôn hoặc sinh con.
Mẹ của cô, bà Park Young-seon, 66 tuổi, cho biết bà cảm thấy buồn khi nhiều phụ nữ trẻ đã chọn không sinh con. Nhưng bà Park cho biết bà đã chấp nhận Liam là “cháu trai”.
Vào một ngày cuối tuần gần đây, người mẹ và con gái đã cùng sáu gia đình khác đưa những chú chó cưng đi dã ngoại đến Mireuksa, một ngôi chùa ở miền trung Hàn Quốc. Hiện nay, một số ngôi chùa khuyến khích các gia đình mang theo chó. Tất cả những người tham gia, cả người và chó, đều mặc áo choàng Phật giáo màu xám và đeo tràng hạt.
“Tôi cảm thấy gắn bó với những chú chó của mình hơn cả chồng”, Kang Hyeon-ji, 31 tuổi, người đã kết hôn vào tháng 10 năm ngoái và có mặt ở đó cùng chồng và hai chú chó Pomeranian trắng như tuyết, cho biết. Chồng cô, Kim Sang-baek, 32 tuổi, nhún vai với một nụ cười ngượng ngùng.
Còn Seok Jeong-gak, sư trụ trì chùa, thì vỗ về chú chó của mình, Hwaeom, khi bà thuyết giảng rằng con người và chó chỉ là những linh hồn mang những thân xác khác nhau trong “kiếp này”, và có thể thay đổi thân xác ở “kiếp sau”.
Nhà tưởng niệm tại một đài hóa thân ucar công ty Pet Forest. Ảnh: CNN
Những đám tang thú cưng cầu kỳ như của Dalkong không bắt đầu cho đến khoảng năm 2017, khi Pet Forest, một công ty dịch vụ tang lễ thú cưng, mở dịch vụ này như một cách giúp mọi người giải tỏa hội chứng mất thú cưng của họ.
“Kể từ đó, tang lễ thú cưng đã trở nên giống như tang lễ của con người”, Lee Sangheung, Chủ tịch Pet Forest cho biết.
Hiện nay, có 74 trung tâm tang lễ thú cưng được cấp phép trên khắp Hàn Quốc. Các gia đình chọn quan tài và vải liệm cho thú cưng của họ.
Sau khi hỏa táng, họ nhận tro cốt trong một chiếc bình nhỏ hoặc biến chúng thành những viên đá quý và mang về nhà. Hoặc họ có thể gửi tro cốt trong một nhà tưởng niệm, nơi họ lưu giữ ký ức về thú cưng của mình bằng những bức ảnh, món đồ và hoa.
Viễn cảnh thú cưng 'áp đảo' trẻ nhỏ khiến giới chức Trung Quốc lo lắng
Kết hôn được 7 năm, Hansen và vợ Momo chăm sóc 6 đứa con nhỏ trong căn hộ của họ ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.
Nhưng họ áp dụng một thói quen nuôi dạy con hơi khác so với những ông bố bà mẹ thông thường: Họ chơi trò ném bắt với chúng và đưa chúng đi dạo hàng ngày.
Hansen, bên trái, và vợ Momo sống với sáu chú chó của họ ở Bắc Kinh và không có con. Ảnh: CNN'
Những "em bé" này thực không phải là con của Hansen và Momo, mà là "những đứa trẻ lông lá", hay "mao hai zi" trong tiếng Trung, và cặp đôi yêu chúng đến mức gọi chúng là "con gái, con trai" của mình.
"Tất cả chúng đều là một phần trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi là một gia đình lớn", Momo nói. Cô và chồng chỉ tiết lộ biệt danh vì ngại công khi nói về lựa chọn lối sống của mình - vốn trái ngược với nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh của chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh đang vật lộn với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và lực lượng lao động giảm sút sau nhiều thập kỷ thực thi chính sách một con. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh vào đầu năm nay, quốc gia này cũng là một trong những nơi có chi phí tốn kém nhất thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ, vượt qua cả Australia và Pháp.
Sau khi chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và thực hiện một sự thay đổi lớn khác về chính sách sinh đẻ vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc hiện mong muốn các cặp vợ chồng sinh ba con. Nhưng Bắc Kinh đã không thành công trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh như khi họ kiềm chế dân số.
Nhiều cặp đôi Trung Quốc như Hansen, 36 tuổi và Momo, 35 tuổi, không muốn sinh con. Thay vào đó, họ đã trở thành cha mẹ nuôi thú cưng.
Chó của Hansen và Momo trên xe đẩy. Ảnh: CNN
Theo báo cáo nghiên cứu tháng 7 của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dự kiến đến cuối năm nay, số lượng thú cưng ở các thành phố của Trung Quốc sẽ vượt qua số lượng trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Đến năm 2030, chỉ riêng số lượng thú cưng ở thành thị Trung Quốc sẽ gần gấp đôi số lượng trẻ nhỏ trên cả nước. Tỷ lệ sở hữu thú cưng của cả nước sẽ còn cao hơn nhiều nữa nếu tính cả số lượng chó và mèo ở vùng nông thôn.
Các ước tính của Goldman Sachs phản ánh những giá trị thay đổi của một thế hệ không còn tuân theo quan điểm truyền thống rằng hôn nhân là để sinh con và nối dõi gia đình.
"Nền kinh tế thú cưng" bùng nổ
Khi dự đoán doanh số bán thức ăn cho chó và mèo sẽ tăng đột biến, Goldman Sachs đã tiết lộ một xu hướng khiến các quan chức Trung Quốc đau đầu.
Dân số nước này đã giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ vào năm 2022. Theo các nhà phân tích thì đây là lần giảm đầu tiên kể từ nạn đói năm 1961, thời kỳ diễn ra cuộc "Đại nhảy vọt". Một năm sau, năm 2023, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Goldman nhận thấy thức ăn cho vật nuôi là một trong những ngành tiêu dùng phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc, nơi đang mở rộng mặc dù chi tiêu vẫn còn yếu. Doanh số tăng trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023, tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ USD. Báo cáo cho biết thêm, giá trị của ngành này dự kiến sẽ tăng vọt lên 12 tỷ USD vào năm 2030. Trong trường hợp lạc quan nhất, thức ăn cho vật nuôi có thể trở thành ngành công nghiệp trị giá 15 tỷ USD tại Trung Quốc trong vòng 6 năm tới.
Biểu đồ cho thấy tỉ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2016, năm Trung Quốc bỏ chính sách một con, đến nay. Ảnh: CNN
Đây là một bước tiến xa so với chỉ hai thập kỷ trước, khi việc nuôi thú cưng vẫn được coi là thú vui của giai cấp tư sản và mọi người chỉ nuôi các giống chó lai vì lý do an toàn.
Và thậm chí ngay cả bây giờ, việc nuôi thú cưng vẫn ở mức tương đối thấp - theo Goldman Sachs. Năm ngoái, tỷ lệ hộ gia đình nuôi chó ở các thành phố của Trung Quốc là 5,6%, thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng và tạo điều kiện cho lĩnh vực phát triển. Báo cáo của Golmand Sachs cho biết, Nhật Bản đạt tỉ lệ nuôi chó cưng là 17,5% vào năm 2009.
Dự đoán của Golmand Sachs về trẻ sơ sinh không mấy lạc quan. Báo cáo dự kiến số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ trung bình hàng năm là 4,2% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030 do sự suy giảm của phụ nữ trong nhóm tuổi từ 20 đến 35, cũng như tâm lý ngại sinh con của những người trẻ tuổi.
Nhiều cặp đôi ở Trung Quốc thấy khó khăn khi phải đối mặt với chi phí nuôi con ngày càng tăng trong thời buổi kinh tế bất ổn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, từ tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đến cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Hiện tại, các nhà chức trách đang đưa ra một loạt các ưu đãi, từ tiền mặt đến chế độ nghỉ phép chăm sóc con cái nhiều hơn, để thúc đẩy việc làm cha mẹ.
Nhưng giống như nhiều nước láng giềng Đông Á khác, những lợi ích mới này không có nhiều tác dụng.
Dân số Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,409 tỷ người vào năm ngoái, giảm trong hai năm liên tiếp. Tỷ lệ sinh cũng giảm xuống còn 6,39 ca sinh trên 1.000 người, mức thấp nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.
Thay đổi tư duy
Cô Tao, 38 tuổi, điều hành Space, một nhà nghỉ dành cho chó ở Bắc Kinh. Đối với cô, sở thích nuôi thú cưng đồng nghĩa cơ hội kinh doanh tốt.
Cô Tao và những "em bé" tại khách sạn thú cưng ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN
Khi kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc đang đến gần, những người nuôi chó đang phải chật vật để tìm người chăm sóc thú cưng trong mùa du lịch cao điểm bắt đầu vào ngày 1/10.
"Chúng tôi đã gần kín lịch cho kỳ nghỉ đó", Tao nói.
Bản thân Tao cũng nuôi hai con chó và không có con. Tao cho biết gia đình từng gây áp lực để cô sinh con, nhưng cô biết đó không phải là cuộc sống mà mình mong muốn.
"Tôi thích lối sống của mình. Tôi và bạn đời sẽ đi du lịch rất nhiều. Tôi thích đi khám phá thế giới. Vì vậy, ý tưởng sinh con không đủ hấp dẫn đối với tôi", cô nói.
Tao cảm thấy tâm lý của thế hệ trẻ đã thay đổi. "Mọi người bắt đầu nghĩ rằng, 'Đây là điều tôi muốn' hoặc 'Đây là điều tôi thích trong cuộc sống của mình', thay vì 'Đây là điều xã hội dạy tôi làm' hoặc 'Đây là điều cha mẹ muốn tôi làm'", Tao nói thêm.
Mọi người dắt chó đi dạo trên phố ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, vào ngày 6/3/2024. Ảnh: Future Publishing/Getty Images
Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết việc sinh con và nuôi thú cưng không loại trừ lẫn nhau ở Trung Quốc. Nhưng các cặp đôi trẻ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ tình trạng thất nghiệp đến áp lực xã hội, chẳng hạn như giờ làm việc dài và nguy cơ một số phụ nữ sẽ từ bỏ sự nghiệp sau khi sinh con.
"Nếu bạn là một người ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc và bạn cảm thấy nhu cầu nuôi dưỡng mạnh mẽ, thì việc nuôi một chú chó con, mèo con hoặc thỏ dễ hơn nhiều so với việc tìm một người bạn đời để kết hôn và sinh con", ông Gietel-Basten cho biết.
Còn đối với Hansen và Momo, họ chỉ đơn giản là tận hưởng sự đồng hành của những "đứa con lông lá" của mình.
"Chúng tôi không chạy theo bất kỳ xu hướng nào. Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi chúng. Đó chỉ là sự lựa chọn của riêng chúng tôi", Hansen cho biết.
Hàn Quốc công bố kế hoạch đền bù 75 triệu USD sau lệnh cấm thịt chó Hàn Quốc thông báo kế hoạch đền bù hàng chục triệu USD cho các nông dân nuôi chó sau khi nước này ban hành lệnh cấm thịt chó có, dự kiến có hiệu lực từ năm 2027. Hàn Quốc ban hành lệnh cấm thịt chó từ đầu năm nay, có hiệu lực trong 2 năm tới (Ảnh: AFP). Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc...