Tin vui từ An Giang: Ăn tết hoành tráng nhờ bán rau sang Campuchia
Cũng như bao hộ trồng rau, thương lái xuất khẩu rau, năm nay, gia đình ông Lèo, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) đón xuân Kỷ Hợi 2019 thật hoành tráng. Ông Lèo cho biết, khi trồng rau đạt tiêu chuẩn thì thị trường Campuchia mua cao giá hơn thị trường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg. Đây là tin vui, là cơ hội lớn cho nông dân tỉnh An Giang.
Năm 2018 đánh dấu một năm thành công với nền nông nghiệp tỉnh An Giang trên cả 4 phương diện: năng suất, chất lượng, giá cả, thị trường. Nông dân trong tỉnh đã làm một cuộc “cách mạng” trong tư duy, biết tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, chú trọng chất lượng, nâng cao uy tín. Và rau sạch của nông dân đã được đưa sang đất nước Chùa Tháp (Campuchia) với kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.
Thị trường
Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Campuchia tăng trưởng 240% so với năm 2017, đạt 2,6 triệu USD. Đây là năm thành công của ngành rau quả Việt Nam đối với thị trường các nước giáp biên như: Trung Quốc, Campuchia. Cũng là bắp cải, dưa leo hoặc cải tùa xại, các mặt hàng này ở Campuchia, Lào, Thái Lan được nông dân sản xuất rất nhiều, tuy nhiên người tiêu dùng Campuchia chọn sản phẩm của nông dân Việt Nam…
Để có lượng rau ổn định xuất sang Campuchia, thương lái đã bỏ tiền đầu tư cho nông dân tỉnh An Giang, sau đó thu mua lại sản phẩm
Yếu tố này một lần nữa khẳng định, chất lượng, giá cả, mẫu mã, bao bì đóng vai trò rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Bán cái thị trường cần chính là niềm tin, uy tín, chất lượng cùng với đó là giá cả phải hợp lý.
Đất nước Campuchia phát triển, đời sống người dân được nâng lên, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, vì vậy, sản phẩm xuất vào thị trường này phải chất lượng.
“Thị trường Campuchia không dễ tính như mọi người nghĩ, bởi ngoài rau, củ, quả nhập từ Việt Nam, thị trường này còn nhập rất nhiều sản phẩm từ Lào, Thái Lan và các quốc gia khác. Vì vậy, các loại rau ăn lá và khổ qua, bầu, bí của nông dân tỉnh An Giang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nên chất lượng, uy tín phải được đặt lên hàng đầu” – ông Nguyễn Văn Lèo (xã Kiến An, Chợ Mới) khẳng định.
Năm nay, gia đình ông Lèo đón xuân Kỷ Hợi 2019 thật hoành tráng. Ngoài nồi bánh tét, bánh ít, bánh in, gia đình còn có nhiều sản phẩm mua về từ Campuchia như: khô cá kết sấy, lạp xưởng Siêm Riệp, khô bò, đường thốt nốt… Một cái Tết đầm ấm, bởi việc trồng rau để xuất khẩu sang Campuchia gặt hái được nhiều thắng lợi.
Video đang HOT
Ông Lèo cho biết, khi trồng rau đạt tiêu chuẩn thì thị trường này mua cao giá hơn thị trường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg, vì vậy, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa khọc – kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm làm ra được tốt hơn.
Sản phẩm gừng tươi trước khi xuất khẩu sang Campuchia được nông dân, thương lái tỉnh An Giang phân loại kỹ lưỡng để bán được giá cao
Cơ hội lớn cho rau sạch An Giang
Đưa rau sạch vào đất nước Chùa Tháp đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018, ngoài yếu tố chất lượng, uy tín của sản phẩm và giá cả hợp lý còn kể đến một yếu tố khác mang tính quyết định, đó là việc Chính phủ 2 nước Việt Nam – Campuchia ký thỏa thuận song phương, thúc đẩy thương mại 2 nước phát triển.
Ngày 14-3-2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 24/2017/NĐ-CP, thực hiện thỏa thuận song phương mà trước đó Thủ tướng Chính phủ của 2 nước đã ký kết năm 2016. Theo đó, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất, thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi xuất khẩu vào thị trường Campuchia, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả. Đây là cơ hội lớn để nông dân An Giang khai thác thị trường này.
“Nếu không có thỏa thuận song phương thì rau quả của nông dân trong tỉnh khi xuất sang thị trường Campuchia tiếp tục bị hạn chế. Đây là cơ hội tốt để đưa rau, củ, quả từ An Giang vào đất nước Chùa Tháp. Vấn đề ở đây là làm sao biết được chính xác thị trường Campuchia mỗi năm cần bao nhiêu tấn rau, củ, quả, mỗi loại là bao nhiêu để chúng tôi tổ chức sản xuất” – bà Trần Thị Mỹ Hạnh (xã Bình Thạnh, Châu Thành) thông tin.
Tập kết rau tại chợ Kim Phát (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) đưa lên xe tải xuất sang Campuchia
Một cơ hội khác mà nông dân trong tỉnh An Giang cần nắm bắt để khai thác thị trường này trong nhiều năm tới, đó là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Campuchia chưa hoàn chỉnh. Ngành nông nghiệp nước này phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước mưa hàng năm. Vì vậy, mưa ít hay nhiều thì sản xuất nông nghiệp đều bị ảnh hưởng, từ đó tình trạng thiếu các mặt hàng rau, củ, quả vẫn tiếp tục xảy ra.
“Việc phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng và đê bao chống lũ, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp đang là chương trình ưu tiên của Chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình này phải mất rất nhiều thời gian, nên việc nhập khẩu rau quả từ các quốc gia trong khu vực để phục vụ tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục diễn ra” – ông Vanhhan (Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Campuchia) khẳng định.
Thị trường rộng mở, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả của nông dân, doanh nghiệp Việt Nam vào đất nước Chùa Tháp còn tiếp tục. Nông dân An Giang cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ “tín” trong làm ăn, mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất bằng cách “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”.
“Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2018 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đời sống người làm nông nghiệp tăng đáng kể. Chúng tôi đang tìm hướng liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ bằng hình thức bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Có như vậy, người sản xuất ngành hàng này mới an tâm sản xuất, rủi ro được hạn chế đến mức thấp nhất, ông Nguyễn Văn Nam (Tổ liên kết sản xuất rau an toàn, xã Long An, TX. Tân Châu) khẳng định.
Theo Minh Hiển (Báo An Giang)
Trồng loài cây hoang dại mà lại có tiền, thu 1 tấn quả/công
Anh Nguyễn Văn Út, nông dân ấp An Thuận, xã Hòa Bình cho biết, sơ ri vốn trước kia là loài cây hoang dại, nay được người dân, trong đó có gia đình anh trồng phát triển kinh tế. "Cây sơ ri không cần phải chăm sóc nhiều. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Bình quân mỗi công sơ ri có năng suất từ 500 - 700 kg/vụ. Những lúc trúng mùa, năng suất có thể lên đến 1 tấn/công".
Những năm gần đây, việc chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn tạp của nhiều hộ nông dân xã Hòa Bình, Chợ Mới (An Giang) đã đem lại nguồn thu nhập khá cho các nông hộ. Không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ trồng, cây sơ ri còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn qua việc thu hoạch.
Loại cây "hoang dã"
Xuống phà An Hòa, về hướng thị trấn Chợ Mới, chúng tôi đến khu vực trồng nhiều sơ ri ở xã Hòa Bình. Ở đây, cây sơ ri đã bén duyên với bà con nông dân từ cách đây trên dưới 20 năm. Lúc đầu, chỉ có vài hộ trồng để ăn. Dần dần, thấy giá trị kinh tế cao, nhiều hộ bắt đầu cải tạo vườn tạp, phát triển chuyên canh loại cây trồng này.
Cây sơ ri đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân xã Hòa Bình.
Anh Nguyễn Văn Út, nông dân ấp An Thuận, xã Hòa Bình cho biết, cây sơ ri dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Loại cây này dễ sống, chịu được môi trường khắc nghiệt như khô hạn, ngập úng hay đất nghèo chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cây phát triển nhanh, cho trái quanh năm.
Nhiều gia đình có thể tận dụng trồng sơ ri ở trước sân, sau nhà cũng có thu nhập sinh hoạt hàng ngày. "Cây sơ ri không cần phải chăm sóc nhiều. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Bình quân mỗi công sơ ri có năng suất từ 500 - 700 kg/vụ. Những lúc trúng mùa, năng suất có thể lên đến 1 tấn/công".
Anh Út cho biết thêm, cây sơ ri từ lúc trồng đến thu hoạch mất 6 tháng. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng, đặc biệt, cây sơ ri càng lâu năm thì trái càng sai. Để làm được điều này, người trồng sơ ri phải quan tâm đến việc tỉa cành ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch để cây thông thoáng và tiếp nhận đủ ánh sáng.
Khá giả từ cây sơ ri
Hiện nay, cây sơ ri đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế. Nếu so với các loại cây ăn trái khác thì giá trị kinh tế của cây sơ ri không cao bằng, nhưng loại cây này có tuổi thọ cao và cho trái quanh năm, ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc. Sơ ri được thị trường rất ưa chuộng, nên đầu ra luôn ổn định. Ông Huỳnh Phước Lớn (xã Hòa Bình) cho biết: "Trái sơ ri đôi lúc giá rất cao, nhưng cũng có thời điểm giá xuống rất thấp. Tuy nhiên, những năm qua, cây sơ ri đã không phụ công sức của người chăm sóc khi đem lại nguồn thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác".
Hiện tại, đầu ra của sơ ri khá ổn định, thương lái mua với giá 4.000 - 7.000 đồng/kg. Nhiều nông dân nắm bắt được kỹ thuật cho trái nghịch vụ nên bán được giá rất cao, từ 9.000 - 13.000 đồng. Ngoài ra, do cây sơ ri cho thu hoạch quanh năm nên nông dân không ngại tình trạng rớt giá.
"Những hộ có diện tích đất canh tác ít cũng có thể kiếm được đồng ra, đồng vô hàng ngày từ việc trồng sơ ri. Nếu so sánh với trồng lúa, trồng sơ ri cho lợi nhuận cao nhưng nhẹ công hơn rất nhiều. Đầu ra của sơ ri cũng khá ổn định. Thị trường tập trung chủ yếu ở TP. Long Xuyên, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) hoặc xuất qua Campuchia"- ông Lớn thông tin.
Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho các nông hộ, cây sơ ri còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn thông qua việc thu hoạch trái. Lao động được thuê theo thời gian hoặc khối lượng trái. Bình quân mỗi ngày, mỗi lao động kiếm được từ vài chục đến trên 100.000 đồng. Qua đó, người lao động có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình Hữu Phúc cho biết, toàn xã hiện có trên 120 hộ trồng cây sơ ri, với diện tích trên 37ha. Những năm qua, cây sơ ri đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình. "Địa phương luôn vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái mang lại lợi nhuận cao, trong đó có cây sơ ri"- ông Phúc thông tin.
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
Bắt vụ vận chuyển 3.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu Ngày 16-2, Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang phôi hơp vơi Đôn Biên phong Nhơn Hưng vừa bắt vụ buôn lậu thuốc lá ngoại từ Campuchia về Việt Nam. Can bô, chiên sỹ Đôn Biên phong Nhơn Hưng, BĐBP An Giang kiểm đếm tang vật vụ buôn lậu 3.500 goi thuốc lá ngoại từ...