Tin vào hạnh phúc
Ngà cẩn thận treo mấy túi đồ lủ khủ lên xe. Những ngày cuối năm, tan sở mà cứ như đi buôn, luôn là câu cửa miệng của cánh đàn bà. Nhà ai có đặc sản gì là mang vô buôn bán, chia sớt. Từ mớ lạp xưởng tươi, bịch mứt me nguyên trái ít ngọt đến mấy hũ dưa món đậm đà… Ra tới cổng, Ngà gặp anh đồng nghiệp từng có dịp đi công tác chung miền Tây năm rồi. Ngà tươi tắn cười chào, ngại ngần cảm ơn khi anh nhất định dúi vào tay Ngà thùng nước mắm gồm mấy chai nhỏ xíu. Chị đừng khách sáo thế, loại nhĩ hảo hạng đấy, mang về cho chồng chấm bánh chưng.
Mới nhắc đó mà linh thật! Điện thoại Ngà rung trong túi, là của chồng: “Anh đã được lãnh tiền thưởng, sẵn được tặng túi quà tết nên ghé nhà biếu bà ngoại Cà Rốt luôn nhé. Khoảng bảy giờ anh về tới nhà”. Ngà bấm “Dạ” để trả lời, sau đó hòa vào dòng người tấp nập chiều cuối năm.
Hình như năm cùng tháng tận dễ làm cho người ta hoài niệm, nên Ngà bỗng dưng nhớ thời điểm này của một, hai năm trước. Phải nói là bi kịch! Ngà mới sinh non đứa con thứ hai, cảnh nhà không đến nỗi túng bấn, nhưng cứ chật vật khó hiểu. Cảm giác mỏi mệt sau cả ngày đi làm, về đến cửa là con cái nheo nhóc, hay đau bệnh khiến Ngà cáu bẳn hẳn. Thêm chồng lúc ấy lại hay đi. Đi đâu, ai biết. Ngà ở nhà vừa tủi thân vừa hờn ghen trong lòng. Đàn ông tuy hai con nhưng đâu “xuống” nhanh như phụ nữ. Họ chỉ gia công chút đỉnh, còn lại bao nhiêu vất vả đớn đau, đàn bà lãnh hết. Thời buổi này thật chẳng biết tin ai. Phải quản chồng. Biết thủ cho con, cho mình. Những lời khuyên của chị em đồng nghiệp làm Ngà thêm khổ sở. Phải thế nào chứ, có đâu chồng thì phơi phới tự do, mặc vợ đầu tắt mặt tối thế này!
Những bài học kinh nghiệm xương máu ở xung quanh lẫn trên mạng làm Ngà nghẹt thở. Bao tưởng tượng rối rắm cuốn Ngà vào đấy. Ngà vốn hay hoài nghi về hạnh phúc. Đọc báo, thấy cặp đôi tre trẻ nào đó khoe hình ảnh vui vẻ bên nhau, đầu Ngà phang ngay một câu: ồn ào quá, lúc chia tay có sợ thiên hạ chê cười? Chưa tới mức báng bổ vào mọi chuyện tình đẹp đẽ, nhưng Ngà thường tự hỏi, vì đâu mà người ta có thể đóng kịch, “diễn” những cảnh ấm êm, giả tạo đến thế? Còn bao nhiêu xấu xa, buồn bực thì giấu diếm kỹ càng, gom lấy làm của riêng thì phải. Thường trực trong Ngà là ý nghĩ “ba mươi chưa phải là Tết”, đừng vội phô phang hạnh phúc, kẻo sau này lại làm mồi cho người ta mỉa mai, thương hại…
Thời thơ ấu thiếu bàn tay mạnh mẽ của cha khiến Ngà có phần chênh chao, nghi ngờ vào lòng thủy chung và hạnh phúc có thật. Vài mối tình vụn vặt thất vọng càng khiến Ngà tin rằng, đàn ông đa phần là xấu, phản bội, bắt cá hai tay, Sở Khanh, là thế này thế nọ… Khó khăn lắm, chồng Ngà mới tạo được niềm tin nơi cô. Bên anh, Ngà từng cảm thấy vô cùng yên tâm và tin tưởng. Thế nhưng, bận rộn mải mê mưu sinh đã khiến Ngà dần co mình lại, những mặc cảm, muộn phiền, vướng mắc trong lòng dần trở thành một vách ngăn vô hình, khiến hai vợ chồng xa cách thế nào…
Có lần, Ngà đọc được ở đâu đó rằng, nếu đàn ông yêu bạn, bạn không cần quản. Còn nếu đàn ông không yêu bạn, thì không tới lượt bạn quản. Đàn ông đối xử tốt với bạn, thì không cần phải quản. Đàn ông đối xử tệ với bạn sẽ không để bạn quản. Đàn ông biết nghe lời, không cần quản. Đàn ông đã không nghe lời, muốn quản cũng chẳng quản được. Tóm lại, thì phụ nữ chỉ cần quản bản thân mình là đã tốt lắm rồi, cần gì phải đi quản đàn ông, mà cụ thể ở đây là nhăm nhe quản chồng!
Video đang HOT
Ngà giật mình ngó lại việc “quản lấy bản thân”. Từ lúc lấy chồng, Ngà mang tâm lý an phận thấy rõ. Chỉ chăm chăm coi gia đình là tất cả, nên thắc thỏm lo âu, nơm nớp sợ sệt. Như chị gà mái đặt tất cả trứng vô một cái rổ, chỉ sợ một chút sơ sểnh là tan tành. Những hoài bão ước mơ về công việc, về thăng tiến, về sở thích này nọ đã dần dần bị dẹp vào xó. Hai đứa trẻ sàn sàn tuổi khiến Ngà chỉ mong xong việc để ngủ. Ngà vô cùng ít mối quan hệ, bạn gái cũng hiếm hoi, chứ đừng nói là người khác phái. Ngà luôn lảng tránh những dịp tụ tập, hội hè, công tác, phong trào, với lý do con nhỏ, nhà neo người, không có năng khiếu… Ngà nhìn những chị em năng động, nhẹ nhõm với ít nhiều ganh ghét khó chịu. Ai mà bỏ bê gia đình, say việc hay thăng tiến thì Ngà càng dị ứng. Đàn bà có chồng con rồi, sao vẫn rảnh rang đi lo chuyện bao đồng đến vậy, lại còn ích kỷ, chăm sóc kỹ lưỡng cho mình để làm gì?
Phải lâu lắm, Ngà mới thoát khỏi những suy nghĩ kiểu ấy, để cân đối và thu xếp lại đời mình. Dè dặt, Ngà thử bon chen vào vài chuyến công tác, không tự đặt mình ở ngoài lề cuộc sống nữa. Đàn bà bận rộn cũng có cái thú của nó, ấy là khiến mình chẳng còn thời gian để mà tưởng tượng, suy diễn lung tung. Dạng như, giờ này chồng đang làm gì, xung quanh có đối tượng nguy hiểm nào không? Tại sao chồng không lo giữ vợ, mà mình thì cứ sồn sồn lên như vậy? Mình có gì kém cỏi không bằng chồng à?
Chồng Ngà nghiêm túc lẫn bâng quơ bảo, em phải thay đổi thôi, vợ à. Cứ loay hoay thế này là tự mua dây buộc mình mãi đấy! Sống phải có niềm tin, an nhiên mà đón nhận những đổi thay, nếu có. Hãy tận hưởng đời mình, chứ không phải bươn bả mà bơi theo nó. Đáp lại những thân tình ấy, là câu hỏi hoang mang của Ngà: “Tình yêu có thật sự tồn tại trên đời này?”. Anh có vẻ ngỡ ngàng khi Ngà “nâng quan điểm” kiểu đó. Đã xảy ra chuyện gì, hở em? Ngà bật khóc, trong nức nở tủi thân, bao nhiêu tâm trạng dằn vặt, nghi ngờ được cô trút ra bằng hết.
Đó cũng là lần đầu tiên, Ngà thấy chồng mình cương quyết đến vậy. Anh bỏ tiền thuê một người đến phụ việc theo giờ vào cuối ngày, để Ngà đỡ vất vả. Anh mở lòng chia sẻ với Ngà hơn về mọi thứ. Những dự định be bé gần gũi như mua cái tủ lạnh mới, dạy bơi cho con, Ngà đi học thêm ngoại ngữ… làm Ngà thấy cuộc sống có mục tiêu rõ rệt. Anh khiến Ngà hiểu rằng, cuộc hôn nhân nào cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, mà quan trọng nhất, là hai nhân vật chính phải nắm được quy luật của nó, để tin vào chính mình cũng như bạn đồng hành.
Có lẽ, những biện pháp cứng rắn ấy, cộng với nỗ lực của chính Ngà đã cứu vãn đời sống có phần buồn tẻ và bế tắc. Đàn bà, đừng nên buông xuôi, cũng chẳng cần quá “ham hố” thì mới tỏa sáng. Kết luận ấy, là khi Ngà tươi tắn hòa mình vào xã hội, không chăm chăm đợi chồng về mỗi tối, chẳng canh me coi anh đi đâu, ghé đâu nữa. Hạnh phúc không phải là chờ đợi một sự bảo đảm, mà là mình cứ mạnh dạn tiến về phía trước. Con của Ngà ngày một lớn hơn. Cuộc sống có những lý lẽ riêng của nó, mà nếu người ta không biết trân quý, sẽ thấy nó tầm thường và có khi vô nghĩa là vậy.
Ngà rẽ vào hẻm nhà mình. Mùa xuân sắp về tới nơi đây, mang an yên và sum vầy đến gần bên, rất thật.
Theo PNO
Ngày gặp lại
Bích Rô là bạn hàng xóm của tôi, học trên tôi một lớp. Năm 1974, Bích Rô đậu tú tài hạng Bình nên nhận được học bổng sang Úc du học. Đất nước thay đổi từ năm 1975, chúng tôi không còn giữ tin tức gì của nhau. Một lần về lại xóm cũ mới biết gia đình Bích Rô đã xuất cảnh từ lâu.
Học giỏi, xinh đẹp và khiêm tốn, chỉ tội cái tên Bích Rô nghe...mặt rô quá. Tức là dân...anh chị đó. Hỏi về gốc tích cái tên, Bích Rô ấm ức kể lúc bạn học năm cuối bậc tiểu học, thưở đó cũng đủ lớn khôn để biết thế nào là mặc cảm của mình dù chỉ là cái tên:
"Mẹ tao sinh tao ra, nằm nghỉ dưỡng ở nhà rồi nói ba tao đi khai sinh cho tao. Mẹ đặt tên tao là Bích Ngọc, cái tên dễ thương vô cùng. Không ngờ ba tao trên đường ra phòng hộ tịch gặp chú Tư của tao. Chú rủ ba tao đi nhậu. Hai ông nhậu quắc cần câu rồi mới ghé phòng hộ tịch. Nhân viên hộ tịch hỏi đặt tên cháu bé là gì. Trong đầu ba lại hiện bốn con bài Cơ Rô Chuồn Bích khi đi ngang công viên thấy bà bói toán ngồi bày ra các quân bài. Thế là trong lúc "xỉn xỉn" ba đã phán ngay cho tao cái tên Bích Rô...".
Tôi nhớ bạn mếu máo kết luận gốc tích của cái tên đó. Cả nhóm an ủi. Thôi thì Bích Rô vẫn được hơn nếu bị thay bằng Bích Chuồn hoặc Bích Cơ thì đúng là kinh khủng, nhất là chữ Cơ, chắc chắc không hên chút nào. Chúng tôi tiện miệng nói thế chứ chữ Cơ có nghĩa trái tim (Coeur) có gì mà không hên chứ.
Sau này lớn lên chúng tôi mới nhận ra "lợi thế" của cái tên độc nhất vô nhị này. Thầy Đạt dạy tiếng Pháp của trường đến Nha khảo thí xem trước danh sách học sinh trường mình đậu tú tài nhiều không. Chỉ nghe các thầy tại nha nói với nhau thí sinh Bích Rô có cơ may nhận học bổng du học, thầy biết ngay Bích Rô ở trường thầy. Tôi nhớ thầy hãnh diện thông báo trường mình có một học sinh được nhận học bổng là Bích Rô. Thầy tự tin như thế. Bích Rô học sinh giỏi của trường không thể lẫn vào đâu được như Bích Huệ, Bích Hà hay Bích Đào....
Ngày "bảng vàng đề tên" rõ ràng Bích Rô đậu cao nhất và nhận được học bổng. Giữa năm 1974 bạn ra đi rồi biệt tăm cho đến một ngày, facebook ra đời. Một lần lang thang trên Phây (facebook) tôi chú ý ngay cái tên Bích Rô lướt qua trang mình. Tôi "nhảy" vào gởi lời mời kết bạn và được chấp nhận ngay sau ít phút. Thì ra chính là Bích Rô của xóm cũ, của trường cũ ngày xưa. Bạn nói bạn cố tình lấy luôn tên Bích Rô để tìm gặp lại bạn bè, người thân ở Việt Nam. Rồi một ngày bạn quyết định quay trở về dù rằng bạn không còn người thân nào ở lại Việt Nam. Bạn tỉnh bơ nghe chúng tôi thắc mắc: "Ba mẹ, anh chị mình đã đoàn tụ cùng mình ở Úc nhưng mình còn bạn bè, còn hàng xóm cũ và còn cả mái trường cũ nữa chứ".
Trường cũ đã được đổi tên nhưng vẫn còn là tòa nhà hai tầng khang trang rộng rãi. Hàng xóm người già đã lần lượt ra đi, đám trẻ ngày xưa đã qua tuổi Tri Thiên Mệnh và một số đã lên chức ông bà, một số vẫn còn "phòng không".
Ngày về của Bích Rô đúng ngày đầu tiên của năm mới. Có gởi những bức hình mới nhất cho nhau nhưng rồi đứa nào cũng thắc mắc về nhau: "Mày mập hay mày ốm. Nhớ hồi xưa mày óm nhách à". Hay là: "Mày còn ú nù như hồi trước không? Hai má còn lúm đồng tiền không?"
Mập ốm có thể thay đổi theo thời gian nhưng má lúm đồng tiền vẫn còn đó thôi. Cũng như tình bạn bè xóm giềng bao năm qua. Chúng tôi sẵn sàng cho Bích Rô một căn phòng trong ngôi nhà rộng thênh thang của mình. Bích Rô lại thích ở khách sạn để được thoải mái đi chơi mặc sức chuyện giặt giũ, lau dọn có người phục vụ. Tính bạn vẫn thế. Ít làm phiền ai.
Thời gian của năm cũ rút ngắn lại. Chúng tôi thật háo hức. Bốn mươi mốt năm rồi còn gì. Khi xa nhau cả bọn ở tuổi thanh xuân. Giờ tất cả đã trải nếm hết những buồn vui, những thành công hay thất bại, những nụ cười và nước mắt...của cuộc đời. Tuy vậy, trò chuyện cùng nhau qua thư điện tử hay điện thoại vẫn cứ tính tinh nghịch ngày xưa mà chọc phá. Tết mau đến đi nhé để chúng tôi mau chóng gặp nhau và thấy lại được một thứ tình bạn ấm áp của thời học trò hình như vẫn chưa qua lâu lắm.
Theo PNO
Con tim đã tin Mùa đã đi qua, chỉ còn lại dư âm của những cơn gió đông, lâu lâu lại cứa vào lòng em đôi vệt nhớ, hằn lên những kỷ niệm ngỡ rằng đã lãng quên, lâu lâu lại ùa về khắc khoải. Nhiều hơn một lần anh thủ thỉ với em trong những lần ta rẽ vạt gió lang thang, về dự định trong...