Tin thuyết âm mưu, dân Anh đốt tháp viễn thông ‘khiến họ nhiễm virus’
Một thuyết âm mưu cho rằng sự lây lan của virus corona mới có liên quan đến công nghệ 5G, dẫn đến hơn 100 vụ đốt phá và quấy rối tại Anh từ đầu tháng 4.
Vào ngày 2/4, một tháp phát sóng không dây ở Birmingham bị đốt cháy. Ngày hôm sau, một vụ cháy được trình báo lúc 22h tại một hộp viễn thông ở Liverpool. Một giờ sau, một cuộc gọi khẩn cấp báo có hỏa hoạn tại một tháp phát sóng di động khác ở Liverpool.
Trên khắp nước Anh, hơn 30 vụ đốt và phá hoại các tháp phát sóng không dây và thiết bị viễn thông khác đã xảy ra trong tháng này, theo báo cáo của cảnh sát và một nhóm thương mại viễn thông. Trong khoảng 80 sự cố khác ở đất nước, nhân viên kỹ thuật viễn thông bị quấy rối trong công việc.
Các cuộc tấn công có cùng nguyên nhân, theo các quan chức chính phủ: thuyết âm mưu lan truyền trên mạng cho rằng sự lây lan của virus corona có liên quan đến công nghệ không dây tốc độ cực nhanh được biết đến với tên gọi 5G.
Đánh vào nỗi sợ hãi của con người
Theo những gì sai trái được rêu rao trong các nhóm Facebook, qua tin nhắn WhatsApp và video YouTube, sóng vô tuyến được truyền đi bởi công nghệ 5G đang gây ra những thay đổi nhỏ đối với cơ thể người khiến họ bị nhiễm virus.
Một tháp viễn thông bị đốt cháy ở Birmingham, Anh, trong tháng 4.
Các vụ việc đã cho thấy một cách rõ ràng việc các thuyết âm mưu về virus corona đã gây ra tác động tiêu cực như thế nào khi lan truyền trong thế giới thực. Chỉ trong vài tuần, đại dịch đã biến những quan niệm tai hại tồn tại từ lâu trở thành vấn đề cấp bách mới lan truyền rộng rãi trên mạng, đánh vào nỗi sợ hãi của con người.
Trước khi đại dịch xảy ra, hiếm khi các thuyết âm mưu này gây ra nhiều tác hại hữu hình nhanh đến như vậy, các nhà nghiên cứu về vấn đề lan truyền thông tin sai trái có chủ đích cho biết.
Tại Mỹ, một người đã tử vong sau khi tự chữa bệnh bằng chloroquine, thuốc điều trị sốt rét nhưng được quảng cáo trên mạng là thần dược chống virus corona dù hiệu quả của nó chưa được chứng minh. Bác sĩ Anthony S. Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đã được tăng cường bảo vệ an ninh trong tháng này sau khi các thuyết vô căn cứ lan truyền cho rằng ông là thành viên của nhóm hoạt động bí mật nhằm phá hoại Tổng thống Donald Trump.
“Hầu hết thuyết âm mưu trước nay đều chỉ lưu hành trên mạng, nhưng lần này chúng đang gây ra tác động trong đời thực”, ông Alexandre Alaphilippe, giám đốc điều hành của E.U. DisinfoLab, nhóm theo dõi các thuyết âm mưu về virus có trụ sở tại Brussels, cho biết.
Ông nói việc xử lý thông tin sai lệch về đại dịch là “một vấn đề mới” vì bệnh này đang lây lan toàn cầu và người ở khắp mọi nơi đang săn lùng thông tin.
Thuyết âm mưu nói virus corona có liên quan đến công nghệ 5G đặc biệt nổi bật, được khuếch đại bởi những người nổi tiếng như John Cusack và Woody Harrelson trên mạng xã hội. Nó cũng bị thổi phồng bởi một nhóm phản đối công nghệ 5G, những người đã kêu gọi hành động chống lại thiết bị viễn thông để bảo vệ chính mình.
Lan tràn trên mạng
Thuyết âm mưu này có nguồn gốc sâu xa trên mạng. Một phân tích của New York Times đã tìm thấy 487 cộng đồng Facebook, 84 tài khoản Instagram, 52 tài khoản Twitter và hàng chục bài đăng và video khác thúc đẩy thuyết này.
Video đang HOT
Các cộng đồng Facebook này đã thu hút thêm gần nửa triệu người theo dõi mới trong hai tuần qua. Trên Instagram, một mạng lưới gồm 40 tài khoản hiện đã có 58.800 người theo dõi, tăng gần gấp đôi chỉ trong tháng này.
Trên YouTube, 10 video phổ biến nhất về thuyết âm mưu 5G này đăng trong tháng 3 đến nay đã được thu hút 5,8 triệu lượt xem. Hiện tại, thuyết này xuất hiện trên Facebook ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Thụy Sĩ, Uruguay và Nhật Bản.
Người biểu tình trùm đầu bằng túi giấy in hình điện thoại di động, phản đối công nghệ 5G, tại Bern, Thụy Sĩ, hồi năm ngoái.
Các chính trị gia Anh cho rằng thuyết âm mưu này và các hành vi bạo lực mà nó gây ra là không thể chấp nhận được.
“Đây là chuyện nhảm nhí cùng cực”, ông Julian Knight, nghị sĩ đứng đầu một ủy ban của nghị viện Anh điều tra thông tin sai lệch trên mạng liên quan đến virus corona. Ông nói Facebook và YouTube cần phải “kiểm soát chặt chẽ” tình hình, nếu không nỗ lực ứng phó với dịch bệnh có thể bị tổn hại.
Ông Knight cũng nói sự lan truyền của các thuyết âm mưu 5G đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách phổ biến thông tin về vaccine cho virus corona trong tương lai.
“Nếu chúng ta có được vaccine cho Covid-19, chúng ta có thể tin tưởng các công ty mạng xã hội sẽ đảm bảo đưa ra các thông điệp y tế công cộng đúng đắn về vaccine đó hay không?”, ông đặt câu hỏi. “Đó có thể vấn đề sinh tử đối với nhiều người”.
Facebook, công ty cũng sở hữu Instagram và WhatsApp, cho biết họ đã “bắt đầu xóa bỏ những tuyên bố sai trái rằng công nghệ 5G gây ra các triệu chứng hoặc làm lây nhiễm Covid-19″. YouTube cho biết họ sẽ hạn chế gợi ý xem video liên hệ virus corona với công nghệ 5G, trong khi Twitter cho biết họ đã có hành động chống lại nội dung sai lệch và độc hại về căn bệnh này.
Ý nghĩa chính trị
Những quan niệm khó tin về 5G không phải là mới. Công nghệ này có vai trò chính trị vượt trội vì nó có thể mang đến cho các quốc gia lợi thế cạnh tranh, khi tốc độ không dây nhanh hơn cho phép nghiên cứu và chế tạo xe không người lái cũng như những phát minh tiên phong khác nhanh hơn.
Đám đông trên mạng đã nhắm vào 5G và ý nghĩa chính trị của nó để gieo rắc nỗi sợ hãi, dẫn đến các cuộc biểu tình ở Mỹ và nhiều nơi khác phản đối công nghệ này trong những năm gần đây. Người Nga đã thúc đẩy những tuyên bố như sóng 5G có liên quan đến ung thư não, vô sinh, tự kỷ, khối u tim và bệnh Alzheimer, tất cả đều không có căn cứ khoa học.
Vào tháng 1, khi virus corona lây lan khắp Vũ Hán, Trung Quốc và xa hơn thế, nó đã mang đến vũ khí mới cho những người phản đối 5G. Vào ngày 19/1, một bài đăng trên Twitter đưa ra suy đoán về mối liên hệ giữa 5G và căn bệnh này, theo Zignal Labs, công ty đã nghiên cứu 699.000 nội dung đề cập đến thuyết âm mưu trong năm nay, tính đến ngày 7/4.
Dây cáp tại một tháp viễn thông ở Birmingham bị lửa phá hỏng.
“Hiện Vũ Hán có hơn 5.000 trạm 5G cơ sở và lên đến 50.000 trạm vào năm 2021 – đó là bệnh tật hay 5G?”, dòng tweet viết.
Vào ngày 22/1, bài viết trên một trang tin của Bỉ có bình luận của một bác sĩ cho rằng 5G có hại cho sức khỏe của người dân. Dù nó không đề cập cụ thể đến virus corona, nhưng bác sĩ này đã nói về việc có thể có sự “liên quan với các sự kiện hiện tại”. Bài báo, sau đó bị gỡ, đã tiếp cận đến 115.000 người, theo CrowdTangle, công cụ phân tích tương tác trên mạng xã hội.
Vào tháng trước, tuyên bố về 5G và virus corona trên mạng và truyền hình đã gia tăng, theo Zignal Labs. Một video YouTube liên hệ virus với 5G vào tháng trước đã đạt được khoảng 2 triệu lượt xem trước khi YouTube xóa nó. Và ca sĩ Keri Hilson, cũng như ông Mitchelson và ông Cusack, đã đăng lên mạng về thuyết âm mưu này.
“Nhiều bạn bè của tôi đã nói về những tác động tiêu cực của 5G”, ông Harrelson viết trên Instagram có 2 triệu người theo dõi vào tuần trước, chia sẻ ảnh chụp màn hình một bài báo nói về mối liên hệ giữa dịch bệnh và sự phát triển của công nghệ 5G ở Vũ Hán.
Người đại diện của ông Mitchelson và ông Cusack, người đã có các bài đăng về 5G nhưng sau đó xóa, từ chối bình luận. Người quản lý của ca sĩ Hilson cho biết các bài đăng của cô bị xóa vì “chúng tôi cảm thấy lúc này, điều quan trọng là tập trung vào những điều mà chúng tôi biết là chính xác 100%”.
Thuyết âm mưu này đặc biệt gây tiếng vang ở Anh. Vào tháng 1, Thủ tướng Boris Johnson đã cấp phép để tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei xây dụnw cơ sở hạ tầng 5G tại nước này.
“Không thể tin nổi”
Trong những tuần gần đây, những người tung thuyết âm mưu bắt đầu nói rằng việc Trung Quốc thiếu minh bạch về Covid-19 là bằng chứng cho thấy Huawei không nên được tin tưởng cho việc xây dựng mạng 5G ở Anh. Một số người còn đi xa hơn, kêu gọi phá hủy các thiết bị không dây
“Chúng ta cần triệt hạ 5G”, một thành viên trong nhóm Facebook mang tên “Stop 5G UK” (Ngăn chặn 5G Anh), với hơn 58.600 thành viên, kêu gọi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cấp phép để tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G tại Anh.
Sau khi chính phủ Anh ban hành lệnh không rời khỏi nơi cư trú vào ngày 23/3, một số người tung thuyết âm mưu nhận xét rằng đó là mánh khóe để bí mật xây dựng các cột phát sóng 5G mà công chúng không thể hay biết.
Vào ngày 2/4, khi xảy ra một trong những vụ phá hoại đầu tiên liên quan đến thuyết âm mưu 5G, thiết bị viễn thông tại một khu phố ở Belfast, Bắc Ireland, bị đốt cháy, theo các quan chức địa phương.
“Tôi chỉ là không thể tin vào điều đó”, Carl Whyte, ủy viên Hội đồng thành phố Belfast, nói. “Họ nhìn thấy những thuyết âm mưu này trên mạng xã hội và đi ra ngoài phá hủy những cột phát sóng đó”.
Các vụ cháy tháp viễn thông sau đó xảy ra ở Birmingham, Liverpool và những nơi khác. Video ghi lại vụ đốt phá được chia sẻ và chúc tụng trên Facebook. Một số video cũng cho thấy các nhân viên kỹ thuật viên viễn thông bị quấy rối.
“Bạn biết khi họ bật nó lên, nó sẽ giết tất cả mọi người”, một phụ nữ nói về 5G trong một video gần đây trên Twitter, khi người này đối mặt với các nhân viên kéo cáp quang ở một thị trấn tại Anh.
Mark Steele, nhà hoạt động phản đối 5G nổi tiếng ở Anh, nói rằng các vụ hỏa hoạn là kết quả của việc mọi người thất vọng vì những lo ngại của họ về sự an toàn đã không được giải quyết nghiêm túc. Khi được hỏi liệu anh có tin rằng 5G gây ra virus corona không, anh ta nói, “chuyện đó cũng hơi khả nghi, bạn không thấy vậy sao?”.
Các công ty viễn thông đã tăng cường an ninh và đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, cho biết các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên và thiết bị của họ đã lan rộng, đe dọa các hệ thống mạng trong cuộc khủng hoảng. Vodafone cho biết họ đã gặp ít nhất 15 sự cố, trong khi BT gặp ít nhất 11 sự cố. Các công ty cho biết trong nhiều trường hợp, những kẻ phá hoại đã gây hỏng hóc cơ sở hạ tầng hiện tại, không phải là thiết bị 5G mới.
Cảnh sát ở Belfast, Liverpool và Birmingham cho biết họ đang tiếp tục điều tra các sự cố, xem băng ghi hình từ camera an ninh và yêu cầu công chúng cung cấp thông tin.
Các nhóm phản đối 5G vẫn tiếp tục thu hút thêm hàng trăm thành viên mới. Một người dùng Facebook tuần này chia sẻ hình ảnh về một tháp không dây đang được xây dựng tại một khu vực không xác định ở Anh.
“Đốt nó đi”, một người nói trong phần bình luận.
Thế giới đã biết những gì về virus corona? Virus corona đang gây ra nhiều lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Covid-19 không nghiêm trọng nếu so với những đại dịch trước đây.
Đông Phong
Viettel phối hợp Facebook gỡ 186 trang mạo danh để bảo vệ khách hàng
Ngày 9/4, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp cùng Facebook gỡ bỏ 186/186 fanpage được coi là mạo danh thương hiệu Viettel trên mạng xã hội này.
Các trang bị gỡ bỏ không thuộc quản lý của Viettel nhưng sử dụng tên thương hiệu Viettel chưa phù hợp, khiến người dùng hiểu nhầm đây là trang đại diện cho các cơ quan, đơn vị, chi nhánh... trực thuộc đơn vị này. Ngoài ra, một số trang bị phát hiện đưa thông tin sai lệch, giả mạo về các gói cước của Viettel nhằm trục lợi bất chính từ người tiêu dùng cũng bị gỡ bỏ.
Mới đây, Viettel đã hoàn thành đăng ký dấu tích xanh 24/26 fanpage chính thức của tổng công ty, công ty, viện, học viện, trung tâm thành viên, và ban hành bộ "Quy chế văn hóa hành xử, ứng xử trên không gian mạng" cho toàn bộ CBCNV tập đoàn.
Viettel ban hành bộ "Quy chế văn hóa hành xử, ứng xử trên không gian mạng" cho toàn bộ CBCNV tập đoàn.
Các trang thuộc quyền quản lý của Viettel chưa được đăng ký dấu tích xanh sẽ được kiểm soát chặt chẽ và cập nhật định kỳ. Viettel tiếp tục rà soát và có biện pháp xử lý thích hợp đối với các fanpage có các hành vi mạo danh cơ quan, đơn vị, chi nhánh... trực thuộc Viettel hoặc phát tán thông tin giả mạo về tập đoàn, sản phẩm, dịch vụ của tập đoàn nhằm mục đích bất chính.
Việc rà soát liên tục và gỡ bỏ các fanpage mạo danh thể hiện cam kết của Viettel bảo vệ khách hàng ở cả môi trường thực và không gian mạng.
Động thái này cũng thể hiện sự tiên phong của Viettel trong nỗ lực phòng chống tin giả, xây dựng môi trường xã hội số lành mạnh, văn minh.
Giang Tiểu San
Bộ TT&TT thành lập Hội đồng quản lý Trung tâm Internet Việt Nam Hội đồng quản lý của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT vừa được thành lập. Là đại diện của Bộ TT&TT tại VNNIC, Hội đồng quản lý của VNNIC có chức năng quyết định về chủ trương, phương hướng, kế hoạch hoạt động, tài chính và nhân sự của Trung tâm. Là đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, VNNIC có...