Tin tặc quốc tế sắp tấn công 2 công ty VietsoPetro, PetroVietnam?
Diễn đàn Hacker mũ trắng WhiteHat Forum vừa đăng bài cảnh báo 2 công ty dầu khí lớn nhất Việt Nam gồm VietsoPetro và PetroVietnam bị tin tặc quốc tế lên lịch tấn công vào ngày 20/6/2014.
Sẽ bị tấn công trong 2 ngày tới?
Bài viết dẫn nguồn tin từ Cyberwarzone và USNews cho hay, nhóm tội phạm mạng AnonGhost đứng đằng sau chiến dịch #opPetrol 2013 từng tấn công vào hàng loạt các quốc gia xuất khẩu dầu và công ty dầu khí trên thế giới vào ngày 20/6/2013 từng tuyên bố sẽ tái diễn chiến dịch một lần nữa vào ngày 20/6/2014. Trong danh sách mục tiêu của #opPetrol 2014 có 2 công ty dầu khí lớn nhất Việt Nam là Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (VietsoPetro) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).
Các hình thức tấn công có thể bao gồm: DDoS, tấn công và thay giao diện các tài khoản mạng xã hội, đăng tải các thông điệp giả mạo, tấn công và thay giao diện website các tổ chức, ăn cắp và công bố thông tin, tấn công server của các tổ chức với mục đích phá hoại (ví dụ như cài malware xóa dữ liệu trên đĩa).
VietsoPetro là một trong 2 công ty dầu khí lớn của Việt Nam có mặt trong danh sách bị tin tặc lên lịch tấn công vào ngày 20/6/2014. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Video đang HOT
AnonGhost tuyên bố lí do tấn công vào các công ty dầu khí là không hài lòng với việc các nước xuất khẩu dầu mỏ đang bán dầu bằng đôla Mỹ thay vì bằng đồng bản tệ của nước xuất khẩu, gây thiệt hại cho người dân và dẫn tới các cuộc chiến tranh tranh cướp dầu, vàng như tại Afghanistan.
Dù rằng lịch tấn công được AnonGhost công bố là ngày 20/6/2014, tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật của WhiteHat Forum lưu ý, mốc 20/6 là ngày có khả năng cao nhất sẽ diễn ra các vụ tấn công hoặc là ngày công khai kết quả tấn công. Dựa trên thống kê thiệt hại từ các chiến dịch trước đây cùng dữ liệu bị rò rỉ trước và sau ngày tấn công chính thức thì mục tiêu và thời gian tấn công trên thực tế cũng không hoàn toàn chính xác như tin tặc công bố. Tin tặc đã từng đánh lạc hướng nhằm che đậy các vụ tấn công.
Sẵn sàng ứng phó
Trao đổi với ICTnews, đại diện của một số đơn vị chuyên về an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin nhận định rằng rất có thể đây chỉ là một tình huống đe dọa chứ không xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, việc chuẩn bị ứng phó vẫn là điều cấp thiết.
Từ hôm qua, 17/6/2014, các đơn vị, doanh nghiệp như Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT), Công ty Bkav,… đều đã gửi cảnh báo tới các đối tượng liên quan.
“Bkav đã liên hệ bằng điện thoại tới bộ phận chuyên trách CNTT của VietsoPetro và PetroVietnam để cảnh báo về việc này. Việc chuẩn bị ứng phó trong những ngày tới không chỉ dừng ở phạm vi website hay hệ thống thông tin. Bởi tin tặc sẽ có thể triển khai đa dạng phương thức tấn công như tấn công vào tài khoản mạng xã hội của các nhân viên trong doanh nghiệp”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav lưu ý.
Ông Hà Hải Thanh, phụ trách Phòng Nghiệp vụ của VNCERT cũng khẳng định ngày 17/6/2014, VNCERT đã nhanh chóng gửi cảnh báo sang Bộ Công Thương để Bộ kịp thời chỉ đạo 2 doanh nghiệp tăng cường theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra sự cố tấn công mạng. Hiện tại hệ thống phòng vệ đã được bật lên, các cơ quan chức năng đang phối hợp theo dõi chặt chẽ tình hình. VNCERT đã nhận được thông tin từ các thành viên hiệp hội, các tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính Châu Á Thái Bình Dương APCERT từ ngày 16/6/2014 và đang phối hợp với các tổ chức ứng cứu sự cố máy tính quốc gia trong (APCERT) để chia sẻ thông tin về các đợt tấn công.
Chia sẻ thông tin với ICTnews trưa nay, 18/6/2014, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & CNTT, Bộ Công Thương cho biết: “Ngay ngày hôm qua, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu Vietsopetro và Petrovietnam sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bị tấn công mạng. Trước ngày 20/6/2014 phải cập nhật lại hệ thống CNTT, hệ điều hành, ứng dụng, web, và cả hệ thống an toàn an ninh mạng của hệ thống CNTT, phải thực hiện sao lưu dữ liệu ngay, và phải có kế hoạch rà soát thủ tục ứng phó sự cố nếu có. Bên cạnh đó phải cảnh báo người dùng trong Tập đoàn, công ty, thận trọng với những email có dấu hiệu nghi ngờ”.
AnonGhost không phải là nhóm tội phạm mạng duy nhất đưa các công ty dầu khí vào tầm ngắm. Theo công bố của McAfee hồi tháng 2/2011, hãng này đã phát hiện thấy từ tháng 11/2009, tin tặc Trung Quốc đã liên tiếp thâm nhập vào mạng lưới máy tính của các công ty dầu khí trên toàn cầu, đánh cắp nhiều dữ liệu tài chính quan trọng cùng nhiều thông tin mật khác. Ngoài ra, tin tặc còn nhắm vào các cá nhân hoặc ban quản trị của các công ty ở Mỹ, Hi Lạp, Kazakhstan… để yêu cầu cung cấp những thông tin mật tối quan trọng về hệ thống sản xuất dầu khí, các dữ liệu tài chính liên quan tới hoạt động khai thác và buôn bán dầu mỏ. Nhiều hãng bảo mật khác như Symantec từng đưa ra cảnh báo về việc tin tặc tìm mọi cách tấn công vào hệ thống trọng yếu của các quốc gia như năng lượng, dầu khí…
Theo ICTnews
Việt Nam-Nga ký thỏa thuận thăm dò dầu mỏ
Ngày 16/6, tại Trung tâm triển lãm quốc tế "Crocus Expo" ở thủ đô Moskva của LB Nga, các chủ tịch, giám đốc điều hành ngành năng lượng và chính khách từ nhiều quốc gia đã tham dự phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị Dầu mỏ thế giới lần thứ 21, dự kiến kéo dài 5 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã tham dự phiên họp toàn thể. Sau đó, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Chủ tịch tập đoàn Rosneft của Nga Igor Sechin, Tổng giám đốc công ty dầu mỏ Zarubezhneft Alexander Kudasov và Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) Đỗ Văn Hậu đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về khả năng hợp tác tiến hành nghiên cứu địa chất chung các lô 125 và 126 thuộc Bể Phú Khánh, trên thềm lục địa ngoài khơi Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cùng các quan chức Việt Nam cũng đã có buổi làm việc, trao đổi với Tổng giám đốc Alexander Kudasov và công ty dầu mỏ Zarubezhneft. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã thăm gian triển lãm của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) tại Triển lãm Dầu mỏ thế giới lần thứ 21, sự kiện được tổ chức song song với Hội nghị trên.
Diễn ra ba năm một lần, Hội nghị Dầu mỏ thế giới năm nay được tiến hành trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới leo tới ngưỡng cao kỷ lục trong vòng 9 tháng qua do tình trạng bạo lực tại Iraq. Hội nghị thể hiện rõ mong muốn tiếp tục đầu tư vào Nga của các tập đoàn phương Tây bất chấp những căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Tham gia hội nghị trên có khoảng 4.000 đại biểu, trong đó có 30 bộ trưởng, 400 giám đốc điều hành và người đứng đầu các tổ chức công nghiệp đến từ hơn 80 nước. Trong số các đại biểu có Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdullah El-Badri, nhiều nhân vật đứng đầu các tập đoàn dầu khí khổng lồ của phương Tây như Giám đốc điều hành tập đoàn BP của Anh Bob Dudley, Chủ tịch Hội đồng quản trị Exxon Mobil Mỹ Rex Tiller, cùng lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn khác của Nga.
Chủ đề chính của hội nghị lần này là "Đảm bảo nguồn cung năng lượng có trách nhiệm cho thế giới đang phát triển". Các vấn đề thảo luận gồm: nguồn dầu mỏ và khí đốt truyền thống và phi truyền thống; lĩnh vực tài chính; quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; an ninh môi trường; đảm bảo ổn định năng lượng; vận chuyển dầu và khí đốt, các dự án tại Bắc cực.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nhấn mạnh an ninh năng lượng toàn cầu phải đảm bảo phân bổ rủi ro một cách cân bằng giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng. Ông cũng trình bày các nhân tố chính trong "Chiến lược Năng lượng của Nga tới năm 2035", gồm tăng sản lượng dầu mỏ thông qua việc đẩy mạnh thăm dò địa chất, hình thành các tổ hợp dầu mới chủ yếu ở miền Đông, cũng như ứng dụng các phương pháp công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả. Phó Thủ tướng Dvorkovich lưu ý rằng Nga muốn tăng cường hiện diện tại thị trường năng lượng châu Á-Thái Bình Dương, cũng như duy trì sự hiện diện tại thị trường phương Tây. Đến năm 2035, Nga dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ.
TTXVN/Tin Tức
Nợ của các tập đoàn, tổng công ty chiếm quá nửa tổng vốn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả xấp xỉ 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Những ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Chính phủ gửi đến Quốc hội...