Tin mới vụ kiện Monsanto: Bayer bán tài sản, cắt 12.000 việc làm
Theo hãng tin CNN, Bayer có kế hoạch cắt giảm hàng ngàn việc làm như là một phần của cuộc “đại tu” công ty sau khi mua lại Monsanto.
Tập đoàn hóa chất và dược phẩm của Đức cho biết, họ sẽ cắt giảm 12.000 việc làm trong tổng số lực lượng lao động toàn cầu là 118.000 người vào cuối năm 2021. Trong đó, một số lượng giảm đáng kể sẽ được thực hiện tại thị trường quê nhà Đức.
Theo kế hoạch, hơn 4.000 việc làm sẽ thuộc về bộ phận khoa học cây trồng của công ty, hậu quả của việc mua lại đối thủ là Monsanto của Mỹ vào đầu năm nay.
Bayer đã chi hơn 60 tỷ đô la để mua Monsanto. Để đạt được sự chấp thuận theo quy định cho thương vụ này, Bayer đã đồng ý bán tài sản bao gồm kinh doanh hạt giống và một số nhãn hiệu thuốc diệt cỏ.
Công ty của Đức cho biết, họ đang xem xét liệu có nên bán thêm tài sản khác hay không, bao gồm nhãn hàng kem chống nắng Copperstyle và thương hiệu giày dép Dr. Scholl’s.
Họ cũng sẽ thoát khỏi ngành kinh doanh sức khỏe động vật và bán 60% cổ phần của mình tại Currenta, một công ty cung cấp dịch vụ cho các công ty hóa chất. “Tiết kiệm chi phí được dự đoán sẽ lên đến 2,6 tỷ euro (3,0 tỷ đô la) vào năm 2022″ – Giám đốc điều hành Werner Baumann cho biết trong một cuộc gọi với các nhà báo.Cổ phiếu của Bayer đã giảm hơn một phần ba trong năm nay, một phần vì những lo ngại về việc công ty tiếp xúc với các vụ kiện liên quan đến Roundup, một loại thuốc diệt cỏ dại được sản xuất bởi Monsanto.
Hiện có rất nhiều sản phẩm chứa hoạt chất Glyphosate đang được phép lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: HQ
Vào tháng 8, các bồi thẩm viên ở San Francisco đã tuyên số tiền bồi thường trị giá 288 triệu đô la cho một cựu quản lý trường học, người nói rằng căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của anh ta là do sản phẩm gây ra. Các thiệt hại sau đó đã được giảm bởi một thẩm phán, nhưng hàng trăm bệnh nhân khác đã đưa ra yêu cầu tương tự. Monsanto đã nói rằng sản phẩm này an toàn khi được sử dụng theo chỉ dẫn.
Trước đó, ông Johnson 46 tuổi, một người đã sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate cáo buộc thuốc diệt cỏ chứa glyphosate đã gây ra bệnh ung thư hạch Hodgkin cho ông. Số lượng các các buộc về Glyphosate mà Bayer phải đối mặt trên khắp Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 8.700. Sự việc đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về tác động từ chi phí kiện tụng của Bayer.
Tuy nhiên, Công ty Bayer phủ nhận cáo buộc hoạt chất Glyphosate gây ung thư và cho rằng qua hàng thập kỉ nghiên cứu khoa học và sử dụng trong thực tế trên toàn thế giới, đã cho thấy chất này an toàn cho con người.
Thuốc diệt cỏ được nông dân sử dụng khá phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các hoạt chất hóa học. Ảnh: IT
Liên quan đến vụ việc trên, vào giữa tháng 8, trả lời PV Dân Việt về việc xem xét loại bỏ một số hoạt chất qua ra khỏi Danh mục các thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có Glyphosate, ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục BVTV cho biết: “Cục đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với 1.024 sản phẩm. Vừa qua Cục BVTV đã hoàn chỉnh 6 báo cáo về mặt kỹ thuật với 4 hoạt chất, 3 hoạt chất khác cũng đang được xem xét (gồm Glyphosate, Chlorpyrifos, Fipronil)”.
Cũng theo lãnh đạo Cục BVTV, Cục này sẽ loại bỏ ngay Glyphosate nếu xác định có đủ bằng chứng chất này ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Video đang HOT
Theo Danviet
Cục trưởng Cục BVTV: Tôi bị nhiều doanh nghiệp dọa, tố cáo
Loại bỏ trên 1.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dẹp 29 phòng kiểm nghiệm phân bón và tới cũng sẽ loại bỏ hơn 1.000 sản phẩm phân bón, loại bỏ hàng trăm hồ sơ đề nghị đăng ký sản phẩm mới... Đó là những việc mà Cục Bảo vệ thực vật- đơn vị được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao quản lý nhà nước về lĩnh vực vật tư nông nghiệp đã làm.
Cũng chính vì việc làm "mạnh tay" như trên, nên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân Việt, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Bản thân ông và Cục đã bị rất nhiều doanh nghiệp dọa, tố cáo; thậm chí gửi cả đơn từ lên Tổng cục An ninh (cũ) của Bộ Công an, rồi Chính phủ, Quốc hội. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Không chịu áp lực bởi những lời đe dọa, tố cáo đó".
Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Sau sự kiện thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate của Tập đoàn Monsanto (Mỹ) bị Tòa án òa cấp cao ở San Francisco tập đoàn này phải đền bù 289 triệu USD cho một nguyên đơn, dư luận trong nước và nhiều người lại dấy lên nỗi lo ngại về sự hỗn loạn đối với thị trường thuốc BVTV và sự "quá tải" của môi trường khi hàng năm nước ta sử dụng một lượng thuốc trừ sâu quá lớn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Hiện nay chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Định hướng của Quốc hội, Chính phủ, hay ngành nông nghiệp cũng vậy, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Đó là mục tiêu hướng tới.
Chính vì vậy, Cục BVTV ngày càng siết công tác quản lý thuốc BVTV, đặc biệt là siết chặt đầu vào. Ngoài ra, Cục BVTV liên tục rà soát danh mục thuốc BVTV để tiếp tục loại bỏ các loại thuốc quá cũ, thuốc độc hại mà mình đã có đủ bằng chứng.
Hiện tại, Cục đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với 1.024 sản phẩm. Vừa qua Cục BVTV đã hoàn chỉnh 6 báo cáo về mặt kỹ thuật về 4 hoạt chất, 3 hoạt chất khác cũng đang được xem xét, trong đó có cả hoạt chất glyphosate để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Hiện nay Cục BVTV đang tiếp tục hoàn thiện các báo cáo này, trên cơ sở góp ý của các hội đồng khoa học, các ý kiến phản biện từ các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc loại bỏ trên dựa theo tiêu chí và nguyên tắc nào, thưa ông?
- Chúng tôi siết lại công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV đã được kiểm soát chặt chẽ ngay đầu vào, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm. Cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn trong sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, Bộ NNPTNT đã hoàn thiện các báo cáo đánh giá và quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và các thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành (gồm Carbendazim, Benomyl, Thiophanate - methyl, hoạt chất 2,4D, Paraquat, Trichlorfon và Carbofuran).
Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đã vận động các doanh nghiệp tự rút khỏi danh mục 206 tên tương phẩm thuốc BVTV. Kết quả, đến nay đã loại bỏ được 1.024 tên thương phẩm khỏi danh mục. Cục BVTV cũng tích cực khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký vào danh mục các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả và các thuốc bảo quản rau quả, ủ chín trái cây an toàn để vừa đáp ứng mục tiêu phòng chống sinh vật gây hại nhưng vẫn đảm bảo ATTP và xuất khẩu. Kết quả là nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV hóa học cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học.
Đáng chú ý là những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thay cho thuốc BVTV hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc.
Hiện nước ta đang tồn tại quá nhiều danh mục sản phẩm thuốc BVTV cần được loại bỏ bớt.
Chắc chắn việc loại bỏ một số lượng lớn thuốc BVTV như thế sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp. Vậy trong quá trình đó, ông và Cục BVTV có gặp những áp lực gì không?
- Chúng tôi xác định, việc lập lại danh mục thuốc BVTV là để đảm bảo môi trường, cũng như sức khỏe cho nhân dân, nên dù có phản ứng nhưng chúng tôi không áp lực. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của cá nhân Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các đồng chí lãnh đạo Bộ. Bởi qua rà soát, hiện có quá nhiều danh mục thuôc BVTV, như riêng cây lúa có tới 3.221 sản phẩm là quá nhiều, không thể chấp nhận được. Theo tính toán của chúng tôi, hiện Việt Nam đang có 50 loại cây trồng chính, với mỗi cây trồng thường bị 10 loại sinh vật gây hại khác nhau, thì chỉ cần 500 danh mục là cùng.
Trong quá trình xử lý, loại bỏ các loại thuốc BVTV khỏi danh mục, có nhiều doanh nghiệp họ "chạy" chúng tôi không được, đã đi "chạy" rất nhiều nơi, thậm chí còn tố cáo Cục. Song chúng tôi luôn được lãnh đạo Bộ ủng hộ và sẽ tiếp tục làm nghiêm vấn đề này.
Đơn cử như đợt loại bỏ thuốc Carbendazim, chúng tôi bị cả các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật kéo đến gây sức ép, tạo áp lực. Song chúng tôi đã có đủ cơ sở và báo cáo lãnh đạo Bộ về việc loại bỏ loại thuốc này, vì nó đã quá cũ, được lưu hành 40-50 năm ở nước ta.
Bộ NNPTNT đang đặt mục tiêu tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học lên 30% vào năm 2020. Theo ông Hoàng Trung: Thuốc trừ sâu sinh học rất tốt, tuy nhiên chủ yếu do người nông dân chưa được truyền thông đầy đủ, nên họ vẫn có thói quen sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, vì phun vào cây trồng, con sâu chết ngay. Trong khi đó, thuốc trừ sâu sinh học phun vào phải một thời gian sau con sâu mới chết hoặc bị vô hiệu hóa.
Ông có thể tiết lộ, những doanh nghiệp nào gây áp lực, thậm chí dọa nạt, tố cáo cho mình và Cục?
- Sản xuất và cung ứng thuốc BVTV toàn là những doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia. Họ vận động hành lang khắp nơi, thậm chí gửi cả đơn lên Tổng cục An ninh (cũ) của Bộ Công an, gửi đơn lên Quốc hội, Chính phủ. Song tôi dám khẳng định, chúng tôi làm đúng và luôn trả lời, nếu cần các anh cứ kiện, chúng tôi sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ.
Chúng tôi cũng định đưa vào Luật Trồng trọt (dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay-PV) một số điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp không được đăng ký quá nhiều tên thuốc, song cũng có một số quan điểm cho rằng, phải làm theo luật doanh nghiệp,, tức là họ được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, nên đành phải bỏ ra.
Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết làm, không nhượng bộ. Nói không là không.
Vì sao, cần phải loại bỏ nhiều loại sản phẩm như thế, thưa ông?
- Theo rà soát, hiện nay nước ta đã quá dư thừa các sản phẩm thuốc BVTV, phân bón. Và đã đến lúc phải siết chặt và lập lại trật tự, nếu không môi trường của chúng ta sẽ bị hủy hoại, sức khỏe con người không được đảm bảo. Hon nữa, quan điểm của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường là không lạm dụng việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ cỏ và thuốc BVTV. Vì thế, Bộ trưởng đã chỉ đạo chúng tôi làm khẩn trương vấn đề này.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại quá nhiều sản phẩm thuốc BVTV như thế?
- Trước đây, việc thẩm định hồ sơ đăng ký danh mục sản phẩm mới thường chỉ giao cho duy nhất một chuyên viên đảm nhận việc này. Vì thế, mới có chuyện một sản phẩm quan trọng như thế nhưng lại chỉ nằm trong tay có một ông chuyên viên, nên có những thời điểm có cả hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm được cấp phép và chắc chắn có vấn đề lợi ích đằng sau với những chuyên viên đó. Trên thực tế, giai đoạn trước đây hầu như sản phẩm nào đăng ký cũng được cấp phép cả. Làm gì có chuyện vô lý như thế.
Sau khi được giao quản lý lĩnh vực này, ngay lập tức tôi đã yêu cầu phải thành lập các hội đồng khoa học với đủ 9 người, gồm đại diện của Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, TNMT và các cơ quan khác. Bất kể một danh mục nào muốn được cấp phép thông qua đều phải trình qua hội đồng 9 người này. Sau đó, còn tiếp tục lấy thêm ý kiến phản biện.
Cũng vì cách làm đó, mà hiện cứ 100 hồ sơ, thì may ra có 20 hồ sơ đủ điều kiện để được xem xét, cấp phép. Thậm chí có những lúc chỉ có 8 hồ sơ được thông qua. Do vậy, từ đó đến nay có rất ít danh mục thuốc BVTV mới được cấp phép.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện nay họ đang "nghẹt thở" vì Cục BVTV siết lại như thế, ông có bình luận gì?
- Trên thực tế, qua xem xét các sản phẩm đăng ký mới trong nước đều có cả rồi. Chẳng qua là họ chỉ bổ sung hoặc thay đổi thêm một hoạt chất hoặc tỷ lệ hoạt chất khác vào để "biến" thành sản phẩm mới và quảng cáo để bán sản phẩm. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, chúng tôi cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp làm ăn rất bậy bạ. Chẳng hạn như đăng ký sản phẩm núp dưới bóng thuốc trừ sâu sinh học, song thực tế chỉ có một lượng rất ít, còn vẫn là thuốc hóa học để đòi được cấp phép mới. Hay thậm chí, có trường hợp còn lên cả mạng cóp nhặt thông tin lung tung để đưa vào hồ sơ đề nghịc cấp phép.
Hiện đang có cả vài chục hồ sơ như thế và tôi chỉ đạo anh em không trả kết quả và cũng không trả lại hồ sơ đó. Sau đó, có những doanh nghiệp dọa đòi kiện cáo, tôi đều bảo nếu ai muốn lấy lại hồ sơ thì lên trực tiếp gặp Cục trưởng. Song từ đó đến nay, chưa thấy có doanh nghiệp nào dám đến lấy, vì nếu cần chúng tôi có thể phối hợp với cơ quan công an để xử lý, vì thực tế họ đã làm giả hồ sơ, giấy tờ để đánh lừa cơ quan quản lý nhà nước.
Riêng thuốc trừ cỏ, hiện cũng đang còn tới 77 hồ sơ chờ cấp phép, nhưng chúng tôi đều yêu cầu phải làm kỹ, khoa học, không cấp phép tràn lan.
Không chỉ quản lý về thuốc BVTV, hiện Cục BVTV còn được giao quản lý cả mặt phân bón. Đây cũng là loại vật tư đang tồn tại rất nhiều vấn đề, gây bức xúc cho dư luận, bà con nông dân. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
- Khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón, được bàn giao từ Bộ Công thương sang, phải nói chúng tôi khá mệt mỏi, nhìn vào thấy rất chán, nát bét hết cả. Trước khi được giao quản lý về phân bón, có tới 41 phòng kiểm nghiệm. Trước mắt, chúng tôi phải tiếp nhận toàn bộ số phòng đó và sau đó yêu cầu anh em sang rà soát, lấy các quyết định thành lập về. Qua xem xét cho thấy, rất nhiều quyết định đã hết hiệu lực, vậy mà các phòng đo vẫn hoạt động. Vì thế, sau khi xem xét lại, chúng tôi đã dẹp bỏ 29 phòng kiểm nghiệm và đến nay chỉ có 12 phòng đủ điều kiện được phép hoạt động.
Được biết, tới đây Bộ NNPTNT cũng đang có kế hoạch loại bỏ nhiều sản phẩm phân bón. Lý do vì sao thưa ông?
- Theo thống kê, hiện đang tồn tại tới hơn 2.000 sản phẩm phân bón nằm trong danh mục. Kế hoạch của chúng tôi tới đây là loại bỏ ít nhất một nửa trong số đó. Bởi có quá nhiều sản phẩm trùng nhau, dư thừa. Việc loại bỏ số sản phẩm đó là nhằm để thiết lập lại thị trường phân bón đi vào nề nếp.
Với thuốc BVTV cũng thế, chúng tôi không dừng lại ở việc loại bỏ 1.024 sản phẩm, mà tới đây sẽ có báo cáo đầy đủ về 2 nhóm thuốc trừ rầy và thuốc trừ cỏ, thì sẽ loại được vãn lên tới hàng nghìn sản phẩm trong số 3.221 sản phẩm thuốc BVTV cho lúa.
Cả 2 loại vật tư thuốc BVTV và phân bón đều lớn, khó quản lý. Vậy liệu Cục BVTV có làm nổi không, thưa ông?
- Tôi dám tự tin khẳng định là làm được. Bởi chúng tôi có hệ thống quản lý xuống tận các địa phương, đó là các Chi cục BVTV. Trên thực tế, chúng tôi đều phân quyền cho Chi cục quản lý, chưa kể chúng tôi còn có các Chi cục BVTV vùng. Do đó, có thể khẳng định, hệ thống ngành bảo vệ thực vật đủ sức và quản lý được các loại vật tư đầu vào trong nông nghiệp như hiện nay.
Theo Danviet
Quanh chuyện dừng nhập khẩu lúa mì: Hiểm họa từ... cỏ kế đồng Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết tạm thời chưa áp dụng quy định tái xuất đối với các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, trong thời gian này Cục sẽ đàm phán với các nước nhập và các doanh nghiệp (DN) để tìm ra biện pháp hiệu quả để hạn chế thấp...