Tín dụng tiêu dùng có còn là “gà đẻ trứng vàng”?
Các sản phẩm cho vay tiêu dùng thường nhắm tới phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Bởi vậy, không ít người nghi ngờ về khả năng đối mặt với nợ xấu của các công ty tài chính hậu Covid-19 và liệu tín dụng tiêu dùng có còn là lĩnh vực “ gà đẻ trứng vàng” như những năm vừa qua hay không.
Đầu tháng 4, Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) bất ngờ ra Nghị quyết trình HĐQT ngân hàng mẹ SHB đề xuất thông qua ĐHĐCĐ về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Chưa rõ SHB sẽ thoái vốn một phần hay toàn bộ nhưng thông tin này gây không ít bất ngờ, bởi trước đó, SHB đã có nhiều kế hoạch để phát triển mảng tín dụng tiêu dùng thông qua mở rộng mạng lưới công ty con này.
Trong khi đó, gần đây, Moody’s cũng đã xem xét về việc hạ tín nhiệm 3 công ty tài chính lớn tại Việt Nam là FE Credit, Home Credit và SHB Finance. Theo đánh giá của Moody’s, cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính này.
Những công ty tài chính tiêu dùng có các sản phẩm cho vay không đảm bảo và nhắm tới phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp, dự kiến sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay trong phân khúc này, do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế.
Bởi vậy, không ít người nghi ngờ về khả năng đối mặt khó khăn bởi Covid-19 của các công ty tài chính và liệu tín dụng tiêu dùng có còn là lĩnh vực “gà đẻ trứng vàng” như những năm vừa qua hay không.
Video đang HOT
Bình luận về việc có công ty tài chính muốn thoái vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không quá quan ngại về điều đó. Nguyên nhân thoái vốn có thể là do ngân hàng thay đổi chiến lược kinh doanh, muốn tập trung vào lĩnh vực chính của mình. Hoặc họ muốn tái cấu trúc, gạt bỏ những rủi ro mà họ không chấp nhận được bởi lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng có thể nói là khá rủi ro, và gắn chặt với chu kỳ kinh tế. Và khi những ngân hàng này có cơ hội bán, có người mua với giá hợp lý thì thoái vốn có lời trong thời điểm cần tiền mặt, là đúng lúc. Bên cạnh đó, có thể họ bán, nhưng vẫn tham gia một phần dưới dạng cổ đông, hợp tác, liên kết.
Trong khi đó, LS. Trương Thanh Đức cũng cho rằng đây là chuyện bình thường, khi doanh nghiệp không làm tốt được hay không muốn làm nữa thì có quyền bán, giải thể theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng là pháp nhân mới mua là ai, có tình hình tài chính như thế nào, có minh bạch không, có kinh doanh cho vay chuyên nghiệp không, tránh ẩn chứa sự thâu tóm, lợi dụng sân sau…
Ông Trương Thanh Đức cũng cho rằng, năm nay các công ty tài chính tiêu dùng sẽ gặp khó, nhưng những năm tới vẫn còn nhiều dư địa phát triển. “Năm nay dịch bệnh khó khăn, nhưng vài năm tới thì vẫn là con gà đẻ nhiều trứng vàng, trứng rất to”, ông nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, công ty tài chính cũng như các doanh nghiệp khác cần có sự thay đổi hậu Covid-19.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, sau Covid, các doanh nghiệp và công ty tài chính đã đến lúc rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. Tư duy hiện tại đã rất khác vì nhiều xu hướng mới, thị hiếu mới xuất hiện và phải có những sản phẩm mới may đo phù hợp.
Các công ty tài chính cũng phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên. Bên cho vay cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất, không mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với người dân.
Vị chuyên gia này cho rằng lĩnh vực này vẫn có nhiều tiềm năng nhưng khả năng thu hút đầu tư còn phụ thuộc vào quan điểm của Nhà nước. Ông Cấn Văn Lực cho rằng Nhà nước nên cởi mở hơn với các mô hình tín dụng mới nhưng có kiểm soát. Với kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả tín dụng số cũng phải như vậy.
“Một là chúng ta cần có khung pháp lý để kiểm soát ngay từ đầu. Hai là để nó tự do phát triển một thời gian sau đó sẽ điều chỉnh vào khuôn khổ. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng hình thức số 1, cho hoạt động thí điểm trong khuôn khổ khung pháp lý. Cái đó là cách thức tiếp cận cởi mở và phù hợp”, vị chuyên gia cho biết. Ông cũng đồng thời cũng nhấn mạnh “Chúng ta đang trong một xu thế quan trọng: Kinh tế số, các mô hình kinh doanh số có đà phát triển cực mạnh sau đại dịch. Chúng ta không thể đi chệch thời đại”.
Tài chính tiêu dùng bắt tay hỗ trợ cá nhân vay vốn
Thu nhập sụt giảm, nhiều cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ rơi vào nợ xấu. Các công ty tài chính tiêu dùng đã tung ra các gói hỗ trợ khách hàng, song giới chuyên gia khuyến cáo, người vay nên chủ động tìm phương án tài chính, tránh tình trạng nợ xấu.
Cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Mất khả năng trả nợ vì dịch bệnh
Anh Nguyễn Đình Quân, nhân viên phụ trách mảng dịch vụ visa, hộ chiếu của một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết, từ sau Tết đến nay, 80% nhân viên công ty anh đã được thông báo nghỉ việc không lương, chưa biết bao giờ mới được gọi đi làm trở lại. Không có thu nhập, trong khi khoản vay 50 triệu đồng mua xe máy và máy vi tính trả góp vẫn phải trả gốc và lãi đều đặn làm anh lo lắng.
Không riêng anh Quân, dịch bệnh kéo dài 4 tháng qua đã khiến gần 5 triệu lao động cả nước mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Trong số này, có rất nhiều người đang vay tiêu dùng và thế chấp bằng khoản thu nhập hàng tháng. Mất việc, giảm thu nhập đồng nghĩa với khả năng trả nợ đúng hạn trở nên rất khó khăn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty tài chính là rất cần thiết đối với người vay. "Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất... là phao cứu sinh với nhiều khách hàng lúc này. Theo tôi, các ngân hàng, công ty tài chính nên xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách vay tiêu dùng ít nhất 3-6 tháng. Với người vay, để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, cần chủ động tìm đến các công ty tài chính, ngân hàng để chứng minh thiệt hại do Covid-19 và đề nghị được hỗ trợ", ông Hiếu nói.
Trên thực tế, thời gian qua, ngoài ngân hàng, rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã chủ động trích một phần lợi nhuận để đưa ra các gói hỗ trợ người vay. Chẳng hạn, trong tháng 4/2020, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) (MAFC) đưa ra gói hỗ trợ tài chính 10 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay trong mùa Covid-19.
Trong khi đó, từ tháng 3/2020 đến nay, FE Credit đã giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho gần 185.000 khách hàng. Theo lộ trình, trong thời gian sắp tới, số khách hàng được hỗ trợ giãn nợ sẽ lên đến 250.000 khách hàng. Đại diện FE Credit chia sẻ, việc cắt giảm lãi suất và tái cơ cấu nợ cho các khách hàng sẽ khó tránh khỏi tác động tới lợi nhuận, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất, bởi FE Credit hiểu rằng, khách hàng là cốt lõi và đồng hành cùng khách hàng là tìm kiếm sự vươn lên trong bối cảnh khó khăn.
Đánh giá hoạt động cho vay có trách nhiệm của các công ty tài chính, song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, công ty tài chính cũng là doanh nghiệp, nên sự hỗ trợ chỉ có giới hạn. Vấn đề cốt lõi nhất để khách hàng không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, nợ xấu... là phải giúp doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tránh nghĩa vụ trả nợ sẽ càng rơi vào "bẫy" nợ xấu
PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Covid 19 xảy ra cho thấy vai trò rất lớn của giáo dục tài chính cá nhân. Trên thực tế, nhiều cá nhân khi vay vốn đã không tính toán kỹ phương án trả nợ, tiêu dùng quá mức, dẫn tới khả năng rơi vào nợ xấu. Covid-19 xảy ra khiến tình trạng này thêm trầm trọng.
Theo tư vấn của các chuyên gia tài chính, cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nếu đã rơi vào tình trạng này, người vay cần bình tĩnh liệt kê lại các món nợ, các kỳ hạn trả nợ sắp đến và lập ra phương án xoay xở, cố gắng trả nợ đúng hạn để không bị chuyển nhóm nợ.
"Công ty tài chính hỗ trợ khách hàng, song khách hàng cũng cần có thiện chí trả nợ đúng hạn, không nên lợi dụng Covid-19 để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc thực hiện thanh toán đúng thời hạn không chỉ giúp khách hàng tránh lãi phạt, phí phạt, mà còn duy trì được điểm tín dụng tốt, từ đó có cơ hội vay vốn rẻ trong tương lai", Tổng giám đốc một công ty tài chính khuyến cáo.
Biện pháp lâu dài nhất để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, có kế hoạch chi tiêu và phương án trả nợ rõ ràng, có kỷ luật tài chính, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàngNhà nước), là phải đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động.
Cũng theo ông Hòe, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng nên công bố điểm tín dụng cá nhân cho người vay, tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay và khuyến cáo khách hàng không vay bằng mọi giá. Có trách nhiệm với khoản vay chính là cách giúp khách hàng nâng điểm tín dụng, có cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp hơn, hạn mức cao hơn.
Moody's giữ nguyên định hạng tín nhiệm của BIDV Định hạng tiền gửi nội tệ/ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành của BIDV tiếp tục duy trì ở mức Ba3 (ngang mức trần quốc gia). Định hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của BIDV ở mức B1. Theo thông báo về việc hoàn thành việc rà soát định hạng tín nhiệm định kỳ của Moody's ngày 16/4/2020, các...