Tín dụng tăng trưởng “thần tốc” có gì bất thường?
Tín dụng bất ngờ bứt tốc rất mạnh trong những ngày cuối năm 2019, giúp tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ước đạt 13,5- 13,7%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt 13,5- 13,7%
Tín dụng bứt phá ngoạn mục
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng ước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 13,5- 13,7% và cơ cấu tín dụng chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…
Đó quả là một mức tăng “thần tốc” khi mà chỉ cách đây ít hôm, Tổng cục Thống cho biết, tính đến ngày 20/12, tín dụng mới tăng có 12,1%. Trước đó số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng khoảng 9,4%, tức bình quân mỗi tháng tăng khoảng 1,05%.
Chiểu theo các số liệu trên, có thể thấy tín dụng đã tăng thêm khoảng 1,4- 1,6 điểm phần trăm chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, cao hơn khá nhiều so với mức tăng bình quân hàng tháng của quãng thời gian trước đó.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, số liệu về tăng trưởng tín dụng có thể thay đổi hàng ngày. Đặc biệt, tín dụng thường có xu hướng tăng nhanh trong thời gian cuối năm do các doanh nghiệp cũng tăng tốc để hoàn thành kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng mạnh tay vay vốn nhập khẩu hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
“Hơn nữa, kỳ hạn cho vay bình quân của các ngân hàng đang có xu hướng ngắn lại do NHNN đang giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống còn 30%. Điều đó cũng khiến cho mức độ biến động dư nợ cho vay càng mạnh hơn”, vị chuyên gia ngân hàng trên nói thêm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, mức tăng tín dụng của chục ngày cuối của năm nay xem ra là rất nhanh. Đơn cử như năm 2018, tính đến ngày 20/12/2018, tín dụng tăng 13,3% (số liệu của Tổng cục Thống kê) và cả năm tăng 13,89% (số liệu của NHNN), tức chỉ tăng thêm 0,59 điểm phần trăm trong 11 ngày cuối năm. Năm 2017 cũng vậy, đến ngày 20/12/2017, tín dụng tăng 16,96% (số liệu của Tổng cục Thống kê) và cả năm tăng 18,17%, có nghĩa tăng thêm 1,21 điểm phần trăm.
Coi chừng tăng ảo
Sự bứt phá “thần tốc” này của tín dụng không khỏi khiến các chuyên gia lo lắng về tình trạng tín dụng tăng ảo như đã từng diễn ra nhiều năm trước đây khi mà tín dụng thường tăng một cách đột biến trong tháng cuối năm, thậm chí là chỉ chục ngày cuối năm, để rồi lại tăng trưởng âm trong quý đầu năm sau.
Chẳng hạn như năm 2013, theo số liệu của NHNN Việt Nam mãi đến tháng 10 năm đó, tín dụng mới tăng 7,15%, thế nhưng đến cuối năm, tín dụng đã tăng tới 12,51%, có nghĩa tín dụng đã tăng thêm tới 5,36 điểm phần trăm chỉ trong 2 tháng cuối năm. Sẽ không có gì đáng nói nếu tín dụng không tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2014.
Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, không loại trừ việc một số nhà băng ngụy tạo số liệu tăng trưởng tín dụng cao để có thêm dư địa tín dụng trong năm 2020. Bởi nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục khống chế tăng trưởng tín dụng khoảng 13-14% trong năm 2020 và sẽ phân bổ hạn mức tín dụng theo hướng ưu tiên tăng hạn mức cho những ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II và những ngân hàng có nền tảng tài chính tốt.
“Rõ ràng việc có được một con số dư nợ tín dụng cao của năm 2019 sẽ giúp cho các ngân hàng có thêm dư địa tín dụng tốt hơn trong năm 2020. Bởi với hạn mức tín dụng được giao, giả sử là 14%, ngân hàng nào có dư nợ tín dụng của năm trước lớn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đó được cho vay nhiều hơn trong năm kế tiếp”, vị chuyên gia trên cho biết.
Tuy nhiên, còn một sự tăng ảo tín dụng nữa rất đáng quan ngại mà TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã từng cảnh báo trước đây, đó là việc các nhà băng cộng gộp nợ lãi vào tín dụng. Chẳng hạn một doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng, tiền lãi 10 tỷ đồng, đến hạn không trả được nợ gốc và lãi, ngân hàng gộp lại cả dư nợ và lãi thành khoản vay mới 110 tỷ đồng, tức dư nợ “tăng trưởng” thêm 10%. Đó cũng là một con số tăng trưởng ảo, song nó còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với nguyên nhân trên.
Để có thể kết luận có hay không tình trạng tín dụng tăng ảo như các chuyên gia đã cảnh báo ở trên, có lẽ phải đợi đến khi các nhà băng công bố báo cáo tài chính cũng như “soi” diễn biến tín dụng những tháng đầu năm 2020. Nhưng có lẽ những cảnh báo trên là không thừa khi tình trạng tăng trưởng tín dụng ảo đã từng xảy ra trên thực tế.
Hà Anh
Theo Enternews.vn
"Hết thời" tín dụng dễ dãi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14%, nhưng sẽ chỉ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cao hơn đối với các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II.
Tăng trưởng tín dụng năm 2019 dự kiến chỉ đạt khoảng 12%
Tín dụng "èo uột" năm 2019
Một quan chức NHNN cho biết, tính đến thời điểm này, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 12%. Do chỉ còn ít ngày nữa là năm 2019 sẽ khép lại, nên nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Ngay cả như vậy, thì đó vẫn là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức là tín dụng sẽ tăng khoảng 13% và cũng thua xa cả mức tăng 13,89% của năm 2018.
Theo các chuyên gia ngân hàng, nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp chủ yếu do hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM Nhà nước lớn đã giảm xuống sát ngưỡng tối thiểu, khiến cho các nhà băng này không dám "mạnh tay" cho vay. Nhiều NHTM cổ phần tư nhân cũng đang trong tình trạng tương tự: không dám cho vay khi chưa tăng được vốn điều lệ. Bằng chứng là hiện mới chỉ có 18 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II, số còn lại có cả Agribank và VietinBank.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, hiện hệ số CAR của các NHTMCP mà Nhà nước nắm trên trên 50% vốn và Agribank rất sát ngưỡng quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. "Trong trường hợp không được tăng vốn thì bản thân các NHTM này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng và thậm chí có thể phải ngừng cấp tín dụng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa khiến tín dụng tăng thấp là do tín dụng trung- dài hạn đang có xu hướng bị siết chặt hơn khi mà NHNN đã dưa ra lộ trình cụ thể để giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung- dài hạn về còn 30% kể từ tháng 10/2022.
"Do nguồn vốn của các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, nên khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn giảm cũng đồng nghĩa với việc tín dụng trung- dài hạn sẽ bị siết lại. Trong khi hiện không ít ngân hàng có tỷ trọng tín dụng trung- dài hạn khá lớn nên những ngân hàng này chỉ dám cho vay ngắn hạn chứ không dám cho vay các kỳ hạn dài. Điều đó sẽ chỉ làm tăng doanh số cho vay, chứ dư nợ nhiều khi không tăng", một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Hướng tới chất lượng và hiệu quả
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng là điều nên làm và cũng phù hợp với khuyến nghị của IMF khi mà dư nợ tín dụng hiện đã lên tới 134% GDP, một mức rất cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi nếu tiếp tục duy trì mức tăng tín dụng 17%-18% như những năm trước đây thì chỉ vài năm nữa thôi, dư nợ tín dụng sẽ đạt ngưỡng 200% GDP- mức cao nhất trên thế giới, gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện tài chính, nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 6,5 - 7% và lạm phát dưới 4%, một mức tăng trưởng tín dụng tương đương với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa vào khoảng 10 - 11%/năm sẽ có tính bền vững hơn cả trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, dù tín dụng tăng rất thấp, nhưng theo thông tin được đưa ra tại phiên họp cuối năm của Ban chỉ đạo điều hành giá, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt trên 7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra. Điều đó cho thấy chất lượng và hiệu quả của tín dụng đã được nâng lên rất nhiều.
Đồng tình như vậy, vị chuyên gia ngân hàng nói trên cho biết, việc cơ quan quản lý siết chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực đầu cơ có tính rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán đã "nắn" dòng vốn chảy vào nền kinh tế thực nên hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, nợ xấu được xử lý quyết liệt cũng giải phóng một lượng vốn không nhỏ vốn nằm chết trong các khoản nợ xấu trước đây. "Ngay cả việc cho vay với kỳ hạn ngắn cũng khiến vòng quay của đồng vốn được đẩy nhanh hơn. Hay nói cách khác, cùng một đồng vốn, nhưng có thể phục vụ được cho nhiều doanh nghiệp hơn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đó cũng chính là lý do các chuyên gia khuyến nghị, NHNN nên tiếp tục điều hành tín dụng trong năm 2020 như năm nay. Có nghĩa, tăng trưởng tín dụng không nên chạy theo số lượng mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiện quả. Được biết, hiện cơ quan quản lý cũng đang dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14%, trong đó các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được ưu tiên phân giao hạn mức tăng trưởng cao hơn; trong khi những ngân hàng chưa đạt chuẩn này sẽ chỉ được tăng thấp hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa là thời kỳ tín dụng dễ dãi đã qua. Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là doanh nghiệp nên chủ động lo vốn, đặc biệt là nên tìm vốn trung- dài hạn ở các kênh khác như phát hành trái phiếu, cổ phiếu...
Hà Anh
Theo enternews.vn
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp Việc NHNN nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cho các ngân hàng cổ phần tư nhân lên 85% sẽ góp phần nâng cao khả năng cung ứng tín dụng cho khối này. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các khối ngân hàng đến cuối tháng 9/2019 Phân bổ lại cung...