Tín dụng tăng trở lại, ngắn hạn VND khó tăng giá thêm
Sau nửa đầu tháng 5 sụt giảm, giải ngân tín dụng đã tăng trưởng tích cực trong nửa cuối tháng 5, đạt mức 1,96% so với cuối năm 2019, nhưng vẫn rất thấp so với mức tăng trưởng từ 5,8-7% của cùng kỳ các năm trước.
Ảnh minh họa (Nguồn: khamphamoingay.com)
Tại bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần từ ngày 1/6 – 5/6/2020, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết:
Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm ròng 25.000 tỷ đồng ra thị trường mở thông qua tín phiếu đáo hạn, đồng thời không thực hiện giao dịch mới nào. Thanh khoản vẫn duy trì dồi dào khiến lãi suất tiếp tục giảm nhẹ trên liên ngân hàng, ở mức 0,43%/năm (giảm 0,06%) với kỳ hạn qua đêm.
Tính đến ngày 29/5, tăng trưởng tín dụng đạt 1,96% so với cuối năm 2019, cao hơn so với mức 1,42% tại cuối tháng 4/2020.
Như vậy, sau nửa đầu tháng 5 sụt giảm, giải ngân tín dụng đã tăng trưởng tích cực trong nửa cuối tháng 5 nhưng vẫn rất thấp so với mức tăng trưởng từ 5,8-7% của cùng kỳ các năm trước.
Video đang HOT
Trong khi đó, huy động tiền gửi có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn trong quý 2/2020 dù lãi suất đã điều chỉnh giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn lại trong nhóm 4 NHTM lớn có vốn nhà nước giảm lãi suất tiền gửi 0,2%, đưa mức lãi suất huy động cả nhóm về ngang bằng nhau, ở mức 6%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
SSI dự đoán, các NHTM khác cũng giảm tiếp 0,1-0,3% lãi suất các kỳ hạn. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-6,9%/năm với các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, từ 6-7,6%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Hoạt động thị trường mở và lãi suất liên ngân hàng giai đoạn tháng 1/2019 – 6/2020 (Nguồn: SSI tổng hợp)
Số liệu việc làm của Mỹ tích cực hơn nhiều so với dự đoán; các nước châu Âu tiếp tục nới lỏng dần các lệnh phong tỏa; Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bơm thêm 600 tỷ EUR để mở rộng chương trình mua vào tài sản khẩn cấp (PEPP). Tín hiệu hồi phục từ các nền kinh tế lớn khiến tâm lý thị trường chuyển biến khá tích cực.
Trong đó, giá dầu, chứng khoán và các đồng tiền đầu cơ tăng giá khá mạnh nhưng đồng USD và các tài sản trú ẩn như JPY, vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ đều giảm giá. Chỉ số DXY giảm sâu từ 98.2 xuống mức 96.9; EUR, GBP, CNY tăng giá lần lượt 1.71%, 2.63% và 0.74% so với USD trong tuần qua.
Về tỷ giá, trong tuần vừa qua tỷ giá USD/VND giảm đồng loạt 30 đồng/USD trên cả thị trường tự do và ngân hàng, về mức lần lượt là 23.130/23.340 và 23.260/23.290. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 16 đồng/USD, về mức 23.245 đồng/USD. Hiện tại, cung cầu ngoại tệ trong nước khá ổn định và các diễn biến quốc tế thuận lợi.
Chênh lệch lãi suất ON với diễn biến tỷ giá giai đoạn tháng 1/2019 – 6/2020 (Nguồn: SSI tổng hợp)
Tuy nhiên, SSI cảnh báo, bối cảnh quốc tế có thể thay đổi nhanh chóng do dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế và mối quan hệ đầy bất ổn giữ Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù cán cân thương mại có thể được cải thiện khi các nước mở cửa trở lại nhưng nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam năm nay sẽ kém thuận lợi hơn so với năm trước khá nhiều và tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
“Trong ngắn hạn, VND khó tăng giá thêm, nhiều khả năng vẫn đi ngang ở vùng hiện tại”, chuyên gia của SSI dự đoán./.
Đến 11/5 đã có hơn 1,12 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất
Số liệu mới nhất cho thấy đã có gần 190 nghìn khách hàng được vay mới với lãi suất giảm từ 0,5 - 2,5%/năm, tổng dư nợ gần 660 nghìn tỷ đồng.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chẳng hạn như ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Chủ động ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó yêu cầu các TCTD đẩy mạnh thực hiện có kết quả các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay; điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp để dành nguồn lực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng,...;
Yêu cầu các TCTD phải công khai minh bạch các thủ tục, điều kiện đối với khách hàng; chủ động cân đối sẵn sàng nguồn vốn để đầu tư cho những phương án, dự án khả thi, coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, các TCTD đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới;
NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Cập nhật đến 11/5/2020, các tổ chức tín dụng trong hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 215.136 khách hàng với dư nợ 137.937 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 322.189 khách hàng với dư nợ 1.127.800 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 659.172 tỷ đồng cho 188.677 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Trong đó riêng Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ 3.652,4 tỷ đồng cho 142.909 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 519.342 khách hàng với dư nợ 21.208,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm, phí giao dịch thanh toán và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng. Đến nay đã có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Tín dụng sụt giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh Tín dụng tăng trưởng chậm lại khiến thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa, dẫn đến doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng tuần từ ngày 13-17/4. Theo đó, lãi suất huy động VND không có nhiều biến...