Tín dụng đen và “đất diễn” cuối năm
Nhu cầu vay vốn kinh doanh, mua sắm, trả nợ… của nhiều cá nhân, tiểu thương tăng cao dịp cuối năm khiến “ tín dụng đen” với lãi suất cao “cắt cổ” đang “ nóng” trở lại…
Tờ rơi quảng cáo cho vay được dán khắp nơi.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán trong cuộc khảo sát tại Từ Sơn – Bắc Ninh, ông N.M.Hồng cho biết, khu vực làng nghề như gỗ, giấy, vải, đồng… quanh vùng này khá nhiều, nên việc cần vốn gấp là không ít.
Đây là điều kiện để tín dụng đen có “đất diễn”. Đặc biệt, vào cuối năm vốn là thời điểm mua bán tấp nập và dịp này đang diễn ra một số giải bóng đá nên vấn nạn cờ bạc, cá độ lại càng giúp tín dụng đen nhộn nhịp hơn khi con bạc chấp nhận rủi ro, trả chi phí cao để có tiền đánh bạc.
“Khoảng 7.000 đồng lãi cho món vay 1 triệu đồng trong ngày. Nghe qua thì tưởng nhỏ, nhưng nhân lên là 35.000 đồng cho món vay 5 triệu đồng trong ngày, hay 350.000 cho món vay 50 triệu đồng trong ngày…, tức lãi suất lên tới 20%/tháng – là một món tiền không hề nhỏ, nhưng vẫn đổ xô vào vay”, ông N.M.Hồng nói.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên, giám đốc vùng của một ngân hàng thương mại cho biết, thực tế câu chuyện tín dụng đen diễn ra quanh năm, nhưng bùng phát mạnh nhất vào dịp cuối năm khi lưu lượng tiền, hàng hóa tăng không phải gấp đôi, mà gấp 5, thậm chí gấp 10 lần bình thường. Trong khi đó, một vài ngân hàng dù đã triển khai sản phẩm cho vay tiểu thương, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu.
Tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho biết, hoạt động tín dụng đen từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 2-30%.
Thậm chí 40% tháng được cho phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đối tượng thu hồi vốn và lãi hàng ngày, mỗi món vay không quá 50 triệu đồng, thỏa thuận lãi suất bằng miệng, không ghi vào giấy tờ hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình như nhà, xe… để đối phó với những quy định pháp luật.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho hay, nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà…
Chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết đều trên dưới 200%/năm, lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn đã khó khăn nay lại khốn khó bởi nợ nần chồng chất, nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác, hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ…
“Không ít người bị hăm dọa, đánh, bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. Bản thân các cơ sở tín dụng đen do tranh giành ảnh hưởng thị phần nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả, thanh toán. Tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng có tiền án, tiền sự, nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm”, ông Hiểu nói.
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn 2015-2018, toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Cho đến nay, lực lượng công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, các tổ chức tín dụng hợp pháp của Nhà nước cần chủ động, tích cực tiếp cận công nhân lao động và sinh viên với các thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giúp công nhân và sinh viên khi có nhu cầu được tiếp cận tiền, tài chính với mức lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế của họ.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động sử dụng vốn an toàn, cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, dịch vụ cho vay “nóng” sẽ còn phát triển trong nền kinh tế chia sẻ. Câu chuyện tìm dịch vụ cho vay trên cột điện, tờ rơi… sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, thay vào đó là cho vay trên Internet mọi lúc, mọi nơi, kết nối những người có tiền cho vay với những người có nhu cầu cần tiền gấp.
Điển hình là P2P Lending (cho vay ngang hàng) – một dịch vụ mới trong nền kinh tế chia sẻ hiện đang đáp ứng nhu cầu này trên thị trường.
“Vấn đề là Nhà nước sẽ quản lý dịch vụ này như thế nào, chứ không thể cấm. Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện pháp lý về cho vay, cũng như vai trò của tòa án khi xử lý các vi phạm…”, ông Hiếu nói.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chặn dòng "tín dụng đen"
Ngăn chặn "tín dụng đen", chấn chỉnh dịch vụ đòi nợ thuê là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.
Vấn đề càng "nóng" hơn khi những thông tin về cho vay trực tuyến online biến tướng được báo chí phản ánh và đây cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại phiên họp của Chính phủ vừa qua.
Trong Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 vừa qua, Chính phủ đã nhấn mạnh, Bộ Công an phải chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen", siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị với Bộ Tài chính về việc tham mưu cho Chính phủ chấm dứt dịch vụ đòi nợ thuê. Có thể nói rằng, đây là những "động thái" cần thiết để sớm chấn chỉnh lại các dịch vụ này.
Thực tế cho thấy, "tín dụng đen" và cùng dịch vụ ăn theo là "đòi nợ thuê" đang tăng nhanh chóng về số lượng với đủ hình thức, biến tướng, len lỏi trong đời sống. Những hoạt động tín dụng kiểu này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho người vay cũng như gây ra những hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội. Việc nâng cao ý thức phòng ngừa liên tục được đưa ra nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Vì rất nhiều nguyên nhân, nhiều người vẫn tìm đến kiểu tín dụng ngoài luồng này và không ít trường hợp do lỡ "dính" vào mà đã ở cảnh tiến thoái lưỡng nan. Dù đã có những quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ này, nhưng tình trạng nhiều DN đòi nợ sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định... đã gây mất trật tự xã hội, thậm chí để lại những hậu quả khó lường ở rất nhiều vụ việc cụ thể.
Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng "tín dụng đen", dịch vụ đòi nợ thuê đang tồn tại biến tướng, gây hoang mang trong dư luận là điều mà nhiều người đặt ra. Nhưng ngăn chặn các vấn đề này không thể là việc của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Trước hết, ở góc độ pháp luật, việc kiểm soát chặt chẽ, có chế tài nghiêm khắc, có các văn bản quy định hợp lý hay thậm chí đưa "dịch vụ đòi nợ thuê" vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh như đề xuất của TP Hồ Chí Minh cũng là việc cần thiết. Qua đó góp phần hiệu quả ngăn chặn những biến tướng, tác động tiêu cực đến trật tự xã hội... Đồng thời, đúng như nhiều ý kiến nhận định, để người cần tiền không tìm đến với "tín dụng đen" như một giải pháp cứu cánh trước mắt và "sập bẫy", các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội cần mở rộng và linh hoạt hơn, với nhiều hình thức, cách thức vay phù hợp với từng loại hình, đối tượng, tránh cảm giác "ngại" cho người cần vốn. Thiết nghĩ, chỉ có sự vào cuộc sớm, sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt của các ngành, các giải pháp mới xử lý được vấn đề như mong đợi của dư luận.
Theo kinhtedothi.vn
Giải pháp nào đẩy lùi tín dụng đen? Tín dụng đen với lãi suất cao "cắt cổ" đã và đang gây bất ổn xã hội. Do đó rất cần giải pháp để đẩy lùi tín dụng đen, ổn định thị trường tài chính. Thị trường "tín dụng đen" đang phát triển mạnh. Tại các ngõ xóm, khu công nghiệp, từ thành thị tới nông thôn, tại bất cứ ngóc ngách nào...