Tín dụng bất động sản: Còn đó nỗi lo?
Không còn cảnh ế ẩm tràn lan, thị trường bất động sản (BĐS) đang “ấm” dần, tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà chung cư. Tuy nhiên, cùng với hàng trăm dự án đang từng ngày “mọc” lên, từ nay đến cuối năm, liệu tình trạng “bong bóng” BĐS có diễn ra và nỗi lo về tín dụng BĐS có còn?
Dư thừa nguồn cung cao cấp
Tính đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS vẫn ở mức an toàn, khoảng 8%, nhưng không ít người tỏ ra lo ngại về nguy cơ tăng “ nóng” trong thời gian tới. Bởi, dự án BĐS đang “mọc” lên như nấm, đi kèm là các chương trình ưu đãi của những ngân hàng bắt tay cùng công ty BĐS cho vay với người mua nhà. Không chỉ dành sự ưu ái cho khách hàng mua nhà muốn vay vốn, các ngân hàng vẫn nhắm tới các chủ đầu tư BĐS, vì thông thường các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải huy động nguồn vốn ngân hàng để thực hiện dự án. Khi bất an của người mua nhà về các dự án đã bị chủ đầu tư cầm cố với ngân hàng vẫn còn đó, việc các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay BĐS có đáng ngại?
Theo Bộ Xây dựng, 7 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS vẫn tiếp tục xu hướng ổn định, mặc dù có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiện chưa có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, phần lớn tín dụng BĐS đang tập trung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ ưu tiên cho một số nhà đầu tư có tên tuổi. Nếu không kiểm soát tốt tài chính, kiểm soát tốt các dự án cho vay cũng như khả năng cung – cầu sản phẩm trên thị trường, thì câu chuyện này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tất cả các bên.
Tính toán của Bộ Xây dựng cho thấy, nếu thực hiện hết các dự án BĐS, dự báo đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp, nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp. Nhìn vào hầu hết các dự án đang triển khai trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy nhận định trên là đúng.
Cẩn trọng với “bánh vẽ”
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt hơn 415.443 tỷ đồng, tăng 32,92% so với thời điểm đầu năm 2014, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Nhiều ngân hàng liên tiếp đưa ra những gói cho vay BĐS với những lời mời khá hấp dẫn như miễn lãi suất trong 6 tháng hay 1 năm đầu, giảm 2%/năm so với lãi thông thường… Nhưng, không nhiều người đi vay tính toán kỹ rằng, chỉ ngay sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, người vay sẽ phải chịu lãi suất cho vay thông thường, tính theo công thức lãi suất huy động VND kỳ hạn dài nhất cộng với biên độ 3-4%, thậm chí là 5%/năm, nên mức lãi suất sẽ không thấp. Ngay cả đại diện các ngân hàng cũng cảnh báo, cần phân biệt vay mua để ở, hay đầu tư kinh doanh, vì lãi suất cho vay mua nhà để ở thấp hơn so với mua cho thuê hay kinh doanh.
Video đang HOT
Trong khi nhiều người lo ngại về nguy cơ tín dụng BĐS sẽ tăng trưởng “nóng” trong những tháng cuối năm, đại diện một ngân hàng lớn có hội sở ở Hà Nội lại khẳng định, ngân hàng đã trải qua thời kỳ “bong bóng”, nên việc kiểm soát rủi ro sẽ chặt hơn. Ngân hàng sẽ xem xét các nhu cầu vay mua BĐS để ở hay đầu tư, từ đó đưa ra phương án lãi suất phù hợp và ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn với những dự án tốt.
TS Trần Du Lịch cho rằng, thời gian qua mặt bằng lãi suất ổn định, góp phần tăng trưởng tín dụng BĐS. Sau “cú ngã” vì BĐS những năm trước, hiện các ngân hàng hướng đến đối tượng cá nhân vay mua nhà để ở, thay vì đổ vốn ồ ạt vào các dự án. Đầu tư vào các dự án “bê trễ” mà các ngân hàng không giám sát được dòng vốn là vấn đề đáng lo ngại. Nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp đang có sức mua tốt thì không lo nhiều về “bong bóng”. Song, thực tế hiện nay cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao cấp, nên cần phải cảnh báo nguy cơ nếu dòng vốn tiếp tục đổ vào phân khúc thị trường này…
Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm còn 2,58% trên tổng dư nợ, tức là dưới ngưỡng nguy hiểm (3%), nhưng không có nghĩa là các ngân hàng đã “thoát” khỏi nợ xấu. Cảnh báo về rủi ro cho vay đối với BĐS chưa bao giờ thừa, bởi BĐS từng làm ngân hàng “lao đao” vì những khoản nợ xấu khổng lồ. Nguy cơ “bong bóng” BĐS từ nay đến cuối năm vẫn còn đó, và các ngân hàng vẫn cần phải tiếp tục cho vay theo hướng giám sát chặt chẽ.
Theo_Hà Nội Mới
Đâu dễ để đặt điểm kinh doanh ở chung cư!
Trên giấy ghi trụ sở tại căn hộ chung cư không có nghĩa là trụ sở này được sử dụng để hoạt động kinh doanh.
Ngay cả doanh nghiệp (DN) từng được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN có ghi trụ sở tại chung cư thì vẫn có thể bị "trục xuất" bất cứ lúc nào.
Đã từng đăng ký cũng phải di dời
Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong vòng sáu tháng, kể từ ngày 10-12-2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Sau ngày 10-6-2016, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa.
Theo thống kê, hiện tại TP.HCM có gần 2.000 DN đăng ký trụ sở ở chung cư, 1.300 DN đăng ký trụ sở ở cao ốc. Có trên 10.000 DN đăng ký trụ sở trong tòa nhà, trong đó hơn một nửa đặt ở các tòa nhà quận 1.
Rất nhiều DN tại TP.HCM đã từng được cấp đăng ký kinh doanh với trụ sở là nhà chung cư, nhất là giai đoạn trước năm 2010, khi chưa có văn bản nào về việc hạn chế kinh doanh trong căn hộ chung cư. Như vậy, các DN này đều phải di dời đến trụ sở khác. Nếu không cũng sẽ bị "trục xuất" khi cơ quan quản lý đi hậu kiểm và phát hiện trụ sở trong căn hộ chung cư.
Thực ra, không phải đến Nghị định 99/2015 mới quy định không kinh doanh trong căn hộ chung cư. Từ nhiều năm nay, cơ quan đăng ký kinh doanh đã không cho các DN đăng ký trụ sở tại căn hộ chung cư. Riêng tại Sở KH&ĐT TP.HCM, trước đây DN bị yêu cầu chứng minh quyền sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh. DN trình được giấy thì Sở mới cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
Có giai đoạn Sở KH&ĐT phải phối hợp với các quận, huyện để lên danh sách các dự án, các cao ốc nào là cao ốc văn phòng, thương mại; cao ốc nào có các tầng thương mại... để cấp đăng ký DN hoặc không. Nhưng cách làm này đã từng bị nhiều DN phản ứng. DN cho rằng Sở đã đòi hỏi giấy tờ ngoài quy định.
Chính vì vậy, hiện nay Sở không đòi hỏi DN chứng minh quyền sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh nữa. Tuy nhiên, cách làm này lại khiến nhiều DN nghĩ rằng được quyền kinh doanh tại căn hộ chung cư vì đã được Sở cấp giấy đăng ký!
Phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư thì được phép kinh doanh nhưng cũng cấm nhiều ngành nghề. Ảnh: HTD
Cho đăng ký, đừng hiểu nhầm
Một chuyên viên tại Sở KH&ĐT TP.HCM khẳng định không đòi hỏi DN chứng minh quyền sử dụng trụ sở kinh doanh là nhằm tạo thuận lợi cho DN theo đúng tinh thần Luật DN. Theo đó, DN tự khai và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký DN có ý nghĩa đúng như tên gọi, tức là chỉ chứng nhận việc có đăng ký của DN mà thôi; trên giấy ghi trụ sở tại căn hộ chung cư không có nghĩa là trụ sở này được sử dụng để hoạt động kinh doanh.
"Việc DN có được kinh doanh tại địa điểm đó hay không còn phụ thuộc vào các quy định khác như Luật Nhà ở hay điều kiện kinh doanh khác" - chuyên viên này khẳng định.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết thêm theo khoản 7 Điều 8 của Luật DN 2014 thì DN phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN. Do vậy, có thể có trường hợp khi đăng ký kinh doanh thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cấp giấy chứng nhận DN có trụ sở tại nhà chung cư. Tuy nhiên, khi làm thủ tục khai báo thuế thì cơ quan thuế sẽ kiểm tra giấy tờ chứng minh trụ sở có đủ điều kiện đăng ký hay không như kiểm tra hợp đồng thuê nhà; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... đối với nhà, đất dùng vào việc làm địa chỉ kinh doanh.
"Lúc này, nếu phát hiện DN đặt trụ sở tại nhà chung cư thì sẽ không cho hoạt động tại trụ sở này mà phải chuyển địa điểm khác. Ngoài ra, cơ quan đăng ký kinh doanh nếu phát hiện hồ sơ đăng ký DN không đúng thì có thể tiến hành hậu kiểm" - luật sư Chánh nói.
Cấm vì an ninh, an toàn chung Việc không cho phép kinh doanh trong căn hộ chung cư là đúng quy định. Bởi thực tế nếu cho phép kinh doanh thì có thể không đảm bảo về an ninh, trật tự, môi trường sống của các cư dân chung cư. Mặt khác, nhà chung cư được thiết kế với chức năng phù hợp với công trình nhà ở nên nếu cho phép sử dụng vào mục đích khác thì khó đảm bảo điều kiện an toàn công trình. khi cấm kinh doanh trong chung cư như vậy, nhiều người than phiền rằng xâm phạm quyền sở hữu của họ. Khi chúng tôi tư vấn cho DN về đăng ký kinh doanh, nhiều người cũng căn vặn tại sao nhà phố cũng là nhà ở mà được kinh doanh, buôn bán, còn nhà chung cư của họ thì lại không được? Tuy nhiên, theo tôi vì lợi ích chung cho cộng đồng dân cư sinh sống tại chung cư thì việc không cho đặt trụ sở tại chung cư là hợp lý. Luật sưNGUYỄN ĐỨC CHÁNH , Đoàn Luật sư TP.HCM Nên cho phép buôn bán qua mạng Muốn kinh doanh nhưng nếu đăng ký hộ gia đình tại căn hộ chung cư thì không được cơ quan chức năng cho đăng ký; hoặc cho đăng ký nhưng lại bảo là không được kinh doanh, nếu phát hiện sẽ bị phạt. Thực tế nhiều người ở căn hộ chung cư vẫn lên Facebook bán quần áo, bán rau củ quả tươi, bán bánh tự làm... giao tận nơi cho khách hàng. Tức khách hàng không cần phải đến chung cư để giao dịch. Trường hợp khách có đến chung cư thì cũng được kiểm soát bằng thẻ từ, rồi bảo vệ kiểm tra... nên đâu thể tự do đi thang máy lên các tầng được. Do đó tôi mong rằng các cơ quan quản lý để cho DN nhỏ lẻ, những người làm dịch vụ qua mạng... có đăng ký trụ sở tại nhà chung cư của mình được kinh doanh. Chị NGUYỄN HƯƠNG, kinh doanh quần áo tại một chung cư ở quận Tân Phú, TP.HCM Chỉ kinh doanh trong phần diện tích kinh doanh Theo Nghị định 99/2015, phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư thì được phép kinh doanh nhưng cấm các ngành nghề, hàng hóa như vật liệu gây cháy nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy; kinh doanh vũ trường; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc; các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar thì phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ; có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
QUỲNH NHƯ
Theo_PLO
Tín dụng tăng trưởng trái chiều tại các nhà băng Kết quả hoạt động kinh doanh của một số nhà băng trong 6 tháng đầu năm nay đã có gam màu sáng hơn so với cùng kỳ năm trước, một phần nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những nhà băng có tăng trưởng dư nợ âm. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính...