Tìm vào “thế giới” của con
Trẻ tự kỷ bị hạn chế nhiều về mặt giao tiếp, tương tác xã hội với người khác, kể cả cha mẹ của mình. Do vậy, trẻ dường như sống trong một “ thế giới” tách biệt hẳn với những người xung quanh.
Trẻ tham gia lớp học tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức. ảnh: NVCC
* Gian nan hành trình hiểu con
Có con từ 11 tháng tuổi biết đi, 12 tháng tuổi bi bô những tiếng đầu tiên nên chị Phạm Thị Thu Hương (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) rất bất ngờ khi con mình lại bị mắc chứng tự kỷ. Chị Hương kể: “Từ khi bé 15 tháng tuổi trở đi, tôi nhận thấy bé có những biểu hiện khác thường về ngôn ngữ so với 2 con đầu. Tôi đưa con đi kiểm tra từ lúc 18 tháng tuổi nhưng vì bé không hợp tác nên đành thôi”.
Mãi đến khi con được gần 3 tuổi, chị mới tiếp tục cho đi khám sàng lọc. Chuyên gia tâm lý kết luận bé bị rối loạn phổ tự kỷ kèm theo lời căn dặn: “Nếu đến 3 tuổi bé vẫn còn những biểu hiện như cũ thì chắc chắn bé là trẻ tự kỷ”.
Sau khi có kết luận của chuyên gia tâm lý, chị Hương đăng ký cho con tham gia các buổi can thiệp 1-1 (1 chuyên gia, 1 bé) mỗi ngày 1 tiếng. Sau gần 3 năm, chị Hương quyết định cho con học bán trú tại một trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ.
“Thời gian con chưa đi học can thiệp tại trung tâm, tôi hầu như không thể giao tiếp được với con. Tôi không hiểu con mình đang trong “thế giới” nào. Mẹ và con là 2 thế giới hoàn toàn tách biệt. Tôi biết con mình đang có vấn đề nhưng không hiểu tại sao, muốn giúp con nhưng không bước vào “thế giới” của con được để mà giúp”- chị Hương xúc động chia sẻ.
Sau gần 4 năm can thiệp tích cực, hiện nay, cậu con trai 6 tuổi T.H.N.K của chị đã tiến bộ rất nhiều. Bé đã biết kết bạn, chia sẻ đồ chơi với bạn, ngôn ngữ cũng tiến bộ, tương tác và giao tiếp xã hội được nhiều hơn.
“Hiện nay, tôi thấy mình với con ổn hơn trước rất nhiều. Mình hiểu nhu cầu, sắc thái, ánh mắt của con, hiểu con muốn gì, con khó chịu vì điều gì…” – chị Hương vui mừng nói.
Chị Đặng Thị Nguyệt (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) phát hiện con của chị có dấu hiệu tự kỷ từ khi bé được 18 tháng tuổi. “Con chậm nói, nhìn cái gì là nhìn chăm chăm. Ví dụ, con có thể đứng cả buổi để nhìn cái quạt quay, con có thể cầm 1 cái cây nhỏ để ngồi chơi mãi. Tôi cho con đi khám ở nhiều nơi, cả bệnh viện, cả trung tâm tư nhân và cho bé đi can thiệp sớm từ trước 3 tuổi” – chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo chị Nguyệt, ở giai đoạn bé 3-4 tuổi trở đi mà chưa nói chuyện được, không biết giao tiếp phi ngôn ngữ thì rất khó giao tiếp. Ngay cả mẹ là người gần gũi với bé nhất cũng không thể hiểu được bé muốn gì. Vì vậy, cách duy nhất là cho con đi can thiệp để bé cải thiện dần về ngôn ngữ, có như vậy thì mẹ mới hiểu được con.
Với trường hợp của con chị Nguyệt, sau 3 năm can thiệp, bé đã có thể nói được câu dài khoảng 10 từ và có nghĩa. Ngôn ngữ phát triển, nhờ đó nhận thức của bé cũng tăng lên. Chị Nguyệt dễ dàng hơn trong việc giao tiếp và dạy con.
Hôm nay 2-4 là Ngày thế giới Nhận biết về tự kỷ. LHQ chọn ngày này với mục đích tăng cường nhận thức, sự chia sẻ của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ.
Tỷ lệ trẻ tự kỷ là 1/54
Video đang HOT
Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC), tỷ lệ trẻ tự kỷ hiện nay là 1/54, nghĩa là cứ 54 trẻ sinh ra thì sẽ có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, ghi nhận tại các bệnh viện đều cho thấy số lượng trẻ tự kỷ đến khám sàng lọc luôn tăng trong những năm gần đây.
* Cần can thiệp chuyên môn sâu
Quá trình sàng lọc, can thiệp cho trẻ tự kỷ cần có sự tham gia của một nhóm liên ngành: bác sĩ tâm thần để chẩn đoán, điều trị vấn đề kèm theo ( tăng động, rối loạn cảm xúc…), nhà tâm lý lâm sàng nhi (đánh giá các chức năng phát triển để xây dựng chiến lược), nhóm các chuyên viên giáo dục đặc biệt, các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu… Ngoài ra, gia đình cũng là một thành viên trong tiến trình can thiệp của trẻ tự kỷ.
Trẻ tự kỷ được can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) cho biết: “Có một nghiên cứu chỉ ra rằng phụ huynh đóng góp khoảng 60% sự thành công của trẻ. Giáo viên là người định hướng để giúp cho phụ huynh có cái nhìn tích cực về con, hiểu được quá trình phát triển của trẻ từ đó có những chiến lược phù hợp cho con”.
Sự phối hợp của chuyên gia và gia đình càng tốt thì bé sẽ càng có tiến bộ. Theo bà Mai, 2 tuần/lần các giáo viên soạn chương trình học cho bé và trao đổi trước với phụ huynh về nội dung này. Từ đó, phụ huynh hiểu về những gì bé sắp học, đồng thời có thể góp ý và bổ sung thêm cho chương trình học phù hợp với trẻ và gia đình.
Theo chị Phạm Thị Thu Hương, ngoài sự hỗ trợ của giáo viên, bản thân phụ huynh có con tự kỷ phải có tinh thần học hỏi. Từ khi biết con bị tự kỷ, chị Hương đã tham gia các CLB phụ huynh có con tự kỷ, trong đó nhóm đông nhất lên đến 23 ngàn người. Từ các nhóm này, chị học hỏi được kinh nghiệm dạy con của người khác, đọc các tài liệu khoa học mà mọi người chia sẻ.
Còn với chị Nguyệt, mỗi ngày chị dành ra 30 phút để vừa chơi vừa học với con theo hướng dẫn của cô giáo. “Mình làm theo tiêu chí “đúng và đủ”. Mình không kéo dài thời gian làm việc với con vì như vậy con sẽ chán và không còn hứng thú hợp tác với mẹ nữa” – chị Nguyệt cho hay.
Hải Yến
Cậu bé 7 tuổi biết 9 thứ tiếng, tự viết nhạc nhưng người mẹ nói đó là một hội chứng
Cậu bé Rafael Lancer đến từ Brazil đã khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên khi chỉ mới 7 tuổi đã nói được hơn 9 ngoại ngữ khác nhau và còn đang học cách sáng tác nhạc. Tuy nhiên thực tế cậu bé đã mắc chứng tự kỷ từ khi còn rất nhỏ.
Juli Lanser Mayer, mẹ của Rafael, đã chia sẻ câu chuyện của con trai mình với Bright Side về hành trình vượt qua chứng tự kỷ và trở thành một đứa trẻ thông minh, tài năng. Đôi khi những tài năng thực sự của một đứa trẻ có thể được che giấu đi và đừng đánh giá thấp chúng bởi vẻ ngoài.
Chẩn đoán bất ngờ
Khi Rafael được 2 tuổi 8 tháng, cậu bé vẫn chưa hề nói một lời nào. Điều này rất bất thường và khiến cha mẹ Rafael vô cùng lo lắng. Vì vậy, họ đã làm theo lời khuyên của một người bạn và đến gặp bác sĩ thần kinh.
Trong cuộc hẹn đầu tiên, chẩn đoán của bác sĩ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ: Rafael mắc chứng tự kỷ không lời nghiêm trọng. Tuy nhiên, gia đình vẫn không tin vào điều đó và quyết định tới 3 bác sĩ khác nhưng kết quả vẫn như cũ.
Cậu bé Rafael khi 2 tuổi 8 tháng vẫn không hề nói được một lời.
Mọi thứ đến đột ngột khiến cha mẹ Rafael thực sự không biết phải làm sao vì chính họ cũng không hiểu tự kỷ là gì. Cha mẹ cậu bé sợ rằng con trai sẽ không thể nào chữa khỏi được nhưng sau tất cả, hai vợ chồng nhận ra một điều rằng: Điều quan trọng nhất là hỗ trợ con trai và giúp con tìm ra con đường đi tốt nhất cho mình.
Niềm đam mê ngôn ngữ
Rafael bắt đầu tham gia trị liệu nhưng sau vài tháng, cậu bé vẫn không có bất kỳ tiến triển nào. Đối mặt với vấn đề này, các bác sĩ khuyên cha mẹ Rafael cho phép cậu bé sử dụng máy tính bảng để xem em có quan tâm đến bất cứ điều gì không.
Đó là một thử thách và họ sợ ảnh hưởng của công nghệ đến con trai mình, nhưng cha mẹ cậu bé đã chấp nhận lời đề nghị và Rafael bắt đầu tương tác với công nghệ. Cậu bé đã được xem một số video bằng tiếng Bồ Đào Nha trên Youtube để trị liệu. Một ngày nọ, tính năng tự động phát của YouTube đã phát một bài hát bằng tiếng Anh. Ngay lúc đó, đôi mắt của Rafael sáng lên tỏ vẻ thích thú.
Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ không lời nghiêm trọng.
Đó là lúc cô Juli biết có gì đó đã thay đổi con trai. Kể từ khi ấy, Rafael bắt đầu đam mê học các ngôn ngữ khác. Cậu bé có một trí nhớ đáng kinh ngạc, vì vậy có thể mã hóa các ngôn ngữ khác rất nhanh và có khả năng phát âm chúng hoàn hảo.
7 tuổi đã nói 9 thứ tiếng và biết sáng tác nhạc
Rafael nói được hơn 9 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Đức. Mỗi khi học một ngôn ngữ, cậu bé chỉ tập trung duy nhất vào nó và khi đã học xong, cậu mới tìm hiểu sang thứ tiếng khác.
Hầu hết các giao tiếp của Rafael đều bằng tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ yêu thích của cậu bé và khiến em cảm thấy thoải mái. Rafael thậm chí còn sửa lỗi cho người khác nếu người đó phát âm sai.
Rafael có khả năng học các ngôn ngữ rất nhanh, 7 tuổi cậu bé đã biết 9 thứ tiếng.
Mặc dù Rafael và gia đình sống ở Brazil và nói tiếng Bồ Đào Nha nhưng thật khó để cậu bé phát âm nó. Rafael cũng không thích tiếng Đức lắm dù nó rất phổ biến ở nơi cậu bé sống. Ngay cả cô Juli cũng biết một ít tiếng Đức vì đã học khi còn nhỏ, nhưng Rafael không thích nói và tức giận mỗi khi có ai đó sử dụng nó.
Tuy nhiên, một ngày nọ, Juli phát hiện ra con trai đang chơi trong phòng và... cậu bé đang nói tiếng Đức. Khi Rafeal nói tiếng Tây Ban Nha, cậu bé thường cười vì cảm thấy nó rất hài hước và vui vẻ.
Kỹ năng của Rafael không chỉ ở ngôn ngữ. Cậu bé cũng thích nhạc cụ như piano, xylophone và trống. Rafael đã tham gia các lớp học âm nhạc. Chỉ sau 3 buổi, cậu bé đã học được những điều mà người khác phải mất 3,4 năm mới có thể thành thạo.
Cậu bé quyết tâm sáng tác bài hát và đôi khi chơi nhạc trong công viên thành phố. Thậm chí còn tham gia vào việc quay DVD với ca sĩ Raffa Torres.
Cậu bé cũng có niềm đam mê với âm nhạc và có khả năng tự sáng tác nhạc.
Sau những gì xảy đến với con trai, cô Juli tin rằng một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có nghĩa là luôn học cách nhìn mọi thứ khác đi. "Bạn phải tin vào tiềm năng của con bạn, bất kể chúng ra sao. Nếu con bạn mắc chứng tự kỷ, đừng nghĩ chúng là gánh nặng, có thể con bạn có một khả năng học hỏi không ngừng. Nếu bạn vui vẻ, tử tế và quan tâm, bạn có thể chuyển những cảm xúc này cho con bạn và chúng sẽ hạnh phúc, tự tin phát triển bản thân", cô Juli chia sẻ.
Nghịch lý về người tự kỷ thông thái
Tự kỷ, mức độ cao nhất của bệnh tâm thần phân liệt, là một chướng ngại nặng nề cho cuộc sống. Trẻ tự kỷ chậm phát triển tâm thần, thường gào khóc, đập đầu vào tường... Nhưng gần 10% trong số họ có tài năng phi thường về nhạc, họa, điêu khắc, tính toán...
Như trường hợp của cô bé Esperance (Mỹ) 7 tuổi mắc chứng tự kỷ có thể liệt kê danh sách tất cả loài dơi, cùng với tên khoa học và những đặc điểm của chúng, mà chưa hề đọc đến những loại tài liệu nào. Hay như cậu bé Dennis (Mỹ) năm 12 tuổi đã bộc lộ khả năng nhớ ngày tháng siêu đỉnh.
Những đứa trẻ này được gọi là những người tự kỷ thông thái (Asperger). Giả thuyết về khả năng đặc biệt của người tự kỷ được lý giải, bán cầu não phải của họ rất phát triển, còn bán cầu não trái bị còi cọc đi. Ý tưởng xem ra khá logic: não phải kiểm soát sự phân tích các hình dạng trong không gian, trí nhớ âm thanh và sự hiểu biết âm nhạc.
Đó là những khả năng nổi trội nơi những người tự kỷ thông thái. Não trái kiểm soát sự diễn đạt, thông hiểu ngôn ngữ và trí nhớ cảm xúc, là những nhược điểm nơi những người này.
Hoàng Dương (Dịch từ Brightside)
Theo Khám phá
Dấu hiệu trẻ tự kỷ qua các giai đoạn cụ thể nhất Cha mẹ có thể nhận biết con có bị tự kỷ không qua 1 số dấu hiệu trong hai năm đầu đời của con. Bé trên 2 tuổi thì các triệu chứng đa dạng và phức tạp hơn nên khó nhận biết. Những dấu hiệu của tự kỷ thường xuất hiện dần dần nên các bậc phụ huynh cần lưu ý và có...