Tìm người liên quan đến 2 đối tượng tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, mở rộng, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hoà Bình thông báo để xác định những người đã từng bị các đối tượng tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động.
Ngày 24/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đang điều tra vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra tại tỉnh Hoà Bình theo Quyết định khởi tố vụ án ngày 14/2/2024.
Qua tài liệu của cơ quan điều tra, trong các năm 2022 và 2023, Nguyễn Huy Hoàng (SN 2004), trú tại phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình và Lưu Văn Dũng (SN 2003), trú tại phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình đã 2 lần tổ chức, môi giới cho 3 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động.
Đối tượng Nguyễn Huy Hoàng tại cơ quan Công an.
Cơ quan Công an đã làm rõ hình thức tổ chức, môi giới của các đối tượng. Theo đó, sau một thời gian làm các công việc liên quan đến máy tính và quản lý các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook do công ty giao để tiến hành các hoạt động kinh doanh khác theo yêu cầu của công ty ở Campuchia, Nguyễn Huy Hoàng được người đại diện công ty thoả thuận về việc tìm thêm người Việt Nam sang làm. Nếu giới thiệu và tìm được người thì công ty sẽ trả công cho Hoàng với số tiền 1.000 USD/1 người.
Sau đó, Nguyễn Huy Hoàng liên hệ với Lưu Văn Dũng bàn bạc, thống nhất về việc rủ người sang Campuchia làm việc, đối tượng nhắm đến chủ yếu là thanh niên trẻ, không có công ăn việc làm ổn định, biết chơi game và sử dụng được máy vi tính. Hai đối tượng Hoàng và Dũng trao đổi với người muốn đi sang Campuchia làm việc về lương hàng tháng từ 20 đến 30 triệu đồng, nếu làm tốt có thể được lên làm quản lý, lương từ 100 đến 200 triệu đồng, nếu rủ được thêm người đi thì sẽ có hoa hồng.
Ngày 19/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Hoàng và Lưu Văn Dũng về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, mở rộng, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hoà Bình thông báo rộng rãi đến quần chúng nhân dân; Công an các địa phương phối hợp các phòng nghiệp vụ, Công an cấp quận, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm để xác định những người bị các đối tượng Hoàng và Dũng tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động. Thông tin, tài liệu nếu có, đề nghị các đơn vị gửi về Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình trong thời gian sớm nhất.
Nếu phát hiện trường hợp công dân trên địa bàn từng bị các đối tượng Hoàng và Dũng tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động, đề nghị các đơn vị hướng dẫn liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, địa chỉ: Phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; số điện thoại: 069.2709.116; hoặc điều tra viên Hà Công Khải, số điện thoại: 0934.489.448; 0335.185.126 để được giải quyết
Video đang HOT
Tóm gọn nhóm đối tượng lừa đảo "việc nhẹ, lương cao"
Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm "việc nhẹ, lương cao", hàng chục lao động người Việt Nam sang Campuchia theo diện xuất cảnh trái phép, sống mạo hiểm nơi đất khách với giấc mộng đổi đời.
Nhiều người lao động đã bị các đối tượng người Trung Quốc đưa vào các tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
Đáng buồn, nhiều lao động từng là nạn nhân đã trở thành kẻ tiếp tay cho các đối tượng bất hảo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người với số tiền hàng tỷ đồng.
Cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao" xuyên biên giới
Trò chuyện với chúng tôi, bị can Lê Trường Thịnh (sinh năm 1997, ngụ Tây Ninh), trưởng nhóm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia cũng từng là nạn nhân của bẫy "việc nhẹ, lương cao", kể trong nước mắt: "Lúc đầu, em được chúng giới thiệu công việc chỉ bấm máy tính với mức lương từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng/ tháng.
Công an Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ, tiếp nhận các trường hợp lao động tự do mắc bẫy việc nhẹ, lương cao
Tin tưởng, em vào công ty làm việc và mới biết do người Trung Quốc làm chủ. Sau khi ký hợp đồng xong, em được sắp xếp ngồi sau máy tính của nhân viên trước đó và học việc được 4 ngày. Sau đó, công ty cấp cho em máy tính riêng để làm việc. Gần một tuần, em mới biết công ty trên chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam qua không gian mạng".
Khi người lao động đã ký vào hợp đồng, chấp nhận làm việc, mọi thỏa thuận trước đó liên quan đến quyền lợi người lao động hầu như đều bị cắt giảm, từ tiền lương cho đến quyền được tự do. Từ nạn nhân trở thành kẻ tiếp tay, bị can Lê Trường Thịnh chua xót: "Số tiền thực tế mà em làm chỉ từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/ tháng. Bởi lẽ em bị chúng trừ tiền đi làm trễ, ngủ gật hoặc không đủ chỉ tiêu. Chỉ khi em làm việc theo yêu cầu thì không bị chúng đánh đập; còn làm việc thiếu chỉ tiêu hoặc làm việc không nghiêm túc sẽ bị chúng hù dọa, đánh đập hoặc bán cho các công ty sòng bạc, chứng khoán lừa đảo khác. Chống đối, không làm, gây rối thì chúng sẽ bắt còng tay, đánh đập khiến ai nấy đều lo lắng, hoảng sợ...".
Theo Lê Trường Thịnh, do "3 không" (không có tiền, không am hiểu pháp luật, không có sự trợ giúp), những người lao động xuất cảnh trái phép bên kia biên giới phải tham gia vào đường dây lừa đảo trên không gian mạng. Từ nạn nhân, Thịnh trở thành kẻ trực tiếp phạm tội, áp dụng thủ đoạn ma mãnh trên đối với nhiều người lao động xuất cảnh trái phép khác sang Campuchia tìm kiếm việc làm.
Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng Nguyễn Hoàng Sang (sinh năm 2001, ngụ Tây Ninh) là đối tượng được Thịnh tin tưởng vì cùng quê và giao việc quản lý, điều hành trực tiếp với các "tay em". Sang kể: Hàng ngày các đối tượng người Trung Quốc đăng các status tuyển nhân viên làm việc trên mạng, trả lương cao. Đồng thời chúng yêu cầu nhóm Sang dụ dỗ, lôi kéo thêm bạn bè, người thân đưa sang Campuchia.
Đồng bọn của Sang và Thịnh trong đường dây tội phạm
Sau khi dụ dỗ, tuyển dụng được khoảng 100 nhân viên người Việt Nam đưa sang Campuchia, đối tượng người Trung Quốc cho nhân viên ký hợp đồng làm việc 6 tháng, trả công 800USD/ tháng và được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo của các "con mồi". Bọn chúng bố trí cho nhân viên ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà; đào tạo bằng cách cho nhân viên mới ngồi sau các nhân viên thạo việc để học cách làm. Các nhân viên mới được cung cấp các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo để đọc, học thuộc. Sau đó, đối tượng người Trung Quốc quản lý, chia nhân viên làm việc theo các tổ, nhóm để cùng nhau hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phát hiện nhóm đối tượng người Việt Nam hoạt động trong một công ty trá hình do đối tượng người nước ngoài làm chủ đặt trụ sở tại Campuchia, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam với quy mô lớn. Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các đơn vị tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, đấu tranh triệt phá.
Quá trình điều tra, các trinh sát đã làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tại Campuchia, sử dụng công nghệ cao để thực hiện lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online trên mạng Internet, dụ dỗ bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shoppe, Lazada... hoặc lập tài khoản trên trang Corona đặt cược đánh bạc tài xỉu để được hưởng hoa hồng.
Các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Căn cứ tài liệu chuyên án thu thập được, ngày 7/1, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an các địa phương bắt giữ nhóm đối tượng trên.
Sau quá trình tích cực điều tra, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can 23 đối tượng (cư ngụ ở nhiều tỉnh thành như Tây Ninh, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Bắc Giang, Kiên Giang...) do Thịnh cầm đầu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mánh khóe đường dây lừa đảo qua không gian mạng
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đây là chuyên án đấu tranh với tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Công an tỉnh phối hợp cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá và làm rõ nhiều đối tượng ngụ tại tỉnh Tây Ninh. Hầu hết người lao động sang Campuchia tìm việc làm đều thuộc diện xuất cảnh trái phép. Dưới chiêu bài "việc nhẹ, lương cao", các đối tượng được tuyển vào công ty trá hình đặt tại tòa B7, khu Venus, tỉnh Svayrieng, Camphuchia (từ tháng 10/2022, chuyển trụ sở đến Tòa H, khu King Crow, tỉnh Svayrieng, Campuchia) do người Trung Quốc làm chủ, sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận công dân Việt Nam về nước
Các đối tượng người Trung Quốc quản lý, chia nhân viên làm việc theo các tổ, nhóm để cùng nhau hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng nghìn người Việt Nam. Hàng ngày, bọn chúng dùng mạng xã hội tìm kiếm "con mồi" bằng cách gọi điện mời chào, dụ dỗ nạn nhân tham gia làm việc online trên mạng Internet với tiền công 300.000 đồng/ ngày. Khi nạn nhân đồng ý làm việc thì chúng xin thông tin họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tài khoản zalo...Sau khi nạn nhân cung cấp thông tin, bọn chúng tùy theo nhiệm vụ phụ trách sẽ thực hiện những công việc dẫn dụ để "con mồi" sập bẫy.
Quy trình lừa đảo được thực hiện như sau: Ban đầu, nhân viên quản lý máy 1 tiếp nhận thông tin nạn nhân từ nhân viên telesale, sau đó kết bạn zalo với họ. Thông qua zalo nhắn tin dụ dỗ, lôi kéo, nạn nhân tham gia theo dõi, thả tim tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công. Tiếp đó, thông tin của nạn nhân được chuyển tiếp cho nhân viên máy 2 và hướng dẫn nạn nhân liên lạc qua telegram với nhân viên máy 2 để được hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ để được hưởng hoa hồng.
Về nhân viên quản lý máy 2, đối tượng có nhiệm vụ hướng dẫn nạn nhân theo dõi, thả tim tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/lần; chuyển tiền làm từ thiện làng trẻ em SOS, lập tài khoản trên trang web Corona (trang web Corona có giao diện, hình thức đặt cược tài xỉu giống với các trang web đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, máy chủ đặt tại Campuchia); cung cấp tài khoản ngân hàng cho nạn nhân chuyển tiền.
Khi nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng thì trên tài khoản của họ lập trên trang Corona có số điểm tương ứng (1 điểm bằng 1.000 đồng); gửi qua telegram cho nạn nhân một hợp đồng tên Công ty Tài chính HANDICO hoặc Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEL với cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn. Đồng thời, chúng gửi kết quả việc nạn nhân đã chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng lên telegram nhóm của công ty. Sau đó, chúng hướng dẫn nạn nhân liên hệ qua telegram gặp chuyên gia là đối tượng quản lý máy 3 để được hướng dẫn đặt cược. Nhân viên quản lý máy 3 có nhiệm vụ đưa ra các lệnh tài/xỉu hoặc chẵn/lẻ để nạn nhân đặt cược hưởng hoa hồng từ 30% đến 60%/tổng số tiền mỗi lần đặt cược.
Ban đầu, nạn nhân chuyển số tiền nhỏ thực hiện nhiệm vụ đặt cược thì trao đổi với nhân viên quản lý tài khoản ngân hàng để trả tiền về tài khoản ngân hàng của họ. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn, thực hiện xong lệnh đặt cược, thì chúng yêu cầu rút tiền phải trao đổi với nhân viên quản lý app Corona. Các nhân viên này tạo lỗi hệ thống, sửa số tài khoản ngân hàng, nên nạn nhân chưa hoàn thành được nhiệm vụ... không cho họ rút tiền; yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền để xác minh tài khoản. Nếu bị hại không còn khả năng nộp thêm tiền rồi chặn liên lạc, khóa tài khoản của họ đã lập trên trang web Corona.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết thêm: Về nhóm nhân viên hậu đài có nhiệm vụ chấm công, quản lý app Shopee giả mạo, app Corona để chuyển điểm vào tài khoản của nạn nhân lập trên app; sửa số tài khoản ngân hàng của nạn nhân đăng ký để nhận tiền; cung cấp số tài khoản ngân hàng cho nhân viên sale để cho nạn nhân chuyển tiền đến; chuyển trả tiền cho nạn nhân hoàn thành nhiệm vụ ban đầu với số tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tính lương và trả tiền lương cho các nhân viên, quản lý thẻ cào điện thoại (mỗi thẻ có giá 1 đô la Mỹ) để nạp tiền phát dịch vụ Internet trên các máy điện thoại của nhân viên sale... Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo hàng nghìn người Việt Nam, chiếm đoạt hơn 67 tỷ đồng.
Được biết, vụ án sử dụng công nghệ cao hoạt động trên lãnh thổ Campuchia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn nạn nhân tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài 23 bị can đã bị khởi tố, Cơ quan điều tra đã thu thập được tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của 20 đối tượng và một số đối tượng có liên quan.
Hành vi phạm tội của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh. Tài liệu điều tra thu thập được xác định một số đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản có địa chỉ, cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra vụ án theo thẩm quyền.
Nữ 9x tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia đi tìm "sư phụ" Ngày 9/2, Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ một phụ nữ chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Campuchia để gặp những người theo tà đạo. Theo đó, Công an huyện Lộc Ninh phối hợp với Đồn Biên phòng Lộc Tấn phát hiện, bắt giữ 1 trường hợp đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh...