Tìm hiểu chiến thuật đổi đường Liên Minh Huyền Thoại
Cùng là chiến thuật đổi bộ đôi xạ thủ – hỗ trợ lên đường trên và cho tướng đấu sĩ/đỡ đòn xuống đường dưới, các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại ở Bắc Mĩ và Châu Á lại có những cách triển khai rất khác nhau.
Chiến thuật (hay lối chơi) đổi đường hiện đang rất phổ biến trong Liên Minh Huyền Thoại. Mặc dù cách chia đường cơ bản là 1-1-2 (đường trên – đường giữa – đường dưới) có những tác dụng nhất định, nhiều đội tuyển vẫn sử dụng chiến thuật đổi đường để phục vụ những mục đích khác nhau tùy trận đấu.
Chiến thuật này có khá nhiều cách áp dụng, ví dụ như đổi bộ đôi xạ thủ – hỗ trợ ra đường giữa, đổi vị trí pháp sư với đấu sĩ hoặc đổi xạ thủ – hỗ trợ lên đường trên. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau trong chiến thuật đổi đường ở 2 khu vực: Bắc Mĩ và Châu Á.
Video đang HOT
Ví dụ về cách chia đường cơ bản.
Đầu tiên, chúng ta cần biết về cách đổi đường thường được áp dụng nhất, đó là đổi bộ đôi xạ thủ – hỗ trợ lên đường trên và cho tướng đấu sĩ/đỡ đòn solo ở đường dưới. Đường trên và đường dưới được gọi là hai đường “dài”, tức là khoảng cách giữa các trụ, khoảng cách từ nhà đi ra sẽ xa hơn so với đường giữa. Ở hai đường này, người chơi có nhiều không gian để xử lí tình huống cũng như tổ chức các pha băng trụ hoặc gank từ phía sau trụ, điều mà rất khó thực hiện ở đường giữa.
Ngoài ra, do đường trên và đường dưới đều nằm ở góc bản đồ nên hai đường này chỉ có thể được hỗ trợ bởi người đi rừng hoặc tướng đi đường giữa; trong trường hợp bạn có ý định “lấy thịt đè người” ở đường giữa, đối phương từ đường trên, đường dưới và rừng hoàn toàn có thể di chuyển, tạo thành thế trận không có lợi cho chúng ta.
Thông thường, cách đổi đường dưới – đường trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xạ thủ và khiến tướng đấu sĩ/đỡ đòn phải chịu “thiệt đơn thiệt kép”, tuy nhiên như đã nói, chiến thuật này vẫn được áp dụng để phục vụ những mục đích khác nhau. Ở Bắc Mĩ, sau khi đổi đường, các đội thường kết hợp với cả tướng đi rừng để hạ gục trụ của đối phương sớm nhất có thể, nhằm đẩy nhanh tốc độ trận đấu. Các bạn có thể tham khảo trận đấu giữa Dignitas và CLG ở tuần 8, LCS Bắc Mĩ để chứng kiến sự khủng khiếp của cuộc đua đẩy trụ.
Chỉ trong vòng 5 phút đầu trận, 2 trụ đường trên của mỗi đội đã bị hạ gục. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh nhịp độ trận đấu như vậy không thực sự mang lại lợi thế cho bất kì đội nào. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra lượng tiền mà bộ đôi xạ thủ – hỗ trợ nhận được ở mỗi đội là không quá chênh lệch.
Trong trường hợp này, chỉ có các tướng đấu sí/đỡ đòn (trong trận là Ryze và Mundo) phải chịu thiệt vì những tướng này được “bắt đầu chơi” muộn hơn so với 4 thành viên còn lại trong đội. Trường hợp tốt nhất để áp dụng chiến thuật đánh đổi trụ là khi đối phương có những tướng đấu sĩ/đỡ đòn đặc biệt mạnh trong khoảng thời gian đầu trận, ví dụ như Renekton. Tiếp theo, hãy đến với chiến thuật đổi đường của người Châu Á, lấy ví dụ là Invictus Gaming trong giải IEM Katowice vừa rồi.
Không chủ động đẩy nhanh trận đấu, Invictus Gaming tập trung vào việc đì đọt tướng đấu sĩ/đỡ đòn của đối phương. Các bạn có thể thấy trong những hình chụp phía dưới, sOAZ chỉ nhận được rất ít kinh nghiệm từ lính bởi mỗi khi tiến đến gần để ăn lính/hít kinh nghiệm, anh luôn bị đe dọa tính mạng bởi bộ đôi Vayne Thresh. Nhiều trường hợp, phía Invictus Gaming còn chủ động lao lên đằng sau lính bắn xa của đối phương, bỏ last hit và tập trung đẩy Lulu về thật xa. Hãy nhớ rằng khi đẩy lính vào trụ, đối phương dù không ăn được tiền từ lính nhưng vẫn nhận được kinh nghiệm.
Chiến thuật của Invictus Gaming có tác dụng như thế nào? Hãy cùng xem chỉ số lính, trang bị và cấp độ của Lulu so với Shyvana ở phút thứ 10, thời điểm đội tuyển Trung Quốc quyết định hạ gục trụ của đối phương. sOAZ lúc này mới chỉ có 24 lính, giày, 1 nhẫn Doran trong khi PDD có hơn gấp đôi chỉ số lính, giày, khiên Doran và 1 Đai Lưng Khổng Lồ.
Mặc dù Fnatic hạ gục được trụ của Invictus Gaming từ rất sớm nhưng chúng ta cần ghi nhớ rằng với cơ chế chia tiền mới khi ăn trụ: Lulu trong tay sOAZ chỉ nhận được 100 vàng, tương đương với 6 lính khi đồng đội ăn trụ. Ở bên kia chiến tuyến, PDD mất đi lượng vàng này, tuy nhiên những gì anh nhận được là 1 đống lính đẩy vào trụ, đồng nghĩa với cơ hội kiếm tiền và cả kinh nghiệm, thứ mà sOAZ đã chịu thua thiệt rất nhiều.
Vậy, đây chính là điểm khác nhau cơ bản trong chiến thuật đổi đường của các đội Bắc Mĩ và các đội Châu Á. Bắc Mĩ tập trung hạ gục trụ thật sớm để đẩy nhanh tốc độ trận đấu trong khi Châu Á chú trọng việc triệt tiêu vàng/kinh nghiệm của tướng đi đường đơn bên kia. Đâu là chiến thuật tỏ ra hiệu quả hơn? Mời các bạn tham gia thảo luận và hẹn gặp lại trong những bài phân tích sau.
Theo VNE