Tìm giải pháp toàn cầu trong bế tắc nợ nần
Cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đã đến mức báo động, đòi hỏi thế giới cần mạnh mẽ hơn để tìm giải pháp chung.
Ngày càng nợ nhiều hơn…
“Nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay…”, trích thông báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố hôm 20/9 vừa qua.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay, IIF đưa ra thông báo về thống kê nợ toàn cầu của mình sau khi đã liên tiếp cảnh báo về chiều hướng tăng nợ do những khoản vay chính phủ gia tăng bất thường. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khoản nợ tăng thêm 8,3 nghìn tỷ của toàn thế giới cũng đã là mức kỷ lục được ghi nhận trong 1 quý. Lãi suất tăng và chính sách thúc đẩy nền kinh tế bằng đòn bẩy tài chính là lý do chủ yếu khiến cho tổng nợ cao kỷ lục. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho hai xu hướng này.
Hội nghị Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi.
Chỉ trong vòng 14 tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện 10 lần tăng lãi suất liên tục từ mức 0,25% vào tháng 4/2022 lên mức 5,25% vào tháng 6/2023. Đây là nỗ lực của FED nhằm chống lại lạm phát phi mã gây xói mòn nền kinh tế. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ cũng tăng dẫn đến hậu quả là Chính phủ Mỹ suýt phải đóng cửa vào cuối tháng 9 vừa qua. Ở thái cực khác, việc duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế và gia tăng các khoản đầu tư đã kéo tỷ lệ nợ trên GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tăng đáng kể lên 282% trong quý 1/2023, từ mức 273% vào cuối năm 2022, theo dữ liệu của Viện Tài chính và Phát triển quốc gia (NIFD) có trụ sở tại Bắc Kinh.
Không chỉ gia tăng nợ chính phủ, nợ hộ gia đình của Mỹ, thị trường tài chính lớn nhất thế giới cũng gia tăng bất thường. Theo dữ liệu công bố của FED, dư nợ của các hộ gia đình Mỹ ghi nhận mức kỷ lục mới 17,05 nghìn tỷ USD trong quý 1/2023, tăng 148 tỷ USD, tương đương mức tăng 0,9% so với cuối năm 2022. So với thời điểm cuối năm 2019, con số này đã tăng thêm 2,9 nghìn tỷ USD.
Trong quý 1/2023, nợ hộ gia đình Mỹ tăng ở hầu hết các hạng mục, với mức tăng mạnh, thậm chí lập kỷ lục ở hạng mục vay thế chấp mua nhà, mua ô tô, mua sắm và các khoản vay tiêu dùng khác. Đáng chú ý, dư nợ thẻ tín dụng không biến động, duy trì ở mức 986 tỷ USD trong quý 1. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm không có sự suy giảm ở hạng mục này. Thông thường, trong 3 tháng đầu năm, dư nợ thẻ tín dụng thường giảm bởi đây là thời điểm sau kỳ nghỉ lễ. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và trả bớt nợ thẻ tín dụng ở khoảng thời gian này. Nhưng, điều này lại không xảy ra trong năm nay.
Hội nghị WB và IMF lần đầu tiên tổ chức tại châu Phi.
Trên quy mô toàn cầu, nợ công cũng đã tăng lên mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022 và “sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới”, theo nhận định của ông Vitor Gaspar, Giám đốc phụ trách vấn đề tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) ngay trước thềm Hội nghị mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) được tổ chức tại thành phố Marrakech, Maroc, giữa tháng 10/2023.
Ở một góc nhìn rộng hơn, kể từ năm 2000, nợ công thế giới đã tăng hơn 5 lần, cao hơn mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (chỉ tăng gấp 3 lần trong cùng kỳ). Trong đó, gần 30% tổng nợ toàn cầu là của các nước đang phát triển. Theo các tổ chức tài chính quốc tế, thời gian gần đây, các khoản nợ gia tăng mạng ở những nước giàu như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và Trung Quốc do những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng chi tiêu chính phủ. Nhưng, áp lực trả nợ tại các nước nghèo vẫn lớn hơn rất nhiều do chi phí đi vay lớn và động lực tăng trưởng thấp. Theo Liên hợp quốc thì chi phí đi vay của các nước châu Phi trung bình cao gấp 4 lần so với Mỹ và gấp 8 lần các quốc gia giàu có ở châu Âu. Đây chính là nghịch lý lớn của sự phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres ở hội nghị G20 tại Ấn Độ giữa tháng 7 vừa qua đã phải cảnh báo: “Một nửa thế giới đang chìm trong thảm họa phát triển, được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng”. Theo đó, khoảng 3,3 tỷ người, tương đương gần một nửa dân số thế giới, sống ở các quốc gia đang chi nhiều cho các khoản thanh toán lãi suất nợ hơn là cho giáo dục hoặc y tế. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ, 25 trên 52 quốc gia kém phát triển đang được theo dõi hiện phải dùng đến 20% thu nhập chỉ để chi trả các khoản nợ. Tất cả các quốc gia này đều “đang trong tình trạng nợ nần chồng chất hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ”.
Nếu tình trạng vỡ nợ xảy ra tại bất cứ quốc gia nào thì nó sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền. Có tới 60% các chủ nợ là tư nhân rất khó kiểm soát, nên nếu họ tăng cường đòi nợ hoặc ngừng các khoản vay mới để bảo vệ đồng tiền của mình, đó sẽ là một thảm họa cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Bất chấp “vỡ nợ” là một động từ vô cùng nhạy cảm thì mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng phải cảnh báo “đã xuất hiện tình trạng vỡ nợ trái phiếu ở một số quốc gia châu Á”. Cuộc khủng hoảng dường như không còn xa nữa.
Nợ nần đang tạo gánh nặng lên tăng trưởng.
Chung tay tìm giải pháp
Video đang HOT
“Thế giới nợ nần” mà chúng ta đang chứng kiến là hệ quả của những chính sách tài khóa rộng rãi của các chính phủ trong thời gian dài. Đại dịch COVID, những cuộc xung đột, lạm phát và một nền kinh tế trì trệ chưa thể lấy lại đà tăng trưởng đã làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần hiện tại. Khi gánh nặng nợ của một đất nước gia tăng, chính phủ sẽ không thể đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển và càng khó trả nợ. Đó là một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Bởi vậy, thế giới cần các giải pháp đa phương để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, đặc biệt là của các nước nghèo.
Tại Hội nghị thường niên mùa Thu vừa qua, cả IMF và WB đều tập trung bàn thảo về nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia nghèo. Điều này làm chúng ta nhớ lại thành công của hai tổ chức này trước đây khi đưa ra Sáng kiến giúp các nước nghèo mắc nợ nặng (HIPC) vào năm 1996. Theo đó trong vòng 20 năm, HIPC đã giúp 37 quốc gia tham gia giải quyết khoản nợ hơn 100 tỷ USD.
Thảo luận về nợ chiếm thời lượng lớn ở Marrakech.
Thế nhưng, bối cảnh năm 1996 với năm 2023 là hoàn toàn khác biệt. Dù cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đang ở một tầm mức mới nhưng việc nền kinh tế thế giới nói chung đang ở trạng thái “ốm yếu” đã khiến cho những cuộc thảo luận trở nên bế tắc. Bản thân các tổ chức quốc tế như IMF, WB hay thậm chí là Liên hợp quốc cũng đang gặp khó khăn với các khoản đóng góp đã được hứa hẹn. Theo thông báo từ Liên hợp quốc, tính đến cuối quý III/2023, tổ chức này mới chỉ nhận được 64% trong tổng số tiền cần thiết để duy trì hoạt động trong năm nay, thấp hơn các mức 71,9% và 82,7% lần lượt trong cùng kỳ năm 2022 và 2021.
Sau gần một tuần họp bàn từ 9-15/10/2023, Hội nghị mùa Thu đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung cụ thể nào. Dẫu vậy, chúng ta vẫn hy vọng vào một lộ trình mới đã được vẽ ra. Theo đó, IMF thông báo các quốc gia thành viên đã nhất trí tăng mức đóng góp cho tổ chức này, đồng thời trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ ba trong ban điều hành của IMF. Động thái này phản ánh nỗ lực của IMF trong việc thay đổi cơ cấu quản lý để nâng cao tiếng nói và quyền lợi chính đáng của các nền kinh tế nghèo và đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực đang đối mặt với khó khăn ở châu Phi.
WB cũng đưa ra những kế hoạch mới trong thông báo 3 điểm của mình. Theo đó, WB hứa sẽ mở rộng năng lực tài chính, tham gia mạnh mẽ hơn với khu vực tư nhân và tăng hiệu quả của quy trình cho vay. Tổ chức tài chính lớn nhất thế giới cũng xem xét cấp thêm các khoản vay lên tới 157 tỷ USD trong thập kỷ tới cho các nước nghèo ở châu Phi, đồng thời nghiên cứu các khoản vay có thời hạn từ 35 đến 40 năm để giúp các quốc gia này điều hướng tốt hơn các kế hoạch dài hạn. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với thế giới ở thời điểm mà những bất đồng và chia rẽ đang ngăn trở chúng ta chung tay cho những mục tiêu phát triển bền vững. Bởi, trong một thế giới ngày càng kết nối mạnh mẽ, vấn đề không còn là của riêng một quốc gia nào cả.
Vì sao Pakistan quyết định trục xuất hơn 1,7 triệu người tị nạn Afghanistan?
Trong nhiều thập kỷ, Pakistan đã cung cấp nơi trú ẩn cho những người tị nạn Afghanistan thoát khỏi xung đột và biến động.
Nhưng, giờ đây, mọi thứ đã đảo ngược khi Pakistan tiến hành chiến dịch trục xuất hơn 1 triệu người Afghanistan về nước. Vì sao lại thế?
Cú "quay xe" của Islamabad
Chính phủ Pakistan tuần qua cho biết 1,73 triệu công dân Afghanistan sống ở nước này không có giấy tờ hợp pháp có "thời hạn đến ngày 1/11" để tự nguyện rời đi. Islamabad cũng tuyên bố, những người không tự nguyện rời đi sẽ bị trục xuất, mặc dù không rõ làm cách nào họ có thể theo dõi những người đã rời đi hoặc tìm ra những người không tự nguyện rời đi.
Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Pakistan, ông Sarfraz Bugti nói với các phóng viên ở Islamabad: "Nếu họ không đi... thì tất cả các cơ quan thực thi pháp luật ở các tỉnh hoặc chính phủ liên bang sẽ được huy động để trục xuất họ".
Một gia đình Afghanistan chuẩn bị rời Pakistan. Ảnh: Getty Images
Ông Bugti nói thêm rằng, Chính phủ Pakistan sẽ tịch thu tài sản của những người di cư không có giấy tờ, đồng thời thiết lập một đường dây nóng để người dân giao nộp những ai bị nghi ngờ là người di cư Afghanistan không có giấy tờ.
Pakistan vẫn là một trong những quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới và đã chứng kiến nhiều làn sóng người Afghanistan tràn qua từ bên kia biên giới, trong một quá trình trải dài từ cuộc chiến do Liên Xô phát động tại Afghanistan năm 1979 đến giai đoạn tiếp quản của Taliban vào năm 2021.
Tuy nhiên, số lượng người di cư và người tị nạn khác nhau tùy theo nguồn và có thể khó xác minh. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, UNHCR, ước tính có tổng cộng 3,7 triệu người Afghanistan đang sống ở Pakistan. Hơn 1,3 triệu người tị nạn Afghanistan đã đăng ký. 840.000 người khác có Thẻ công dân Afghanistan (ACC). Ước tính có khoảng 775.000 người không có giấy tờ và 600.000 người mới đến kể từ tháng 8/2021.
Tình trạng pháp lý không rõ ràng của nhiều người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn Afghanistan ở Pakistan liên quan đến giấy tờ cũng được thể hiện qua sự khác biệt trong số liệu thống kê do Liên hợp quốc và chính quyền Pakistan cung cấp, ước tính 4,4 triệu người Afghanistan đang ở Pakistan, trong số đó có 1,7 triệu người không có giấy tờ.
Hàng nghìn người nhập cư Afghanistan không có giấy tờ đổ dồn về các cửa khẩu của Pakistan sau hạn chót mà Islamabad đưa ra. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Pakistan, ông Sarfraz Bugti cho biết những người Afghanistan đã đăng ký với chính quyền Pakistan không cần phải lo sợ bị trục xuất, nhưng vẫn chưa rõ ai rơi vào trường hợp này.
Việc nhập cảnh và hiện diện của người tị nạn được điều chỉnh theo "Đạo luật người nước ngoài của Pakistan", cho phép chính quyền có quyền bắt giữ, giam giữ và trục xuất người nước ngoài, bao gồm cả người tị nạn và người xin tị nạn, những người không có giấy tờ hợp lệ.
Trong khi những người tị nạn đã đăng ký ở Pakistan được cung cấp sự bảo vệ nhất định thì những người Afghanistan không có giấy tờ sẽ đối diện nguy cơ bị bắt giữ, giam giữ và trục xuất.
Liên hợp quốc cho hay, khoảng 120.000 người di cư Afghanistan đã tự nguyện hồi hương sau khi Pakistan thông báo về việc trục xuất những người không có giấy tờ hồi tháng 9. Và, một ngày sau thời hạn cuối 1/11 mà Islamabad đưa ra, hàng ngàn người đã tràn tới hai cửa khẩu Torkham và Chaman của Pakistan để tìm cách vượt biên giới sang Afghanistan do lo sợ bị nhà chức trách sở tại bắt giữ.
Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu kiêm chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng người Pakistan, Zahid Hussain nói rằng ông nghi ngờ liệu chính quyền có thể thực hiện một cách hiệu quả lệnh trục xuất hay không.
Phát biểu với Báo DW, ông Hussain nói: "Pakistan sẽ không thể xác định được vị trí của những nhóm người tị nạn này vì họ trú ngụ rải rác khắp đất nước". Nhà báo 74 tuổi cho biết thêm rằng càng khó hơn khi nhiều người Afghanistan đã sống ở Pakistan trong thời gian dài và kết hôn với công dân nước này.
Người dân Afghanistan chờ đợi để vượt qua cửa khẩu về lại quê nhà. Ảnh: WSJ
"Nhà chức trách có thể xác định được một số người, nhưng nhìn chung rất khó để phân biệt. Sẽ rất khó để truy tìm họ vì Islamabad đã áp dụng chính sách cho phép họ tị nạn trong 40 năm qua, kể cả trong thời gian Mỹ hiện diện ở Afghanistan. Vì thế, sự thay đổi chính sách đột ngột này sẽ không hiệu quả", ông Hussain nói.
Người trở về phải đối mặt với điều gì?
Theo ước tính của Liên hợp quốc, chỉ có 8.000 người tị nạn trên khắp thế giới quay trở lại Afghanistan từ đầu năm đến nay, 95% trong số đó đến từ Pakistan.
Giờ đây, người bị buộc phải quay trở lại sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn, khi Afghanistan phải vật lộn dưới sức nặng của nền kinh tế sụp đổ, động đất tàn khốc, mất an ninh lương thực và sự hà khắc của chế độ Taliban. Phụ nữ và trẻ em gái trở về sẽ không được phép đi học hoặc làm việc.
Nguy cơ đặc biệt khi trở về sẽ là những người từng làm việc cho Mỹ trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Nhiều người trong số họ đã chuyển đến Pakistan để hi vọng cuối cùng có được một lối đi sang Mỹ.
Washington cho biết có 25.000 người Afghanistan ở Pakistan chạy trốn khỏi sự tiếp quản của Taliban và đủ điều kiện để tái định cư ở Mỹ. Số này bao gồm những người từng làm việc với quân đội Mỹ, chính quyền Kabul trước đây do Mỹ hậu thuẫn hoặc làm những nghề khiến họ gặp rủi ro, chẳng hạn như báo chí.
Farooq Khan, một cựu cảnh sát Afghanistan đến từ tỉnh Kandahar, đã tìm nơi ẩn náu ở Karachi 2 tuần trước khi Taliban chiếm được Kabul vào tháng 8/2021. Cuộc trấn áp gần đây ở Pakistan đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong anh do thị thực hết hạn, khiến anh cư trú bất hợp pháp và có nguy cơ bị trục xuất.
Khan nói với Báo DW: "Tôi đã hạn chế các hoạt động ngoài trời của mình do lo ngại bị bắt giữ trong cuộc trấn áp đang diễn ra". Cựu cảnh sát này nói rằng, anh sợ bị buộc phải quay trở lại Afghanistan, nơi anh có thể phải đối mặt với án tù hoặc một hình phạt khác tệ hơn từ Taliban do có liên quan đến chính phủ cũ.
Hiện trường vụ đánh bom tự sát do tổ chức khủng bố TTP thực hiện tại nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Peshawar, Pakistan, ngày 30/1/2023.
Những lý do đằng sau sự thay đổi
Lệnh trục xuất đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách của Pakistan với những người tị nạn Afghanistan. Việc buộc những công dân láng giềng hồi hương diễn ra sau khi các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của phiến quân Pakistan mà Islamabad cho rằng đang được Taliban che chở ở Afghanistan kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền vào tháng 8/2021.
Dù vậy, Pakistan phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc trục xuất người tị nạn Afganistan và sự thù địch của nước này với Taliban. Islamabad nói rằng, họ chỉ đơn giản là đang trấn áp hoạt động nhập cư bất hợp pháp, giống như nhiều quốc gia phương Tây đã làm.
Trong một diễn biến khác, Islamabad cũng đang tìm cách gây áp lực lên Chính phủ Taliban ở Kabul để hạn chế các hoạt động của mạng lưới chiến binh Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), hoạt động ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan và có liên quan đến các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh hoặc đánh bom tự sát ở Pakistan. Mới nhất là vụ đánh bom tại sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhà tiên tri Mohamed ở tỉnh Balochistan, phía Tây Nam Pakistan và giáp với Afghanistan, khiến hơn 50 người thiệt mạng.
Qamar Cheema, một nhà phân tích an ninh ở Pakistan, nói với Báo DW rằng Chính phủ Pakistan lo ngại rằng TTP và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyển mộ những công dân Afghanistan đang tị nạn tại Pakistan. Ông Cheema nói: "Cuộc tấn công vào khu vực biên giới Chitral và các cuộc xâm nhập gần đây vào Balochistan sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của người dân Afghanistan. Taliban ở Afghanistan muốn TTP có nơi trú ẩn ở Pakistan".
Khủng hoảng kinh tế khiến người nhập cư trở thành gánh nặng đối với Pakistan. Ảnh: Outlook India
Nhà phân tích này nói thêm rằng chính quyền Pakistan cũng đang cố gắng tăng cường an ninh trước cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2024. Việc trục xuất người nhập cư không giấy tờ trở lại Afghanistan có thể phần nào đó ngăn chặn việc các tổ chức khủng bố như TTP hay IS lợi dụng hoặc tuyển mộ họ.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức xã hội dân sự và bảo vệ người tị nạn cho rằng việc tuyên bố người di cư Afghanistan ở Pakistan ủng hộ các cuộc tấn công của phiến quân chỉ là một lý do tuyên truyền. Theo họ, đằng sau lệnh trục xuất mà Pakistan vừa ban hành thực chất là mối lo ngại về kinh tế xã hội ngày càng tăng. Đây là thời điểm mà lạm phát tại quốc gia Nam Á này phi mã, đạt mức cao nhất sau 5 thập kỷ trong khi áp lực thanh toán các khoản nợ công đến hạn buộc Pakistan phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác.
Tình trạng tuyệt vọng của nền kinh tế Pakistan khiến những người tị nạn giờ đây trở thành gánh nặng cho những cộng đồng tiếp nhận họ, gây căng thẳng cho những nguồn tài nguyên và tiềm ẩn tạo ra hệ lụy xã hội. Nói cách khác, khi không còn đủ tiền để tự lo cho chính mình, Pakistan dĩ nhiên không thể chu cấp cho người tị nạn được.
Tất cả những yếu tố này, cùng với các nguy cơ khủng bố lợi dụng dòng người di cư khiến Pakistan buộc phải đưa ra quyết định mạnh tay với những người Afghanistan không có giấy tờ hợp pháp, bất chấp lời kêu gọi trì hoãn từ Mỹ và một số quốc gia phương Tây
Nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ngày 19/9 cho biết nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD trong quý II/2023 bất chấp lãi suất tăng đã hạn chế hoạt động tín dụng ngân hàng. Nợ toàn cầu tính đã tăng 10.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa: Đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng USD...