Tìm giải pháp phát triển ngành hàng cá tra sau giãn cách xã hội
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, không nên quá lo lắng, mà điều cần quan tâm hiện nay, đó là nghĩ tới các phương án, các kịch bản, chuỗi cung ứng trong giai đoạn bình thường mới.
Chiều 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội. Hội nghị có sự tham gia của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo Hội nghị từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: BT)
Chuỗi ngành hàng cá tra chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19
Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra tăng ở mức khả quan, tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng gần đây đã làm cho ngành hàng cá tra chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cá tra nguyên liệu giảm.
Về kết quả sản xuất giống, trong 9 tháng năm 2021, tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,33 tỷ con, trong đó, An Giang và Đồng Tháp là các tỉnh sản xuất nhiều nhất. Tuy nhiên, giá cá giống giảm. Với sản xuất giống, tháng 7 giảm dần, sang tháng 8 và tháng 9 giảm rõ rệt.
Về diện tích nuôi cá tra thương phẩm, đạt 3.516ha, bằng 74,3% cùng kỳ 2020. Trong tháng 7-8/2021, giảm từ 50-55% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng thu hoạch cá tra 8 tháng năm 2021 đạt 932 nghìn tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7 giảm 20% so với cùng kỳ, tháng 8 giảm tới 44,9%.
Về sản xuất thức ăn cho cá tra, có 51 nhà máy với công suất 1,92 triệu tấn, trong đó có tới 12/51 nhà máy sản xuất phải ngừng hoạt động. Về tình hình chế biến, tính tới đầu tháng 9, có 52/106 nhà máy chế biến ngừng hoạt động.
Video đang HOT
Theo ông Luân, hiện nay các doanh nghiệp cá tra đang gặp khá nhiều khó khăn. Việc nhà máy chế biến giảm công suất, dư thừa cá nguyên liệu dẫn đến cả chuỗi cá tra bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cước vận tải biển tăng liên tục 2-3 lần, thậm chí tăng đến 10 lần, cùng với đó, phát sinh chi phí trong sản xuất “3 tại chỗ”.
Bên cạnh đó còn những khó khăn trong khâu nuôi trồng, giá thức ăn thủy sản tăng, thiếu công nhân thu hoạch, vận chuyển con giống, thức ăn,..Trước tình trên, ông Luân đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cho ngành hàng này trong các tháng cuối năm.
Tại Hội nghị, đại diện của doanh nghiệp Vĩnh Hoàn – bà Trương Thị Lệ Khanh nhấn mạnh, hơn 2 tháng giãn cách xã hội vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra gặp các khó khăn về “3 tại chỗ”, nguồn vắc xin. Hiện nay, nếu đứng trước ngưỡng chuyển qua giai đoạn bình thường mới thì doanh nghiệp đang còn nhiều vướng mắc nếu để tăng năng suất trở lại. Đó là việc di chuyển của người lao động. Trong đó, đối với cá thịt, việc thu hoạch cần có lực lượng công đoàn, và phải là những người có tay nghề mới thực hiện được công việc này, tuy nhiên, có những vùng để tiến hành bắt cá nằm ở ranh giới giữa các tỉnh nên có nhiều cách quản lý khác nhau, chi phối, dẫn đến ảnh hưởng đến việc di chuyển của lực lượng công đoàn.
Việc test COVID-19 và cách ly làm cho người làm công đoạn thu hoạch không còn muốn làm việc. Nếu như ách tắc ở lực lượng thu hoạch này thì việc giải quyết bài toán doanh nghiệp sản xuất ở công suất cao là điều rất khó.
Bà Khanh cũng nhấn mạnh đến khó khăn về giống cá tra. Theo đó, cá giống thì manh mún, với những người đi bắt cá giống buộc phải cách ly 14 ngày dẫn đến họ cũng không làm. Cán bộ kỹ thuật đi mua giống, phải kiểm soát chất lượng cá giống, nhưng dù đã được tiêm vắc -xin nhưng vẫn bắt cách ly 14 ngày. Theo bà Khanh, viễn cảnh sẽ là việc thiếu giống, người nuôi giống không thể đi chăm sóc giống thoải mái. Việc thu hoạch cá giống cũng không triển khai được nên người nuôi không thả giống nữa, dẫn đến thiếu hụt cá giống cho năm sau.
Chuẩn bị phương án sản xuất trong giai đoạn bình thường mới
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, để hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa, cần tháo gỡ các khó khăn về nhân lực và vận chuyển, thu hoạch, cung ứng vật tư giữa các tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ giá và chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai dự án cá tra 3 cấp và sản phẩm quốc gia cá da trơn.
Tại Hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An kiến nghị ngành Y tế cần có các hướng dẫn về một số nguyên tắc chung. Cụ thể như giá trị của việc test COVID-19 có giá trị trong vòng bao nhiêu ngày, cần đưa ra nguyên tắc chung về tần suất test, trong vòng 3-5-7,…ngày với từng môi trường khác nhau, việc test PCR cũng cần có hướng dẫn.
Đồng thời, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng, việc sản xuất “3 tại chỗ” không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp. Với việc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất theo “3 tại chỗ” gây khó khăn, lúng túng cho một số doanh nghiệp. Do vậy, xem xét giao hình thức sản xuất cho doanh nghiệp quyết định, giao việc phòng chống dịch cho doanh nghiệp để bản thân doanh nghiệp sẽ có cách quản lý để chủ động, trong đó lực lượng y tế cùng phối hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm khó khăn nhất hiện nay là chúng ta vừa đảm bảo được an toàn trong phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, càng khó khăn, chúng ta càng cần ngồi lại với nhau để tìm ra điểm để giải quyết được vấn đề. “Nhiều khi khe cửa hẹp nhưng tìm được khe cửa đó thì đó là bản lĩnh của các địa phương, các doanh nghiệp” – Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đây là lúc 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thử thách tư duy liên kết vùng, và bây giờ chúng ta phải vận dụng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không nghĩ tới việc sẽ không còn ca F0, do đó, Bộ trưởng đề nghị ngành Y tế cần có định nghĩa bình thường mới trong tình hình trên sẽ là như thế nào. Nếu dịch xuất hiện trong nhà máy 1 ca, 2 ca sẽ ứng phó như thế nào, trường hợp này ở ngoài cộng đồng thì như thế nào…Từ đó có những khuyến cáo để khi những trường hợp trên xảy ra, các địa phương, các doanh nghiệp không bất ngờ, không bị động.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị không nên quá lo lắng, mà điều cần quan tâm hiện nay, đó là nghĩ tới các phương án trong giai đoạn bình thường mới, sẽ có kế hoạch thích ứng như thế nào đối với từng trường hợp. Đồng thời, chuẩn bị các kịch bản, chuỗi cung ứng trong điều kiện bình thường mới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cá tra cần có sự hợp tác với nhau, xây dựng thương hiệu từ chính doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đưa con cá tra đi xa trên thị trường thế giới./.
Nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy chuỗi sản xuất cá tra
Giá thành sản xuất cá tra tăng trong lúc tiêu thụ đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nhiều người nuôi cá tra đang lo lắng sẽ không có đủ giống để tái đàn trong thời gian tới đây.
Cá tra là sản phẩm thuỷ sản được yêu thích tại thị trường châu Âu - Ảnh minh hoạ
Chiều ngày 25/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội nghị, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, việc áp dụng kiểm soát dịch bệnh trên tất cả các tỉnh ĐBSCL đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn.
Hiện chỉ có khoảng 14 nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động "3 tại chỗ", tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất 20% đến 30%. Bước vào tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2021 đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9/2021 có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam đề xuất cho phép các nhà máy có số lượng công nhân được tiêm 2 mũi vacine trên 60% và có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện tốt y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dich và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định ủa Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa (không khống chế số lượng).
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Chuỗi ngành hàng cá tra tại Đồng Tháp đang dần hồi phục vì cần ưu tiên tiêm vacine cho người lao động trong chuỗi ngành hàng này".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương áp dụng đúng quy định đã đề ra về việc phân loại các vùng nguy cơ ngay trên địa bàn từng huyện, làm cơ sở để phục hổi các hoạt động sản xuất một cách an toàn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ có lượng vacine bổ sung lớn nên sẽ đỡ khó khăn hơn trong phân bổ vacine cho các địa phương. Bộ NN&PTNT cần sớm có tổng hợp cụ thể về nhu cầu vacine của các doanh nghiệp trong ngành, gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để xem xét phân bổ sớm đến địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về việc tiêm vacine không có nghĩa là loại bỏ toàn bộ nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, cần xây dựng các tổ thẩm định cộng đồng để luôn đảm bảo an toàn cho công nhân, dây chuyền sản xuất, nơi ăn nghỉ...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi doanh nghiệp và chính quyền 13 tỉnh ĐBSCL sớm ngồi lại với nhau để không chỉ xây dựng ngành hàng cá tra mà cả những sản phẩm khác của ĐBSCL được phục hồi vững vàng trong và sau mùa dịch.
"Không gian giao thoa giữa an toàn dịch bệnh và tổ chức lại sản xuất có thể rất hẹp, nếu chúng ta không ngồi lại trực tiếp nói chuyện với nhau thì không thể đi qua 'khe cửa hẹp' này được. Trước khi nghĩ đến hỗ trợ tiền điện hay thuế, vốn... cho doanh nghiệp thì việc tạo điều kiện lưu thông và sản xuất cũng chính là hành động tháo gỡ khó khăn thiết thực cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ NN&PTNT sẽ sớm có văn bản tổng hợp về nhu cầu của vacine của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tuần tới.
Doanh nghiệp gỗ duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng cuối năm Cả nước hiện đang cùng chung tay ứng phó dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gần hai tháng qua. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến các loại nông sản, lâm sản, trong đó có ngành...