Tìm điểm cân bằng cung – cầu tín dụng cuối năm
Sau một khoảng thời gian dài “đóng băng” để phòng chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang dần sôi động trở lại.
Nhu cầu bổ sung vốn tín dụng để khôi phục lại hoạt động và chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mùa lễ, Tết của doanh nghiệp theo đó cũng tăng cao trong thời gian gần đây.
Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao
Theo Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, nhất là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực thực phẩm cũng đang bận rộn lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Tuy nhiên, sau một thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp trên địa bàn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp trong ngành này đang rất cần nguồn tài chính mới để bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội.
Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” như chi phí test nhanh; lưu trú, sinh hoạt cho công nhân… Do đó, nguồn vay mới lúc này rất cấp bách và cần thiết với doanh nghiệp lương thực thực phẩm.
Không chỉ các doanh nghiệp lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp ngành cơ khí – điện lại đang khó tiếp cận nguồn vốn vay, do rào cản không có tài sản thế chấp.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa và không có tài sản thế chấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn ngân hàng đánh giá “nương tay” hơn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, giúp doanh nghiệp phục hồi tốt hơn trong giai đoạn tới.
“Bản thân các doanh nghiệp ngành cơ khí khi đầu tư thường rất thận trọng, chủ yếu doanh nhân đi lên từ nghề và rất am hiểu ngành. Do vậy, hầu như ở doanh nghiệp cơ khí không có sự phá sản. Tuy nhiên ở ngành này, hiệu quả sản xuất kinh doanh lại không cao nên các ngân hàng khi tiếp cận dự án của doanh nghiệp thường không có mặn mà lắm. Vốn vay theo đó rót vào ngành cũng rất hạn chế”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Cũng liên quan đến dòng tiền của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cao su – nhựa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác trong giai đoạn phục hồi sau giãn cách kéo dài.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, ngành cao su – nhựa phải đối mặt với chu kỳ tăng giá của nguyên vật liệu, khi hầu hết đã tăng giá tới khoảng 20%. Gần đây, do sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu lại trở nên nghiêm trọng hơn.
Dự kiến, những đơn hàng nguyên vật liệu mua từ nước ngoài sẽ tiếp tục tăng giá trong những tháng cuối năm. Chưa kể, chi phí phòng chống dịch, logistics… cũng đang là gánh nặng, làm khó khăn hơn cho doanh nghiệp cao su – nhựa trong việc cân đối tài chính.
Trong khi đó, “đầu ra” của các doanh nghiệp ngành cao su – nhựa, nhất là các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn bị ách tắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết sản phẩm đều không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm, dòng tiền của doanh nghiệp vẫn bị gián đoạn. Dự kiến, tình hình này còn kéo dài đến hết năm 2021.
“Hiện hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su – nhựa đang thiếu hụt dòng tiền để chi trả các khoản lãi vay ngân hàng. Do vậy, chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, giãn nợ hoặc khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong ngành, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19″, ông Nguyễn Quốc Anh đề xuất.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2021, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 6,41%. Trong khi đó, định hướng tín dụng trong năm 2021 là tăng trưởng 12% và nếu cần còn có thể nới room tín dụng. Do đó, dư địa tín dụng trên địa bàn thành phố trong 3 tháng cuối năm là rất lớn.
Với dư nợ tín dụng khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, ngành ngân hàng thành phố không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với những khó khăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, ngành ngân hàng thành phố tập trung triển khai hiệu quả Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nếu các tổ chức tín dụng triển khai làm tốt Thông tư này, hầu hết các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và cho vay mới. Ước tính, dư nợ hỗ trợ có thể lên tới 1 triệu tỷ đồng với 400.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được hỗ trợ.
“Chúng tôi yêu cầu bắt buộc các ngân hàng thương mại làm thật tốt và hiệu quả chính sách này. Đồng thời, sẽ giám sát và có chế tài đối với các ngân hàng không thực hiện tốt, như hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, không được mở rộng mạng lưới…”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, khi các ngân hàng đã đồng thuận giảm bình quân 1 điểm % trên dư nợ hiện hữu tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp, vì giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tài chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Một giải pháp quan trọng được ngành ngân hàng thành phố đặt trọng tâm trong khoảng thời gian này, đó là tiếp tuc thực hiện triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi và với ưu đãi nhất. Đáng chú ý, thông qua chương trình này, trong quý IV/2021, nhiều ngân hàng thương mại đã cam kết cho các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vay với lãi suất ưu đãi với số vốn lên tới 70.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đối với yêu cầu tài sản thế chấp trong tiếp cận vốn ngân hàng được nhiều doanh nghiệp phản ánh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố cũng đã có phương án giải quyết cho các trường hợp này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong điều kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa nới lỏng điều kiện vay vốn, song ngành ngân hàng thành phố cũng đã trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với các phương án sản xuất kinh doanh không có tài sản thế chấp.
Thay vì cần tài sản thế chấp (thường là bất động sản), người dân, doanh nghiệp có thể thế chấp dòng tiền bán hàng, cho ngân hàng quản lý nguồn thu… để làm cơ sở thu hồi nợ, tạo điều kiện cho ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng cho các phương án sản xuất kinh doanh.
Như vậy, chỉ cần người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… thì khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ cao hơn. Đây được xem là giải pháp khá hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính pháp lý cho các hợp đồng cấp tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh ngành này cũng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao.
Ổn định cung ứng hàng hóa khi bình thường mới
Nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không có hiện tượng tăng đột biến, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương ghi nhận tình hình thực tế tại một số tỉnh thành của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam khi các địa phương lần lượt gỡ bỏ giãn cách.
Các gian hàng tại Chợ Bến Thành được trang bị tấm chắn để hạn chế tiếp xúc. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, tại thành phố Hà Nội, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Số chợ bị tạm dừng hoạt động do có liên quan đến trường hợp mắc COVID-19 hiện chỉ còn 6 chợ. Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lắp đặt màn ngăn giọt bắn, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp...
Tại thành phố Đà Nẵng, theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung của Bộ Công Thương, giá cả hàng hóa ổn định. Các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa rõ ràng.
Đáng lưu ý, số lượng hàng hoá của các hộ kinh doanh bán ra tại chợ Hàn, chợ Cồn và chợ đầu mối Hòa Cường tăng. Đặc biệt, số hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường tăng lên 50 hộ trong ngày 12/10, tăng 40 hộ so với ngày trước đó.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh và khách hàng thực hiện tốt quy định 5K khi thực hiện mua bán hàng hóa. Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã xây dựng dự thảo về phương án cung ứng hàng hóa theo các cấp độ dịch và hiện đang lấy ý kiến của UBND các quận, huyện.
Đánh giá từ Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho thấy, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu người dân.
Tính đến ngày 12/10, đã có 46 chợ truyền thống chính thức hoạt động tại các, huyện như: Quận 1, Quận 5, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Củ Chi, Cần Giờ, thành phố Thủ Đức.
Bên cạnh đó, nhiều chợ truyền thống khác mặc dù chưa chính thức được hoạt động nhưng tại các chợ vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt. Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh (trung bình từ 1.000 - 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm).
Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106 siêu thị và 2.916 cửa hàng tiện lợi; trong đó, có thêm 10 cửa hàng hoạt động trở lại so với ngày 11/10/2021 để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 11/10 và sáng 12/10 giảm 9,1% so với hôm trước, ước đạt 5.447,9 tấn/ngày. Cụ thể, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 11/10 ước đạt 1.320 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Mặt khác, tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 12/10 tăng 11,3% so với ngày 11/10 đạt 1.330 tấn/đêm; trong đó, cung ứng ra thị trường lẻ là 530 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 800 tấn/ngày.
Tại tỉnh Đồng Nai, sau hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-CP, ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị 19/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, đối với các khu vực ngoài khu phong tỏa, từ 0 giờ ngày 9/10/2021 người dân được tham gia lưu thông trong nội tỉnh khi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian dưới 6 tháng; bãi bỏ các loại giấy đi đường, bãi bỏ việc hạn chế lưu thông sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hoạt động lại.
Trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 19/CT-UBND, các siêu thị, trung tâm thương mại đã điều chỉnh thời gian mở cửa hoạt động theo khung giờ bình thường; các công ty lớn như: Changshin, 2 Pouchen, Taekwang Vina, Pousung... đều đã hoạt động trở lại; dịch vụ cắt tóc, sửa xe, bán đồ ăn mang về khá đông khách và đều đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh có 8/11 siêu thị hoạt động, vẫn còn 3 siêu thị tạm ngưng hoạt động, gồm: siêu thị nội thất Yến Bình Minh, siêu thị sách Thành Nghĩa, siêu thị Vinmart Long Thành; 80/148 chợ truyền thống, 227 cửa hàng tiện lợi, 258 điểm bán hàng thay thế chợ trong mùa dịch COVID-19 đang hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân.
Hơn nữa, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây vẫn duy trì hoạt động với tổng số tiểu thương đăng ký kinh doanh đủ điều kiện theo phương án là 60 tiểu thương; trong đó, hoạt động là 51 tiểu thương.
Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phía Nam khác tình hình thị trường ngày 12/10/2021 tại các tỉnh, thành không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục có các công văn, chỉ đạo điều hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng ổn định hàng hóa cho người dân, nối lại chuỗi sản xuất.
Bình Dương phấn đấu 90% doanh nghiệp hoạt động trở lại vào cuối tháng 10 Tỉnh Bình Dương phấn đấu 90% doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 10 năm 2021. Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động phổ thông. Ảnh: TTXVN phát Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất sớm đang đối diện nhiều thách thức mới như đứt gãy...