Tìm chính sách phục hồi kinh tế: Phải giảm mạnh lãi suất cho vay
Việc giảm lãi suất chưa mạnh thời gian qua khiến lãi vay vẫn là gánh nặng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp, cá nhân
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, lựa chọn chính sách thích hợp cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong dịch Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu để sớm khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nghiên cứu chính sách chưa có tiền lệ
Báo cáo kết quả nghiên cứu “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19″ của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (NH), ĐHQG TP HCM cho thấy cuộc khủng hoảng do Covid-19 hiện nay tạo ra cú sốc ở cả 2 mảng cung và cầu. Mức độ, tốc độ và mô hình phục hồi của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào khả năng khống chế sự lây lan của dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào sự kịp thời, phù hợp của chính sách tiền tệ, biện pháp ổn định hệ thống tài chính và chính sách tài khóa, an sinh xã hội. Bản chất khác biệt của cuộc khủng hoảng lần này đòi hỏi Chính phủ phải có phản ứng phi truyền thống, sáng tạo, thậm chí khác biệt với chính sách đã từng được áp dụng trong quá khứ.
Thực tế, với chính sách tiền tệ, NH Nhà nước đã 2 lần hạ các mức lãi suất điều hành trong tháng 3 và tháng 5, lãi suất liên NH đã có xu hướng giảm trong quý I/2020 ở cả kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi trong suốt quý I và cả tháng 4 không thay đổi đáng kể. Kết quả là lãi suất cho vay của các NH dù được chỉnh giảm nhưng chưa đạt sự kỳ vọng của người vay trong bối cảnh Covid-19.
Sắp tới, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm thêm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ NH khuyến nghị NH Nhà nước có thể cân nhắc việc chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng. Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu lạm phát năm nay để giúp NH Nhà nước có cơ sở nới lỏng tiền tệ nhiều hơn, lãi suất sẽ được cắt giảm mạnh hơn hiện nay. Không chỉ dừng lại ở giảm lãi suất liên NH mà phải tác động làm hạ thấp hơn nữa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. “Hiệu quả của chính sách lãi suất phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của hệ thống NH và thị trường. Dù nhu cầu này hiện khá thấp nhưng việc giảm lãi suất không đáng kể thời gian qua khiến lãi vay vẫn là gánh nặng cho bên vay, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp (DN), cá nhân” – TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ NH, nhận định.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế trung ương, cho rằng lãi suất trên thị trường liên NH kỳ hạn 1 tháng đã rất thấp, chỉ còn 1,8%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không hấp thụ được, sắp tới lãi suất cho vay sẽ phải hạ thêm. Vấn đề then chốt của chính sách tiền tệ lúc này lại nằm ở chính sách tài khóa bởi nếu khoảng 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công ra được thị trường, nguồn tiền này sau đó sẽ quay trở lại hệ thống NH giúp NH thương mại huy động vốn tốt hơn và có cơ hội giảm lãi vay. Do đó, chính sách tài khóa phải đi trước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước – thì cho rằng để giảm mặt bằng lãi suất của tổ chức tín dụng thì phải hạ cả đầu vào và đầu ra, với điều kiện phải ổn định tỉ giá và lãi suất. NH Nhà nước đang điều hành theo hướng giảm dần lãi suất cho vay thông qua ổn định VNĐ, lạm phát và hạ lãi suất điều hành. Các NH thương mại đã huy động vốn từ trước với chi phí rất cao nên cần thời gian để mặt bằng lãi suất đi xuống.
Khơi thông đầu tư công, cho DN chuyển lỗ
Dưới góc độ DN, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, cho rằng mức lãi vay được hỗ trợ giảm khoảng 0,5-1 điểm % vừa qua chưa thật sự hỗ trợ cho DN. Hiện các DN rất cần nguồn vốn trung dài hạn để ổn định, khôi phục hoạt động và cần được NH Nhà nước xem xét gia hạn thời gian áp dụng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn thêm 2 năm thay vì theo lộ trình hiện nay. Ông Võ Quốc Thắng cũng đề xuất nâng tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi các NH đang áp dụng là 85% lên 90%, đồng thời giảm áp lực cạnh tranh huy động vốn, tạo điều kiện cho các NH có thể cung ứng thêm vốn ra nền kinh tế với lãi suất thấp hơn trong phạm vi kiểm soát được rủi ro.
Giải pháp được các chuyên gia đề xuất là nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công hiện lên tới 700.000 tỉ đồng (gồm vốn phát sinh trong năm khoảng 135.000 tỉ đồng và vốn kế hoạch các năm trước được chuyển nguồn thực hiện ở năm nay khoảng 565.000 tỉ đồng) trong năm nay. Một khuyến nghị khác là cho phép DN chuyển lỗ về năm trước nhằm giảm áp lực chi phí, tài chính của DN trong lúc này. Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế – cho biết vấn đề này đã từng đặt ra trước đây nhưng Quốc hội không thông qua vì số nước áp dụng chính sách này rất ít. Chưa kể hiện nay, việc mua bán sáp nhập rất sôi động, chủ sở hữu DN thay đổi liên tục nên rất khó áp dụng. Dù vậy, đây là đề xuất táo bạo và Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu khi góp ý sửa Luật Thuế thu nhập DN thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá trong ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ đã làm tốt khi các gói kích cầu có định hướng, mục tiêu và quy định rõ ràng như gói hỗ trợ nhắm vào người bị mất việc làm do dịch; DN được hỗ trợ đúng mục tiêu về thuế, tín dụng… Dù vậy, việc triển khai còn chậm, thủ tục phức tạp khi một số DN có nhu cầu nhưng thủ tục vay vốn còn khó khăn.
Mở rộng bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ, hộ gia đình
Theo các chuyên gia, so với các DN lớn, khu vực DN vừa và nhỏ, hộ gia đình, cá nhân vay tiêu dùng là những đối tượng bị tổn thương hơn trong Covid-19 và khả năng chịu đựng kém hơn. Đây cũng là nhóm gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng. Để khơi thông dòng vốn đến DN thuộc đối tượng hỗ trợ, Chính phủ cần thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước hoặc mở rộng chương trình bảo lãnh tín dụng của nhà nước sang NH tư nhân trên cơ sở đồng chia sẻ nhằm hạn chế vấn đề rủi ro đạo đức trong cấp phát tín dụng.
"Siết" phát triển bất động sản cao cấp lúc này, nên hay không?
Thời gian qua, thị trường BĐS nổ ra các tranh luận nên hay không nên siết BĐS cao cấp. Đã có những động thái quản lý cho rằng, ưu tiên phát triển BĐS bình dân, vừa túi tiền, hạn chế phát triển các dự án cao cấp. Động thái này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Trao đổi xung quanh câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, quan điểm siết BĐS là chưa đúng. Bởi quan điểm của CĐT khi làm sản phẩm luôn đánh giá dựa trên quan hệ cung - cầu. Thị trường có nhu cầu thì mới có sản phẩm, không CĐT nào đi đầu tư vào một sản phẩm mà không có nhu cầu.
Khoảng 3 năm trở lại đây, xét ở bình diện chung dòng BĐS cao cấp so với các phân khúc còn lại trên thị trường tương đối đồng đều nhau. Nhu cầu vẫn có, thị trường có, mức độ thanh khoản BĐS cao cấp cũng khá tốt.
Liên quan đến yếu tố đầu vào, theo bà Hương khi định vị một dự án đầu tư, xem phân khúc đó là hạng sang, cao cấp, trung cấp hay bình dân không chỉ phụ thuộc vào câu chuyện nhu cầu mà còn phụ thuộc vào vị trí để phát triển dòng BĐS đó. Với những vị trí CĐT chỉ có thể làm BĐS cao cấp, nhưng cũng có những vị trí muốn làm sản phẩm cao cấp cũng không được vì còn liên quan đến các yếu tố đồng bộ xung quanh.
Như vậy, để phát triển một dòng sản phẩm theo định hướng không chỉ phụ thuộc vào nội lực của CĐT mà còn nhiều yếu tố liên quan khách quan bên ngoài như vị trí, sự đồng bộ, lợi thế cảnh quan...để hình thành nên sản phẩm đúng với phân khúc mà CĐT định hướng. Cũng giống như việc đi du lịch, khách du lịch có đa dạng sự lựa chọn khách sạn 3 sao, 4 sao, 5 sao, thậm chí 6-7 sao. Có thể khách sạn 4 sao số lượng nhiều hơn 5 sao nhưng nhu cầu ở 5 sao vẫn có. Yêu cầu về mặt sản phẩm, khách hàng là khác nhau nên việc làm sản phẩm BĐS đa dạng trong nền kinh tế là việc đương nhiên.
"Thị trường là do cung - cầu quyết định, do sự phù hợp phát triển sản phẩm theo thị trường chứ không phải do yếu tố chủ quan. Vì thế, nên để thị trường quyết định hơn là đưa ra ý chí chủ quan là nên hay không nên, phân khúc này phải thế này, phân khúc kia phải thế khác. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có cơ chế chính sách phù hợp với từng phân khúc, loại hình, quy mô sản phẩm", bà Hương bày tỏ quan điểm.
Theo bà Hương, khủng hoảng thừa trong BĐS là có nhưng chỉ xảy ra ở một vài giai đoạn đặc biệt của thị trường. Còn hiện nay thực tế nguồn cung đang đi sau cầu. Mặt bằng chung của BĐS Việt Nam còn chậm so với nhiều nước khác. Khoảng cách này cần được rút ngắn lại thì mới vực dậy được bộ mặt của nền kinh tế - xã hội.
Sau một thời gian, thị trường BĐS có sự tham gia của các Tập đoàn lớn như Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, Đại Phúc...với các dự án quy mô lớn, tạo nên những khu đô thị bài bản, đã đóng góp thay đổi bộ mặt của cả khu vực và còn nâng cao chất lượng sống của người dân đáng nhẽ nên được khuyến khích để đầu tư, phát triển.
Nữ CEO này lấy ví dụ, bộ mặt của khu Nam thay đổi nhờ khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay Phú Quốc so với cách đây 10 năm hiện tại rất khác. Cho thấy, đóng góp của BĐS vào diện mạo kinh tế - xã hội là rất lớn. "Cho nên, đừng bao giờ có tư tưởng là cần phải kìm hãm BĐS lại, siết phân khúc này, mở phân khúc kia. Tất cả mọi thứ nên để thuận theo thị trường", bà Hương nhấn mạnh.
Khi được hỏi, vậy sự lệch pha cung - cầu, dư cung ở phân khúc cao cấp mà thị trường nói khá nhiều thời gian qua, là như thế nào?, bà Hương cho rằng, đó không phải là lệch pha, mà nhu cầu còn tồn tại khá lớn trong mỗi phân khúc. Cơ hội cũng còn rất nhiều cho các CĐT phát triển. Mỗi phân khúc phụ thuộc vào yếu tố đầu vào. Quỹ đất ở trung tâm thì CĐT chỉ có thể làm BĐS cao cấp và vốn dĩ nhu cầu nhà ở đó vẫn có.
Trước đó, thông tin Bộ xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp. Trả lời trên báo chíông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn BĐS Việt Nam cho rằng, việc "siết BĐS cao cấp" có thể sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao và người dân nghèo càng khó mua được nhà đất. Thị trường hãy để nó tự vận hành, để các doanh nghiệp tự quyết định đầu tư vào phân khúc nào họ thấy phù hợp.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho hay, bây giờ là lúc xác định bằng định lượng trong cơ cấu giá thành sản phẩm BĐS hiện nay, giá cao lý do từ đâu (tiền sử dụng đất, tiền đền bù đất, chi phí tài chính như lãi suất, chi phí cơ hội...) để tìm giải pháp giúp người dân mua được nhà giá tốt nhất. Không nên lấy doanh nghiệp này suy ra doanh nghiệp khác. Cũng không nên kết luận chung chung BĐS là siêu lợi nhuận, mà phải nhìn vào bản chất của vấn đề để giải quyết.
Theo ông Trung, trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giao dịch "đóng băng", thủ tục hành chính kéo dài, đa số các doanh nghiệp cho rằng, nếu Bộ Xây dựng dùng một mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường như nói trên là điều bất hợp lý.
Nói về vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam từng cho rằng, trừ khi khu đất là của nhà nước, được chủ trương xây nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp thì buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn đối với các dự án mà đất do doanh nghiệp mua, tự đền bù giải tỏa thì việc lựa chọn phát triển phân khúc nào là tùy vào chiến lược của từng doanh nghiệp.
Nếu dùng các biện pháp hành chính để can thiệp nguồn cung mới của phân khúc cao cấp sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS. Đặc biệt là đối với các chủ đầu tư đang thực hiện các dự án cao cấp tại các khu đất đắc địa. Quá trình cấp phép khó khăn, kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng chi phí, mất thời gian, khó có thể triển khai dự án.
Theo các chuyên gia, nếu muốn tạo nguồn cung cho phân khúc nhà bình dân, nhà ở xã hội thì có nhiều cách để tạo quỹ đất riêng, phân bổ nguồn lực riêng song song với những cơ chế, chính sách, ưu đãi hấp dẫn hơn, nhất là khâu thủ tục hành chính cần nhanh gọn, đơn giản. Còn câu chuyện siết hay không siết, dùng hành chính để can thiệp sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây hệ lụy cho thị trường BĐS.
Mong lãi suất cho vay hạ hơn và ổn định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định tiếp tục giảm nhiều loại lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được giảm thêm. Liệu đây đã thực sự là bài thuốc "đủ liều" để hỗ trợ các DN sau đại dịch Covid-19? Lãi suất cho vay muốn giảm xuống phải...