Tiểu thương trắng đêm vạ vật vì nước lũ dâng ngập chợ
Trong những ngày chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn chìm trong biển nước, nhiều người buôn bán, kinh doanh và tạm trú tại khu vực xung quanh chợ phải vạ vật nằm ngủ, thậm chí “trắng đêm” ngoài hiên nhà các siêu thị, bưu điện.
Rạng sáng 18/9, trời đổ mưa khá nặng hạt, chị Lê Thị Sen (SN 1975, quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên) đang nằm ngoài hiên siêu thị Bắc Sơn vội vàng tỉnh giấc, chị vơ lấy chiếc quạt và một số vật dụng cất vào bên trong cho khỏi ướt.
Hiên của tòa nhà siêu thị Bắc Sơn khá rộng, trong những ngày nước sông Kỳ Cùng dâng cao, có rất nhiều “cư dân” Giếng Vuông đã đến đây “trú ngụ”. Ước tính trong đêm 17/9, đã có tới gần 20 người sơ tán đến đây, nằm ngủ lại qua đêm. Giấc ngủ của họ đơn giản với một chiếc chiếu mỏng, một tấm chăn và màn, tạm bợ qua những ngày mưa bão.
Đã hơn 2h sáng nhưng chị Sen vẫn chưa chợp mắt.
Chị Sen là người buôn bán tại khu vực chợ Giếng Vuông và cũng thuê trọ ngay gần chợ, do cơn bão số 3 ập đến bất ngờ buộc chị cùng nhiều người trong khu trọ phải sơ tán. Nhưng là dân “ngụ cư”, chị chẳng biết đi đâu khi không có người thân quen trên đất khách. Nghe loa truyền thanh của phường yêu cầu mọi người sơ tán, chuẩn bị đồ đạc để ứng phó với mưa lũ, chị vội thu dọn và chọn khoảng hiên siêu thị Bắc Sơn để lánh tạm qua những ngày trước mắt.
Phía trước siêu thị Bắc Sơn, nhiều người vẫn phải nằm ngủ dưới những chiếc ô, bạt.
Cùng trong hoàn cảnh, chị Hoàng Thị Thư (SN 1965) than rằng chỉ mong những ngày cơn bão nhanh chóng qua đi để chị được về khu trọ càng nhanh càng tốt. Trước khi cơn bão đến, chị chỉ kịp dọn lấy những thứ đồ cần thiết, một số đồ đạc còn nằm lại trong phòng. Hôm nay nước ngập đến nóc của nhà trọ, nghĩ đến cảnh tượng đồ đạc nổi lềnh bềnh giữa biển nước càng khiến chị thêm xót xa. Khi nước rút đi sẽ để lại những đống rác tanh tưởi, bốc mùi khó chịu.
Có những người được may mắn nằm ngủ ngoài hiên.
Chị Thư quê ở Hải Dương, làm kinh doanh buôn bán tại chợ Giếng Vuông. Hiện chị đang sống cùng chồng và một người con, gia đình thuê trọ ngay gần chợ nên khi chợ ngập, gia đình cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Khi nhận lệnh gia đình phải sơ tán, công việc buôn bán của gia đình chị đành phải tạm gác lại.
Video đang HOT
Hai vợ chồng này phải nằm dưới chiếc ô bán hàng. (Ảnh chụp lúc 2h sáng 18/9).
Chị Thư cho biết: “Đã mấy đêm ngủ ngoài hiên nhà, mặc dù đông người, cảm thấy an tâm nhưng chưa đêm nào tôi có được một giấc ngủ trọn vẹn. Có đêm chỉ chợp mắt được một chút, và mong qua ngày để có thể buôn bán bình thường trở lại, lấy tiền duy trì cuộc sống gia đình”.
Giấc ngủ tạm bợ của những người buôn bán tại chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn. (Ảnh chụp lúc 2h sáng nay trước hiên siêu thị Bắc Sơn).
Giấc ngủ của những “cư dân” Giếng Vuông tại hiên nhà Bưu điện TP Lạng Sơn cũng tạm bợ không kém. Do hiên nhà hẹp hơn nên chỉ có khoảng gần chục người chọn đây là nơi lánh lũ. Đó là một góc hiên nhà tối tăm, không ánh điện, không màn, giấc ngủ của họ cũng chỉ tạm bợ với đồ đạc đơn sơ như chiếu, chăn để chống chọi với cái lạnh giữa đêm của phố núi.
Anh Phạm Văn Huân mắc chiếc màn tạm bợ để nằm ngủ dưới hiên Bưu điện.
Ảnh chụp tại hiên của Bưu Điện Lạng Sơn rạng sáng 18/9.
Anh Phạm Văn Huân quê ở huyện Nam Trực, Nam Định chia sẻ, những người ở đây hầu hết là quen biết, cùng buôn bán với nhau tại chợ Giếng Vuông. Đợt lũ cách đây khoảng hơn 2 tháng, anh sơ tán sớm nên chọn được chỗ ngủ tại hiên siêu thị Bắc Sơn. Hành lang của siêu thị cao hơn và rộng hơn, ít bị mưa hắt. Đợt lũ này anh ra chậm nên phải chấp nhận lánh tạm dưới hành lang của tòa nhà bưu điện, vừa tối tăm, lại hẹp. Anh chỉ mong mưa bão qua đi, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Q. Cường – X. Thái
Theo dantri
Người dân TP Lạng Sơn hốt hoảng chuyển đồ chạy lũ trong đêm
Tối 17/9, nước lũ trên sông Kỳ Cùng tại TP Lạng Sơn tiếp tục dâng cao. Rất nhiều hộ dân sống tại khu vực thấp trũng phải hối hả dọn đồ trong đêm để chuẩn bị chạy lũ.
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại TP Lạng Sơn, chiều 17/9, trên địa bàn không mưa, nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu sau cơn bão số 3 khiến nước sông Kỳ Cùng dâng cao. Lũ phía thượng nguồn sông đổ về làm một số điểm thấp, trũng và sát mép sông Kỳ Cùng bị ngập úng nhẹ.
Nước lũ dâng cao khiến đường vào xã Sao Mai - Chi Lăng - Lạng Sơn bị cô lập vào chiều 17/9.
Gia đình anh Chính tại huyện Cao Lộc bị lũ tràn vào nhà gây ngập nặng từ trưa 17/9.
Bắt đầu từ chiều tối 17/9, nhiều người dân TP Lạng Sơn sống gần sông Kỳ Cùng đã lo lắng, liên tục theo dõi mực nước lũ để có phương án di dời và đối phó với ngập úng. Thời điểm trên, đã có một số khu vực có địa hình thấp như chợ Giếng Vuông, một đoạn ngắn đường Nguyễn Du, gần chợ Đông Kinh đã bị ngập nhẹ. Nhiều người chủ quan đi xe máy lội qua khu vực ngập nước đã phải dắt bộ do xe chết máy. Một số gia đình gần khu vực ngập nước đã chủ động di dời cửa hàng, chuyển đồ đạc lên những nơi cao hơn.
Khoảng 21h ngày 17/9, theo quan sát tại khu vực đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, nước sông dâng cao đã khiến một đường dài khoảng hơn 300 mét bị ngập sâu, có những đoạn nước lũ dâng cao tới trên 30cm.
Bà Nguyễn Thị Nga - chủ cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Du - hối hả dọn, đóng hàng vào trong những chiếc bao tải. Người cháu của bà cũng tất bật, liên tục dùng xe máy chở hàng ra gửi tại nhà người quen. Bà Nga cho biết: "Chiều nay do thấy thời tiết không mưa nên chúng tôi khá chủ quan, không dọn đồ mà tiếp tục mở cửa hàng bán. Lúc đó nước chỉ mấp mé trên đường Nguyễn Du, cách khá xa cửa hàng. Tuy nhiên, đến tối khi nước lũ đã dâng ngập gần đến mép cửa, tôi mới hốt hoảng huy động người thân đến hỗ trợ chuyển đồ".
Khi nước sông Kỳ Cùng có dấu hiệu tăng lên trong đêm, nhiều bà con đã nhanh chóng chuyển đồ di cư chạy lũ.
Trong đêm 17/9, nước sông Kỳ Cùng dâng cao khiến người dân lo sợ lũ lớn đổ về.
Ông Nguyễn Kinh Thắng - hàng xóm của bà Nga cũng hối hả kê những bao xi măng lên cao hơn, tránh bị hư hỏng. Theo ông Thắng, sau khi tiếp nhận thông tin về cơn bão số 3, gia đình đã lên sẵn phương án đối phó. Gia đình không có cửa hàng kinh doanh, những đồ đạc, vật dụng quan trọng đã được di chuyển lên phía trên tầng hoặc kê lên cao hơn. Tuy nhiên, đến tối, nước lũ dâng quá nhanh khiến ông Thắng và nhiều gia đình khác cũng bất ngờ và trong trạng thái bị động.
Còn tại khu vực đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, nước sông Kỳ Cùng đã dâng cao gây ngập úng tại những đoạn trũng thấp. Tại hiện trường, ông Trần Văn Trí - Tổ trưởng Tổ dân phố Khối 1, phường Vĩnh Trại - cho biết: "So với thời điểm khoảng hơn tiếng trước, mức nước sông đã cao hơn khoảng trên 30cm và đang tiếp tục dâng cao. Một nửa khu vực chợ Giếng Vuông thuộc địa phận Tổ dân phố khối 1, phường Vĩnh Trại, đây là khu vực rất thấp nên đã bị ngập từ chiều rồi".
Trước đó các cơ quan ban ngành đã tuyên truyền cho người dân chủ động sơ tán đồ đạc, rời khỏi khu vực có nguy cơ bị ngập úng. Hầu hết các hộ kinh doanh và hộ dân xung quanh khu vực chợ Giếng Vuông đều chấp hành và sơ tán hết.
"Hiện tại mực nước sông Kỳ Cùng đang có chiều hướng tiếp tục dâng cao, chúng tôi huy động lực lượng túc trực theo dõi. Nếu nước sông không rút, chúng tôi sẽ phải trực cả đêm, phối hợp với các lực lượng chức năng có biện pháp hỗ trợ người dân đối phó
Nhiều gia đình gần như thức trắng đêm theo dõi nước lũ để chủ động chạy lũ.
Hàng hoá được kê cao lên tránh nước lũ đổ về
Khu nhà nào cao đều được người dân, tiểu thương buôn bán di dời hàng hoá chạy lũ.
Trước khi mưa bão đổ về, Công an tỉnh Lạng Sơn đã có điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, công an các huyện, công an thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch đối phó với cơn bão số 3. Lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đến kiểm tra việc triển khai công tác ứng trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện tại các đơn vị. Đồng thời yêu cầu toàn bộ lực lượng công an các huyện, thành phố khẩn trương tăng cường công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phóng thanh lưu động.
Theo ghi nhận, từ chiều tối qua, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động tỉnh Lạng Sơn đã được bố trí túc trực, chốt chặn tại những điểm trọng yếu như đường vào chợ Giếng Vuông, những điểm cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, chợ Đông Kinh để phân luồng, hướng dẫn người dân không đi vào khu vực ngập sâu, đảm bảo an toàn.
Bằng kinh nghiệm đã có từ cơn bão số 2 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng, ban ngành ứng trực, chuẩn bị xuồng cứu hộ, áo phao, dây thừng, các phương tiện để ứng cứu, giúp đỡ nhân dân tại các khu vực ven sông, suối, vùng thấp trũng. Huy động tối đa cán bộ, chiến sỹ trực tại các điểm xung yếu nhằm hướng dẫn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Q.Cường - X.Thái
Theo Dantri
Ít nhất 17 người thương vong sau bão số 3 Tính đến chiều nay (17/9), cơn bão số 3 đã khiến ít nhất 17 người thương vong. Trong đó có 8 nạn nhân bị thiệt mạng do sạt lở núi, đất đá vùi lấp và bị lũ cuốn. Tại Lạng Sơn, tính đến chiều nay 17/9, toàn tỉnh đã có 13 người thương vong do sạt lở và lũ cuốn. Nghệ An có...