Tiểu không tự chủ, chị em ngần ngại ‘yêu’ chồng
Đang “giao ban” với chồng thì nước tiểu tự dưng chảy ra khiến chị Lựu xấu hổ. Chồng chị không hiểu chuyện gì, bỏ cuộc giữa chừng. Từ đó, chị Lựu luôn kiếm cớ để lảng tránh anh.
Ảnh minh họa
Chị Lựu (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, từ lúc đi làm lại sau khi sinh bé thứ 2, chị gặp rắc rối lớn vì không thể kiểm soát khi tiểu. “Mình đang ngồi làm thì ho một tràng rồi tiểu ướt hết quần, thế là cả buổi không dám đứng lên, khi mọi người về hết mới che chắn bằng túi xách để ra xe”, chị kể lại lần đầu gặp sự cố.
Từ đó, thỉnh thoảng hễ hắt hơi hay ho, vận động mạnh là chị lại són tiểu và bà mẹ 36 tuổi đành tìm cách khắc phục là dùng bỉm. “Dù vậy vẫn không thể thoải mái, lúc nào cũng mang cảm giác khó chịu, ngại ngùng”, chị thổ lộ.
Video đang HOT
Điều khiến chị buồn nhất là việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vợ chồng. Sau hai lần sinh, vùng kín của chị giãn rộng, có những lần đang quan hệ với chồng thì nước tiểu chảy ra, chị hầu như không có bất cứ cảm giác gì lúc ân ái. Dần dần, chị sợ “chuyện ấy” và viện mọi cớ để lảng tránh, từ bận cho con ngủ, quá mệt… “Chồng vẫn sung sức lắm nên mình cũng lo cứ thế này có khi ông xã sẽ ra ngoài giải quyết nhu cầu. Nhưng quả thực mình không biết làm thế nào”, bà mẹ hai con nói.
Cũng rơi vào cảnh này, chị Bích, 39 tuổi (Hải Dương) cho biết, chị bị rách vùng kín và phải mổ vá, đặt ống thông tiểu khi sinh bé thứ hai. Sau khi ra viện 3 tháng, chị thường xuyên bị són tiểu khi mang vật nặng hay ho, nên lúc nào cũng phải dùng băng vệ sinh. “Chẳng còn tha thiết gì đến quan hệ vợ chồng nữa vì lúc nào cũng lo sự cố. Hơn nữa, vì chỗ đó lúc nào cũng ẩm ướt nên mình rất hay bị viêm nhiễm”, chị Bích thổ lộ.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, có khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 bị chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức – tình trạng rỉ nước tiểu ngoài ý muốn khi hoạt động mạnh như xách đồ nặng, ho, thậm chí cả quan hệ tình dục…
Bác sĩ cho hay, xưa kia chưa hiểu rõ về bệnh này cũng như cơ chế của nó, qua kinh nghiệm và quan sát, dân gian thường khuyên người phụ nữ sau khi sinh cần kiêng cữ, bất động, tránh ngồi xổm, làm việc nặng… Điều này cũng có lý.
Thực tế, khi người phụ nữ mang thai và trong quá trình sinh đẻ, toàn bộ sàn chậu co giãn mạnh để tạo điều kiện cho thai trong bụng ra ngoài. Sinh xong, nếu chị em vận động mạnh, ngồi xổm… hay hoạt động làm tăng áp lực trong ổ bụng sẽ ảnh hưởng đến trương lực cơ sàn chậu, làm sàn chậu yếu đi, không đủ khả năng nâng đỡ các tạng trong ổ bụng, dẫn đến sa tử cung, sa âm đạo, sa trực tràng và cả tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Đây là bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng hay gặp nhất ở phụ nữ lứa tuổi 40.
Bác sĩ cho biết, tiểu không tự chủ khi gắng sức khác với tiểu rắt. Tiểu không thể kiểm soát nằm ngoài ý muốn của người bệnh, mỗi khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng như vận động mạnh, hắt hơi, ho… làm dòng nước tiểu tuột ra ngoài, thể hiện sự suy yếu chức năng nâng đỡ của bàng quang, niệu đạo… Tiểu rắt vẫn có thể kiểm soát, vẫn buồn tiểu, nhưng tiểu nhiều lần và thường là hậu quả của một quá trình viêm nhiễm.
Những người đã bị bệnh này rất dễ nhận biết. Người bệnh tự nhiên đang đi bộ, cười, hắt hơi thì nước tiểu trào ra. Có bệnh nhân kể, chị được chồng dẫn đi xem hài, không nhịn được cười và xem xong thì ướt hết quần.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ sau sinh khá dễ hiểu: Bình thường, tầng sinh môn của người phụ nữ được ví như một chiếc võng, là cấu trúc nâng đỡ toàn bộ niệu đạo của bàng quang, để niệu đạo tạo nên áp lực thắng áp lực trong bàng quang. Bất kỳ lý do nào làm “cái võng” suy yếu, mất khả năng nâng đỡ sẽ khiến niệu đạo bị sa xuống, không tạo được áp lực đủ lớn thắng áp lực trong bàng quang, khiến nước tiểu có thể rỉ ra bất cứ lúc nào, không kiểm soát được.
Có hai nguyên nhân gây suy yếu tầng sinh môn của chị em. Thứ nhất là các sang chấn sản khoa do quá trình sinh đẻ. Thứ hai là tuổi tác. Tuổi càng cao thì nồng độ hoóc môn càng giảm, đặc biệt là estrogen. Bình thường estrogen có tác dụng làm tăng sinh niêm mạc niệu đạo, khi đó tạo sức căng bề mặt niệu đạo, làm áp lực niệu đạo cao, đóng mở hợp lý, phối hợp nhịp nhàng, nên rất ít người trẻ bị bệnh này. Tuổi cao, nồng độ estrogen giảm đi, tiền mãn kinh, mãn kinh kéo đến, lớp niêm mạc teo lép, mất sức căng mặt ngoài, áp lực trong niệu đạo thấp. Hai nguyên nhân đó làm xuất hiện tiểu không tự chủ khi gắng sức.
Bệnh này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất người phụ nữ. Âm đạo bị ướt, dễ viêm nhiễm, dễ viêm nhiễm phần phụ, tiết niệu… Ảnh hưởng lớn hơn là về mặt tâm lý, khiến họ luôn e dè, ngại ngùng, không dám tham gia các hoạt động xã hội, không dám cười to, lúc nào cũng lo sợ ẩm ướt.
Ngoài ra, theo bác sĩ Bắc, 11% bệnh nhân bị rỉ tiểu khi quan hệ tình dục. Điều này khiến bản thân họ ngại ngùng, nếu không được chồng chia sẻ, cảm thông, kích thích, họ sẽ lảng tránh dần chuyện “yêu”. Nếu có vượt qua được mặc cảm để tiếp tục quan hệ, do cơ chế suy yếu cơ ở tầng sinh môn, chị em cũng không có khoái cảm do tầng sinh môn nhão, không có sự co bóp của âm đạo.
Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nam giới. Khi đang quan hệ mà người vợ bị rỉ nước tiểu ra ngoài, người chồng lần đầu không hiểu là gì sẽ cảm thấy stress, sau đó biết rõ thì có người sợ bẩn, sợ “yêu”… “Có bệnh nhân chia sẻ, chị rất khổ tâm khi thấy chồng tỏ ra xa lánh. Anh còn gọi chị là ‘đồ đái dầm”, đi ngủ thì bắt nằm tráo đầu đuôi, nếu vợ sờ vào người chồng hay có đòi hỏi sinh lý thì chồng bắt phải đi lấy bao vì sợ… bẩn”, bác sĩ kể lại.
Theo thạc sĩ Hoài Bắc, việc điều trị bệnh này không khó. Các trường hợp bệnh nhẹ sẽ được cho dùng thuốc, tập phục hồi chức năng. Bệnh nặng thì có thể phải dùng tới phẫu thuật, giúp cải thiện tiểu không tự chủ và nâng đỡ cơ vùng âm đạo săn chắc nên cũng có tác dụng tốt với đời sống chăn gối.
Để phòng bệnh, theo bác sĩ, chị em cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh đẻ nhiều để tránh sức ép làm yếu tầng sinh môn; cố gắng có lối sống tích cực bằng việc tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đẩy lùi thời gian mãn kinh, kéo dài tuổi thanh xuân, kiểm soát cân nặng. Khi có những dấu hiệu bệnh, cần đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và tư vấn hướng điều trị thích hợp, đồng thời chia sẻ với bạn đời để được cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ trong quá trình chữa bệnh.
Theo VNE