Tiểu đêm 3- 4 lần, tưởng thận yếu, ai dè mắc chứng ngừng thở có thể đột tử
Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm: tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, giảm trí nhớ, mất tập trung.
Người ngủ ngáy tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng này là những cơn ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn.
Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng đáng chú ý là ngủ ngáy, ngáy rất to và người bệnh có cơn ngừng thở được người thân chứng kiến.
Theo đó, bệnh nhân đang ngáy rất đều, tự nhiên không thấy có tiếng động phát ra, trên 10 giây bắt đầu thấy bệnh nhân cựa mình, sặc lên rồi ngáy tiếp, đó là dấu hiệu biểu hiện cơn ngừng thở; bệnh nhân cảm thấy ngộp thở, ngột ngạt khó thở khi ngủ. Biểu hiện đáng chú ý nữa là bệnh nhân thường thức giấc vào ban đêm, có thể đi tiểu 3 – 4 lần, ngủ không ngon giấc; ngủ dậy mệt mỏi, đau đầu buổi sáng, không sảng khoái, rất buồn ngủ, rất khó tập trung…
Trường hợp bệnh nhân Đỗ T.K.T (50 tuổi, ở Hà Nội) là ví dụ điển hình. Anh T., không bị ngáy to, nhưng cũng ngủ không ngon giấc, đêm nào anh cũng phải đi tiểu 3- 4 lần. Nghi ngờ thận anh có vấn đề, đi khám không ra bệnh… Tình trạng tiểu đêm vẫn tái diễn, anh quyết định đi khám tổng thể. Tại chuyên khoa hô hấp, anh được các bác sĩ đo đa ký giấc ngủ 1 đêm, bác sỹ đọc kết quả điện não, điện tim, điện cơ cho thấy bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ do hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nặng, những lần ngưng thở gây thiếu oxy trong máu làm bệnh nhân ngủ không ngon giấc dẫn đến đi tiểu nhiều lần.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đối tượng nào cũng có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ từ thanh niên, người trung tuổi và lớn tuổi, thậm chí có thể gặp ở cả cháu bé còn rất ít tuổi.
Video đang HOT
“Trong đó, trẻ em hay gặp ở nhóm có liên quan bất thường đến căn nguyên tai – mũi – họng. Đặc biệt, đối tượng trẻ em thừa cân béo phì cũng rất lớn do tình trạng lười vận động, sử dụng thức ăn nhanh khá phổ biến. Đối tượng thanh niên béo phì, thừa cân, người lớn tuổi tăng huyết áp… cũng là đối tượng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ”, PGS.TS Vũ Văn Giáp nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo PGS Giáp, nam giới thường xuyên hút thuốc lá; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc an thần; phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là nhóm đối tượng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Đáng lo ngại, dù là tình trạng rất nhiều người mắc phải, nhưng không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng để đi khám.
“Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử”, bác sỹ Giáp cảnh báo.
Vì thế, theo các chuyên gia, nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; không biết mình có ngủ được hay không; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc… thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán tình trạng bệnh.
Huyền Anh
Theo infonet
Trẻ em bị giảm cân, cần cảnh giác với bệnh nguy hiểm
Sau thời gian không tăng cân, trọng lượng cơ thể bé gái bắt đầu sụt giảm nhưng gia đình chủ quan cho rằng bé ham chơi, biếng ăn. Đến khi gặp biểu hiện đau đầu, giảm trí nhớ, mắt mờ dần thì cháu đã rơi vào tình trạng bệnh nặng.
Đó là trường hợp của bé P.T.L. (9 tuổi, ngụ tại Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1. Ngày 1/6, gia đình đưa bé đến thăm khám trong tình trạng suy kiệt, trọng lượng cơ thể chỉ được 21kg, thị lực kém, thường xuyên đau đầu.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình bệnh nhi ghi nhận, khoảng 3 năm trở lại đây bé không tăng cân. Đặc biệt, trong thời gian 1 năm qua, cân nặng của bệnh nhi từ 24kg giảm xuống còn 21kg. Bên cạnh đó, cháu có các biểu hiện đau đầu nhẹ, khi thì tự hết, khi thì hết nhờ uống thuốc giảm đau. Thấy bé vẫn đi học, sinh hoạt bình thường nên gia đình chủ quan cho rằng con bị sụt cân là do ham chơi, biếng ăn.
Các bác sĩ phát hiện khối u lớn ở vị trí sọ hầu của bệnh nhi
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bé ngày càng sa sút, cháu bị đau đầu thường xuyên hơn, thỉnh thoảng hay quên. Thấy con có những biểu hiện bất thường, gia đình đưa bé đi kiểm tra tại các phòng khám tư và bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi thăm khám bác sĩ đều chẩn đoán bé bị viêm xoang, viêm mũi mà không phát hiện dấu hiệu bệnh khác.
Khoảng 3 tháng gần đây, các cơn đau đầu của bệnh nhi ngày càng nhiều, mức độ đau dữ dội hơn với tần suất liên tục kèm chứng mất tập trung, sa sút trí nhớ, ăn uống kém dần. Nghiêm trọng hơn, mắt của bé nhìn mờ dần kèm theo biểu hiện đau bụng từng cơn, đi tiểu nhiều lần về đêm (khoảng 4 lần/đêm) khiến thể trạng suy kiệt, lừ đừ phải vào bệnh viện điều trị.
Qua bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi có tổn thương thần kinh trung ương. Bệnh nhi được chỉ định chụp MRI não, trên hình ảnh kiểm tra, bác sĩ phát hiện bé gái có khối u lớn nằm ở vùng sọ nền. Khối u có kích thước 27mm x 14mm tại vị trí sọ hầu đã xâm lấn xoang hang. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sức khỏe suy kiệt, ảnh hưởng thị lực và sự phát triển của bé. Sau khi phát hiện khối u bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để theo dõi và tìm giải pháp can thiệp.
Phụ huynh nên cảnh giác trước những biểu hiện bất thường ở trẻ
Theo BS Nguyễn Tông Toàn, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện: "U sọ hầu là loại u phát triển ở vùng tuyến yên. Trẻ mắc phải loại u này sẽ bị mất thị lực do u xâm lấn thị giác, bị lùn do tổn thương tuyến yên. Tuy nhiên, một số trẻ có khối u chỉ biểu hiện đau đầu nên việc chẩn đoán dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các loại bệnh khác như viêm mũi, viêm xoang".
Hầu hết các khối u trong não phát triển ở phần dưới của não (tiểu não hoặc thân não), khi tế bào ung thư phát triển quá nhanh trong các mô thần kinh sẽ tạo thành khối u não ác tính. Các triệu chứng của u não thay đổi nhiều, tùy thuộc vào những yếu tố như vị trí khối u trong não, kích thước, mức độ phát triển khối u và độ tuổi của trẻ.
Bệnh nhi bị tổn thương não thường có các biểu hiện: đau đầu, yếu liệt, vụng về, đi lại khó khăn, động kinh hoặc những triệu chứng không đặc hiệu khác như: thay đổi bất thường về thi lực; thay đổi trạng thái tinh thần; thay đổi về sự tập trung, trí nhớ, giảm chú ý hoặc mất tỉnh táo; buồn nôn, ói mửa; ói khó; giảm dần về năng lực trí tuệ hoặc phản ứng cảm xúc.
Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng trên có nhiều khả năng được gây ra bởi một tình trạng bệnh lý khác, không riêng gì khối u não. Cách duy nhất để xác định cụ thể tình trạng bệnh là thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên quan tâm đặc biệt tới sức khỏe con em mình, nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng hoặc hành vi khác lạ nào của con, hãy đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bệnh, có những biện pháp điều trị kịp thời.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Hội chứng phát bệnh kiệt sức nghề nghiệp Trong bản cập nhật danh sách các chứng bệnh, thương tật thế giới, WHO xác định kiệt sức nghề nghiệp là một hội chứng bệnh phát sinh từ tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc trong một thời gian dài. Trong bản cập nhật danh sách các chứng bệnh và thương tật trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới...