Tiêu chí xếp hạng đạo đức giáo viên: Khó áp dụng trong đánh giá thực tiễn
Trong cụm 4 thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng bậc học và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (GV) mà Bộ GD&ĐT mới ban hành trong tháng 2/2021, mỗi hạng lại có những tiêu chuẩn đạo đức khác nhau.
Quy định này đang gây nhiều ý kiến băn khoăn, liệu rằng đạo đức có thể đánh giá đi liền với cấp xếp hạng hay không, trong khi, bản thân đạo đức đã là một vấn đề khó đánh giá bằng tiêu chí cụ thể.
Giáo viên trường Tiểu học Tiền Phong A, huyện Mê Linh trong giờ lên lớp. Ảnh: Phạm Hùng
Hạng cao, tiêu chí đạo đức càng cao?
Theo Thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” được quy định riêng theo từng hạng GV. GV hạng III (thấp nhất): Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử… GV hạng II: “Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, GV hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”. Đối với GV hạng I: “Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Nhiều ý kiến cho rằng: Đạo đức là giá trị phổ quát của mọi người, mọi nghề. Và nghề giáo càng cần phải có phẩm chất tốt, hành vi phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Chứ không nên xếp theo kiểu ở thứ hạng cao sẽ có yêu cầu cao hơn về đạo đức trong nghề.
Cô T.T.H.M. – Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Đông (Hà Nội) phân tích: “Chúng tôi rất vui mừng về cách xếp lương trong các thông tư mới, nhưng riêng phần đạo đức này thì có một chút băn khoăn. Vì đạo đức là giá trị chung, bình thường đã khó đánh giá rồi, giờ lại còn từng hạng, từng nhóm tiêu chuẩn”.
Video đang HOT
Cũng theo cô M., ở vai trò là một nhà giáo, người thầy phải đầy đủ tiêu chuẩn đạo đức, chứ không phải phân hạng. “Trong trường hợp GV hạng II, thì đạo đức cứ tạm gọi là cấp 2, như vậy có đồng nghĩa với đạo đức của GV hạng II, thấp hơn đạo đức GV hạng I không – đấy là tôi chưa muốn nói đến việc, GV tiểu học rất ít người đạt đến tiêu chuẩn chức danh GV hạng I” – cô T.T.H.M nói.
Trong khi đó, Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo đã quy định đạo đức nghề nghiệp của GV như sau: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng; tận tụy với công việc; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học…
Dù là những tiêu chí định tính, nhưng nếu so sánh thì quy định về đạo đức nghề nghiệp GV cách đây 12 năm rõ ràng chi tiết hơn ở những thông tư mới.
Không cụ thể sẽ khó áp dụng thực tiễn
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – GV trường Tiểu học Lễ Văn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh chia sẻ, việc đưa thêm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong chùm thông tư mới là không cần thiết. Vì các quy định về đạo đức nhà giáo, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đã bao hàm các yêu cầu này. Tất cả đều phải thực hiện một chuẩn mực đạo đức, không nên phân biệt đạo đức phải theo hạng càng cao đạo đức càng tốt. “Tôi đặt câu hỏi như này, nếu tôi thăng hạng III lên hạng II, mà đánh giá đạo đức, có một GV hay một ý kiến trong tập thể bảo tôi tiêu chí đạo đức chưa đạt. Như vậy có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không?” – cô Nguyễn Thị Thảo trao đổi.
Trong khi thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trường trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Tôi hiểu ở đây, các nhà làm chính sách muốn đồng bộ các tiêu chuẩn, nghĩa là hạng I, tiêu chí chứng chỉ phải đáp ứng, thì tiêu chí đạo đức cũng phải đáp ứng.
Nhưng có một vấn đề là: Theo Luật Giáo dục, đạo đức nghề giáo là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Còn trong Luật Viên chức, chỉ có một bộ quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm phân tích thêm: Nếu đem các tiêu chí đạo đức về thứ hạng GV, áp dụng vào đánh giá, rất khó. Bản thân các trường tư, đánh giá đạo đức GV đang theo quy định của Luật Giáo dục, và đánh giá bằng chính bản nhận xét của học sinh – nhận xét của học sinh chính là định lượng hóa các tiêu chí định tính.
“Trong trường hợp các trường công đánh giá tiêu chí này để thăng hạng GV thì ai giám sát, ai đánh giá việc tự đánh giá? Tôi nghĩ quá trình thực hiện là khó, cần tiêu chí cụ thể hơn, nếu không, áp dụng thực tiễn rất khó” – thầy Tùng Lâm chia sẻ.
Tôi cho rằng, những yêu cầu về đạo đức có thể lý giải là để phù hợp với chuẩn chức danh. Như vậy, đưa ra yêu cầu đối với đạo đức, phẩm chất theo hạng là mong muốn các thầy, cô phấn đấu đạt những yêu cầu cao hơn. Vấn đề là, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá phải rõ ràng, chi tiết và phù hợp. Nếu không rõ ràng, thì Bộ nên nghiên cứu đóng góp ý kiến của dư luận để có điều chỉnh, sao cho khi áp dụng có tính thực tiễn. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nhiệm vụ tự thân
Câu chuyện về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) tiếp tục nóng trong thời gian gần đây.
GV, với tinh thần nghiêm túc học tập, sau khi được bồi dưỡng từ chương trình này sẽ được cung cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn CDNN hạng cao hơn. Ảnh minh họa/INT
Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu bắt buộc có chứng chỉ này để bổ nhiệm vào hạng và thăng hạng làm khó GV, vì thầy cô phải bỏ thời gian, kinh phí để đi học; trong đó việc học không giúp nhiều cho GV trong hoạt động nghề nghiệp. Cần nhìn nhận việc này như thế nào?
Trước hết phải nói rằng, 5 năm qua (từ 2015 - 2020), khi triển khai các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt và đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều GV được bổ nhiệm, xếp lương theo hạng CDNN, nhưng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN).
Do vậy có tình trạng, khi Thông tư mới sắp có hiệu lực, GV còn thiếu tiêu chuẩn lo lắng không được bổ nhiệm hạng mới nên đổ xô đi học, góp phần gây ra dư luận xã hội như báo chí phản ánh thời gian qua.
Bên cạnh đó, dù theo quy định của Chính phủ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là một trong những điều kiện bổ nhiệm vào hạng và thăng hạng viên chức. Nhưng việc thăng hạng thì không bắt buộc với tất cả GV. Do đó, GV không phải thực hiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hằng năm.
Cần phân biệt rằng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN không phải là bồi dưỡng thường xuyên, không phải đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức hằng năm của GV, mà là trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ hoạt động nghề nghiệp trong thời gian dài.
Nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong suốt thời gian công tác GV chỉ phải tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN 1 lần để đáp ứng yêu cầu của hạng hiện giữ, nếu hạng đó có yêu cầu.
Theo quy định của Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV thuộc thẩm quyền của cả Bộ GD&ĐT và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, toàn quốc có 55 trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV, giảng viên. Trong đó, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho 24 trường, UBND các tỉnh/thành phố giao nhiệm vụ cho 31 trường. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và có công văn yêu cầu trường được giao nhiệm vụ thực hiện việc bồi dưỡng đúng quy định.
Về chương trình, năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV tiểu học, THCS, THPT. Mỗi chương trình được thiết kế thời lượng 240 tiết, bao gồm kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước và kỹ năng chung; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp.
Theo ý kiến chuyên gia, chương trình bồi dưỡng được thiết kế phù hợp với từng hạng GV mỗi cấp học theo nguyên tắc đồng tâm và bậc thang; kết hợp phù hợp giữa lý thuyết và hoạt động thảo luận, thực hành nhằm trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Cấu trúc chương trình bồi dưỡng bao quát được những lĩnh vực mà hoạt động nghề nghiệp chuyên môn của GV chịu tác động; kể cả về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, đạo đức. Chương trình cũng đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp GV đang hướng đến với tư cách là bộ công cụ để GV tự đánh giá.
GV, với tinh thần nghiêm túc học tập, sau khi được bồi dưỡng từ chương trình này sẽ được cung cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn CDNN hạng cao hơn. Cần biết rằng, phát triển nghề nghiệp chuyên môn liên tục, thường xuyên với GV là bắt buộc và cần thiết mà không cần phải kèm theo bất cứ một yêu cầu, mệnh lệnh hành chính nào. Đây là nhiệm vụ tự thân, là trách nhiệm với bất cứ ai làm nghề giáo.
Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ chức danh, Sở Giáo dục khuyên thầy cô thận trọng Nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm làm căn cứ thay vì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT, có những quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương...