Tiết trời se lạnh, còn gì ngon hơn thưởng thức cá chìa vôi nướng bên than hồng
Về bề ngoài cá chìa vôi có thân tròn, dài như cái ống, da màu hồng đỏ và không trơn láng như cá chình hay lươn. Con trưởng thành chiều dài đến cả mét, nặng trên dưới 1 kg.
Vào tháng 10, tháng 11 là thời điểm cá chìa vôi tập trung thành đàn đi kiếm ăn ở khu vực san hô nhiều. Đây cũng chính là mùa đánh bắt chìa vôi của ngư dân các vùng ven biển Quảng Nam, Đà Nẵng. Cá chìa vôi mới đánh bắt luôn có được vị tươi ngon.
Từng khúc cá sau khi làm sạch được ướp với ít muối, mắm và tiêu cho dậy mùi rồi bắc lên bếp kho lăn tăn. Không cần đợi lâu, thoắt cái đã chín. Vị ngọt thanh của cá hòa quyện cùng mùi thơm của chén cơm nóng đã thỏa được lòng mong nhớ sau mấy tháng chìa vôi vắng bóng..
Cá chìa vôi nướng trên bếp than hồng – Ảnh: Thanh Ly
Video đang HOT
Không dừng lại ở đó, cá chìa vôi còn được các nhà hàng ven biển chế biến thành nhiều món hấp dẫn như chiên xù, hấp, lẩu và phổ biến nhất là canh chua, làm mê mẩn bao tử của thực khách. Canh chua cá chìa vôi xứ Quảng dễ chế biến, ăn vào hương vị mộc mạc, đậm đà.
Nguyên liệu chỉ cần vài con cá tươi, một ít cà chua, măng tre, giá và rau thơm. Canh chín, giở nắp nồi, khói bốc lên nghi ngút, vài lát cá trắng ngần đang ngụp lặn trong nước canh sôi sùng sục. Món này phải ăn thật nóng mới cảm nhận hết cái ngon ngọt vốn có.
Nhưng có lẽ, với nhiều thực khách, ngon nhất vẫn là cá chìa vôi nướng mộc theo cách của ngư dân. Cẩn thận loại bỏ hết mang, ruột cá và đem cá ướp với nghệ, bột nêm, hành, ớt tươi và tỏi cho thấm thía. Có thể để nguyên con, lấy dao rạch nhẹ trên thân cá để cá nhanh chín hơn và cá không bị nứt thịt (cá bị nứt thịt ăn sẽ mất ngon và ảnh hưởng tới thẩm mỹ khi bày ra đĩa).
Cuộn tròn cá lại rồi kẹp vào vỉ nướng trên bếp than hồng. Thân cá dày nên người nướng phải thường xuyên tản đều bếp than và trở vỉ đều tay để cá chín mà không bị cháy. Khoảng mươi phút đã nghe thơm nức mũi, khiến cái bụng réo sùng sục. Cá nướng tới đâu ăn tới đó, nóng hổi cho hấp dẫn.
Cá chìa vôi nướng rất hợp cải cay xanh. Trong tiết trời se se lạnh, nhâm nhi chút rượu, cầm miếng cá nướng ăn cùng với cải cay chấm nước mắm chua ngọt hoặc muối chanh ớt xanh thì thật tuyệt.
Theo Thanhnien
Vấn vương hương bưởi Đại Bình
Con đường dẫn vào làng Đại Bình ẩn mình trong những hàng cây ăn quả được che bóng mát rượi. Những trái bưởi hình trụ, rám nắng, vàng trĩu, thả hương lãng đãng, quấn quýt theo từng bước chân người lữ khách.
Bưởi Đại Bình vừa được hái còn thoảng hương thơm
Làng Đại Bình (xã Quế Trung, H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng vì nơi đây không chỉ còn nguyên vẹn giá trị của một làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình... mà còn là một "vùng đất Nam bộ" độc nhất vô nhị giữa lòng Quảng Nam.
Theo lời người dân, sở dĩ có tên "bưởi trụ lông" vì bưởi có dáng hơi thuôn, hình trụ và một lớp lông rất dày trên vỏ những quả bưởi còn non, có thể nhìn thấy và khi sờ vào thì cảm nhận rất rõ. Đó cũng chính là nét độc đáo tạo nên sự khác biệt của bưởi làng này.
Những con ngõ nắng rải trên lá với hương bưởi Đại Bình trải khắp lối đi
Về Đại Bình đúng mùa trái cây chính vụ (thường kéo dài từ khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 10) hay dù đã quá mùa nhưng tại nhiều vườn, bưởi vẫn thay nhau đơm hoa, kết trái. Một phần vì khí hậu thổ nhưỡng tốt nhưng quan trọng hơn cả là sự tận tụy, chăm bón của người dân nên lúc nào trong tán lá xanh cũng lủng lẳng những trái tròn xoe lại bắt đầu chuyển sang màu vàng, mới nhìn đã ưng con mắt chứ chưa nói đến vị ngọt ngào của từng múi bưởi.
Nên chọn bưởi quả vàng, da căng mịn và láng, gai bưởi to cầm chắc tay chính là quả ngon, mọng nước. Ấy là kinh nghiệm chọn bưởi mà người Đại Bình chia sẻ với du khách phương xa. Được thưởng thức những múi bưởi có màu hồng nhạt, vị ngọt thanh là điều không có gì tuyệt vời bằng. Mùi hương bưởi nồng nàn rồi thoảng nhẹ trong không gian như quên đi những bộn bề cuộc sống. Đặc biệt hơn, bưởi còn được các bà, các chị miệt vườn biến tấu thành nhiều món đãi khách gần xa như gỏi bưởi, bưởi rim đường phèn...
Vị thơm ngon ngọt bưởi Đại Bình chắc chắn đã từng làm cho không ít người xốn xang, nâng niu, muốn cất giữ mãi. Thế nên, bước chân đã xa rồi nhưng mỗi khi nghĩ về, lòng lại nhớ từng ngõ đá, từng vườn cây trái và cả những câu chuyện ướp đầy hương bưởi Đại Bình.
Theo Thanhnien
Vị của quê Buổi trưa hôm ấy, tôi là một người khách phương xa lỡ đường, dừng chân ăn vội ở quán bún nhỏ không có tên ở thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Tôi có dịp thưởng thức lại món bún sả - được xem là đặc sản của xứ này. Ngoài việc cảm nhận vị ngon lạ miệng của tô bún, tôi có thêm...