“Tiết lộ” lý do Hà Nội chọn tên Nam Bắc Từ Liêm
Theo lý giải của ông Phan Đăng Long về tên gọi dự kiến cho hai quận mới của Hà Nội, nhân dân ở huyện Từ Liêm muốn giữ tên gọi cũ.
Chiều 3/12, trong buổi họp giao bán báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ với báo giới về lý do chọn tên gọi dự kiến cho hai quận mới của Hà Nội.
Ông Long cho hay: “Đây là thời điểm thích hợp, phù hợp để lập quận mới. Thể theo ý chí nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương, TP. Hà Nội báo cáo với Chính phủ, Chính phủ đã họp cho ý kiến và đồng ý với dự kiến của Hà Nội là đề nghị thành lập 2 quận mới trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của huyện Từ Liêm”.
Ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Tuy nhiên, việc thành lập quận mới có nhiều ý kiến và vấn đề được quan tâm nhất là tên gọi. Cho đến lúc này, HĐND TP. Hà Nội chưa biểu quyết, phê duyệt về tên gọi của hai quận mới này. Có ý kiến cho rằng nên đặt tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, quận Mỹ Đình… Theo tờ trình, dự kiến tên gọi vẫn là Từ Liêm, lấy trục đường 32 chia tách ra thành: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm”.
Lý giải về việc chọn tên dự kiến là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, ông Phan Đăng Long cho biết: “Nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng, đó là ý chí và nguyện vọng của người dân. Khi tham khảo và qua thực tế, chúng tôi thấy tâm lý của người dân Việt Nam nói chung và người dân Từ Liêm nói riêng là rất gắn bó với địa danh nên ai cũng muốn giữ tên cũ.
Khi có ý kiến đặt tên một phần là Từ Liêm, phần còn lại là một tên mới nhưng phần được đặt tên là Từ Liêm thì tán thành, còn phần được đặt tên mới thì không tán thành… kể cả tên Mỹ Đình”.
Được biết, trước đó, trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội, ngày 28/11, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 428/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm) nhất trí chủ trương, giao thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập thành lập 2 quận và 23 phường.
Video đang HOT
Liên quan đến tên gọi của hai quận mới này, ông Nguyễn Văn Việt – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho hay việc dự kiến sẽ giữ nguyên tên Từ Liêm là để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 quận tiếp tục nâng cao niềm tự hào về truyền thống của huyện, kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, phấn đấu xây dựng 2 quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, luôn xứng đáng với quá khứ hào hùng mà cha ông đã xây dựng.
Huyện Từ Liêm vẫn đang tiếp tục xin ý kiến nhân dân trên địa bàn về tên gọi của 2 quận mới cũng như tên gọi các phường trực thuộc. Dự kiến việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm sẽ được thực hiện chính thức vào đầu quý III năm 2014.
Theo đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, với ranh giới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía nam và theo địa giới hành chính 364 đã được thiết lập từ năm 1993, dự kiến quận phía Bắc sẽ có tên là quận Bắc Từ Liêm, quận phía nam sẽ có tên là quận Nam Từ Liêm.
Quận Bắc Từ Liêm được xác định ranh giới phần đất phía bắc của huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía tây sông Nhuệ, với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2. Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: 5 phường giữ nguyên tên cũ là Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai; 8 phường được hình thành và tách từ 4 xã cũ có tên mới là Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1 và Phú Diễn 2.
Còn quận Nam Từ Liêm có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Địa giới của quận là phần đất ở phía nam huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 7 xã: Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, phần lớn diện tích xã Xuân Phương và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32). Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Nam Từ Liêm gồm 10 phường: 4 phường giữ nguyên tên cũ là Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cầu Diễn; 6 phường được hình thành và tách từ 3 xã gồm Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2, riêng xã Mễ Trì được tách thành 02 phường là Mễ Trì (bao gồm thôn Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng), thôn Phú Đô thành lập phường Phú Đô.
Theo Xã Hội
Hà Nội: Người dân đề xuất tên quận mới là Võ Nguyên Giáp
Phương án đặt tên của 2 quận mới tách ra từ huyện Từ Liêm đã khiến nhiều độc giả VietNamNet tham gia phản hồi. Ngoài sự đồng tình với tên "Từ Liêm - Mỹ Đình" cũng có độc giả đề xuất quận mới mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hầu hết các ý kiến của độc giả đều tỏ ra "khó tính" với cái tên quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Bạn đọc Văn Hùng phản hồi: "Sao phải Nam với Bắc dài dòng, đến lúc chẳng được nhắc đầy đủ tên, vì dài quá mọi người sẽ rút gọn. Ví dụ hỏi nhà ở đâu người ta sẽ nói: "Nhà tôi ở Nam Liêm hoặc là Bắc Liêm cho ngắn gọn".
"Theo tôi nên đặt tên một quận là Từ Liêm quận còn lại có thể dùng tên khác để không phải thay đổi trên giấy tờ, biển hiệu...đỡ tốn kém ngân sách. Nếu đặt là "Bắc Từ Liêm" và "Nam Từ Liêm" thì tất cả lại phải đổi tên rất lãng phí, mất thời gian", một ý kiến khác nhận được khá nhiều đồng tình của độc giả.
"Nếu đặt là "Bắc Từ Liêm" và "Nam Từ Liêm" thì đây không phải theo cấu trúc của từ ngữ tiếng Việt, mà là theo cấu trúc câu của phương tây. Nếu đúng phải là "Từ Liêm Bắc" và "Từ Liêm Nam" như "Miền Bắc" và "Miền Nam" vậy", bạn đọc Hồng Hà chia sẻ trên facebook cá nhân.
Hiện trên địa bàn huyện Từ Liêm có nhiều công trình quan trọng của quốc gia, nhiều chuỗi đô thị và khu đô thị hiện đại
"Nếu dùng từ "Bắc" và "Nam" sẽ gây hiểu nhầm về sự chia cắt, chia ly và lạ lẫm ở một địa danh đã trở nên quen thuộc", một độc giả khác góp ý.
Nhiều độc giả đồng tình rằng, tên 3 chữ sẽ là quá dài và 2/3 số chữ giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, tên dài loằng ngoằng do 3 từ ghép lại, cộng thêm âm trắc "Bắc" sẽ đọc, nói khó xuôi tai.
Đồng ý với 2 tên "Từ Liêm - Mỹ Đình"
Độc giả Lê Quang Vũ phân tích: "Theo tôi nên đặt là Quận Từ Liêm và Quận Mỹ Đình là ổn nhất. Tên như vậy vừa kế thừa được tên gọi Từ Liêm quen thuộc, vừa đổi mới với luồng gió Mỹ Đình khi phần lớn các công trình hiện đại, mang dấu ấn quốc gia đều đặt ở khu Mỹ Đình".
Trong số những người tham gia bình chọn tên cho quận mới có rất nhiều người đang sinh sống, làm việc tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bạn đọc Hồng Hà cho biết: "Tôi là một người dân sinh ra và lớn lên ở huyện Từ Liêm. Theo tôi nên lấy tên 2 quận là quận Mỹ Đình và quận Từ Liêm. Như thế vừa hay vừa gần gũi, dễ nhớ".
"Mỹ Đình đã được bạn bè quốc tế biết đến rất nhiều qua các Hội nghị thượng đỉnh APEC, ASEM, khu liên hợp thể thao quốc gia...Mỹ Đình tuy hiện chỉ là một xã nhỏ nhưng đã xây dựng được thương hiệu và hình ảnh rất lớn. Đặt như vậy vừa giữ được tên huyện Từ Liêm thương thương mến khách và vừa xây dựng được hình ảnh quận Mỹ Đình tươi đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế", một độc giả khác phân tích kỹ càng.
Trên một diễn đàn, độc giả có nickname Unbreak cũng lập luận rất chặt chẽ: "Theo tôi nên lấy thành quận Từ Liêm và một quận mang tên mới. Huyện Từ Liêm giữ nguyên tên và một phần đất gốc, chỉ đổi huyện thành quận, phần tách ra lập thành quận mới. Tên của quận này phải là địa danh vốn có ở đấy, ví dụ Mỹ Đình/ Xuân Phuơng/ Mễ Trì/ Sông Nhuệ...
Như thế sẽ giữ được đất gốc của huyện Từ Liêm và một phần của huyện này không có gì xáo động. Ví dụ, địa chỉ ông A ở xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm thì nay vẫn thế, chỉ khác là huyện đổi thành quận, xã đổi sang phường. Rất thuận tiện cho tra cứu, làm địa bạ, giữ truyền thống của Từ Liêm, đỡ tốn kém hành chính, giấy tờ...
Bộ máy hành chính quản lý huyện Từ Liêm cơ bản giữ nguyên, chỉ chuyển thành quận và quản lý một khu vực thu hẹp hơn. Nhà nước chỉ phải thành lập mới bộ máy hành chính và cơ sở vật chất cho một quận, đỡ tốn kém. Trước đây, ta đã làm như thế khi lập các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuận, sao hiện nay lại không làm tiếp cách ấy?".
Ngoài tên Từ Liêm - Mỹ Đình một số độc giả cũng đề xuất nhiều cái tên cho quận mới. Bạn đọc Lê Mạnh Hùng phản hồi: "Nên lấy một quận mới là Từ Liêm và quận còn lại là quận Võ Nguyên Giáp".
Cũng đồng tình với ý kiến trên, độc giả Trọng Nghĩa cho rằng: "Việt Nam đã có thành phố mang tên Bác. Một quận mang tên Đại tướng ở Thủ đô hy vọng được nhiều người ủng hộ".
Anh Hải Nam (Đống Đa, Hà Nội) nói: "Đại tướng vừa mất việc đặt tên Người cho một quận mới của Thủ đô cũng là sự bày tỏ tấm lòng biết ơn, tri ân với Đại tướng".
"Theo tôi nên đặt tên 2 quận mới là: Nhuệ Giang và Từ Liêm. Nhuệ Giang gắn liền với lịch sử và con người nơi dòng sông chảy qua, vừa thể hiện được văn hoá, vừa tôn trọng được lịch sử, nó gắn liền với nền văn hoá đi lên từ lúa nước của đồng bằng sông Hồng của Hà Nội đồng thời thể hiện sức sống mới của một đô thị đang trên đà phát triển", một ý kiến khác đề xuất.
Trong khi đó độc giả có email nam_khanhb@yahoo.com lại đề xuất: "Vào năm 1961, huyện Từ Liêm là hai quận 5 và 6 của thành phố Hà Nội sáp nhập vào mà thành, còn trước năm 1945 huyện Từ Liêm có tên là huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long), thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông.
Cả hai cái tên Hoàn Long (hay Hoàng Long) đều là tên rất đẹp lại có lịch sử lâu đời của cha ông để lại. Thiết nghĩ, tên huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long) cũ của huyện này nên trả lại cho một quận mới là quận Hoàn Long (hay quận Hoàng Long) thay cho quận Bắc Từ Liêm, còn tên một quận còn lại có thể giữ nguyên là quận Từ Liêm".
Theo Vietnamnet
Nhiều đại biểu HĐND Hà Nội muốn một quận mới mang tên Mỹ Đình Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội không ủng hộ đặt tên hai quận mới của Hà Nội là Bắc - Nam Từ Liêm. Phần lớn nghiêng về phương án đặt tên cho quận phía Bắc là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình. "Cá nhân tôi không ủng hộ việc lấy tên cả...