Tiết lộ giật mình về thiên tài cô độc Issaac Newton
Ít ai biết rằng, nhà bác học vĩ đại Issaac Newton ôm mối cô đơn khổng lồ do tính cách ông quá khác người. Suốt thời gian học đại học, ông chỉ có một người bạn duy nhất.
Đặc biệt, kết quả khám nghiệm tử thi khi ông qua đời khẳng định: Newton chưa từng quan hệ tình dục trong suốt cuộc đời kéo dài 84 năm của mình.
Thiên tài cô độc Issaac Newton
Issaac Newton là một trong những thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử là điều đã được cả thế giới công nhận. Các phát hiện của ông đã đặt nền móng cho hàng loạt các khám phá quan trọng trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần của ông thì không nhiều người biết.
Hai mặt của vấn đề
Cho đến nay, phần lớn những điều mà chúng ta đã biết được về Isaac Newton là những đóng góp to lớn của ông cho khoa học như 3 định luật chính về chuyển động (định luật quán tính, lực, động lực và phản lực), định luật hấp dẫn và các phát hiện của ông quang học, thiên văn học và toán học. Các định luật của Newton đã giúp tìm ra những phương pháp để tính toán được khoảng cách thực, vận tốc và trọng lượng; đặt nền móng cho những phát minh hiện đại, bao gồm từ động cơ hơi nước tới tên lửa không gian. Song, có một phần trong cuộc đời của Newton cho đến nay vẫn ít được nói đến, chính là những điểm đáng ngại trong tính cách của ông.
Theo một số ghi chép, nếu để ý kỹ, trong tiểu sử của Newton đã đề cập hàng loạt những triệu chứng của chứng rối loạn lưỡng cực, hay còn gọi là hưng trầm cảm – căn bệnh đã đeo bám trong gần như cả cuộc đời ông. Theo đó, ngay từ khi còn nhỏ, Newton đã là một đứa trẻ sống khép kín, thường thu mình lại và không tham gia các trò chơi với bạn bè cùng trang lứa. Thay vào đó, phần lớn thời gian, cậu chỉ tha thủi một mình hay tự mày mò lắp ráp máy móc, xe lăn, làm mô hình nhà hoặc những trò chơi khác.
Newton hầu như không có bạn và chưa từng quan hệ tình dục
Tuy sống khép mình nhưng Newton cũng là một người nóng nảy, có thể điên cuồng tấn công bất cứ người nào khi rơi vào tình trạng bực bội. Trong một ghi chép hiếm hoi của Newton được phát hiện, ông đã liệt kê ra danh sách dài những “tội lỗi” hay những việc làm sai của mình, bao gồm việc dọa phóng hỏa đốt nhà, thiêu sống cha mẹ; hành hung em gái, dọa giết nhiều người… mỗi khi không hài lòng. Cũng chính vì tính khí nóng nảy đó mà ông không được lòng mọi người.
Khi theo học ở Cambridge thì Newton cũng chỉ kết bạn được với một người duy nhất. Những ghi chép của ông trong thời gian học đại học cho thấy trong quãng thời gian này Newton thường xuyên trải qua trạng thái lo lắng, buồn bã, sợ hãi, tự ti và thậm chí còn có cả ý định tự tử. Sau khi được chọn làm học giả tại trường Đại học Cambridge, Newton tiếp tục rơi vào tình trạng thất thường. Ông hào hứng với việc nghiên cứu, tìm tòi đến mức quên cả ăn, quên ngủ. Thế nhưng, sau mỗi đợt như vậy, ông lại thường rơi sâu vào tình trạng căng thẳng, hoang mang, có những hành động kỳ quái.
Trong suốt 30 năm làm việc ở trường Đại học Trinity, Newton chỉ hướng dẫn cho 3 sinh viên nhưng không người nào trong số này có thể lấy được bằng. Tất cả đều sớm rút lui khi nhận thấy người thầy hướng dẫn mình là một người lạnh lùng, không bao giờ nở nụ cười và cũng không biết đùa giỡn là gì. Vẻ mặt luôn u sầu, đăm chiêu nhưng lại có thể bất ngờ trở nên hung dữ, lao vào chửi rủa mọi người của Newton – như miêu tả của nhà viết sử Henry More FRS – khiến tất cả đều phát sợ.
Nỗi cô độc khổng lồ
Về sau này, sau khi đã có được những thành công đáng kể và trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được mọi người công nhận tài năng nhưng Newton vẫn sợ hãi không muốn công bố các nghiên cứu của mình vì lo sợ sẽ vấp phải sự chỉ trích, chê bai của những nhà khoa học khác. Theo nhiều ghi chép, nếu không phải do được người bạn tên Edmund Halley khuyến khích và cả khiêu khích, Newton có thể đã không công bố tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời mình- bộ 3 cuốn sách có tên Principia, hay các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên.
Newton cũng thường xuyên né tránh việc phải hợp tác với những người khác. Mỗi khi phải tiếp xúc với mọi người, ông thường kiệm lời một cách đáng sợ. Mối quan hệ giữa ông với các nhà khoa học khác được miêu tả là mối quan hệ độc tài bởi Newton sẽ từ chối nói chuyện với những người dám nêu ý kiến trái chiều hay lên tiếng chỉ trích những nghiên cứu của ông. Với bản tính nóng nảy và luôn cho rằng mình đúng, ông gây chuyện, cãi vã với cả bạn bè cho đến kẻ thù.
Các sử gia cho rằng, trong suốt cuộc đời mình, Newton chỉ yêu quý duy nhất 2 người. Một trong số đó là cô cháu gái có tên Catherine Barton- người về sau được ông thuê làm quản gia tại London à người còn lại là nhà toán học người Thụy Sỹ Fatio de Duillier. Chính vì Newton thân thiết quá mức với Duillier trong khi lại độc đoán với gần như tất cả mọi người cộng với việc cả 2 đều không kết hôn nên một số nhà viết sử về Newton nghi ngờ mối quan hệ giữa 2 người là mối quan hệ đồng tính luyến ái.
Những khi bị trầm cảm nặng, Newton thường nói nhảm. Ông cũng dần trở nên ám ảnh với tôn giáo và đắm chìm trong giả kim thuật. Tổng cộng, Newton đã dành đến khoảng 25 năm để bí mật nghiên cứu về giả kim thuật, về những hiện tượng kỳ bí và viết hàng nghìn trang tài liệu về chủ đề này. Tương tự nhiều người bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực khác, Newton bị ảo giác nặng.
Trong những ghi chép về tôn giáo và giả kim thuật, ông nói rằng ông được Chúa trời chỉ định mang sự thật đến thế giới. Những phát kiến khoa học của Newton trong suốt cuộc đời đã giúp ông trở thành một nhân vật kiệt xuất, được cả thế giới ngưỡng vọng nhưng nó cũng khiến ông phải trả giá. Sự thực là, Newton đã phải chịu đựng nhiều đau đớn và khổ sở vì chứng rối loạn tâm thần của mình. Nhà viết sử về Newton William Blake từng viết: “Lý trí và sự hiềm khích, tình yêu và thù hận đều là những thứ cần thiết để chứng minh cho sự tồn tại của một con người. Chính những điều này đã nhắc nhở chúng ta rằng Ngài Isaac Newton vĩ đại cũng là một con người”.
Tuổi thơ không yên ả là nguyên nhân?
Các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng tuổi thơ có phần đặc biệt của Newton là một phần nguyên nhân định hình tính cách của ông. Newton không bao giờ được gặp cha bởi cha ông, cũng tên Isaac Newton, đã qua đời từ 3 tháng trước khi ông chào đời. Bị sinh non, khi lọt lòng, Newton bé như một cái chai, khiến tất cả mọi người đều nghĩ rằng ông không thể sống sót. Ấy thế nhưng, Newton lại vẫn sống một cách kỳ diệu dù sức khỏe vô cùng yếu.
Không cha, năm lên 3 tuổi, Newton lại thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ khi mẹ của ông tái giá với một người đàn ông cùng cảnh ngộ, bỏ con trai nhỏ lại cho ông bà nội chăm sóc. Vì thế nên, trong những năm tháng thơ ấu, Newton luôn có cảm giác bị bỏ rơi. Trong một ghi chép hiện được trưng bày tại Bảo tàng Fitzwilliam, Newton thú nhận cảm giác đó đeo bám ông mãi đến những năm ông đã ngoài 20.
Năm Newton 10 tuổi, với việc cha dượng qua đời, mẹ ông lại trở về bên ông cùng với 3 đứa em cùng mẹ khác cha. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 mẹ con dường như không hề được khỏa lấp mà ngược lại còn càng xa cách hơn. Bởi, mẹ của ông, bà Hannah- vốn là một người mù chữ – không hề đánh giá cao trí tuệ của con trai và cũng không muốn ông theo đuổi con đường học hành.
Năm Newton 17 tuổi, khi đang học ở trường, Newton bị mẹ gọi về để tiếp quản trang trại của gia đình bất chấp sự phản đối của ông. Mãi về sau, khi người cậu- là một người từng theo học đại học – nhận thấy được trí tuệ tuyệt vời và niềm đam mê khoa học cháy bỏng của cháu nên đã ra sức thuyết phục, mẹ của Newton mới cho con đi học đại học. Cũng vì lẽ đó nên Newton nhập học muộn hơn 2 tuổi so với tuổi trung bình lúc bấy giờ.
Bận rộn cho những nghiên cứu khoa học và quan trọng hơn là những vấn đề về tâm lý được cho là nguyên nhân khiến Newton trong suốt cuộc đời đã không kết hôn. Thậm chí, các nhà toán học Charles Hutton, nhà kinh tế học John Maynard Keynes và nhà vật lý học Carl Sagan trong các bài viết đã dẫn những kết quả khám nghiệm tử thi khi ông qua đời nói rằng nhà khoa học lẫy lừng còn chưa từng quan hệ tình dục trong suốt cuộc đời kéo dài 84 năm của mình.
Lê Cát
Albert Einstein - thiên tài cô độc và nỗi ân hận mang tên "bom nguyên tử"
Albert Einstein mang trong mình sự nổi loạn từ một cậu thanh niên chân ướt chân ráo một mình chống lại những suy nghĩ cố hữu xa xưa của vật lý hiện đại và trở thành nhà bác học vĩ đại.
Trên đỉnh cao danh vọng, nhưng ông luôn thấy mình đơn độc. Ông khác biệt với những nhà khoa học đồng nghiệp và khác biệt với những người sống trong cùng đất nước. Dường như Albert Einstein không thuộc về thế giới này.
Albert Einstein sinh ra ở Đức năm 1879, nhưng nơi đó dường như không phải đất nước dành cho ông. Vì nhà bác học nổi tiếng đã lớn lên trong một gia đình Do Thái, sau khi có những thành tựu khiến thế giới kinh ngạc, Israel muốn tuyên bố ông là công dân thuộc "quyền sở hữu" của riêng nước họ. Trên thực tế, họ đã từng bổ nhiệm ông vào vị trí tổng thống sau tổng thống đầu tiên Chaim Weizman (qua đời năm 1952). Đối với người dân Israel, Einstein được biết đến như là "người Do Thái vĩ đại nhất còn sống sót". Nhưng bất chấp những lời khen ngợi và vinh dự có phần cực đoan, Einstein đã từ chối. Có thể nói đây là quyết định đúng đắn, phù hợp cho Israel bấy giờ vì thiên tài nổi tiếng thế giới qua đời chỉ ba năm sau khi đề nghị này được đưa ra.
Niềm say mê chơi đàn vĩ cầm
Trong số những "bóng hồng" của cuộc đời mình, Einstein yêu mến nhất dường như là Lina. Nhưng Lina không phải là con người. Đó là cây đàn vĩ cầm.
Người vợ thứ hai của ông, Elsa, đã yêu Einstein ngay lần đầu tiên gặp gỡ khi nghe ông chơi đàn. Theo National Geographic, bà từng nói rằng lý do bà yêu ông là vì "ông ấy chơi nhạc của Mozart bằng đàn vĩ cầm rất hay".
Âm nhạc không chỉ là sở thích, mà còn là một phần không thể tách rời trong cuộc đời và cả quá trình làm việc của ông. Einstein sẽ không có những đột phá nếu như không có âm nhạc. Bà Elsa còn chia sẻ: "Âm nhạc giúp ông suy nghĩ về các lý thuyết của mình."
Tại sao ông giành được giải Nobel?
Mọi người đều biết Einstein vì thuyết tương đối, lực hút trái đất và công thức chế tạo bom nguyên tử E = MC. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn gốc giúp ông nhận giải Nobel Vật lý năm 1921. Giải thưởng danh giá được trao cho Einstein nhờ vào phát minh mà hầu hết mọi người chưa từng được biết đến - hiệu ứng quang điện.
Không đối xử tốt với vợ mình
Mặc dù là nhà khoa học vĩ đại, có nhiều đóng góp mang tính cách mạng cho thế giới, song Einstein lại không phải một người chồng tốt. Einstein khá trăng hoa, dường như ông lăng nhăng trong cả hai cuộc hôn nhân của mình, đặc biệt là khoảng thời gian còn quen vợ cũ Mileva Maric.
Einstein đã viết một danh sách "điều kiện" cho người vợ đầu tiên - bà Mileva. Trong số những điều kiện này, ông ra lệnh bà phải dừng nói chuyện khi được ông yêu cầu và cũng đừng trông đợi vào những cử chỉ, hành động thân mật từ ông. Ông cũng đưa cho bà một danh sách công việc phải làm mỗi ngày, bao gồm mang 3 bữa ăn đến phòng nghiên cứu cho ông và nhanh chóng rời khỏi đó. Thật may mắn cho bà Mileva vì cả 2 đã ly dị vào năm 1919.
Đứa con trai bị từ mặt
Cuộc sống gia đình của Einstein khá hỗn độn, kể cả việc nuôi dạy con cái. Mối quan hệ của ông với người con trai thứ 3 tên Eduard đặc biệt căng thẳng vì bác sĩ chẩn đoán rằng chàng thanh niên trẻ tuổi này bị tâm thần phân liệt.
Đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào, khi đối diện với tin tức này thường rất khó khăn để chấp nhận và họ cố gắng làm điều tốt nhất cho con mình, nhưng Einstein lại khác. Năm 25 tuổi, con trai phát hiện ra căn bệnh này và ông không nhìn mặt anh kể từ ngày đó. Theo tờ New York Times, Einstein thậm chí còn nói rằng: "Nếu tôi biết trước điều đó, tôi sẽ không sinh nó ra trên đời." Eduard qua đời cô độc tại một cơ sở tình thương tại Thụy Sĩ ở tuổi 55, anh chưa một lần gặp lại cha mình kể từ sau khi phát bệnh.
Đứa con gái không danh phận
Hình ảnh Einstein cùng người vợ cũ - Mileva Maric.
Lieserl - cô con gái đầu lòng của Einstein được cho là không có thân phận rõ ràng. Cụ thể, trước khi Einstein kết hôn với Mileva Maric, hai người từng có một kỳ nghỉ lãng mạn ở Italy. Khi Maric nhận ra mình mang thai, phần vì Einstein không có tiền để kết hôn, cũng như định kiến lúc bấy giờ về việc có con trước hôn nhân vẫn còn khá khắt khe, phần vì ông không thể chăm sóc cho đứa trẻ nên bà quay về nhà bố mẹ đẻ rồi sinh con. Theo đó, cô con gái Lieserl chào đời nhưng được cho là đã không qua khỏi do bệnh sốt ban đỏ hoặc đã được cho làm con nuôi.
Giải quyết vấn đề ly hôn
Mileva và Einstein ly hôn vào năm 1919, Einstein đã khá vênh váo tự phụ khi hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để với Mileva. Einstein để lại cho bà số thưởng từ giải Nobel. Có gì đó bất thường ở đây. Einstein đã không được trao giải Nobel cho đến năm 1921. Vì vậy, khi ông và Mileva ly dị, số tiền này thậm chí còn chưa xuất hiện cho đến 2 - 3 năm sau. Nhà khoa học cho rằng ông chắc chắn sẽ đem về nhà giải thưởng Nobel về vật lý học, tuy nhiên thời gian dài hơn so với tuyên bố ban đầu. Nhiều người nghĩ ông không nên quá tự cao như vậy, khiêm tốt là một đức tính tốt mà ông cần có.
FBI lập hồ sơ điều tra và cho rằng Einstein là gián điệp
Trong khi Einstein sống ở New Jersey nhiều năm và được công nhận là một công dân Hoa Kỳ, FBI vẫn giữ cái nhìn rất thận trọng với ông. Những sự kiện lịch sử mang tính chất nghiêm trọng xảy ra trong cuộc đời Einstein là Chiến tranh thế giới và "Đại suy thoái" - thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết thập niên 30. Einstein bị FBI khẳng định là người làm gián điệp cho Liên Xô nên đã bí mật lập hồ sơ theo dõi và điều tra để buộc tội ông. Hồ sơ điều tra của ông dài 177 trang, trong đó FBI chỉ trích ông nặng nề như là một kẻ vô chính phủ nguy hiểm.
Không bao giờ dự định sử dụng bom A
Einstein được lịch sử nhắc đến vì nhiều điểm sáng nổi bật, nhưng một số điều lại không dễ chịu chút nào. Có lẽ "khủng khiếp" nhất là bom nguyên tử. Tuy nhiên, Einstein chưa bao giờ tham gia Dự Án Manhattan để chế tạo bom tại Mỹ và ông không hề muốn nó được đưa vào sử dụng. Einstein tuyên bố yêu hòa bình trong suốt cuộc đời của mình.
Nhưng tên tuổi của ông cuối cùng lại gắn với vũ khí hạt nhân. Ông đã gửi nhiều lá thư cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt cảnh báo rằng Đức quốc xã đang chế tạo vũ khí nguyên tử. Ông viết về những tàn phá mà nó có thể gây ra. Đối với tình hình này, Mỹ đã bắt đầu tham gia chế tạo bom A và cuối cùng là hủy diệt Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản.
Theo người thành công, lostbird
Ly kỳ hành trình đi tìm đôi mắt không được hỏa táng của Einstein Thiên tài vật lý Albert Einstein qua đời ngày 18/4/1955 tại Mỹ. Bên cạnh bộ não, đôi mắt của nhà bác học thiên tài này không được hỏa táng. Bác sĩ nhãn khoa của Einstein được cho là người giữ đôi mắt của nhà bác học nổi tiếng thế giới này. Vào ngày 18/4/1955, thiên tài vật lý Albert Einstein qua đời ở...