Tiếp tục lùi Brexit: Mớ bòng bong bao trùm nước Anh!
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí kéo dài hạn chót Brexit thêm ba tháng, đến ngày 31/1/2020.
Thêm một lần nữa, nước Anh phải chờ đợi để quyết định về tương lai
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo EU đã thông qua đề xuất của Anh trong việc lùi thời hạn Brexit tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, gia hạn không đồng nghĩa với việc EU sẽ đàm phán lại bất kỳ một thỏa thuận nào trong tương lai.
Hội đồng châu Âu (EC) khẳng định chắc chắn rằng bất kỳ cam kết, tuyên bố hoặc hành động đơn phương nào khác của Vương quốc Anh phải phù hợp với tinh thần của thỏa thuận mới đạt được giữa Thủ tướng Boris Johnson và EU cũng như quốc gia này không được cản trở việc thực hiện thỏa thuận khi rời khỏi khối.
Khoảng thời gian gia hạn kéo dài 3 tháng này được cho là đủ để Thủ tướng Anh xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh thông qua một cuộc tổng tuyển cử.
Được biết, việc hai đảng Dân chủ -Tự do (Lib-Dem) và đảng Dân tộc Scotland đã thống nhất đưa ra đề nghị tổ chức tuyển cử đã thuyết phục được các nước EU rằng khả năng nước Anh tiến tới bầu cử là gần như chắc chắn. Chính vì vậy Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu vào đầu tuần tới để quyết định có tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 12/2019 hay không..
Video đang HOT
Cho đến nay, Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri và Thủ tướng Anh nói rằng, nếu giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, ông sẽ phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã đạt được với Brussels để đưa nước Anh rời khỏi EU đúng hạn.
Mặc dù không chắc chắn liệu ông Johnson có nhận được đủ số phiếu mà ông cần hay không, nhưng giới quan sát và các đảng đối lập vẫn tỏ ra hoài nghi về ý định của chính phủ xoay quanh câu chuyện Brexit khi nhiều chính trị gia nước Anh đang coi cuộc bầu cử là một con đường khác để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit.
Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành của Châu Âu tại Eurasia Group cho biết, khả năng đạt được một cuộc tổng tuyển cử tại Anh vẫn đang để ngỏ. Ông Johnson sẽ cần hai phần ba số Nghị sĩ trở lên bỏ phiếu ủng hộ để kích hoạt một cuộc bầu cử. Trong khi đó, Công đảng đối lập là đảng duy nhất chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Mặc dù lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn vẫn đưa điều kiện tiên quyết là chính phủ Anh phải loại bỏ hoàn toàn kịch bản Brexit không thoả thuận thì mới chấp nhận tổng tuyển cử. Tuy nhiên, việc EU gia hạn Brexit đến ngày 31/01/2020 đã xóa bỏ nguy cơ Brexit không thoả thuận có thể sẽ khiến ông Corbyn chấp nhận tổng tuyển cử.
Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng, sự bất ổn về Brexit cùng cuộc tổng tuyển cử sẽ tiếp tục đẩy nước Anh rơi vào tình trạng bất định với niềm tin của giới kinh doanh và người dân liên tục bị đổ vỡ. Việc trì hoãn Brexit cũng có nghĩa là Anh và EU sẽ có ít thời gian hơn để đàm phán một thỏa thuận thương mại.
Một khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, theo thỏa thuận đã được phê chuẩn, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp cho đến cuối năm 2020 hoặc có thể kéo dài đến cuối năm 2022. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cả hai bên sẽ tìm cách đàm phán một hiệp định thương mại.
Nhưng nếu cuộc tổng tuyển cử tại Anh diễn ra vào tháng 12, điều này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ đẩy nhanh tiến trình rời khởi EU mà khó có một thỏa thuận có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân!
Có thể thấy, nước Anh đang trải qua thời điểm biến động lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nghị viện Anh trong hơn ba năm qua đã bỏ phiếu chống lại tất cả: Chống lại thoả thuận Brexit của bà Theresa May (cựu Thủ tướng); đồng thời chống lại Brexit không thoả thuận, chống lại mọi kịch bản thay thế, và có khả năng chống lại cả việc bầu cử sớm của ông Boris Johnson.
Xét tổng thể các yếu tố nội – ngoại, nước Anh đang vướng vào một mớ bòng bong và chưa có dấu hiệu đạt được một sự đồng thuận hay chí ít là sự nhượng bộ giữa các bên để đi đến quyết định có hoàn hành Brexit. Vậy tương lai nào cho nước Anh?
Cẩm Anh
Theo enternews
EU xem xét trì hoãn Brexit thì chính phủ Anh sẽ tiến hành bầu cử sớm
Ngày 23/10, các nhà lãnh đạo EU đã cân nhắc liệu có nên cho nước Anh gia hạn thêm ba tháng Brexit hay không, và Thủ tướng Boris Johnson nói rằng nếu họ làm như vậy, ông sẽ tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào dịp Giáng sinh.
Nước Anh đã tiến gần hơn bao giờ hết đến thời điểm giải quyết vấn đề hóc búa của Brexit trong 3 năm qua, khi Thủ tướng Anh đồng ý một thỏa thuận mới với EU và đảm báo một tín hiệu sớm từ Nghị viện. Nhưng vẫn còn nhiều rào cản và khả năng chính phủ của Thủ tướng Johnson đưa ra cam kết "làm hay chết" để đưa Anh ra khỏi EU trước ngày 31/10 là chưa chắc chắn, sau khi Nghị viện Anh từ chối lịch trình ba ngày để ban hành thỏa thuận.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói trên Twitter rằng ông đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo EU xem xét lại một sự chậm trễ, điều mà chính phủ Anh không muốn nhưng đã bị Nghị viện buộc phải yêu cầu. Các quan chức châu Âu cho biết kịch bản rất có thể là khối liên minh sẽ đồng ý kéo dài thêm ba tháng, với việc Anh được phép rời khỏi EU sớm hơn nếu có thể ban hành luật nhanh hơn. Cũng có khả năng một số nước EU, đặc biệt là Pháp, có thể yêu cầu gia hạn ngắn hơn, có thể chỉ vài ngày hoặc vài tuần.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nếu EU trì hoãn Brexit đến cuối tháng 01 năm 2020 thì cần phải có một cuộc bầu cử ở Anh và điều này có thể được tổ chức trước Giáng sinh. Ông Johnson đã tạm dừng Dự luật sẽ thực hiện thỏa thuận mà ông đã đạt được với các thành viên khác của EU, sau cuộc bỏ phiếu kịch tính ngày 22/10, trong đó Nghị viện chấp nhận thỏa thuận về nguyên tắc nhưng từ chối thời gian biểu ba ngày để ban hành. Chính phủ cho rằng một lịch trình chặt chẽ là cần thiết để đáp ứng thời hạn vào tuần tới nhưng các nhà lập pháp cho biết họ cần thêm thời gian.
Đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ quyết định liệu thời hạn 31 tháng 10 có nên bị đẩy lùi hay không. Kết quả rất có thể là gia hạn cho đến ngày 31/01/2020, theo yêu cầu của London, với khả năng Anh ra khỏi EU sớm hơn, để kết thúc các quy trình pháp lý của mình. Về cơ bản ngay khi nước Anh sẵn sàng thì có thể ra đi. Một điều không chắc chắn là liệu Pháp có đồng ý hay không. Nguồn tin tại văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vào cuối ngày 22/10 rằng Paris đã sẵn sàng cho thêm vài ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh nhưng phản đối bất kỳ sự gia hạn nào ngoài điều đó. Ngày 23/10, các quan chức Pháp vẫn kiên định với quan điểm đó, bất chấp khuyến nghị của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về sự chậm trễ lâu hơn. Phía Pháp cho rằng việc chậm trễ có thể là một vài ngày, một vài tuần nhưng không thể kéo dài đến tháng 01.
Bất kỳ sự gia hạn nào cũng phải được thống nhất giữa EU 27. Họ đã đồng ý hai lần hoãn Brexit từ thời hạn ban đầu là 29/3 năm nay. Cả hai lần, nước Pháp đều phàn nàn nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Các đại sứ của EU 27 gặp nhau tại Brussels vào ngày 23/10 để xem xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và đề nghị về việc tìm kiếm sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo mang tính "thủ tục bằng văn bản". Thủ tướng Ailen Leo Varadkar, người ủng hộ gia hạn ba tháng, phát biểu trước Nghị viện rằng nếu không có sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo của EU27, họ có thể có một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 28/10 tới hoặc thậm chí ngay ngày 25/10. Thủ tướng Anh Johnson đã đề nghị sẽ thúc đẩy một cuộc bầu cử mới, vận động trên một nền tảng để "hoàn thành Brexit", nếu EU đồng ý trì hoãn ba tháng đầy đủ mà các nhà lập pháp buộc ông phải đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên, ông Johnson không thể tiến hành một cuộc bầu cử mà không có sự hỗ trợ của Đảng Lao động đối lập, họ đã gợi ý sẽ chỉ ủng hộ nếu thời hạn Brexit được kéo dài quá ngày bầu cử.
Việt Dũng
Theo congthuong
Anh và EU mâu thuẫn về việc giữ bí mật đàm phán Brexit EU cho rằng các yêu cầu của chính phủ Anh về việc phải giữ bí mật tuyệt đối các đề xuất liên quan đến Brexit là một bước lùi trong đàm phán. Mâu thuẫn giữa hai đoàn đàm phán Brexit của Anh và EU diễn ra hôm 20/9 sau khi chính phủ Anh yêu cầu phía EU không chuyển 3 tài liệu mật...