Tiếp tục kêu gọi hành động khẩn cấp và hợp tác toàn cầu vì mục tiêu khí hậu
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu ( COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo nhiều nước tiếp tục kêu gọi hành động khẩn trương và tăng cường hợp tác toàn cầu vì mục tiêu khí hậu.
Toàn cảnh Hội nghị COP28 tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong bài phát biểu tại COP28, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi hợp tác toàn cầu để đạt được các mục tiêu hành động khí hậu. Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những bước đi tham vọng hơn tại COP28, mở rộng phạm vi tham gia của tất cả các cộng đồng và tránh những hành động đơn phương”.
Cũng theo ông El-Sisi, các thách thức chính trị và quốc tế hiện nay là rất nghiêm trọng và có thể làm trầm trọng thêm những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Vì thế, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo là phải đưa ra cam kết mạnh mẽ, có tham vọng rõ ràng trong các hành động và thực hiện hành động của mình phù hợp với các thỏa thuận đã đạt được ở Paris. Điều này đòi hỏi các nước phải tuân thủ các cam kết và khuyến nghị khoa học, xem xét năng lực cũng như trách nhiệm lịch sử và hiện tại của mỗi quốc gia đối với các thách thức khí hậu hiện nay.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông El-Sisi đã chia sẻ kinh nghiệm của Ai Cập khi làm nước chủ nhà COP27 tháng 11 năm ngoái và cho biết về những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với đất nước Kim tự tháp. Ông một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động khẩn cấp tập thể để có thể bảo vệ Trái đất cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy phát triển xanh thân thiện với môi trường. Ông cho biết thêm những sáng kiến được đưa ra tại COP27, bao gồm Quỹ tài trợ cho các nước đang phát triển và Kế hoạch hành động chuyển đổi công bằng, đã mở đường cho việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó những cam kết tài trợ và những thỏa thuận đã thống nhất giữa các bên có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset cũng kêu gọi các nước hành động khẩn trương trong vấn đề khí hậu. Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Thụy Sĩ cho biết Tổng thống Alain Berset đã nhấn mạnh COP28 là thời điểm quan trọng, vì đây là lần đầu tiên tiến hành đánh giá về những tiến bộ đạt được kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris và là cơ hội cuối cùng để các nước hành động hướng đến mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, nếu cộng đồng quốc tế không có những hành động nhanh chóng và rõ ràng, tình hình sẽ không được cải thiện và cơ hội đạt được mục tiêu tăng dưới 1,5 độ C chỉ có thể đạt được khi tất cả các quốc gia chung tay.
Riêng với Thụy Sĩ, nước này cam kết sẽ xử lý những vấn đề liên quan đến việc giảm phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu và tài trợ cho các chương trình xanh về khí hậu.
Cũng trong chương trình làm việc tại Dubai, Tổng thống Alain Berset đã thông báo các khoản tiền hỗ trợ của Thụy Sĩ cho các chương trình bảo vệ môi trường trong 4 năm tới và kêu gọi ủng hộ các nghị quyết loại bỏ than vào năm 2040 và loại bỏ dầu khí vào năm 2050.
COP28: Đức nêu 3 yêu cầu đàm phán
Ngày 1/12, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cần đi đến kết quả hoàn tất thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, hơn là chỉ hướng đến việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP28 tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Baerbock cho biết, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai (UAE), Đức đề xuất 3 giải pháp gồm tăng gấp 3 lần mức tiêu thụ năng lượng tái tạo đến năm 2030, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và hoàn tất thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán tại COP28 cùng ngày đã công bố dự thảo đầu tiên của thỏa thuận LHQ về hành động vì khí hậu, trong đó kêu gọi các nước cắt giảm hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Dự thảo này do Anh và Singapore bảo trợ. Sự chia rẽ đã thể hiện rõ giữa các nhà đàm phán liên quan đến tương lai của nhiên liệu hóa thạch và các đề xuất về việc cắt giảm dần hoặc loại bỏ nhiên liệu này. Tuy nhiên, việc đưa đề xuất hạn chế sử dụng than, dầu và khí đốt vào một thỏa thuận cuối cùng về khí hậu đã nhận được sự ủng hộ lớn của các nhà đàm phán.
Theo giới quan sát, các thuật ngữ "loại bỏ" và "giảm dần" sẽ là chủ đề tranh luận trong thời gian tới.
Cùng ngày, phát biểu tại COP28, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi tất cả các quốc gia đoàn kết và hoàn thành các cam kết về khí hậu. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đồng thời đề xuất đăng cai COP33 vào năm 2028.
COP28 đang diễn ra ở UAE từ ngày 30/11 - 12/12 với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả". Sự kiện được coi là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu. Khoảng 70.000 người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện này. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây.
LHQ đề cao vai trò của quỹ bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu Ngày 30/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã ca ngợi quyết định được công bố tại Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) trước đó cùng ngày nhằm khởi động quỹ bồi thường thiệt hại để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh...