Tiền về kho vượt 1,2 triệu tỷ, khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn tăng
Thu ngân sách tháng 10 tăng mạnh so với tháng 9 do có nhiều khoản đến kỳ doanh nghiệp phải nộp.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước tháng 10 đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng mạnh đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng so với tháng 9.
Lý do, tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế theo chế độ được phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế gia trị gia tăng của doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý III chuyển nộp trong đầu quý IV).
Đồng thời, trong tháng 10 thực hiện thu vào ngân sách nhà nước khoảng 16 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đã hết thời gian được gia hạn.
Video đang HOT
Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường sau thời gian dài giãn cách.
Lũy kế thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ, trong khi đó thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu tăng khá cao. Thu từ dầu thô đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, bằng 143,6% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ; giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng đạt 65,6 USD/thùng, cao hơn 20,6 USD/thùng so với giá dự toán. Còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 190,25 nghìn tỷ đồng, đã vượt dự toán 6,6%, tăng 27,7% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 10 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 10 tháng đạt 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng có thặng dư.
Ước tính đến hết tháng 10/2021, ngân sách nhà nước đã chi 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 7,94 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để mua vắc-xin.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu sắp về đích
Ngày 2/11, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 10 là 314.845 tỷ đồng, đạt 99,95% dự toán, đạt 95,1% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 25,24% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết tổng thu ngân sách 10 tháng qua tăng mạnh, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, rủi ro cao nên để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức 335.000 tỷ đồng trong tình hình hiện tại, từ nay đến cuối năm, ngành hải quan tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong ngành tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung tăng cường các giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao. Tổng cục Hải quan khẳng định, đây là một trong các tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đối với các đơn vị.
Ngoài ra, các cục hải quan tỉnh, thành phố phải thường xuyên đánh giá tình hình thu nộp ngân sách tại đơn vị, rà soát nắm vững nguồn thu nhất là các nguồn thu chính của đơn vị.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị cần tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị cần rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.
Kịp thời giúp doanh nghiệp 'hồi sức', phát triển Nghị định 52/2021/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành được xem là "liều thuốc" quý giá giúp doanh nghiệp "hồi sức' trong bối cảnh bị "đuối sức" do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa Nghị định 52/2021/NĐ-CP (gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất...