Tiền Trung Quốc góp cho Philippines chỉ đủ mua…9 chai rượu
Đúng là Philippines đang chìm trong thảm họa thiên nhiên, nhưng hình ảnh của Trung Quốc cũng đang chìm trong “thảm họa danh dự”.
Trong lúc hàng trăm nghìn người tại Philippines đang vật lộn để tìm thức ăn, nước uống, chỗ trú ngụ và chôn cất xác người thân sau cơn bão Haiyan, Trung Quốc đã nhanh chóng trích ra từ kho dự trữ tiền tệ lớn nhất thế giới trị giá 3,7 nghìn tỷ USD của mình và trao cho Philippines…vỏn vẹn 100.000 USD (!).
Đó là khoản cứu trợ chính thức đầu tiên Trung Quốc gửi Chính phủ Philippines. Đến thứ 5 ngày 15/11, để “gỡ” lại danh dự trước làn sóng chê bai khắp thế giới, Trung Quốc vội vã chuyển đồ cứu trợ trị giá 1,6 triệu USD đến tâm bão. Nhưng hành động này không cứu vãn được danh dự của một cường quốc đang nổi nhưng mang tiếng “bủn xỉn”.
Một em bé trong trại tạm trú ở Tacloban, Philippines. (Nguồn: Theglobeandmail)
“Đúng là Trung Quốc còn nhiều dân nghèo, đúng là quan hệ Trung Quốc – Philippines đang căng thẳng, nhưng đó đường đường là “con rồng châu Á”, nếu được phép gửi ý kiến tới Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi sẽ khuyên ông điều ngay một nhóm cứu viện hùng hậu đến Philippines”, ông Ian Bremmer – Tổng Giám đốc tập đoàn Eurasia tại New York, chia sẻ.
Trong khi các nước đang dốc hầu bao quyên góp nhằm chia sẻ thiệt hại với nước bạn: Úc góp 28 triệu USD, Mỹ góp 20 triệu USD, Liên minh châu Âu góp 17 triệu USD, Anh góp 16 triệu USD, Nhật góp 10 triệu USD, Hàn Quốc góp 5 triệu USD, Vatican góp 4 triệu USD, Indonesia góp 2 triệu USD cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác, trong đó chỉ riêng các tổ chức tại Mỹ đã quyên góp được 300 triệu USD trị giá viện trợ.
100.000 USD của Trung Quốc chỉ đủ mua 9 chai rượu loại này. (Ảnh: BP)
Vậy mà số tiền cả Trung Quốc gửi đi chỉ bằng số tiền nghệ sỹ trượt băng nghệ thuật Hàn Quốc Kim Yu-na đóng góp, 100.000 USD chỉ đủ để mua…9 chai rượu 2006 Romanee-Conti.
Video đang HOT
Đặt lên bàn cân so sánh với nhiều nước khác, sự “nhỏ mọn” của Trung Quốc càng lộ rõ thêm. New Zealand có nền kinh tế quy mô GDP 167 tỷ USD, chỉ bằng một góc con số 8,4 nghìn tỷ USD tại Trung Quốc. Nhưng Chính phủ Wellington đã chung tay quyên góp được 1,7 triệu USD.
Nguyên nhân do đâu?
Mối bang giao chặt chẽ giữa chính phủ Manila và Washington từ lâu đã khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên. Tổng thống Philippines – ông Benigno Aquino cũng kiên quyết không lùi bước trước sự xâm lấn của Trung Quốc tại khu vực biển Đông, và làm Bắc Kinh nổi giận khi đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài Liên hiệp quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Nhưng đây hoàn toàn là vấn đề chính trị riêng rẽ.
Ông Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị Đại học Hồng Kông chuyên nghiên cứu mối quan hệ của Trung Quốc với Đông Nam Á, phát biểu: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội thể hiện lòng hào hiệp của mình. Khoản viện trợ ít ỏi đó không thể cải thiện mối quan hệ vốn đã mong manh (với Manila)”.
Để tự chữa ngượng, Trung Quốc đã gửi thêm 200.000 USD tới Philippines qua Hội chữ thập đỏ. Nhưng kể cả vậy, tổng cứu trợ của nước này còn ít hơn khoản nhận được từ chính Philippines trị giá 450.000 USD khi động đất Tứ Xuyên xảy ra năm 2008. Cho đến bây giờ, tổng khoản cứu trợ của Trung Quốc vẫn ít hơn khoản tiền 4,88 triệu USD nước này gửi Pakistan sau trận động đất xảy ra 2 tháng trước.
“Quyền lực mềm”
Sự việc này, nhìn trên góc độ vĩ mô, thuộc một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc không tạo dựng được hệ thống “quyền lực mềm”. Thay vì dùng văn hóa, chính sách ngoại giao khôn khéo để kết thân với các nước trên thế giới, Trung Quốc chỉ dùng tiền. Trung Quốc rót rất nhiều tiền đầu tư vào các nước như xây dựng đường sắt tại Indonesia, hầm ngầm tại Brazil, điện lực tại Campuchia, thủy điện tại Lào, cầu đường tại Việt Nam, đường sá tại Zambia, nhà máy tại Malaysia, sân bay tại Myanmar, dàn khoan tại Uzbekistan, nhưng đổi lại, Trung Quốc muốn nắm toàn bộ quyền chi phối. Đó cũng là thông điệp Trung Quốc đang gửi đến Philippines.
Chuyên gia về các vấn đề thương mại Arvind Subramanian của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington nhận định: “Trung Quốc sẽ rất hùng mạnh, nhưng theo một cách lập dị”, nước này chỉ có thể thâu tóm vật chất chứ không phải tình cảm từ thế giới. “Họ sẽ không bao giờ đạt được thứ quyền lực mềm mà Mỹ có – mọi người muốn tới Mỹ, sống ở Mỹ”.
Có lẽ Trung Quốc đừng nên viện trợ Philippines, có lẽ ông Tập Cận Bình nên giữ khoản tiền đó lại và thuê cho Trung Quốc một công ty quảng cáo cộng đồng. Bởi lẽ đúng là Philippines đang chìm trong thảm họa thiên nhiên, nhưng hình ảnh của chính Trung Quốc cũng đang chìm trong “thảm họa danh dự”.
Theo Diên đan Đâu tư
Tìm kiếm vợ con trong tuyệt vọng sau bão Haiyan
William Talley ngồi lặng trước máy tính hàng giờ đồng hồ, bấm vào bất kỳ bức ảnh nào anh nhìn thấy về những nơi cơn bão Haiyan đi qua ở Philippines. Bị mắc kẹt cách đó gần 13.000 km, anh bất lực vì không thể đi tìm vợ và con gái ba tuổi.
William Talley và vợ con đang mất tích. Ảnh: CNN
"Bây giờ trong đầu tôi cứ vang vọng tiếng con gái gọi 'papa, papa'", Talley, đang ở bang Tennessee, Mỹ, nói.
Rose, vợ anh, cùng con gái Wilrose sống ở Guiuan, một nơi được ví như thiên đường nhiệt đới thuộc tỉnh Đông Samar, nơi cơn bão Haiyan đổ bộ đầu tiên ở Philippines. Cả khu vực này đều bị san phẳng sau bão.
"Tôi mới xây nhà năm ngoái trên một hòn đảo ngoại ô thành phố. Tôi tưởng tượng bây giờ mọi thứ đều đã biến mất", Talley nói. Hình dung của anh hoàn toàn đúng.
"Tất cả đều bị phá hủy, 100%", thị trưởng Guiuan Christopher Gonzales nói. Toàn bộ cộng đồng 50.000 dân đều không còn nhà cửa.
Talley đang cố gắng thử mọi cách để liên lạc với Rose, gọi điện đến tất cả các số ở Guiuan, đến bạn bè và những nơi khác ở Philippines, đồng thời dùng những công cụ trực tuyến được thiết kế để giúp tìm người thân. Tuy nhiên, tất cả đều vô vọng cho tới lúc này.
"Đau đớn. Đau đớn lắm", anh nói. "Tôi thực sự lo lắng cho vợ con. Nếu có chuyện gì xảy ra với Rose thì ai sẽ chăm sóc con tôi? Tôi cũng mất liên lạc với con gái rồi".
Nỗi đau khổ của Talley nhận được sự chia sẻ từ hàng nghìn người trên khắp thế giới. Với hơn 4.400 người được xác nhận đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người đang đấu tranh để sinh tồn, những người thân trên khắp thế giới của các nạn nhân đều đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, cầu nguyện cho một phép màu và lo sợ những điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, Talley, 40 tuổi, có một nỗi niềm khác mà rất ít người có thể chia sẻ cùng. Anh từng là một người vô gia cư và lớn lên trên đường phố Los Angeles.
"Đó là lý do tại sao tôi lo lắng cho con mình", anh nói. "Tôi không muốn con tôi phải sống như tôi ngày xưa".
Talley, người từng là một người lính cứu hỏa, cuống quýt hỏi mọi người trên một diễn đàn xem có ai đang tổ chức cứu trợ các nạn nhân của bão Haiyan không. "Tôi muốn ở đó và tham gia cứu trợ. Dùng các kỹ năng mà tôi có để giúp đỡ những người bị thương, bị lạc và mất nhà cửa, cũng như thiết lập các phương tiện liên lạc để mọi người có thể nắm bắt tình hình của thân nhân. Tôi cũng cần có mặt ở đó vì gia đình tôi và sẽ làm tất cả những gì có thể".
Nhưng thậm chí dù điều đó là có thể, thì Talley cũng đối mặt với một trở ngại lớn khác, cũng là lý do khiến ở anh ở Tennessee. Talley bị chấn thương mắt cá chân và đầu gối. Anh đang chờ để thay đầu gối. Anh đã ở Gallatin, ngoại ô Nashville, thủ phủ bang Tennessee, được 4 tháng để điều trị và chờ phẫu thuật.
Chấn thương mắt cá bắt nguồn từ năm 2008, khi anh đang làm cho Ban Quản lý Cháy rừng của Mỹ. Vào một ngày trời gió, anh đang đốn một cái cây ở Whiteriver, bang Arizona, thì bị cây đè vào người, làm vỡ mắt cá chân. Talley không thể tiếp tục làm việc và phải nhận trợ cấp kể từ đó.
Anh quen Rose, hiện 41 tuổi, qua mạng, sau đó đến Philippines để gặp trực tiếp cô. Rose lớn lên trong một gia đình nghèo. Cô ở một hòn đảo có trang trại trồng dừa lớn. Các thành viên trong gia đình cô đều là ngư dân và nông dân. Khi Talley gặp Rose, cô đang làm thu ngân.
Họ yêu rồi cưới nhau và kết hợp tên mình để đặt cho con gái đầu lòng là Wilrose. Năm ngoái, anh bị ngã xe và vỡ đầu gối, cũng ở chiếc chân phải đang bị chấn thương mắt cá.
Lần cuối Talley nói chuyện với Rose là cách đây 11 ngày. "Tôi nói rằng tôi nhớ cô ấy biết nhường nào và tôi yêu vợ con mình biết bao", anh nói.
"Thật tồi tệ. Tôi không thể tập trung được", anh nói thêm. "Hôm nay tôi phải đến bác sĩ và sẽ bảo ông chữa trị nhanh cho tôi, vì tôi biết tôi phải làm gì. Tôi sẽ sang Philippines".
Theo VNE
Tác nhân nào gây nên các thảm họa thiên tai? Thiên nhiên và con người là hai tác nhân chính gây nên các thảm họa thiên tai trên thế giới mà mới đây nhất là trậnSiêu bão Haiyan - cơn bao nhiêt đơi được cho là mạnh nhất thế giới diễn ra trong năm nay - vừa quét qua Philippines để lại hậu quả thảm khốc. Trong một nghiên cứu về thảm họa...