Tiền thừa ngân hàng chảy vào đâu?
Dòng tiền dư thừa tại các ngân hàng đang tìm nhiều lối ra mới để bù đắp nguồn thu trong giai đoạn khó khăn.
Trong 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỉ đồng thanh khoản. Ảnh: Thiên Ân
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỉ đồng thanh khoản. Tính riêng tại TP.HCM, tính đến hết tháng 8, huy động vốn đạt hơn 2,66 triệu tỉ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, vốn huy động tăng lên trở thành sức ép khiến lãi suất huy động tiếp tục giảm. Khảo sát chung cho thấy, trong tháng 8, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm từ 0,2-0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn và 0-0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dài. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 0,5-2,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong gần 8 tháng từ đầu năm, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm khoảng hơn 346.600 tỉ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỉ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập niên qua. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp suy kiệt, thu hẹp hoặc đóng cửa nên khả năng hấp thụ vốn rất thấp.
Video đang HOT
Theo đánh giá của SSI, chênh lệch huy động và tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng nên lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp trong thời gian tới. Tính đến ngày 26.8, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với cuối năm 2019, trong khi tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất đã giảm sâu.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng nửa đầu năm nay lên tới hơn 246.000 tỉ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỉ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày từ đầu năm có khoảng 1.367 tỉ đồng được người dân gửi vào ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, giải thích người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm dù lãi suất liên tục giảm. Bởi vì, so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đang biến động mạnh, bất động sản trầm lắng, tỉ giá VND/USD có xu hướng giảm… gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và sinh lời tốt.
Khi nguồn vốn của các ngân hàng đều dồi dào, khiến nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng thấp kỷ lục. Trong nghiệp vụ cho vay liên ngân hàng, lãi suất nhiều thời điểm chỉ 1%/năm kỳ hạn 3 tháng, trong khi lợi tức của các kênh đầu tư an toàn khác cũng đang rất thấp. Nếu tình hình này tiếp diễn, tín dụng không thể đẩy ra, ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.
“Do hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu đi, Vietcombank sẽ chuyển đổi hoạt động tín dụng an toàn, bền vững. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm nay của Vietcombank là hạ cánh mềm 10%. Trong quan điểm điều hành, Vietcombank định hướng tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và chuyển dịch cơ cấu nâng cao chất lượng hiệu quả”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, nói.
Với lượng vốn dư thừa, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, ngân hàng buộc phải tìm đầu ra. Một số ngân hàng đầu tư chứng khoán nợ (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, tín phiếu và một số giấy tờ có giá khác). Chỉ tính trong 6 tháng, các ngân hàng đã mua vào hơn 28.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 40% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 6 tháng đầu năm.
Cũng do tình trạng thừa vốn mà khó cho vay, các ngân hàng đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ. Trong 8 tháng qua, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng hơn 183.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành 65% kế hoạch phát hành năm 2020.
Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ trong thời gian tới có thể sẽ giảm hấp dẫn khi tín dụng phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm nay. Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê, có tới 49% tổ chức tín dụng kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng những tháng sắp tới; tiếp đến là bán buôn bán lẻ (47%) và xây dựng (40%). Đáng chú ý, xuất nhập khẩu được nhiều ngân hàng thương mại đánh giá là động lực lớn nhất để tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất tăng tín dụng cho các ngân hàng bằng cách tăng cường cho vay thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng. Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn thông qua các quỹ này không trả được nợ cho ngân hàng thì quỹ đứng ra bồi thường khoản đó cho ngân hàng.
“Chúng ta phải xem đây như là chi phí của nền kinh tế để cứu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Khi quỹ có nguồn vốn đủ mạnh, có cơ chế đặc biệt, các ngân hàng cũng mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, Tiến sĩ Hiếu cho biết
Dự báo tín dụng khó tăng cao trong những tháng cuối năm
Số liệu thống kê tại một số thành phố lớn cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong những tháng vừa qua đạt tỷ lệ khá thấp.
Tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua đạt tỷ lệ khá thấp. Ảnh minh họa: TTXVN
Mặc dù các ngân hàng đang triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của COVID-19, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đang ở mức thấp. Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng tín dụng khó tăng cao trong những tháng cuối năm.
Số liệu thống kê tại một số thành phố lớn cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong những tháng vừa qua đạt tỷ lệ khá thấp. Tại Tp. Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng trong 8 tháng ước tăng 3,68% so với thời điểm cuối năm 2019. Còn ở khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt khoảng 4,7%.
Tăng trưởng tín dụng tại tất cả các ngân hàng đều có sự giảm tốc so với cùng kỳ. Tuy vậy, chênh lệch ở mỗi ngân hàng hiện là khác nhau.
Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nếu từ nay đến cuối năm, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tích cực, khả năng tăng trưởng tín dụng có thể gần đạt mục tiêu đề ra. Ngược lại, trong trường hợp dịch vẫn còn dấu hiệu phức tạp thì khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Tại Sacombank, tăng trưởng tín dụng cũng mới đạt khoảng 6% trong 8 tháng qua. Dù cao hơn mức bình quân của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng trên 10%) và chưa tới 50% chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước cấp trong năm 2020.
Trong một báo cáo mới đây về ngành ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đang chậm lại trong bối cảnh suy giảm kinh tế và các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc cho vay.
Đợt dịch COVID-19 lần 2 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân. Nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh hiện nay đang ở mức thấp, mặc dù nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đã được đưa ra. Các ngân hàng không hạ tiêu chuẩn cho vay do e ngại rủi ro, dè dặt hơn trong việc cung ứng vốn ra cho thị trường nhằm giữ chất lượng tài sản chống chọi qua thời gian khó khăn.
Bên cạnh đó, sự suy giảm tín dụng này một phần đến từ toàn hệ thống cẩn trọng hơn trong việc cho vay, tập trung vào cho vay các doanh nghiệp lớn. Trong nửa năm nay, các ngân hàng giảm tỷ trọng cho vay vào cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn. Việc tập trung vào cho vay mảng ít rủi ro hơn sẽ giúp các ngân hàng tránh được các cú sốc về nợ xấu. Điều này cũng giảm cung vốn tín dụng ra cho thị trường. Do vậy, BSC dự báo, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 9%.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng ước tính, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5 - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 11-14%.
Theo SSI, nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng.
Trong thời gian tới, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước. Tăng trưởng huy động ước tính tiếp tục duy trì mạnh mẽ, tạo thanh khoản dồi dào cho ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2020.
Dù tăng trưởng tín dụng thấp, song các ngân hàng cũng cho biết không thể mở rộng điều kiện cho vay mà phải thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, "trong quá trình xử lý, tùy vào lịch sử tín dụng, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ có giải pháp hỗ trợ cụ thể đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hồi phục, duy trì sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn dựa trên quản lý dòng tiền doanh nghiệp đang là phương án mà ngân hàng này triển khai để tháo gỡ phần nào bài toán tiếp cận vốn của doanh nghiệp liên quan đến tài sản thế chấp, đồng thời, hạn chế nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới", ông Tuệ cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù trong những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do COVID-19 mang lại.
Tuy nhiên, thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi và chất lượng tốt mà các ngân hàng đang triển khai, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng nguồn vốn hỗ trợ sẽ được đưa tới doanh nghiệp kịp thời, qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên 10% vào cuối năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các ngân hàng mở rộng tín dụng đến tất cả các doanh nghiệp, thành phần kinh tế. Tuy vậy, điều kiện và tiêu chuẩn tín dụng vẫn phải đảm bảo, để chất lượng tín dụng tốt nhất, hạn chế nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới.
"Chúng tôi đang mở rộng tín dụng theo hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và các mục tiêu cơ cấu lại hoạt động doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngành ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp triển khai các phương án kinh doanh.
Do vậy, trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19, điều kiện thế chấp tài sản có thể sẽ được nới lỏng hơn, song cũng đòi hỏi doanh nghiệp cho ngân hàng quản lý dòng tiền doanh nghiệp. Chỉ có quản lý dòng tiền, doanh nghiệp công khai minh bạch nguồn tài chính thì khả năng thu hồi nợ của ngân hàng mới được đảm bảo, chất lượng tín dụng mới được giữ vững và ổn định ở mức thấp", ông Minh nói.
Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều năm nay, phương án cho vay dựa trên quản lý dòng tiền của doanh nghiệp được nhiều ngân hàng triển khai. Đây cũng là một trong những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nằm trong chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng ở Tp. Hồ Chí Minh./.
Nhiều ngân hàng được thêm "room" tín dụng: Tăng dư địa cấp vốn Trước tình hình tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, nhiều ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng. Nhiều ngân hàng tầm trung được nâng room tín dụng lên mức 19-23%. Ảnh: Internet Tính đến ngày 28/7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 3,45%...