Tiền mất tật mang vì nối mi
Việc nối mi có thể gây ra những tác hại khôn lường mà chị em cố tình nhắm mắt bỏ qua.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp làm đẹp cứu nguy cho những chị em có hàng mi ngắn ngủn, ví dụ như nối cho lông mi dài hơn. Những hậu quả do nối mi để lại có thể là mất mi thật hoặc mắc các bệnh về mắt, thậm chí hỏng mắt.
Nối mi giả mất luôn mi thật
Hơn 1 năm nay Tuyền, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, luôn phải “khoác” bộ mi giả ngay cả khi đi ngủ. Tuyền kể lại, trước khi về ăn Tết 2011, được bạn bè rủ đi nối mi, cô đã bỏ ra một khoản tiền không ít để thực hiện theo. “Đẹp” chưa được bao lâu mi giả bắt đầu rụng và kéo theo cả mi thật. Một thời gian sau, trên đôi mắt Tuyền không còn sợi mi nào, trông rất phản cảm. Điều đáng buồn là, sau khi làm các xét nghiệm bác sĩ chuyên khoa mắt đã kết luận lông mi của Tuyền khó có khả năng mọc lại, có thể cô phải dùng mi giả để che khuyết điểm suốt đời.
Theo các bác sĩ, việc lông mi của Tuyền bị rụng hết là do những sợi mi nối bị khô và chết đi. Bình thường, việc cấy mi nếu thực hiện trên cùng chủ thể mi thì mi giả có thể sống được do có cùng hệ miễn dịch như mi thật và không bị đào thải. Nhưng kĩ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo. Nếu không sẽ làm cho hai loại mi không “hợp” nhau, mi giả bị chết và rụng đi, mi thật cũng rụng theo.
Video đang HOT
Nối mi tại một tiệm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM
(Ảnh T.T.D – Tuổi trẻ)
Sưng viêm giác mạc, phù kết mạc
Rụng hết lông mi chỉ là một hậu quả của việc nối mi. Nếu việc nối mi không được thực hiện cẩn thận còn có thể gây nguy hiểm cho mắt.
Chị Ngọc Thu ở Long Biên đến Bệnh viện Mắt trung ương trong tình trạng hai mắt sưng to không mở được. Bác sĩ kết luận chị bị phù kết mạc phải nằm viện điều trị kháng sinh và theo dõi. Chị Thu thú nhận, trước đó chị đi nối mi nhưng khi ra về chị gặp mưa nhỏ nên lớp keo dán chảy xuống mắt và bị sưng như vậy.
Bác sĩ cho biết, chị Thu là một trong những người có cơ địa dễ bị dị ứng và lẽ ra, chị không nên làm dịch vụ này. Vì khi chất gây dị ứng lọt vào trong mắt thì sẽ gây phù nề mắt, thậm chí còn bị viêm giác mạc. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để theo dõi và điều trị.
Còn chị Hồng Ngân ở Đông Anh lại bị viêm giác mạc vì trong quá trình nối mi chị liên tục chảy nước mắt khiến cho chất keo ngấm dần vào mắt. Ngay sau hôm nối mi chị đã thấy có dấu hiệu ngứa, nóng rát ở mắt. Không chậm trễ, chị đến ngay viện Mắt và đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Ảnh minh họa. (Internet)
Nối mi: Lợi – hại đến đâu?
Phương pháp làm đẹp nào cũng có hai mặt. Nối mi có thể giúp bạn có đôi mắt đẹp hơn nhưng cũng tiềm ẩn biết bao nguy hại.
Nối mi thuộc loại tiểu phẫu. Kỹ thuật nối mi được thực hiện bằng cách nối một sợi mi từ bên ngoài vào chính sợi mi thật. Việc nối mi được thực hiện trực tiếp trên lông mi bằng chất liệu kết dính và có thể kéo dài trong khoảng 6 tuần. Các loại keo này chứa chất kích thích nguy hiểm. Lặp đi lặp lại việc nối dài mi sẽ gây ra bệnh rụng mi (rụng cả mi thật). Điều này có thể dẫn đến tổn thương các nang lông, đồng thời làm chậm, thậm chí khiến quá trình phát triển lông mi bị ngưng trệ.
Hơn nữa, do yêu cầu của việc nối mi là phải dùng keo dán, nên phải 24 giờ sau vùng mi được nối mới hoàn toàn khô hẳn, nếu lỡ tay dụi vào mắt thì keo dính vào niêm mạc mắt rất nguy hiểm, nhiều trường hợp gây sưng, viêm nặng. Nhiều khi những sợi mi nối bị khô, chết và rụng đi, kéo theo cả những sợi mi thật cũng rụng theo, làm cho mắt mất đi lớp mi bảo vệ tự nhiên.
Ngoài ra, người nối mi cũng tuyệt đối không được để nước thấm vào vùng mi mắt, vì nếu không lớp keo dán sẽ bung ra, trông lem nhem và các sợi mi sẽ bị dính bết vào nhau.
Theo VNE