Tiền lẻ đua nhau ‘đội giá’: Ai xử phạt người vi phạm ?
Ngày 26 Tết âm lịch, sự khan hiếm của tiền mệnh giá nhỏ khiến mức chênh lệch đổi loại tiền này tăng cao. Đắt nhất là tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng, tăng dao động 200- 400%.
Tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng không có sẵn thậm chí còn khan hiếm do nhu cầu sử dụng cao. Tại các địa điểm chuyên đổi tiền tại Hà Nội như phố Đinh Lễ, Phủ Tây Hồ, phố Hà Trung, Chùa Hà… việc đổi tiền lẻ diễn ra sôi động.
Với đồng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng phí đổi được một chủ cửa hàng trên phố Hà Trung “hét” lên tới 1 triệu đồng (100 tờ mệnh giá 500 đồng, khách mất phí thêm 500.000 nghìn đồng). Tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, chênh lệch đổi có thể lên đến 25% – 30% do Ngân hàng nhà nước không in tiền mới. Tiền USD mệnh giá nhỏ khách hàng phải trả phí khoảng 18% đến 30% cho tiền mệnh giá 1USD hoặc 2 USD tùy theo seri và năm in. Với tiền mệnh giá 1.000 đồng, mức đổi là 10 “ăn” 6; còn 2.000 đồng là 10 “ăn” 8. Với những tiền mệnh giá lớn hơn, phí đổi sẽ thấp hơn.
Sự khan hiếm của những tờ tiền lẻ mới trên chợ đổi tiền là khá dễ hiểu. Nhiều năm trở lại đây, NHNN chủ trương không phát hành nhiều tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán, nhằm tránh lãng phí và tiêu cực phát sinh.
Thực tế việc đổi tiền lẻ đang diễn ra công khai ngay các cơ sở thờ tự, chùa chiền, lễ hội… Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa là có địa chỉ, số điện thoại chỉ cần thống nhất giá cả, địa điểm sẽ có người mang tiền đến tận nơi, với số tiền cần đổi không hạn chế… Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật cấm nhưng một số người vẫn hoạt động ngang nhiên, công khai mà không bị xử lý?
Video đang HOT
Theo một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra công khai, ngày càng phức tạp chủ yếu là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, các lực lượng công an, quản lý thị trường, ngân hàng chưa vào cuộc rốt ráo. Đặc biệt chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Việc này đòi hỏi các cấp ngành đặc biệt các lực lượng như công an, quản lý thị trường và ngân hàng cũng vào cuộc. Mặt khác, cũng cần xem xét việc các tổ chức tín dụng đã quản lý tốt số tiền có mệnh giá nhỏ được phân phối, phát hành hay chưa”, vị chuyên gia lưu ý.
Về phía NHNN, cơ quan này đã có giải pháp gì nhằm hạn chế những tiêu cực nêu trên? Cục phát hành kho quỹ NHNN cũng tái khẳng định với PV Tiền phong: Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa các loại tiền mới in 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông như các năm trước đây, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện không đưa ra loại tiền 10.000 đồng mới in. Tuy nhiên, các loại tiền có mệnh giá từ 10.000đ trở xuống đã qua lưu thông đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn tiếp tục được cung ứng bình thường, đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
“Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm liên quan đến đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngoài thị trường theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc sai phạm, lợi dụng tiếp tay đổi tiền hưởng lợi bất chính của cán bộ trong ngành ngân hàng.”, đại diện NHNN khẳng định.
KHÁNH HUYỀN
Theo tienphong.vn
Nhân viên ngân hàng nháo nhào tìm nguồn tiền mới đổi cho khách quen
Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, tiền mới để lì xì không dồi dào như trước nên nhiều nhân viên ngân hàng đang phải tất bật tìm nguồn tiền để đổi cho khách hàng thân thiết, người thân, bạn bè...
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng in mới ra thị trường dịp Tết Nguyên Đán 2019 và đây là năm thứ 6 liên tiếp cơ quan quản lý áp dụng chính sách này.
Theo đó, nhiều nhân viên ngân hàng thương mại cho biết việc đổi tiền lẻ không dễ như mọi năm, nhất là tiền mới mệnh giá nhỏ.
Là nhân viên tín dụng của một ngân hàng quốc doanh tại TP HCM nhiều năm, anh Hoàng có mối quan hệ khá rộng với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, cộng thêm người thân, bạn bè biết làm ngân hàng nên ai cũng nhờ đổi dùm tiền mới.
"Hạn mức tiền lẻ mới cấp cho mỗi cán bộ nhân viên năm nay ít hơn nên tôi phải tính toán, cân đong, không thoải mái như trước. Tiền lẻ in mới mệnh giá 10.000 đồng và dưới 10.000 đồng không nhiều, trong khi ai cũng muốn đổi để đi chùa, chi tiêu lặt vặt. Ngân hàng lại chi cho tiền 200.000 đồng mới nhưng mệnh giá này không nhiều người có nhu cầu" - anh Hoàng than.
Nhiều người phải đổi tiền mới mệnh giá 20.000 đồng, vì mệnh giá 10.000 đồng khan hiếm. Ảnh: Linh Anh
Một số nhân viên ngân hàng khác không được chia định mức nhiều buộc phải nhờ các mối quan hệ riêng, xoay sở để kiếm tiền lẻ mới. Chị Nga, nhân viên phòng kinh doanh ngoại hối, một ngân hàng cổ phần tại TP HCM, cho biết mấy ngày nay phòng chị nháo nhào lên vì đổi tiền lẻ, có người được người thân, bạn bè nhờ đổi tổng cộng 500-600 triệu đồng.
"Tôi phải nhờ mọi mối quan hệ mới đổi được khoảng 400 triệu đồng tiền lẻ nhưng vẫn không đủ vì nhu cầu lớn hơn rất nhiều. Năm nay, tiền mới có vẻ khan hiếm và đổi khó hơn mọi năm" - chị Nga nói.
Khan hiếm nhất trong dịp Tết năm nay là tiền mới mệnh giá 10.000 đồng. Nhiều người có nhu cầu đổi nhưng không có, sau đó phải chọn đổi qua mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng... Ghi nhận tại quầy giao dịch của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM những ngày cận Tết, nhiều người có nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá 10.000 đồng cũng không được đáp ứng, chủ yếu là tiền 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết tiền lẻ mới dịp Tết có ít hơn mọi năm nhưng không thiếu và mọi nhu cầu về tiền mặt của các tổ chức tín dụng đều được đáp ứng. Trong năm, cơ quan này đáp ứng đầy đủ cơ cấu các mệnh giá tiền nên không có chuyện thiếu, tiền mới được chi đều ra các tháng trong năm, thay vì dồn vào cuối năm như những năm trước.
Dù vậy, dịp cuối năm nhu cầu tiền lẻ để thanh toán trên địa bàn tăng nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã có công văn xin chi thêm một lượng tiền lẻ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các đơn vị bán lẻ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Trước đó, đại diện Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước thông tin, từ tháng 11-2018, cơ quan này đã có chủ trương không đưa thêm lượng tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng ra thị trường, cả trong dịp Tết Nguyên Đán. Cụ thể là không đưa tiền in mới mệnh giá 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông, giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách.
Thái Phương
Theo nld.com.vn
"Nóng" dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết Dù hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới với mục đích kiếm lời bị cấm nhưng hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra trong nhiều năm qua. Với kết quả không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp tháng 12 và tháng Giêng, dự kiến Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được chi phí cho ngân sách...